Điều gì khiến một chiếc túi xách mang nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel hay Hermès lại có mức giá cao hơn gấp hàng chục lần một sản phẩm khác có cùng kiểu dáng, công dụng nhưng đến từ những nhãn hàng bình dân?
Tại sao khá tương đồng về thiết kế nhưng những mẫu váy áo cộp mác Dolce & Gabbana, Marc Jacobs lại có giá tới hàng ngàn đô la, đắt hơn hẳn so với nhãn hiệu kém tên tuổi? Phải chăng là vì sự khác biệt về chất lượng đã tạo nên sự chênh lệch rất lớn về giá bán?
Tại sao hàng hiệu lại có giá vô cùng đắt đỏ?
Thực ra, chất lượng chỉ là một nguyên nhân cơ bản giúp đẩy mức giá của những sản phẩm hàng hiệu lên “trên trời”. Quy trình sản xuất nghiêm ngặt và khắt khe, chi phí nhân thương hiệu và chi phí nhân công cao mới là những yếu tố chính tạo nên giá trị đắt đỏ của hàng hiệu.
Hơn cả một sản phẩm chất lượng cao, hàng hiệu còn được coi như một tác phẩm nghệ thuật
Chất lượng của các món đồ hàng hiệu luôn được đảm bảo nhờ việc sử dụng những nguyên liệu hàng đầu và quá trình gia công tỉ mỉ. Ví dụ, để làm nên một chiếc túi xách Hermès Birkin, người ta sẽ phải lấy da của ba đến bốn con cá sấu từ Australia hoặc từ sông Nile ở châu Phi, sau đó nhuộm màu và cắt, khâu, tỉa những miếng da để tạo thành sản phẩm cuối cùng, tất cả các công đoạn này đều được thực hiện bằng tay nhằm bảo đảm độ chính xác tuyệt đối.
Hầu hết các nhãn hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng đều có một xưởng sản xuất chuyên biệt, nơi các thợ thủ công lành nghề phải trải qua nhiều năm học hỏi kinh nghiệm và tốn đến 18 giờ đồng hồ gia công hoàn toàn bằng tay để hoàn thành một món đồ phụ kiện như túi xách.
Chính bởi vậy, một sản phẩm hàng hiệu không bao giờ được sản xuất đại trà, và bản thân nó cũng được coi như một tác phẩm nghệ thuật đáng trân trọng.
Độc nhất vô nhị, rất khó đụng hàng
Tính “độc nhất vô nhị” cũng là nguyên nhân chính giải thích cho mức giá cao không tưởng của hàng hiệu. Các khách hàng, đặc biệt là nữ giới, luôn ghét việc bị “đụng hàng”.
Các món đồ hàng hiệu không chỉ đảm bảo về chất lượng và uy tín mà còn mang đến cho họ cảm giác về sự đẳng cấp và độc đáo mà không ai khác có được, bởi vậy nên cái giá phải trả để có thể sở hữu những đặc quyền này chắc chắn là không hề nhỏ.
Hàng hiệu đắt đỏ ở giá trị thương hiệu
Giá trị của thương hiệu chính là một nhân tố lớn trong việc định giá sản phẩm hàng hiệu.
Chanel, Dior, Louis Vuitton đều là những “ông lớn” trong ngành thời trang, là biểu tượng gắn liền với sự sang trọng và đẳng cấp, vì thế không có lý nào một món đồ từ những thương hiệu này lại có giá chỉ vài trăm đô la.
Khi mua một sản phẩm hàng hiệu, cái mà khách hàng nhận được không chỉ là một vật thể hữu hình để sử dụng, mà còn cả những lợi ích vô hình có giá trị đắt hơn nhiều lần như thế. Đó là sự tinh tế, đẳng cấp mà không một món đồ bình dân, dù đẹp mắt và chắc bền đến mức nào, có thể mang lại.
Vì thế, mức giá càng đắt, sản phẩm càng có số lượng giới hạn thì món hàng xa xỉ đó càng được khao khát.
Xét cho cùng, khi mà những người giàu ngày càng trở nên giàu có hơn, thì những món đồ hàng hiệu vẫn sẽ giữ mức giá “trên trời” và còn cao hơn thế nữa. Hàng hiệu, vốn bản chất nó đã chỉ dành cho giới nhà giàu, có lẽ sẽ không bao giờ là “sân chơi” dành cho những người bình thường luôn tự hỏi mình tại sao hàng hiệu lại đắt đến thế.
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: Internet.