Chất lượng mặt cỏ của sân vận động quốc gia Mỹ Đình đang là chủ đề thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Australia tại vòng loại thứ 3 Worldcup 2022 vừa qua.
Hãy cùng nhìn sang SVĐ Wembley ở nước Anh xa xôi để hiểu thêm về sự xuống cấp của sân Mỹ Đình. Tất nhiên, việc so sánh là khập khiễng, nhưng chúng ta nhìn dưới góc độ cơ chế quản lý và vận hành để thấy được sự khác biệt.
Thông tin về sân vận động Mỹ Đình
SVĐ Mỹ Đình nằm trong Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, thuộc Tổng cục thể dục thể thao. Sân này không thuộc sở hữu của VFF, cũng không thuộc sở hữu của một CLB nào, và được giao cho tự chủ tài chính. Mỗi khi các đội tuyển Việt Nam thi đấu tại đây, VFF phải trả tiền thuê sân.
Trong khuôn khổ vòng loại 3 World Cup 2022, mỗi trận đấu không khán giả tại Mỹ Đình, VFF phải trả tiền thuê là 350 triệu đồng/trận. Trước đây, khi Arsenal đến đá giao hữu với VN, từng nổ ra lùm xùm khi Ban quản lý Khu Liên hợp đòi nâng phí thuê từ 1 tỷ lên 1.5 tỷ.
Tuy vậy, nhiều lần VTV đưa tin về tình trạng xuống cấp của sân Mỹ Đình bởi nguyên nhân “cha chung không ai khóc”.
Trước đây, sân Hàng Đẫy cũng trải qua tình trạng tương tự, khi có lúc có tới 3 đội bóng Thủ đô lấy làm sân nhà nhưng không ai mặn mà với việc cải tạo sân. Từ khi được giao cho CLB Hà Nội quản, dù không thể nói là có chất lượng tuyệt vời, nhưng điều tối thiểu là mặt cỏ được cải thiện đáng kể.
Dù tiền thu từ việc thuê sân không quá lớn do ĐTVN lâu nay thường đá khá ít trận (VN “lười” giao hữu những dịp FIFA Day), sân Mỹ Đình cũng hay được thuê tổ chức các sự kiện ngoài thể thao.
Chẳng rõ doanh thu của sân cao hay thấp, chỉ biết rằng số tiền được rót ngược lại để tu bổ cải tạo sân không đủ để giữ cho sân khỏi xuống cấp trầm trọng.
Sân Wembley của Anh duy trì chất lượng như thế nào?
Sân Wembley ở Anh cũng giống Mỹ Đình ở chỗ: cùng là SVĐ Quốc gia, không thuộc sở hữu của CLB nào. Có điều, khác với Mỹ Đình, từ khi xây xong, Wembley luôn nằm trong top những SVĐ chất lượng nhất về trang thiết bị, cơ sở vật chất, và dĩ nhiên mặt cỏ miễn chê nếu so với SVĐ của các CLB.
Chẳng thế mà Wembley được chọn để tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn, như 3 trận Chung kết Champions League, 1 trận Chung kết Euro chỉ trong vòng có 15 năm.
Tất nhiên, thật quá sức khập khiễng vì khoảng cách giàu nghèo quá xa giữa 2 nước, nhưng cái chính ở đây, chúng ta xem cách một nước hàng đầu châu Âu vận hành sân vận động này.
Vậy thì cách Wembley vận hành như thế nào?
Wembley thuộc sở hữu của Liên đoàn bóng đá Anh (FA), và trụ sở chính của Liên đoàn lấy địa chỉ văn phòng tại SVĐ. Được quản lý và vận hành bởi công ty Wembley National Stadium Ltd (thành lập từ năm 1997, viết tắt là WNSL). Công ty này có chuyên môn về vận hành, tổ chức sự kiện thể thao lẫn các hoạt động giải trí diễn ra ở Wembley.
Chi phí đầu tư xây SVĐ Wembley là 789 triệu bảng Anh. Được thi công bởi công ty xây dựng Multiplex của Australia, được đầu tư và giám sát bởi FA, WNSL, Bộ Số hoá – Văn hoá – Truyền thông và Thể thao của Anh.
Trong quá trình thi công, WNSL với vai trò là đơn vị quản lý sân sẽ đứng ra làm việc, trao đổi trung gian, còn FA sẽ đưa ra các quyết định cuối cùng cũng như nhận bàn giao.
Từ lúc khánh thành vào năm 2007 đến năm 2010, mặt sân liên tục bị chỉ trích vì chất lượng bởi rất nhiều HLV như Sir Alex, Wenger, Redknapp, David Moyes hay thậm chí là John Terry vào năm 2010 dù Chelsea của anh vô địch cúp FA tại đây.
Trong giai đoạn này, sân Wembley đã trải lại mặt cỏ tới… 10 lần. Chi phí bảo trì sân ước tính là 90-100 triệu bảng/10 năm.
Nguồn thu của SVĐ Wembley
Trước khi đại dịch nổ ra, doanh thu của Wembley từ 2011 đến nay rơi vào khoảng 100 triệu bảng/năm, chiếm 1/4 doanh thu của FA (khoảng 400 triệu bảng). Trong 100 triệu bảng doanh thu này, có 4 nguồn thu:
- Bán vé
- Hội viên
- Tổ chức sự kiện
- Các hoạt động khác
Ví dụ với số liệu năm 2011, sân Wembley có doanh thu 121 triệu bảng:
- Bán vé xem bóng đá: 40 triệu.
- Hội viên Club Wembley: 54 triệu (thành viên CLB này được sử dụng các dịch vụ thư giãn giải trí trong khu tổ hợp Wembley, và vé đặc biệt tham dự các trận đấu bóng đá lẫn các sự kiện được tổ chức ở Wembley).
- Tổ chức sự kiện: 22 triệu.
- Các hoạt động khác: 5 triệu.
Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế và lãi của Wembley rơi vào khoảng 10 triệu bảng.
Với cách kinh doanh hiệu quả và doanh thu lớn, sân Wembley không chỉ có chi phí để bảo trì chất lượng tuyệt vời và nâng cấp trang thiết bị, mà còn vừa giúp hoàn vốn xây sân, vừa góp thêm lợi nhuận cho LĐBĐ Anh.
Đợt dịch nổ ra, FA bị thiệt hại 1 khoản doanh thu lớn vì sân không khán giả và không tổ chức được các sự kiện.
Mùa 2017/18, Wembley có thêm doanh thu khi Tottenham trả 15 triệu bảng/mùa thuê sân trong lúc sân mới của Tottenham đang xây dựng. Đổi lại, Tottenham cũng thu được nhiều tiền vé hơn so với lúc còn thi đấu ở White Hart Lane.
Chất lượng trang thiết bị tốt cùng quy mô hoành tráng, Wembley cũng là địa điểm cực kì hấp dẫn để tổ chức các sự kiện ngoài thể thao.
Trong tour diễn của ca sĩ Adele 2016-2017, 2 đêm tại Wembley có tới tổng cộng 195,000 người tham dự, trong đó có 1 đêm đạt 98,000 người – con số được xem là kỷ lục đối với một sự kiện âm nhạc khép kín ở Anh.
Và nếu không phải huỷ diễn 2 đêm vì tổn thương dây thanh đới, con số khán giả và doanh thu đến từ những đêm diễn tại Wembley sẽ còn khủng khiếp nữa.
–
MENBACK.COM