Nếu gầm trời này có một đội bóng dám để Sergio Ramos ra đi trong nước mắt, thì đó chỉ có thể là Real Madrid. Nếu gầm trời này có một cầu thủ dám “đấu” với Florentino Perez đến cùng, thì đó cũng chỉ có thể là Sergio Ramos. Mối lương duyên của họ là trời định, sự chia tay của họ là nhân định.
Sergio Ramos – Trung vệ vĩ đại nhất mọi thời đại
Vào ngày 31 tháng 8 năm 2005, chủ tịch Florentino Perez thực hiện một trong những cú áp-phe cuối cùng của ông trong nhiệm kỳ đầu tại Real Madrid, đấy là bỏ ra 27 triệu Euro chỉ để đem về một anh chàng 19 tuổi mặt còn búng ra sữa đến từ Sevilla. Tên anh chàng ấy chính là Sergio Ramos. Thời điểm ấy, vị trí của anh là hậu vệ cánh phải. Chàng trai đó sẽ chơi ở vị trí ấy trong vòng 5 năm, trước khi được đôi mắt cú vọ của Jose Mourinho nhìn ra và kéo vào chơi ở trung vệ, để đóng đinh anh tại đó, cũng như đóng đinh vào trong lịch sử bóng đá thế giới về tên tuổi của một trong những trung vệ vĩ đại nhất mọi thời đại: trung vệ Sergio Ramos García.
Nhắc đến hậu vệ là nhắc đến người Ý, là nói đến những Baresi, Gentile, Sciera, Maldini, Nesta, Cannavaro…Họ hiện lên như là chuẩn mực của vị trí phòng ngự, với đầy đủ các phẩm chất như đeo bám, quyết liệt, mạnh mẽ, lì lợm, rắn chắc, đầy tiểu xảo. Tuy nhiên, họ lại không kém phần tài hoa, lãng mạn, và có gì đó nhục cảm. Sergio Ramos – một người Tây Ban Nha, gần như có đầy đủ mọi phẩm chất ấy, kể cả vẻ ngoài quyến rũ. Đánh giá cái dở của Ramos so với các hậu vệ kia chính là tiểu xảo… không kín. Nếu tiểu xảo của anh mà kín, thì anh đã không có trong tay tới gần 30 cái thẻ đỏ trong sự nghiệp, máu me đầy mặt nhiều trận đấu. Điểm hơn của anh so với các hậu vệ Ý vĩ đại kể tên trên là ở mặt trận tấn công. Một hậu vệ mà ghi tới 101 bàn thắng trong sự nghiệp cùng với đó là 40 kiến tạo, thì đấy là hậu vệ không phải hậu vệ. Một tài năng từ mặt trận phòng ngự đến tấn công không có tiền lệ trong lịch sử.
Người ta không thể quên được trận chung kết Champions League 2014, vào phút 90+4, Ramos bật cao đánh đầu gỡ hòa 1-1 và đưa Real Madrid trở về từ cõi chết. Bàn thắng ấy đã mở đầu cho giấc mộng La Decima thành hiện thực. Hai năm sau, thêm một lần nữa anh ghi bàn để Real Madrid giành Champions League thứ 11. Lịch sử Champions League ghi nhận các cầu thủ như Raul, Eto’o, Ronaldo ghi bàn ở 2 trận chung kết khác nhau. Họ đều là cầu thủ tấn công, nhưng Ramos là trung vệ!
Nếu đặt trên bàn cân so sánh sự vĩ đại của những trung vệ, Ramos không an toàn được như Nesta hay Cannavaro. Nhưng mặt trái của việc đưa an toàn lên hàng đầu chính là thiếu bùng nổ. Ramos thì khác, anh bùng nổ dữ dội như núi lửa. Ở cái thời điểm mà hàng công của Real Madrid bị phong tỏa toàn bộ, thì các hậu vệ của đối thủ chớ vội mừng vì Ramos sẽ lên tấn công. Mùa giải 2016/2017, có một combo rất nổi tiếng, đấy là Toni Kroos đá phạt và Ramos đánh đầu. Vào thời khắc bộ ba lừng danh BBC bế tắc, Kroos sẽ bước vào góc đá phạt, Ramos lên tham gia tấn công. Bàn thắng đến, họ cùng nhau dìu Real đi qua giông bão. Một nửa số kiến tạo năm đó của Kroos là cho Ramos. Đấy là một thứ vũ khí thượng thừa mà Zidane đã tìm ra ở mùa giải đội bóng hóa giải lời nguyền: không đội nào bảo vệ được danh hiệu vô địch Champions League.
Khi Ramos khoác lên màu áo trắng hoàng gia Real Madrid, màu áo ấy luôn dính màu đỏ. Đấy là máu của Ramos chảy xuống trong những lần chiến đấu bảo vệ khung thành của Real. Mùa giải 2006/2007, năm họ giành La Liga thứ 30 ở vòng đấu cuối cùng, đấy là mùa giải của “Nước mắt Iker Casillas, mồ hôi của Van Nisterlrooy và máu của Sergio Ramos”.
Khi Ramos đi vào vị trí trung vệ, sức mạnh, thể hình, tiểu xảo, tốc độ đeo bám, sự quyết liệt của Ramos là báu vật trời ban cho Real tại vị trí này. Cần nhắc lại, đừng nghĩ trung vệ không cần tốc độ. Ramos xuất thân từ hậu vệ cánh nên Ramos sở hữu tốc độ cũng hàng đầu. Trung vệ máu lửa mà giàu tốc độ thì chẳng khác gì hổ thêm cánh. Đồng thời, Ramos đóng vai trò “phản diện” trong hình ảnh mà Real luôn theo đuổi. Lịch sử thành lập của Los Blancos luôn coi trọng vẻ đẹp của màu áo trắng, nhưng bóng đá hiện đại không chứa chấp những thứ “cải lương” ấy. Để chiến thắng và để giành cup, đôi khi đẹp là không đủ, và họ cần một người như Ramos đứng đấy.
Đối với cổ động viên, đồng đội, Ramos là một vị thần bảo hộ. Đối với đối thủ anh là thế nào? Kẻ đáng ghét ư? Không, nhẹ nhàng quá. Là “quỷ dữ” chăng? Không, đơn giản quá. Ramos là “ác ma” với các cầu thủ tấn công bên phía đối thủ. Pha bóng làm Salah chấn thương vai trong trận chung kết Champions League 2018 thật sự rất “độc”. Bao nhiêu trận Siêu Kinh Điển khiến Messi phải trầy da, chảy máu, thật sự rất “độc”. Đối diện với việc này, Ramos chọn cách im lặng, anh dám làm dám chịu, dám nghe chửi rủa và dám chơi đến cùng.
Sự ảnh hưởng của Sergio Ramos với Real là cực kỳ lớn lao. Zidane xem anh là một nhà lãnh đạo, người có tầm ảnh hưởng trong phòng thay đồ. Kroos gọi anh là hậu vệ hay nhất mà anh từng chơi cùng. Còn Chiellini viết về Ramos trong tự truyện: “Sức mạnh mà Ramos truyền tải khi hiện diện trên sân là vô giá. Không có anh ấy, những ngôi sao như Raphael Varane, Dani Carvajal, Marcelo dường như trở thành những đứa trẻ. Không có anh ấy, Real mất đi sự che chở”.
Ramos là thần bảo hộ của đội nhà, là ác ma của đối thủ.
Sự thoái vị của một vị Vua
671 trận đấu, 101 bàn thắng, 40 kiến tạo, 4 Champions League, 5 La Liga, 2 Copa del Rey, 4 Siêu Cup Tây Ban Nha, 3 Siêu Cup UEFA, 4 Cup Liên Lục Địa, 2 Euro và 1 World Cup. Vâng, chúng ta đang nói tới một vị Vua vừa thoái vị ở đội tuyển Tây Ban Nha, và Real Madrid mùa hè 2021.
Màn thoái vị trong bất ngờ của Ramos vốn dĩ chính là dấu chấm cuối cùng trong sự kết thúc của một thời đại, của một trong những tập thể vĩ đại nhất mọi thời: Real Madrid của Zidane với Ramos đội trưởng và Cristiano Ronaldo trên hàng công. Zidane-Ronaldo-Ramos là bộ ba tiêu biểu đã tạo nên một giai đoạn vĩ đại nhất trong lịch sử Real Madrid, thậm chí còn vĩ đại hơn cả thời đại Di Stefano-Puskas (nếu bàn về sự khó khăn của bóng đá hiện đại). Ba con người ấy đều là những con người được lịch sử sinh ra, họ không chỉ tài năng mà còn là những nhà lãnh đạo bẩm sinh, là những chiến binh, những nhân vật truyền cảm hứng và đơn giản là người chiến thẳng. Họ đến cùng nhau và tạo nên bộ ba không thể ngăn chặn. Đương nhiên không thể không nhắc đến bộ ba tiền vệ hay các tiền vệ cánh. Ở đây xin nhấn mạnh là: tiêu biểu và đại diện.
Đáng tiếc thay, người đã tạo nên họ, lại chính là người ngăn chặn họ.
Đấy chính là chủ tịch Florentino Perez. Cũng là một nhân vật vĩ đại của sân khấu bóng đá này.
16 năm trước, Perez đã đem Ramos về khi anh 19 tuổi vô danh, 11 năm trước đã đem Ronaldo về với cái giá kỷ lục thế giới, và 5 năm trước đã dũng cảm đôn Zidane lên từ đội trẻ, khi ai cũng bảo ông không có kinh nghiệm huấn luyện. Dưới tài năng lãnh đạo của Perez, Real Madrid tiếp tục vĩ đại nhất, kiếm tiền nhiều nhất. Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, tất cả các cầu thủ, HLV dù có vĩ đại xuất sắc đến thế nào, được yêu mến ra sao cũng không được lớn hơn ông, lớn hơn đội bóng. Perez lạnh lùng chia tay đối với các công thần để đổi mới đội bóng, để làm cách mạng liên tục, hòng cho sự vĩ đại của Real luôn trường tồn. Có thể nói, vị kỹ sư xây dựng này đã tàn nhẫn đối với những trái tim người hâm mộ trót yêu những Redondo, Casillas của hôm qua, Ronaldo, Ramos của hôm nay. Sự ra đi hôm nay của Ramos là vì sao? Bạn có thể nhìn hợp đồng mà Modric ký đến năm 2022 để hiểu được phần nào. Real Madrid yêu cầu Ramos thực thi hợp đồng giống Modric. Nhưng Ramos rất kiêu hãnh, và Ramos có cái lý cho sự kiêu hãnh ấy: anh là đội trưởng vĩ đại, con dân bản địa, biểu tượng đương thời. Anh khác Modric. Perez thì luôn muốn thay đổi, thay đổi để chiến thắng, không chấp nhận sự chống đối tuyệt đối. Cuối cùng, sự va đập của những cái tôi đã đến lúc không thể dung hòa được nữa. Giữa một bên muốn có một vị thế xứng đáng với những gì đã cống hiến, và bên kia không thỏa hiệp bởi không ai có thể lớn hơn chủ tịch và Real Madrid.
Đấy là cuộc chia tay nhân định!
Vậy Perez có chắc chắn là đúng không?
Tôi e lần này là quá khó! Ông đã chia tay Ronaldo mà không có một sự thay thế đảm bảo, và những năm qua cho thấy sự thất bại. Giờ ông cũng đã chia tay Ramos mà không có ai chở che Real thay Ramos. Thậm chí tấm băng đội trưởng còn là câu hỏi cho ai? Đội phó Marcelo, Varane? Hay là người bản địa có thâm niên lâu nhất như Nacho? Điểm chung của họ tiếc thay, chẳng ai ra dáng “Đại ca” để Madridistas yên tâm cả. Phải, tầm nhìn lãnh đạo đòi hỏi cần có một cuộc cách mạng triệt để ở Bernabeu. Nhưng đây đã là một Real Madrid già cỗi, các cầu thủ trẻ chưa ai khẳng định được bản thân, trong khi các cánh chim đại bàng đã bay đi, thì cách mạng kiểu gì? Bằng Mbappe chăng? Với từng đó năm theo đuổi chẳng lẽ ông không thấy bóng đá hiện đại cũng đang thay đổi. Và khoảng cách từ khi cải tổ đến khi hái quả ngọt liệu có đánh đổi bằng chính chiếc ghế chủ tịch của ông? Đừng quên, cổ động viên Real Madrid là những người khó tính nhất thế giới.
Dẫu gì chăng nữa 120 năm lịch sử chia tay biết bao huyền thoại đã chứng minh, Real Madrid vẫn sẽ biết cách chiến thắng. Nhưng các Madridistas hãy nhớ cho, sẽ đến một ngày bạn nhớ da diết đến cháy lòng bức hình tôi dùng để miêu tả trong câu chuyện hôm nay! Zidane, Ronaldo, Ramos đang ôm lấy nhau cười tít mắt, của những ngày đẹp trời đã xa rất xa.
Tôi chợt nhớ một câu nói của Cổ Long luận về kỷ niệm: “Kỷ niệm như một lưỡi kiếm, đâm vào thịt, rạch vào da. Càng ngọt bao nhiêu càng sắc bấy nhiêu, vết thương càng bị cắt sâu, càng khó lành. Kỷ niệm như lãnh kiếm, cô tịch như kịch độc. Một kẻ đã bị kiếm đâm lại bị độc ngấm, sống có được thoải mái chăng?”
Khoảng trống trên khán đài sân Santiago Bernabeu
Tại khán đài C của Santiago Bernabeu luôn tồn tại một nhóm cổ động viên gọi là “ultra madridistas”. Đấy là nhóm cổ động viên cực đoan nhất, những kẻ cuồng nộ và cũng cuồng si nhất của đội bóng hoàng gia Real Madrid
Vào một ngày đẹp trời của năm 2014, những người này quyết định đưa mọi thứ vào trong khuôn khổ bằng cách lập ra Grada Fans RMCF. Mục đích của họ là không để sự cuồng nộ biến thành bạo lực, sự khó tính biến thành phân biệt chủng tộc, và sự tự hào biến thành vấn đề chính trị.
Đặc điểm ở trên khán đài ấy là luôn rợp một màu trắng và giương cao hai tấm áo lớn.
Chỉ hai số áo đó được tung bay trong gió ở mỗi trận đấu của Real Madrid tại góc khán đài ấy.
Một tấm áo số 4 là của đội trưởng Sergio Ramos, người mang trọn vẹn tinh thần Madridismo huyền thoại. Người xốc nách cả đội bóng đứng dậy trong bất cứ hoàn cảnh ngặt nghèo nào. Người sẽ đứng ra nhận lãnh mọi sự phỉ nhổ chỉ cần Madridistas được hạnh phúc.
Và một tấm áo khác. Áo số 7 của Cristiano Ronaldo, siêu sao lớn nhất của họ, người đã cho họ 450 lần được gào thét và nhảy múa trong mỗi pha ăn mừng bàn thắng đầy khí phách. Người mang một ý chí khác của Real Madrid, quật cường không kém Ramos và ngạo nghễ hơn rất nhiều.
Tháng 7/2018, tấm áo số 7 rời đi.
Tháng 6/2021, tấm áo số 4 cũng bỏ họ mà đi.
Trước đó, là Zidane.
Những madridistas chính thức mồ côi trong thứ tình yêu không trọn vẹn của một thời đại đã mất.
–
MENBACK.COM
Nguồn: Dũng Phan