Louis Vuitton Thu Đông 2022/23 là bộ sưu tập cuối cùng của nhà thiết kế quá cố Virgil Abloh.
Vậy là chuyến hành trình thời trang của “kẻ ngoại đạo” Virgil Abloh cũng đã đến hồi kết. Bộ sưu tập thứ tám của ông mang tên “Louis Dreamhouse”, là đoạn ca tiễn biệt huy hoàng của đội ngũ sáng tạo thương hiệu nước Pháp dành cho nhà thiết kế người da màu tài năng, cũng như là lời tôn vinh đến những di sản thời trang đậm tính nghệ thuật trong suốt 4 năm gắn bó của Virgil tại đây.
Mở màn cho buổi trình diễn của Louis Vuitton là khung cảnh đầy thơ mộng của ngôi nhà cổ, cùng sự góp mặt lẫn giọng của nhà thơ nổi tiếng Mustafa. Khám phá ngôi nhà thần thoại với những nhân vật lạ kỳ, Mustafa ngân nga câu thơ bay bổng khắc họa cuộc đời sáng tạo đột phá của Virgil Abloh:
When your imagination is a pulse, this sort of sparkle is formed. It lets you make things happen as long as you believe it will….
The sparkle doesn’t belong to any of us, when it’s all over and our time is no longer, we leave it behind for others to seek their own dreams…
Khi trí tưởng tượng của bạn trở thành nhịp đập, thứ ánh sánh lấp lánh ấy sẽ xuất hiện. Nó cho phép bạn hiện thực hóa nhiều thứ, miễn là bạn luôn tin tưởng…
Ánh sáng lấp lánh không thuộc bất kỳ ai trong chúng ta, khi kết thúc gần kề và thời gian cũng không còn nữa, chúng ta lại truyền lại cho những người khác, để họ tìm thấy giấc mơ của chính mình…)
Bước đến không gian biểu diễn chính, vẫn luôn là cảm giác choáng ngợp, thích thú với sự sống động vốn có mà Virgil Abloh, hay đội ngũ sáng tạo của ông, mang lại. Xuyên suốt các bộ sưu tập tại Louis Vuitton, Virgil chưa một lần nào khiến giới thời trang phải trầm trồ với thiết kế bối cảnh độc đáo của mình, khi ông lần lượt tái hiện Con đường Gạch Vàng trong tiểu thuyết Phù thủy xứ Oz, khu Lower East Side của Manhattan, lễ hội hóa trang…
Và lần này, PlayLab Inc., studio sáng tạo hợp tác cùng Louis Vuitton từ bộ sưu tập Xuân Hè 2020 đến nay, vẫn nắm bắt được tinh thần đầy sắc màu ấy, dựng nên bối cảnh ngôi nhà trong mơ như chốn địa đàng. Mở đầu với dãy bàn dài của dàn nhạc Chineke!, khán giả trôi vào cảm giác bềnh bồng khi hướng mắt qua chiếc cầu thang phong cách M.C.Escher, nơi những vũ công đang ban bật cùng tấm thảm trampoline. Ở bên dưới chiếc cầu thang là cánh cổng cam, và dàn người mẫu bắt đầu bước ra từ đó.
Quy tụ 67 người mẫu và 20 vũ công, buổi trình diễn thời trang mang lại cảm giác lả lướt cho người xem qua từng bước chuyển động. Nhìn những bộ trang phục uốn cong theo từng bước nhảy các vũ công, hay từng bước đi của dàn người mẫu, tôi có cảm giác như được thưởng thức một vở nhạc kịch hồn nhiên.
Bối cảnh mái nhà ống khói, hay chiếc giường đệm và chiếc ghế nhấp nhô như múa rối đều là những hình ảnh thân thuộc, dí dỏm xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích thời thơ ấu. Như cách tiếp cận thời trang đậm triết lý Boyhood của Virgil Abloh – trong sáng, ngây thơ, không bị pha tạp và bó buộc bởi những định kiến của xã hội.
Xuyên suốt bộ sưu tập là dấu ấn thời trang không lẫn vào đâu được của Virgil tại Louis Vuitton. Từ những chiếc áo khoác bóng chày in họa tiết logo cỡ lớn, áo khoác dài với cầu vai nhọn, mũ snapback gắn thêm đôi tai dí dỏm, tông màu chói chàng đậm tính hoạt hình, các nhân vật hoạt hình đình đám hay những tác phẩm hội họa trứ danh được tái hiện thành họa tiết vô cùng đặc sắc.
Nếu những bộ cánh phủ đầy hình ảnh vườn hoa là lời gợi nhắc đến lần ra mắt đầu tiên của Virgil Abloh cho Louis Vuitton ở bộ sưu tập Xuân Hè 2019, hoodie mặc cùng chân váy dài phủ chân đại diện cho tham vọng xóa bỏ sự ngăn cách của thời trang đường phố và cao cấp, thì những bộ outfit họa tiết từ hai tác phẩm Souvenir d’ Italie của Giorgio de Chirico và The Painter’s Studio của Gustave Courbet tiếp tục thể hiện niềm say mê đặc biệt của nhà thiết kế quá cố với nghệ thuật hội họa.
Trong ghi chú của thương hiệu về buổi trình diễn, Virgil đã đưa hai tác phẩm này vào bộ sưu tập nhằm tạo nên cuộc đối thoại giữa chủ nghĩa tả thực và siêu thực. Hơn nữa, tác phẩm The Painter’s Studio mô tả lại khung cảnh làm việc của một họa sĩ, vây quanh là đủ mọi tầng lớp xã hội của Pháp thời xưa. Tác phẩm như một phép ẩn dụ cho câu chuyện “Tourist vs. Purist” nổi tiếng, được Virgil miêu tả đặc sắc ở bộ sưu tập Thu Đông 2021.
Một điều không thể bỏ lỡ ở những bộ sưu tập của Virgil, chính là màu sắc bụi bặm của thời trang đường phố. Văn hóa hip hop, graffiti hay tất cả những gì thuộc về đường phố, luôn là nguồn cảm hứng bất tận để ông đi sâu vào con đường sáng tạo với thời trang.
Ở hầu hết các outfit, ông đều cho người mẫu đội chiếc nón snapback, đủ màu sắc và chi tiết. Giày thể thao cũng xuất hiện rất nhiều, với 6 phiên bản màu khác nhau của dòng LV Trainer 2 mang âm hưởng đậm nét của giày bóng rổ thập niên 1990. Một trong những outfit của bộ sưu tập còn rất giống như đồng phục của đội bóng rổ.
Đặc biệt, sự trở lại của phong cách quần “chảy xệ” (saggy pants) là dấu ấn cực kỳ thú vị. Hay dây thắt lưng da monogram với mặt dây hình đại bàng cùng logo LV luôn là món thời trang phổ biến với những người da màu.
Nếu bộ sưu tập Xuân Hè 2021 gắn liền với đám bạn ngỗ nghịch của Zoooom, thì ở bộ sưu tập cuối cùng này, niềm yêu thích của Virgil Abloh với những nhân vật hoạt hình tiếp tục được thể hiện. Đó là chú mèo cầm trên tay chiếc rương monogram và chiếc bọc cột vào gậy, Thần Chết và một chú ong vàng.
Theo ghi chú của hãng về bộ sưu tập, chú mèo với cái bọc trên gậy tượng trưng cho hình ảnh của một kẻ ngoại đạo, luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách mới. Cùng với đó là hình tượng chú ong đại diện cho những con người chăm chỉ, hợp lực cùng nhau vì một lý tưởng chung vĩ đại.
Những chiếc túi luôn là điểm nhấn không thể thiếu mỗi khi nhắc đến Louis Vuitton. Ở bộ sưu tập cuối cùng của mình, Virgil Abloh tiếp tục cho thấy những ý tưởng táo bạo của mình trong việc “trẻ hóa” những dòng phụ kiện trường tồn này.
Ông sử dụng chất liệu da monogram và cắt chúng thành những bông hoa đủ mọi sắc màu, đính lên trên những chiếc túi da đầy thú vị. Nhà thiết kế còn sử dụng rất nhiều chất liệu thời thượng cho các dòng túi – nhựa PVC trong suốt, nhựa PVC ánh kim, da monogram đặc trưng, và cả da cá sấu được xịt màu bằng khí nén.
Ấn tượng hơn cả là dòng túi mang hình dáng hộp sơn, hay chiếc túi Darmier Keepalls mang họa tiết monogram “ảo ma” lúc trong lúc nâu, và chiếc túi monogram trắng xanh với chi tiết là những cục bám thường thấy ở những mảng tường leo núi trong nhà, như thể những nấc thang bước lên thiên đàng – nơi Virgil Abloh yên nghỉ.
Và cuối cùng, điều quan trọng bậc nhất để lại trong tôi từ show diễn chính là cảm xúc. Và âm nhạc là chất xúc tác then chốt đầy sắc màu. Phần nhạc cho show diễn bắt nguồn từ những mong muốn của Virgil Abloh về một màn trình diễn live chất đầy sự tưởng tượng thơ ngây và kì diệu của một nhà hát nguy nga.
Chịu trách nhiệm sáng tác là người bạn thân thiết của Abloh trong âm nhạc – Tyler, The Creator. Anh đã sáng tác 8 bài hát hoàn toàn mới cho toàn bộ phần nhạc sau đó được biên soạn-phối khí bởi Arthur Verocal. Tại buổi diễn, dàn nhạc Chineke!, dưới sự chỉ đạo của Gustavo Dudamel và chỉ đạo nghệ thuật từ Benji B, đã trình bày bản hòa nhạc quá đỗi xuất sắc, đưa cảm xúc người xem đến cao trào tột độ.
Ở khoảnh khắc cuối cùng, khi tất cả những người mẫu cùng quay trở lại sàn diễn và hướng mặt lên trời như thể đang nhìn thấy Virgil ở trên trời cao, bản nhạc See You Again của Tyler cất lên như một sự vỡ òa của những thương tiếc, hoài niệm và ngợi ca mà cộng đồng thời trang luôn dành cho Virgil Abloh. Khoảnh khắc huy hoàng để nhớ mãi về một huyền thoại.
Cho tới giờ, tôi vẫn không quên được cảm giác rưng rưng mỗi lần câu hát See You Again vang lên:
Can I get a kiss?
And can you make it last forever?
I said I’m ’bout to go to war
And I don’t know if I’ma see you again.
(Bạn có thể trao tôi nụ hôn? Và giữ nó đến mãi mãi? Tôi sắp phải bước ra cuộc chiến ngoài kia. Và không biết mình còn có gặp lại nữa không).
Sau đây là toàn bộ phần trình diễn bộ sưu tập Thu Đông 2022 của Louis Vuitton:
Xem thêm:
- Virgil Abloh – Linh hồn của thời trang cao cấp đường phố
- 7 thương hiệu thời trang di sản của thế giới có tuổi đời hơn một thế kỷ
- NTK Kim Jones – người tiên phong kết hợp thời trang di sản và Streetwear
- Haider Ackermann – Bóng ma của làng thời trang đương đại
- 10 nam nhà thiết kế thời trang nổi tiếng nhất thế giới