“Em nói em đi may vest… thì bạn em lại chỉnh là đi may suit chứ! Vậy suit hay vest mới là đúng?”
Đó là thắc mắc một bạn gửi cho tôi hỏi về các khái niệm thời trang nam. Vậy nhân tiên tôi biên bài này, chia sẻ quan điểm của tôi về cách gọi vest và suit để các bạn rõ ràng hơn giữa ma trận tên gọi các loại trang phục được bày binh bố trận trên internet nhé.
Suit hay vest mới đúng?
Nếu đã đọc được ở đâu đó về chủ đề này, chắc chắn các bạn sẽ nói là ‘suit jacket’ nếu đi theo bộ, hoặc blazer hoặc sport coat nếu tách riêng áo. Cũng đúng, theo kiểu Mỹ.
Nhưng với tôi thì cả hai bạn trên đều không sai, vì từ “Vest” xuất phát từ tiếng Pháp “Veste” (nghĩa là áo khoác), còn tiếng Tây Ban Nha là “Vestis” hoặc tiếng Ý là “Vesta” thì nghĩa là áo choàng nói chung.
Sau này, dân chơi bên Châu Mỹ lại dùng từ “Vest” để nói cho áo gi-lê (áo khoác không tay) còn dân chơi Châu Âu thì dùng từ “Waistcoat”.
Như vậy trong việc giao tiếp, khi nói áo vest hay áo suit (suit jacket) và chúng ta đều hiểu cùng một ý thì đó mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, trong từng hội nhóm, nếu thống nhất được một cách gọi cùng nhau là tốt nhất, đỡ mệt.
Đến đây, chỉ vài dòng thôi có thể các bạn cũng đã hiểu hơn chút chút rồi chứ. Cơ bản, khái niệm hay tên gọi đều là do con người tự đặt ra với mục đích duy nhất là giúp giao tiếp trong cộng đồng thuận lợi hơn. Do đó, nó hoàn toàn có thể thay đổi tùy theo văn hóa và vùng miền.
Và muốn đào sâu hơn thì phải xem đến nguồn gốc xuất hiện, từ ngôn ngữ nào, du nhập và được điều chỉnh ra sao, như vậy mới thông suốt được.
Khái niệm cũng chỉ là khái niệm
Tôi ví dụ, tôi là người Nam gọi cái muỗng là Muỗng, còn người Bắc gọi là cái Thìa; rõ ràng tôi không thể bắt người Bắc gọi cái Thìa là muỗng được.
Biết nhiều “khái niệm” và nắm nhiều “kiến thức” là một lợi thế cực quan trọng trong bất kỳ cuộc chơi nào, chứ không chỉ riêng về ăn mặc. Nhưng với tôi, kết quả của cuộc chơi vẫn là đích đến cuối cùng.
Một người đầu bếp dù có nhớ hết tên các loại nguyên liệu, công thức hay món ăn trên thế giới nhưng không cho ra được một món ăn ngon và phù hợp với thực khách thì việc nhiều “kiến thức” đến đâu cũng trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên, nếu bạn đã nấu ăn ngon mà còn thuyết trình thêm được những kiến thức thú vị xung quanh món ăn đó thì đấy chính là “đích đến hoàn mỹ”.
Tôi hay gọi những người biết nhiều mà ít thực hành là “Học Giả”, còn những người làm ra kết quả nhiều là “Hành Giả”. Biết nhiều thì rất tốt nhưng đừng để mắc kẹt trong chính những kiến thức đó rồi lại lúng túng khi bước vào cuộc chơi thực tế.
Suit hay vest, hiểu để mặc đẹp hơn mới là quan trọng.
–
TẠP CHÍ MENBACK