Không đợi đến khi khoa học khám phá ra tác hại của những ánh sáng vô hình mà mắt người không nhìn thấy, con người từ lâu đã nghĩ ra nhiều cách để bảo vệ “cửa sổ tâm hồn”.
Mãi đến thế kỷ 20 thì từ kính râm (kính mát) mới xuất hiện. Những chiếc kính gọng tối màu từ chỗ là công cụ bảo hộ lao động đã vụt sáng thành một món phụ kiện thời trang không thể thiếu.
Chiếc kính râm đầu tiên
Theo bài viết “The Evolution of Sunglasses” (Sự tiến hóa của kính râm) thuộc dự án văn hóa và nghệ thuật Google Arts & Culture, kính của người Inuit, những người bản địa sống ở các vùng Bắc cực của Canada, được xem là hình thức ứng dụng kính mát đầu tiên của nhân loại.
Hơn 2.000 năm trước, tổ tiên người Inuit đã biết đeo những chiếc “kính chống nắng” gọi là nigaugek hay igguag để che mắt khỏi ánh sáng chói lóa phản chiếu từ tuyết. Những chiếc kính chống nắng này được chạm khắc từ gỗ, xương, ngà của hải mã, hoặc nhung hươu thành một vật đeo ngang mắt, chỉ chừa lại hai khe ti hí, không gắn tròng, để người đeo có thể nhìn xuyên qua.
Hậu duệ người Inuit về sau thường cắt kính bảo hộ dạng này sao cho vừa khít với khuôn mặt, và xát bồ hóng hoặc thuốc súng bên ngoài kính để hấp thụ và giảm độ chói của ánh sáng.
Sau người Inuit, con người ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng tìm ra cách sáng tạo để bảo vệ đôi mắt khỏi bị chói. Cũng theo Google Arts & Culture, Hoàng đế La Mã Nero từng nhìn xuyên qua những viên đá quý được đánh bóng để giảm độ chói từ mặt trời khi xem đấu sĩ đánh nhau trong thời gian ông tại vị từ năm 54 đến năm 68 sau Công nguyên. Đây nhiều khả năng là loại kính râm đắt tiền nhất và kém hiệu quả nhất trong lịch sử.
Một hình thức ứng dụng khác cũng xuất hiện ở Trung Quốc vào thế kỷ 12, khi các vị quan đeo những chiếc Ai Tai (mây đen che bầu trời) – vật làm bằng gỗ mài nhẵn có gắn thấu kính thạch anh màu khói – trong các phiên tòa để che giấu biểu cảm của họ.
Mặt trời phát ra một số lượng rất lớn bức xạ hồng ngoại có bước sóng dài hơn bước sóng của ánh sáng đỏ mà mắt người có thể nhìn thấy. Chỉ một lượng nhỏ bức xạ hồng ngoại này có thể lọt vào mắt người và cũng ít gây rủi ro, trong khi bức xạ tử ngoại (các tia UV) không thể nhìn thấy bằng mắt thường có thể gây hại lâu dài vì bước sóng ngắn hơn của nó mang nhiều năng lượng hơn. Tia UV có thể phá vỡ các liên kết hóa học và làm hỏng các phân tử ADN trong các tế bào mỏng manh của mắt, dẫn đến đục thủy tinh thể và ung thư. Một cặp kính râm tốt, chỉ với hai mảnh thủy tinh hoặc nhựa màu, có thể ngăn gần như toàn bộ các tia gây hại này, cũng như bảo vệ mắt khỏi cường độ ánh sáng mạnh, lóa…
Kính màu = bệnh tật
Mắt kính đã được phát minh khoảng cuối thế kỷ 13, bắt đầu có thiết kế với gọng và tròng kính như ta biết ngày nay vào thế kỷ 18. Khi đó, bác sĩ nhãn khoa người Anh James Ayscough tin rằng thay đổi màu tròng kính có thể giúp cải thiện thị lực.
Ayscough thử nhuộm tròng kính màu xanh lam và xanh lá cây vào khoảng năm 1752, chỉ quan tâm đến giúp người đeo sáng mắt chứ không nghĩ gì đến công dụng hạn chế các tia có hại từ mặt trời. Và tất nhiên, những cái kính của Ayscough không hề được gọi là kính mát.
Đầu thế kỷ 20, mắt kính tròng tối bắt đầu được sử dụng với mục đích hơi liên quan với mặt trời: khi thấy người bị giang mai trở nên nhạy cảm với ánh sáng, người ta nhuộm tròng kính màu nâu hoặc vàng để giúp họ đỡ phiền toái khi ra đường. Những chiếc kính thuốc thiết kế cho những người này có phần mũi giả để đỡ gọng kính thay cho phần mũi bị biến dạng ở những bệnh nhân mắc bệnh lâu năm.
Cũng vì cách ứng dụng này mà người ta liên hệ kính có tròng màu với bệnh tật. Mọi thứ thay đổi vào năm 1908, khi tiến sĩ vật lý William Crookes được Hoàng gia Anh cử đến những nhà máy thủy tinh ở thành phố Lancashire phía bắc nước Anh để điều tra nguyên nhân khiến hàng loạt công nhân bị mất thị lực.
Theo The Economist, sau quá trình nghiên cứu, Crookes kết luận các bức xạ hồng ngoại chính là nguyên nhân. Vì vậy, ông đã thử nghiệm hơn 300 hợp chất trong phòng thí nghiệm để chế tạo ra kính mát dành riêng cho các công nhân thổi thủy tinh.
Cuối cùng, ông đã tìm ra công thức để làm tròng kính từ một loại thủy tinh có màu xanh lá úa, được gọi là Crookes Glass 246, chặn được 98% ánh sáng hồng ngoại. Ông khuyến nghị những người thợ thổi thủy tinh nên dùng kính bảo vệ với thấu kính làm bằng vật liệu này.
Nhưng mọi nỗ lực thuyết phục người lao động đeo kính bảo hộ đã thất bại mà lý do đến từ sự bảo thủ của họ. Những người thợ thổi thủy tinh cho rằng kính râm không hợp với họ chút nào. Một số nhận xét kính râm quá thời trang so với tính chất công việc của họ.
Vụt sáng
Sau Crookes Glass 246, Crookes tìm ra công thức tạo tròng kính màu lam nhạt, chặn được một lượng nhất định ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy, đồng thời chặn các dạng bức xạ cực tím có hại nhất. Ông gọi đó là Crookes Glass 249. Crookes không dùng mẫu kính này cho mục đích bảo hộ lao động, mà thiết kế riêng để mình và vợ mang như một phụ kiện thời trang.
Vợ chồng Crookes đã đeo những cặp kính râm hiện đại đầu tiên trong lịch sử đi dạo dọc theo những vách đá phấn ở bờ biển phía nam nước Anh trong mùa hè nóng nực năm 1911. Khám phá của Crookes được nhiều báo chí đưa tin và nhanh chóng lan sang bên kia bờ Đại Tây Dương, mở ra một trang mới hấp dẫn hơn nhờ vào sự trỗi dậy của Hollywood thời bấy giờ.
Vào những năm 1920 ở Mỹ, rất dễ bắt gặp những ngôi sao điện ảnh diện những chiếc kính râm nơi công cộng, vừa để bảo vệ mắt vừa tránh bị những tay chuyên săn chụp ảnh người giàu và nổi tiếng nhận dạng và làm phiền.
Dù bất ngờ bị chụp ảnh hay lúc tạo dáng trong studio, chiếc kính râm cũng cần thiết vì đèn flash máy ảnh thời đó có cường độ mạnh, rất hại mắt. Chẳng bao lâu sau, các ngôi sao phim câm diện luôn kính râm vào phim, khiến món phụ kiện này càng gây ấn tượng mạnh với công chúng.
Thương mại hóa
Thương gia người Mỹ gốc Áo Samuel Foster đã chớp thời cơ khi nhu cầu mua kính râm tăng vọt vì bỗng trở thành xu hướng. Foster sản xuất hàng loạt kính râm làm từ celluloid vào năm 1929, và đem bán chúng trên các bãi biển của thành phố Atlantic ở New Jersey, được người tiêu dùng đón nhận nồng hậu.
Trong một bài viết năm 1938, tạp chí Life miêu tả kính râm như một “mốt mới trên đường phố… một món đồ được yêu thích bởi hàng nghìn phụ nữ trên khắp nước Mỹ” và 20 triệu cặp kính đã được bán ra vào năm trước đó. Chính những bài viết như vậy trên tạp chí, cùng với các quảng cáo có sự góp mặt của những ngôi sao nổi tiếng Hollywood, đã thúc đẩy doanh số bán hàng của Foster.
Kính râm trở nên thời trang hơn, song chúng cũng kém an toàn hơn. Nhiều nhà sản xuất gần như quên bén mục tiêu ban đầu của những chiếc kính râm là bảo vệ người dùng khỏi tia cực tím.
Khi người dùng đeo những chiếc kính râm, đồng tử giãn ra, làm tăng lượng bức xạ UV mà mắt có thể hấp thụ, vì thế tròng kính làm không bảo đảm thì mang kính râm lại gây tác dụng ngược. Mọi thứ đã được cải thiện vào những năm 1970 khi ngành công nghiệp này áp dụng các tiêu chuẩn an toàn. Dẫu vậy, việc buôn bán các mặt hàng giả, không an toàn vẫn phát triển mạnh cho đến ngày nay.
Kính Ray Ban là món phụ kiện sành điệu ngày nay, nhưng thuở ban đầu, chúng được các phi công của Lực lượng Không quân Mỹ sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh thế giới thứ hai để chặn ánh sáng chói từ mặt trời. Sau chiến tranh, dòng kính này mới được bán ra công chúng, với hình dạng gọng kính và màu sắc của tròng kính thời trang hơn, đánh dấu một cột mốc mới: công dụng của kính râm cuối cùng cũng có thể sánh đôi với tính thời trang của nó.
Bài viết hữu ích
3 mẫu kính Ray-ban kinh điển nhất mọi thời đại
Nhắc đến kính mắt, thì Ray-ban luôn là một tên tuổi lớn với những kiểu mắt kính kinh điển, có...
Read moreDetailsDe Rossi và cái kết đẹp cùng AS Roma
De Rossi và cái kết đẹp cùng AS Roma, một bài viết ngắn đầy ý nghĩa của tác giả Vũ Trung...
Read moreDetailsReview phim Man On Fire: “Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải làm bạn với cháu”
"Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải làm bạn với cháu" - Vệ sỹ John Creasy nói với...
Read moreDetailsReview phim Định mệnh (The Poanist 2002): có những số phận được quyết định bởi sự tình cờ ngoài mọi toan tính
Bài viết review nội dung bộ phim The Pianist (2002). Phim được giải Oscar về đạo diễn xuất sắc nhất...
Read moreDetails–
TẠP CHÍ MENBACK