Nếu không có danh hiệu, tầm vóc của Son Heung Min sẽ mãi chỉ dừng lại là một cầu thủ tấn công tài năng chứ không thể vươn tầm bước chân vào ngôi đền huyền thoại như cách mà tiền bối Park Ji Sung đã làm được trước đây.
Vào ngày 28 tháng 8 năm 2015, Son Heung Min chính thức khoác áo Tottenham Hotspur, trở thành tài năng người châu Á có giá trị chuyển nhượng cao nhất.
Kể từ khoảnh khắc đó, anh đã nối gót người đàn anh Park Ji Sung tiếp tục để lại dấu ấn của người Hàn trên khắp các thảm cỏ nước Anh. Dù cho cũng chính từ giây phút này, những cuộc tranh cãi về việc đâu là cái tên xuất sắc hơn giữa hai biểu tượng xứ Kim Chi liên tục nổ ra từ năm này sang năm khác.
Nhưng khi đặt lên bàn cân so sánh, sự khập khiễng về vị trí thi đấu, về vai trò khác nhau của mỗi người khiến cho cuộc tranh luận này chưa bao giờ có câu trả lời xác đáng. Và khi theo dõi hành trình phát triển của Son, có lẽ điều mà các túc cầu giáo nuối tiếc nhất là cái duyên với những danh hiệu tập thể, điều mà tiền bối Park đã đạt được trong màu áo Manchester United.
Trải qua 7 mùa giải khoác áo Spurs, Son Heung Min hiện đã đóng góp 108 bàn thắng sau 283 lần ra sân, góp công lớn giúp đội bóng này vươn tầm tạo ra khái niệm Big 6 tại Premier League.
Sở hữu thành tích ghi bàn ấn tượng và từng bước trở thành biểu tượng mới tại đây, song những danh hiệu tập thể dường như luôn biết cách lảng tránh anh.
Thành tích lớn nhất mà Son cùng các đồng đội đạt được chỉ là những lần về nhì tiếc nuối tại UEFA Champions League mùa giải 2018-19 và Carabao Cup mùa giải 2020-21.
Cùng Spurs đi qua những thăng trầm, bản thân Son Heung Min cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích và dè bỉu vì tính cách có phần hơi “nhạy cảm” của mình.
Từ những câu chuyện về giọt nước mắt thường thấy trong những bộ phim Hàn Quốc, một số người theo dõi không mấy cảm tình và đã nghĩ ra một số biệt danh như “Son Heung Cry” hay “Ole Son” để chế giễu và châm chọc cá nhân tuyển thủ này.
Và khi những danh hiệu tiếp tục chưa tìm thấy tần số chung với anh, người ta có lý do để tiếp tục hả hê về tầm vóc của tài năng người Hàn này.
Trước thềm mùa giải 2021-22 khởi tranh, dẫu cho thành tích bết bát của Spurs ở cuối mùa giải trước khi xếp ở vị trí thứ 7 và chỉ được tham dự đấu trường Conference League, song Son vẫn chọn ở lại để tiếp tục chiến đấu.
Trong trận đối đầu với ĐKVĐ Man City tại vòng đấu đầu tiên, khi tương lai của người đồng đội Harry Kane khiến tâm trí của cầu thủ này rời xa khỏi Spurs, người ta mới có cơ hội chứng kiến khả năng “gánh đội” của Son là tốt đến nhường nào.
Vẫn là những bước chạy thần tốc cùng với các quyết định dứt điểm dứt khoát, Son Heung Min đã gieo sầu cho thầy trò HLV Pep Guardiola với một bàn thắng đẳng cấp.
Chứng kiến khoảnh khắc một cá nhân người Hàn tỏa sáng trong một trận đấu lớn tại Châu Âu, được bao bọc trong vòng tay của các đồng đội dưới những tiếng hò reo của người hâm mộ là điều mà có lẽ hiện tại chỉ có Son mới tái hiện được.
Giờ đây, khi Harry Kane đã trở lại cùng với những dấu ấn chiến thuật rõ nét của HLV Nuno, người hâm mộ Spurs có quyền được kỳ vọng về một mùa giải khả quan hơn với đội bóng con cưng.
Nhưng… mọi màn trình diễn siêu hạng, mọi thành tích cá nhân đều sẽ bị che mờ như bao mùa giải trước nếu như Son không thể giúp Spurs tìm kiếm một danh hiệu tập thể.
Nếu không có danh hiệu, quyết định gắn bó với Spurs sẽ bị xem như một sự lựa chọn yên phận với mức đãi ngộ mà đội bóng này dành cho anh. Và nếu không có danh hiệu, tầm vóc của Son sẽ mãi chỉ dừng lại là một cầu thủ tấn công tài năng chứ không thể vươn tầm bước chân vào ngôi đền huyền thoại như cách mà tiền bối Park Ji Sung đã làm được trước đây.
Trong phạm vi châu Á, những điều mà Son Heung Min làm được đã là khao khát với nhiều tuyển thủ. Nhưng với riêng cá nhân Son, có lẽ anh cần làm nhiều điều hơn nữa, ghi bàn nhiều hơn nữa, tỏa sáng nhiều hơn nữa để hy vọng về một danh hiệu đầu tiên trong màu áo Spurs, và để chấm dứt mọi nghi ngờ về khả năng của bản thân.
Lục lại: Vì sao Mourinho bị Tottenham sa thải?
–
MENBACK.COM