Chỉ trong 7 ngày qua, đội bóng của Chúa lại đón thêm 2 nhân vật tài danh khác: Paolo Rossi và Gerard Houllier, khi mà cái chết của Diego Maradona vẫn còn ám ảnh sân cỏ thế giới.
Ngẫm thì cả 2 không hề liên quan đến nhau, khi một là cầu thủ người Italia, còn vị kia là HLV người Pháp. Nhưng chỉ dẫn từ lịch sử lại cho thấy, họ đều là những nhân vật góp phần vào sự hồi sinh bóng đá ở những nơi mình từng phục vụ.
Paolo Rossi và ánh hào quang mùa hè 1982
Hãy nói về Paolo Rossi, người mà đến lúc ra đi khiến cả Italia vẫn gọi ông trìu mến là “Pablito” hay tiểu Paolo, nickname gợi nhớ đến “Cậu Bé Vàng” từ Vicenza khiến cả nước Ý bị mê hoặc vào cuối thập niên 70.
Ở bên ngoài biên giới Italia, thì họ lại nhắc nhiều đến cụm từ Tononero – Espana 82 khi nhắc về Paolo Rossi, một là cay đắng, một vinh quang.
Nhưng lạ ở chỗ, người Ý chả quan tâm lắm đến vụ cá độ đình đám kia khi Rossi bị cáo buộc là thành tố tham gia. Ngược lại, cú Hattrick để đời vào lưới Brazil vẫn là thành tựu khó để hậu bối nào vượt qua ông trong lịch sử Azzurri.
Nói là thành tựu, khi chiến tích này đến vào thời điểm Calcio bị chao đảo bởi sự xập xệ của cả nền bóng đá, khi những Scandal thiêu rụi những tinh hoa của người Ý khi từ Lazio, Milan, Perugia (đội bóng mạnh cuối thập niên 70) đều nhúng chàm. Hệ quả là chỗ đứng của người Ý trở nên hèn mọn tại Cúp Châu Âu lẫn cấp ĐTQG.
Thế nên, chiến tích vô địch Espana 82 được xem như bước ngoặt vực dậy Calcio khi ấy để sau đó Serie A hồi sinh và trở thành trung tâm của sân cỏ thế giới. Vì lẽ đó, dù đã vô địch thế giới đến 4 lần, nhưng khó kỳ tích nào sánh được với ánh hào quang mà Paolo Rossi và các đồng đội làm được ở mùa hè 1982.
Gerard Houllier – gạch nối Liverpool thời hậu Heysel
Với Gerard Houllier, người ngoài cuộc hẳn cũng không nhớ đến ông là mấy. Nhưng kỳ thực, vị HLV đạo mạo người Pháp chính là gạch nối trong cuộc chuyển giao lịch sử giữa Liverpool thời hậu Heysel và kỷ nguyên hiện đại.
Như Jamie Carragher, trò cũ của Houllier cảm thán rằng, Rafa Benitez sẽ không thể kiến tạo một Istanbul bất tử nếu không có những người học trò được chăm bẵm bởi HLV người Pháp. Đấy là Steven Gerrard, Vladimir Smicer, Jerzy Dudek, Sami Hyypia và chính Carragher.
Bởi nên nhớ, giai đoạn những năm 90 chứng kiến sự suy tàn của The Kop, khi đế chế “Boot Room” mà những tượng đài như Bill Shankly, Bob Paisley, Joe Fagan, Kenny Dalglish kiến tạo bước vào buổi hoàng hôn. Cùng với sự vươn lên của Manchester United, Arsenal khiến Liverpool trở nên lạc hậu khi bị đánh bật khỏi những cuộc đua tranh cao quý nhất.
Cú ăn ba ở mùa giải 2000 – 2001 đánh dấu kỷ nguyên chiến thắng hồi sinh ở Anfield. Trong đó, Ballon D’or 2001 của Michael Owen còn mang đến niềm tự hào cho cả nước Anh. Khi Rafa Benitez đến vào năm 2004, ông không phải xây dựng lại quá nhiều với nền tảng vững chắc mà người tiền nhiệm để lại.
Cuộc sống thì phải hướng về tương lai nhưng quá khứ lại là thứ để chúng ta tự hào khi nhìn vào di sản của thế hệ cha anh đi trước. Nhìn từ quan điểm ấy, tôi tin Paolo Rossi và Gerard Houllier đều mỉm cười khi bước vào ngưỡng cửa thiên đường bởi thành quả của họ xứng đáng có chỗ đứng trang trọng với lịch sử túc cầu. R.I.P!
Theo Ký ức bóng đá
Xem thêm
Liverpool và sự thành công khi đưa khoa học vào bóng đá
Thành công của Liverpool trong suốt những năm qua dưới triều đại Jurgen Klopp không chỉ đến từ một bộ...
Read moreDetails