Mặc dù là những người vô cùng giàu có, nhưng phụ nữ vẫn bán đi đồ hiệu của mình. Vì sao lại như vậy?
Ngày trước, nếu Marilyn Monroe hoặc Elizabeth Taylor chụp ảnh trong chiếc váy lộng lẫy và mặt dây chuyền lấp lánh, người hâm mộ phải đợi hàng thập kỷ để có cơ hội chạm tay vào nó. Họ cũng phải bỏ ra hàng triệu USD trong cuộc đấu giá. Ngày nay, việc tiếp cận những món đồ của ngôi sao dễ hơn bao giờ hết, New York Post nhận định. Bây giờ, nếu nhìn thấy Kim Kardashian trong một bộ bodysuit ren của Givenchy, bạn chỉ cần đợi một hoặc hai năm, nhấc điện thoại lên và mua nó.
Không dùng nên bán cho đỡ phí
“Nhiều người nổi tiếng muốn dọn dẹp tủ quần áo của họ và bán các mặt hàng. Bên cạnh ẩn danh, họ cũng công khai các cuộc thanh trừng loạt đồ hiệu của mình”, Natalie Seufferlein – phát ngôn viên của một trang web mua lại hàng xa xỉ – cho biết.
Những năm gần đây, Lena Dunham, Khloé Kardashian, Kris, Kendall và Kylie Jenner đã tổ chức bán hàng công khai. Những mặt hàng thuộc sở hữu của các ngôi sao này thường được bán hết trong vòng vài giờ. Ngay cả những chiếc quần jean và áo hoodie kém chất lượng nhất cũng được mua nhanh chóng. Trong một số cuộc đấu giá trực tuyến, giá vượt xa bán lẻ.
“Mọi người muốn được tiếp xúc gần hơn với những ngôi sao họ quan tâm, yêu mến và ngưỡng mộ”, Giám đốc điều hành Poshmark Manish Chandra chia sẻ.
Có nhiều thứ để bán nhưng phổ biến nhất là túi hiệu. Một số người cho rằng họ phải bán đồ của mình vì khi chụp ảnh mặc cùng món đồ nhiều lần, họ dễ bị nhận xét là không đa dạng.
Bryanboy – người có ảnh hưởng về thời trang trên mạng xã hội – nói: “Những người nổi tiếng mặc đồ một lần, có thể nhiều nhất là hai lần. Dù là quà tặng hay đã mua, chúng được chất đống. Và việc không được sử dụng là rất lãng phí. Đó là một trong những lý do họ phải bán lại”.
Thời trang bền vững hiện được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Việc bán lại những món đồ hiệu cũng góp phần phát triển xu hướng này. Do đó, một số ngôi sao cũng thích bán lại đồ công khai.
Có lãi nên… bán
Ngoài người nổi tiếng, phụ nữ giàu có trên khắp thế giới cũng thường bán lại đồ của họ. New York Post cho rằng đây là một trong những cách giúp họ “giàu càng giàu hơn”.
Theo Ben Hemminger – Giám đốc điều hành của đại lý bán lẻ cao cấp Fashionphile, những phụ nữ này có nhiều túi hơn mức họ cần hoặc muốn. Vì vậy, họ loại bỏ chúng để nhường chỗ cho những món đồ khác. Nhờ những người giàu có này, Hemminger mới có được lượng hàng Hermès đáng mơ ước, bao gồm 400 chiếc túi Birkin và hơn 200 chiếc Kelly.
Hemminger cũng phải trả giá đắt. Hai năm trước, anh đã mua một chiếc Birkin phiên bản Himalaya với lớp sơn hoàn thiện bằng tay cực hiếm. Giá bán lẻ ban đầu 50.000 USD và giá qua tay một người phụ nữ là 100.000 USD. Sau đó, anh bán nó trên web với giá 150.000 USD.
Gần đây, anh lại phải trả 180.000 USD để mua một chiếc túi tương tự từ một khách hàng khác. Anh đã bán chiếc túi đó với giá 230.000 USD.
Một trong những khách hàng giàu có của anh thừa nhận với tờ The Post rằng cô rất dễ thấy nhàm chán với vô số loại túi hàng hiệu trong tủ quần áo.
“Tôi thích thời trang và không thể từ bỏ đam mê mua sắm. Tôi thường xuyên vào cửa hàng Chanel để mua những chiếc túi mới tinh. Tuy nhiên, tôi luôn tìm cách chuyển những thứ cũ ra khỏi tủ của mình và mang đồ mới vào”, vị khách giàu có chia sẻ.
Trong 7 năm qua, cô thường xuyên bán những chiếc túi cao cấp nhất cho nhóm của Hemminger. Chẳng hạn như chiếc túi Hermès Birkin 25 cm có giá bán lẻ chỉ hơn 10.000 USD. Cô đã kiếm được 1.000-2.000 USD lợi nhuận từ việc bán nó.
Bán bớt để có tiền mua sắm tiếp
Những người mua lại đồ hiệu cũng cho biết nhiều phụ nữ muốn chi tiêu nhưng luôn bị bạn đời “ghìm” lại. Đó là động lực để họ bí mật dọn tủ và bán đồ.
Jackie Onassis là minh chứng điển hình. Khi kết hôn với ông trùm vận tải biển kín tiếng Aristotle Onassis, cô đã chi hơn 1 triệu USD cho trang phục trong năm đầu.
Người chồng doanh nhân đã cắt giảm phụ cấp chi tiêu của cô xuống chỉ còn 30.000 USD/tháng. Không còn tiền mặt, Jackie chuyển sang thanh lý tủ quần áo để cải thiện thói quen mua sắm của mình.
Hemminger đã hỏi lý do thanh lý đồ của một phụ nữ vì biết rằng cô có đủ khả năng tài chính và không cần phải bán lại. Cô nói rằng chồng mình không bao giờ xem xét các khoản phí thẻ tín dụng dưới 5.000 USD. Do đó, nếu cô chia nhỏ nó thành 4.000 USD, chồng sẽ không bao giờ hỏi.
Đối với một số phụ nữ, họ bán đồ với lý do là để loại bỏ những ký ức tồi tệ.
“Khi tôi đính hôn, tôi đã mua váy của Zimmerman, Alice, Olivia và Retrofete cho bữa tiệc. Sau đó, đám cưới bị hoãn lại. Hai năm sau, tôi không còn muốn nhìn thấy chúng trong tủ nữa. Tôi quyết định bán chúng với giá gần như những gì tôi đã trả ban đầu”, một khách hàng khác kể.
Thậm chí, có người còn “đánh cược” với hành động bán lại của họ.
Với những khách hàng thân thiết của Hermès, việc nhận được ưu đãi định kỳ là tất nhiên. Họ có thể được đặt hàng riêng một chiếc Birkin. Ngoài những người giữ lại để làm kỷ niệm, một số chỉ nghĩ đến việc bán chúng.
“Thỉnh thoảng, ai đó sẽ gọi cho chúng tôi và thông báo họ được đặt riêng chiếc túi hình móng ngựa của hãng. Họ đề cập thẳng luôn là sự kết hợp màu sắc nào sẽ bán được giá”, Judy Taylor – Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Madison Avenue Couture – cho biết.
Một chiếc túi “móng ngựa” được bán lẻ với giá 30.000-40.000 USD có thể thu về 100.000 USD khi khách hàng bán lại nó.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Điều quan trọng còn nằm ở thời điểm bán. Một vị khách đã mua một chiếc túi Chanel cách đây 5 năm với giá 6.000 USD. Sau một thời gian, cô cảm thấy không còn hứng thú và bán nó với giá 7.400 USD.
Điều đáng nói là vị khách này có thể bán được nó với số tiền lớn hơn khi Chanel gần đây thông báo nhiều đợt tăng giá.
Vì sao thời trang hàng hiệu lại có giá đắt đỏ như vậy?
Điều gì khiến một chiếc túi xách mang nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel hay Hermès lại có mức giá cao...