Cùng tìm hiểu về nhà thiết kế Haider Ackermann, một trong những nhà thiết kế được nể trọng nhất làng thời trang hiện nay qua bài viết từ blogger Trí Minh Lê.
Để mở bài, mình sẽ nhắc tới Timothee Chalamet – đang là một trong những diễn viên triển vọng bậc nhất của Hollywood. Dù xuất hiện ở rất nhiều bộ phim trước đó như Interstellar (Christopher Nolan), One and Two nhưng hầu hết là vai phụ, nhưng bước ngoặc lớn nhất chính là vai diễn Elio trong bộ phim đoạt giải Oscar ở mục “Best Writing” là “Call me by your name”.
Timothee Chalamet được chắp cánh bởi CMBYN nhanh chóng trở thành một hiện tượng của Hollywood và với visual điển trai của mình, chàng trai 26 tuổi này thể hiện được mình sẽ là thế hệ tài năng tiếp theo của bộ môn nghệ thuật thứ 7. Dune: siêu phẩm sci-fi và Don’t look up (Dù vai diễn khá ít) cho thấy một năm cũng thành công của Timothee Chalamet và hứa hẹn tiềm năng của nam diễn viên này.
Càng nổi tiếng, càng nhiều người biết tới thì tần suất xuất hiện của Timothee Chalamet trên red carpet (Thảm đỏ) càng nhiều thì công chúng, truyền thông và báo chí càng đổ dồn về cách ăn mặc của nam tài tử này ra sao. Thực tế mà nói rằng, với vẻ điển trai của mình thì lúc nào Timothee cũng luôn chiếm spotlight và cách ăn mặc luôn là chủ đề bàn tán.
À, thế thì mình xin giới thiệu với các bạn Duo của Timothee Chalamet, người song hành với chàng diễn viên điển trai của chúng ta để đến nỗi truyền thông cũng thốt lên câu rằng: “Timo chỉ diện đồ này mới đẹp”. Không ai khác chính là tiêu đề bài viết của mình, Haider Ackermann – Bóng ma của làng thời trang đương đại.
Haider Ackermann là ai?
Haider Ackermann, đây không phải là một cái tên mà nhiều bạn trẻ biết, đặc biệt là thị trường Việt Nam. Nhưng để nói ngắn gọn thì Haider Ackermann (29/3/1971) là một trong những nhà thiết kế thời trang được nể trọng và ca ngợi nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây kể từ khi ra mắt bộ sưu tập đầu tiên vào tháng 9 năm 2002.
Là người gốc Colombia, Haider Ackerman đã cùng bố mẹ sinh sống và di chuyển khắp nhiều nơi trên thế giới như Chad, Ethiopia, Algeria, Lebanon, Hà Lan và cuối cùng là Bỉ. Nơi mà năm 1994, Ackermann đã theo học ngôi trường thời trang là cái nôi của rất – rất – rất nhiều fashion designer khét tiếng trước giờ: Học Viện Mỹ thuật Hoàng gia Royal Academy of Fine Art Antwerp chuyên ngành thiết kế thời trang.
Việc chu du nhiều nơi ngay từ khi còn nhỏ đã nuôi dưỡng được một sự trải nghiệm với đa văn hóa, đa truyền thống và nhiều góc nhìn khác nhau với Haider Ackermann để sau này ông kể những câu chuyện và trải nghiệm đó bằng thời trang.
Nếu các bạn để ý thì những nước mà Haider đã từng kinh qua trải dài từ châu Mỹ – Châu Phi và Châu Âu nên rõ ràng là người đàn ông này đủ độ thấu hiểu được giá trị thực tế của cuộc sống, của những sự đói nghèo và giai cấp xã hội, của bạo lực và vai trò của các tầng lớp. Nó đóng 1 vai trò quan trọng trong ngôn ngữ thời trang của Haider Ackermann.
Nếu bạn xem những bộ đồ mà Timothee Chalamet đã từng mặc dưới bàn tay của Haider thì cảm nhận của bạn là gì. Đó là sự sang trọng? Đó là sự chỉnh chu? Đối với bản thân mình, đó là cái sự “Lành”.
Lành ở đây là gì? Đó là sự nhẹ nhàng, thanh mảnh vừa đủ. Một chút romance, những silhouette nhẹ nhàng với cách sử dụng các gam màu tinh tế, trầm xen lẫn kĩ thuật về chất liệu vốn là đặc trưng của Haider Ackerman. Mình xin nhắc lại một chút là Haider Ackermann từng đoạt giải thưởng Swiss Textile Award and Fashion Group International Award for Design chuyên về dệt may và chất liệu.
Những người yêu thích thời trang Haider Ackermann bởi vì những thứ “lành” trong sản phẩm mà ông mang lại, những kiểu dáng xếp nếp đặc trưng – những thiết kế phức tạp mang tới sự xa hoa, tinh tế, bí ẩn nhưng không quá nặng nề của những kiểu haute couture ngày xưa. Vừa đủ hiện đại để có thể ứng dụng trong cuộc sống ngày nay.
Chẳng thể mà Haider Ackermann rất được lòng của giới phê bình thời trang. Suzy Menkes – fashion journalist nổi tiếng của Vogue đã từng nói về Haider rằng : “Rare hope of future fashion” – “Niềm hi vọng hiếm có khó tìm cho tương lai của nền thời trang”. Karl Lagerfeld – huyền thoại của Chanel, của Fendi, của làng thời trang – nổi tiếng là một người vô cùng kĩ tính, cầu toàn cũng có niềm tin rằng Haider Ackerman là người kế vị xứng đáng vị trí của ông tại Chanel. (Nhưng điều đó không xảy ra vì rõ ràng Haider Ackermann là 1 bóng ma).
Bóng ma của làng thời trang đương đại
Cái tôi của Haider Ackermann rất lớn – một kiểu mẫu theo chủ nghĩa hoàn hảo. Mọi người nhớ Haider Anckermann học trường Antwerp vào năm 1994 chứ? 3 năm sau, năm 1997 thì ông bị đuổi học vì không hoàn thành bất kì một bài luận hay đồ án nào.
Các bạn nghĩ là Haider lười? Haider không làm? Không phải, vì “ổng” muốn ngay cả những sản phẩm thời trang đồ án dù là còn đang ngồi ở ghế nhà trường cũng phải theo tiêu chuẩn chính xác của ổng. Không chịu sự chi phối của bất kì mentor, giáo viên hay thế lực nào, không đúng ổng không làm. Thế là bị đuổi.
Dù có năng lực như vậy nhưng sự nghiệp của Haider Ackermann cũng “ba chìm bảy nổi”, không được nhiều người biết tới như các nhà thiết kế đương đại kiểu Kim Jones, Demna Gvasalia, Virgil Abloh… vì chỉ đơn giản là ông không muốn bị chi phối và điều khiển. Tháng 9 năm 2016, Haider Ackermann có gia nhập vào Berluti với tư cách là Creative Director nhưng chỉ 3 mùa sau là ông đã rời đi.
Cuộc đời của Haider Ackermann là sự trải nghiệm, kéo dài từ thuở thơ ấu đến khi cả ông làm thời trang. Trải dài từ những lần thực tập với John Galliano (lúc đó còn làm cho Christian Dior), Martin Margiela thì Haider Ackermann đã hiểu được cách mà một thể chế thời trang và ảnh hưởng khá sâu cái tôi của người làm thời trang. Rõ ràng cái tôi này sẽ bị xê dịch không ít thì nhiều, Haider chọn cách tin tưởng tuyệt đối vào con đương của mình – trở thành “Bóng ma của làng thời trang đương đại”.
Phát triển độc lập và may thay được một tập đoàn của Bỉ hỗ trợ tài chính mang tên BVBA32. Hiểu được tính cách và con đường làm thời trang đặc thù của Haider Ackermann, tập đoàn này đã tách thương hiệu của ông thành 1 tổ chức riêng để phát triển theo con đường của nó. Tại đó, Haider được thỏa sức thể hiện ngôn ngữ quần áo của mình.
Trong suốt hai thập kỉ từ bộ sưu tập đầu tiên vào năm 2002, Haider Ackermann vẫn là một người độc lập, không ồn ào – không có một chương trình quảng bá, tiếp thị, sử dụng đại sứ/đại diện nào ầm ĩ, không cố gắng để mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu. Ông bảo vệ ngôn ngữ thời trang của mình, tầm nhìn của mình và cuộc sống riêng tư của mình.
“Bóng ma” này chỉ lởn vởn ở hội các nghệ sĩ, trí thức và bạn bè thân thiết ở Paris, cũng là cái nôi để ông biết tới Timothee Chalamet. Timothee Chalamet là diễn viên độc lập về thời trang, có tuyên ngôn riêng – không cần sự trợ giúp của ekip và stylist và Haider cũng thấy sự tương đồng của ông trong đó. Thế là “mối tình thời trang” giữa Haider Ackermann và Timothee Chalamet bắt đầu.
Haider Ackermann có nói một câu như thế này mình rất thích, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với nhà báo Philip tại tạp chí Numero vào ngày 10/12/2018:
“The Instagram phenomena is incredibly dull, especially when people take it all too seriously. But what is really worrying is that today, in order to be respected, a designer needs mega numbers on Instagram.”
“Hiện tượng mang tên Instagram thực sự quá tẻ nhạt, mà tại sao con người lại khiến nó trở nên quan trọng hơn nhỉ? Nhưng cái điều thực sự đáng quan tâm hiện nay là í? Để có được sự tôn trọng, một nhà thiết kế những con số theo dõi khổng lồ trên Instagram?”
Vậy – giá trị ảo hay giá trị thật? Đó là năm 2018, còn bây giờ là 2022 khi mà những Tiktok, những NFT, những Metaverse sẽ tiếp tục ảnh hưởng và thay đổi các giá trị bình thường của thời trang. Và những “bóng ma” về cái đẹp sẽ tiếp tục sản sinh.
Xem thêm:
- Metaverse đang thay đổi lĩnh vực thời trang như thế nào?
- Thời trang cao cấp phương Tây gặp bối rối ở Trung Quốc
- Lịch sử thương hiệu Gucci: từ xưởng vali đến bi kịch ám sát gia tộc