Ten Hag là sự pha trộn giữa một người Hà Lan và một người Đức ở triết lý bóng đá: một huấn luyện viên hết mình vì bóng đá đẹp, nhưng lại hết sức kỷ luật.
Erik ten Hag và thứ bóng đá giúp phục hưng Man United
- Quốc tịch: Hà Lan
- Ngày sinh: 02.02.1970
- Sự nghiệp: cựu cầu thủ bóng đá (trung vệ) từ năm 1989 đến 2002, huấn luyện viên bóng đá từ năm 2012 đến nay.
Erik ten Hag sẽ trở thành tân HLV trưởng của Manchester United kể từ mùa giải tới, với bản hợp đồng có thời hạn đến năm 2025 kèm điều khoản gia hạn thêm 1 năm. Nhà cầm quân người Hà Lan sẽ thành công hay thất bại? Điều này còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là tầm nhìn và phương pháp làm bóng đá của cả CLB. Nhưng ít ra, ở Erik ten Hag, người hâm mộ Man Utd có những lý do để hy vọng khi nhìn vào triết lý bóng đá của ông.
Theo thông tin từ nhóm ký giả của tờ The Athletic (là Laurie Whitwell, David Ornstein,…), các quan chức của Man Utd đã tiếp cận Erik ten Hag từ ngày 21 tháng 3 năm nay, sau khi được sự cho phép của phía Ajax Amsterdam.
Một danh sách gồm nhiều ứng cử viên đã được nửa đỏ thành Manchester soạn ra, nhưng cuối cùng, dựa trên các kết quả phân tích dữ liệu và chạy thử mô hình, vị HLV 52 tuổi được lựa chọn. Ở chiều ngược lại, Ten Hag cũng đã chọn Man Utd – một bến đổ mới chắc chắn sẽ đầy thử thách và khó khăn – nơi đã từng chứng kiến những HLV tên tuổi hơn đặt chân đến và rời đi trong nổi thất vọng, kể từ sau thời đại Sir Alex Ferguson.
Ký giả Raphael Honigstein từng thuật lại trên tờ The Athletic rằng trong văn phòng của mình, Ten Hag treo những bức ảnh của 3 HLV biểu tượng trong lịch sử Ajax Amsterdam, đó là Rinus Michels, Johan Cruyff và Louis van Gaal. Nhưng có một điểm khác cơ bản giữa Ten Hag với những bậc tiền bối, đó là HLV 52 tuổi này không sinh ra ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Quê hương của ông tọa lạc ở gần biên giới nước Đức – tỉnh Haaksbergen.
Từng là một trung vệ trong màu áo CLB Twente và những đội bóng hạng hai khác của Hà Lan, Ten Hag giải nghệ năm 32 tuổi và làm công tác huấn luyện ở Ajax cách đây chỉ 5 năm, sau khi đưa CLB Go Ahead Eagles giành quyền thăng hạng lên giải vô địch quốc gia Hà Lan lần đầu tiên trong 17 năm, trước khi có 2 năm dẫn dắt đội B của Bayern Munich và một giai đoạn thành công ở Utrecht.
Rõ ràng, ông chẳng có chút liên quan gì đến Ajax trước khi ngồi vào chiếc ghế nóng đội bóng thủ đô Hà Lan. Nhưng bản lề nằm ở trận đấu của Ajax trên sân nhà trước Ultrecht vào đầu tháng 11 năm 2017. Đó là thời điểm, đội bóng được dẫn dắt bởi Ten Hag phải đương đầu trước tập thể Ajax của những Frenkie de Jong, Matthijs de Ligt và Hakim Ziyech.
Trong một bài viết ngắn trên tờ The Times, ký giả Arthur Renard phỏng vấn cựu cầu thủ Urby Emanuelson của Ultrecht và nhận được những chia sẻ sau:
“Một tuần trước khi trận đấu với Ajax diễn ra, Ten Hag nhồi nhét một kế hoạch chiến thuật chi tiết cho chúng tôi. Bình thường, chúng tôi sẽ đá với hệ thống 4-4-2 kim cương, nhưng ông ấy quyết định chọn 5-3-2 trước Ajax. Trong suốt tuần lễ chuẩn bị đó, ông ấy luyện tập cho chúng tôi một cách kỹ lưỡng để hệ thống mới được triển khai tự nhiên. Để rồi, trong suốt 90 phút bóng lăn, chúng tôi thực hiện chính xác những gì được Ten Hag chỉ dẫn. Sự tự tin lớn đến nỗi chúng tôi nhìn nhau và nghĩ ‘Chúng ta sẽ đánh bại được Ajax’.”
Quả thực, Ultrecht đã chiến thắng, khi hạ gục Ajax 2-1. Khoảng 6 tuần lễ sau trận đấu ấy, Ajax sa thải Marcel Keizer và bổ nhiệm Ten Hag làm người kế nhiệm. Urby Emanuelson nhấn mạnh: “Ten Hag có nhiều phẩm chất, một sự linh hoạt trong chiến thuật bóng đá.”
Triết lý bóng đá của Erik ten Hag
Rõ ràng, Ten Hag không phải là một môn đề thực sự của trường phái bóng đá Johan Cruyff như nhiều người lầm tưởng. Ông thoát ly khỏi tư tưởng triết lý bóng đá của cố huyền thoại người Hà Lan. Một kẻ ngoại đạo như thế lại là điều tốt cho Ajax, bởi tư tưởng và những thứ giáo điều được giải phóng.
Nói như cựu Giám đốc Thể thao Matthias Sammer của Bayern, thì Ten Hag là một sự pha trộn giữa một người Hà Lan và một người Đức ở khía cạnh bóng đá. Có nghĩa triết lý bóng đá của Ten Hag là hết mình vì bóng đá đẹp, nhưng lại hết sức kỷ luật.
Kỷ luật ở đây chính là đề ra một khuôn khổ buộc những cái tôi, những cầu thủ nghệ sĩ trong đội hình phải tuân thủ kế hoạch đã vạch ra trong cách tiếp cận trận đấu, nhưng không đánh mất những kỹ năng phô diễn và sáng tạo.
Có lẽ, chính quãng thời gian 2 năm làm việc tại Bayern, được mục sở thị phương pháp huấn luyện của Pep Guardiola đã mang đến cho Ten Hag một cái nhìn hữu ích.
Năm 2019, khi trò chuyện trên tờ nhật báo lớn nhất Munich là Sueddeutsche Zeitung, Ten Hag từng chia sẻ:
“Guardiola là người đi tiên phong, là người thay đổi bóng đá Đức. Tôi đã xem hầu hết các buổi tập do ông ấy chỉ đạo ở Bayern. Tôi học được vô vàn về phương pháp huấn luyện của Pep – cách ông ấy đưa triết lý bóng đá của mình lên sân tập, cách triển khai bóng, quá trình chuyển đổi trạng thái, tấn công – nói chung là Pep luyện tập các cầu thủ ở mọi giai đoạn. Không chỉ tập từng nhóm nhỏ mà có khi còn chỉ giáo từng cá nhân. Mọi thứ đều ở mức độ chi tiết không tưởng.”
Để rồi, khi được bổ nhiệm tiếp quản Ajax tháng 12/2017, Ten Hag vận dụng những phương pháp đã học được ở Bayern của Guardiola. Mọi cá nhân trên sân, dù tài năng đến mấy, cũng đều phải tuân thủ quy tắc “đoạt lại quả bóng trong vòng 3 giây” một khi để mất quyền kiểm soát.
Cũng theo lời kể của ký giả Raphael Honigstein, Erik ten Hag từng lọt vào tầm ngắm của ban lãnh đạo Bayern, nhưng cuối cùng CLB nước Đức quyết định lựa chọn Niko Kovac vào giữa tháng 4/2018. Lý do được chỉ ra không phải bởi tài năng hay triết lý bóng đá của Ten Hag có hạn hoặc không phù hợp, mà là vì những người đứng đầu Bayern tin rằng “thời điểm chưa đúng lúc”, và còn bởi họ lo sợ Ten Hag vẫn còn “non” để có thể chỉ huy được phòng thay đồ đội bóng.
Dù thế nào, Ten Hag cũng có hoài bão của riêng ông. “Mọi HLV trên thế giới đều muốn một thứ: Đó là xây dựng một đội bóng được nhớ đến suốt 20 năm sau”, HLV người Hà Lan từng nói. “Muốn như vậy, bạn phải có triết lý bóng đá hẳn hoi, như Michels, Cruyff và Van Gaal đã từng.”
Nhưng không có nghĩa rằng Ten Hag bê nguyên si quá khứ đặt vào hiện tại. Ông có sự kết hợp giữa trường phái bóng đá của Cruyff với các yếu tố gengenpressing của Đức. Thậm chí, giai đoạn Ten Hag còn dẫn dắt Ultrecht, giới phân tích cho rằng thứ bóng đá của ông là “anti-Hà Lan”.
Triết lý bóng đá của Jurgen Klopp
Triết lý bóng đá của Jurgen Klopp là gì? Jurgen Klopp đang là một trong những huấn luyện viên xuất...
Read moreBóng đá Hà Lan gần như tôn sùng hệ thống 4-3-3, nhưng đúng như lời kể của Urby Emanuelson, Ultrecht dưới bàn tay Ten Hag đá 4-4-2 kim cương khi có bóng và chuyển thành 4-3-3 khi không bóng, họ gây áp lực lên đối thủ thông qua hệ thống kèm người một-một với khối đội hình thấp dưới vạch giữa sân. Đó là sự thực dụng cần thiết, tùy hoàn cảnh và hướng tới kết quả.
Thống kê từ cây bút Ryan O’Hanlon của ESPN chỉ ra: Trong mùa giải 2014/15, trước khi Ten Hag đến dẫn dắt Ultrecht, đội bóng này xếp thứ 11 với 41 điểm và hiệu số bàn thắng-thua -2. Trong mùa giải đầu Ten Hag nắm quyền, Ultrecht nhảy vọt lên vị trí thứ 5 với 53 điểm tổng cộng và hiệu số bàn thắng-thua +9. Và trong mùa giải tại vị cuối cùng trước khi được Ajax lựa chọn, Ten Hag giúp Ultrecht leo lên vị trí thứ 4, giành 62 điểm và đạt hiệu số bàn thắng-thua +16. Đó là sự tiến bộ theo năm tháng.
Erik Elias, một trinh sát viên bóng đá tại Hà Lan, từng chia sẻ trên ESPN như thế này:
“Có một sự ngộ nhận về việc Ten Hag thuộc hệ tư tưởng Johan Cruyff, tức là chơi thứ bóng đá đẹp mắt. Nhưng nếu nhìn vào sự nghiệp huấn luyện của Ten Hag, các bạn sẽ thấy thứ bóng đá ấy chỉ thật sự hiện diện trong khoảng 4 năm qua, vì bấy giờ ông ấy có trong tay những cầu thủ phù hợp và muốn giành chiến thắng với bóng đá đẹp. Còn nếu nhìn lại Ultrecht, đội bóng của Ten Hag thỉnh thoảng không pressing cho tới khi quả bóng bắt đầu vào phần sân của họ.”
Nhìn vào lối chơi của Ajax dưới thời Ten Hag, chúng ta nhận thấy đội bóng này chú trọng vào khâu kiểm soát bóng, pressing và chủ trương thực hiện những đường chuyền theo chiều dọc hướng về phía trước, tập trung vào những pha di chuyển và khai thác khoảng trống giữa hai tuyến của đối thủ.
Ở mặt sơ đồ – hệ thống, Ten Hag một lần nữa sẵn sàng phá bỏ truyền thống 4-3-3 của CLB, và sử dụng hệ thống giống với 4-2-3-1 về mặt lý thuyết. Thực tế trên sân, 4-2-3-1 ấy thường xuyên trở thành một cấu trúc với hàng thủ 3 người và hàng công có khi có tới 4 đến 6 cầu thủ. Đó là một hệ thống cực kỳ “tổng lực” khi có bóng.
Ten Hag từng nói:
“Bóng đá ngày càng trở nên quá tĩnh ở Ajax. Tĩnh và ngây thơ! Chúng ta chơi thứ bóng đá kiểm soát bóng và lúc nào cũng chỉ kiểm soát bóng. Nhưng khi chúng ta kiểm soát bóng 55% và vẫn thua 0-2, mọi người liền thắc mắc vì sao lại thế. Tôi đương nhiên muốn đội bóng chơi kiểm soát bóng, nhưng là kiểm soát bóng trên cả phần sân đối phương, ở khu vực một phần ba sân cuối. Tôi muốn kiểm soát bóng có ý đồ và đe dọa khung thành đối phương.”
Tất cả những điều đó biến tập thể Ajax qua các năm của Ten Hag trở thành một trong những đội bóng cuốn hút và đáng thưởng thức nhất châu Âu. Ten Hag vừa làm hài lòng những người khó tính theo tư tưởng truyền thống ở CLB, vừa giúp Ajax trở nên hiện đại hơn. Nhưng, cũng đừng quá ngạc nhiên nếu Quỷ đỏ trong giai đoạn đầu dưới thời Ten Hag ở mùa giải tới trình diễn một thứ bóng đá thực dụng, “liệu cơm gắp mắm”. Vì rất đơn giản, vị HLV người Hà Lan này không phải xuất thân từ cái nôi của trường phái Johan Cruyff, ông thực dụng và có những chất Đức hơn chúng ta nghĩ.
Triết lý bóng đá của Ten Hag liệu có áp dụng thành công ở Manchester United, chúng ta hãy cùng chờ xem nhé!
Theo “Erik ten Hag – người thoát ly khỏi Johan Cruyff” – Hoàng Thông Le Foot, ZujuGP.
Jurgen Klopp, Pep Guardiola và Jose Mourinho: đâu là thứ bóng đá của tương lai?
Triết lý bóng đá của Jurgen Klopp, Pep Guardiola và Jose Mourinho, theo bạn đâu mới là thứ bóng đá...
Read more