Qua nhiều năm, thời trang được công nhận là một phần không thể thiếu, góp phần tạo dựng hình ảnh của các mùa Olympic.
Dù là sự kiện thể thao, Olympic Tokyo 2020 vẫn có sự liên quan về thời trang, WWD nhận định. Đối với nhiều thương hiệu thời trang và nhà thiết kế, việc làm trang phục cho các đội Olympic mang lại nhiều ý nghĩa.
Khi Olympic trở thành nơi giúp quảng bá
Lịch sử lâu đời của thời trang tại sự kiện này bắt đầu từ Thế vận hội diễn ra ở Athens, Hy Lạp vào năm 1896. Ban đầu, trang phục lấy cảm hứng từ doanh nhân gồm chiếc áo blazer một cúc mặc với quần được thiết kế riêng cho nam và váy cho nữ.
Năm 1956, giới truyền thông cho rằng đồng phục đã mang lại lợi thế cho đội Mỹ trong cuộc thi. Nhà thiết kế Bonnie Cashin đã tạo ra những bộ đồ len bắt mắt, cung cấp cả đồ lót và đồ ngủ.
Kiểu đồng phục hiện đại không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang của Mỹ và châu Âu, nó còn mang đến cơ hội cấp phép lý tưởng cho các thương hiệu. Từ đó, các nhà thiết thế thời trang trở thành một phần quan trọng cho khía cạnh hình ảnh của Thế vận hội.
Halston đã làm trang phục cho những người tham gia Olympic vào năm 1975. Thế vận hội mùa đông Innsbruck năm 1976 và mùa hè Montreal cũng do ông đảm nhận. Khi đó, ông đã quảng bá bộ sưu tập Olympic của mình thông qua buổi trình diễn thời trang trên truyền hình. Bộ sưu tập gồm quần ống loe, vali và trang phục giải trí.
Ông nói với WWD khi đó: “Tôi sẽ đưa các thành viên từ quầy bánh hamburger đến một bữa tiệc cà vạt đen”. Buổi trình diễn thời trang trên truyền hình của nhà thiết kế là phương tiện hoàn hảo để thu hút sự tham gia của người tiêu dùng.
Halston đã biến các sản phẩm chỉ dành cho vận động viên thành bán lẻ bằng cách loại bỏ phù hiệu Olympic trên cùng một bộ sưu tập. Ông bán nó tại các cửa hàng bách hóa của Montgomery Ward. Động thái này đã làm tăng khả năng hiển thị thương hiệu.
Các công ty Mỹ tiếp tục dẫn đầu cuộc diễu hành thời trang Olympic khi quần áo năng động, giản dị và denim nổi lên vào những năm 1980.
Sự đóng góp của Levi Strauss & Co. với tư cách là nhà thiết kế chính thức cho đội Mỹ bắt đầu vào năm 1979. Quyết định tẩy chay Thế vận hội mùa hè 1980 tại Moscow (Nga) của Mỹ đã ngăn chặn đóng góp thứ hai của thương hiệu.
Tuy nhiên, sự trở lại của Levi’s cho Thế vận hội mùa hè và mùa đông 1984 đã cho thấy dòng trang phục thể thao năng động gồm áo phông và quần jean denim có logo biểu tượng.
Năm 1988, Adidas là nhà cung cấp chính thức của đội tuyển Mỹ cho Thế vận hội mùa hè và mùa đông. Họ đã làm việc với các vận động viên để cung cấp hơn 30 mặt hàng quần áo.
Trong khi đó, Penney’s đã thuê nhà thiết kế người New York – Henry Grethel – để tạo ra đồng phục của đội trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Barcelona 1992. Grethel trở thành nhà thiết kế chính đầu tiên trong vai trò này. Ông đã xa rời yếu tố truyền thống khi làm ra chiếc áo khoác màu hoa vân anh mặc với một váy vân hoa.
Cùng năm, Polo Ralph Lauren ra mắt tại Thế vận hội mùa đông ở Calgary. Quần jeans xanh kiểu nông trại, áo khoác denim, áo phông có cờ Mỹ và vòng tròn Olympic là những thiết kế giúp quảng bá thương hiệu khi đó.
Thời trang – khía cạnh không thể thiếu tại Thế vận hội
Đội tuyển Mỹ tham dự Thế vận hội mùa hè 2002 đã ghi dấu ấn với chiếc mũ nồi màu xanh lam của Roots. Nó trở thành món đồ được thèm muốn nhất tại sự kiện năm đó. Vào năm 2004, thương hiệu đã sửa đổi chiếc mũ nồi để bổ sung cho bộ sưu tập lấy cảm hứng từ phong cách cổ điển.
Nike cũng xuất hiện tại Thế vận hội năm 2004, trang bị cho các đội tham dự lễ trao huy chương.
Sự công nhận của quốc tế đối với những đóng góp từ ngành thời trang cho Thế vận hội hình thành khi Giorgio Armani ra mắt vào năm 2006. Armani đã mang đến buổi lễ khai mạc khía cạnh thời trang với sự giúp đỡ của người mẫu trong trang phục Armani Privé cầm lá cờ đất nước, sải bước cùng nữ diễn viên Sophia Loren cầm lá cờ Olympic. Hình ảnh này đã giúp củng cố vai trò của thời trang trong lễ khai mạc và bế mạc.
“Sau sự hài lòng to lớn các vận động viên mang lại, tôi sẽ theo dõi Thế vận hội với sự quan tâm và tự hào. Tôi rất vui với sự hợp tác. Điều này khẳng định mối liên hệ sâu sắc của tôi với thể thao”, Giorgio Armani cho biết.
Các thương hiệu và nhà thiết kế quốc tế vẫn là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra trang phục tại Thế vận hội. Danh sách mở rộng khi Yohji Yamamoto Y-3 hợp tác với adidas, cung cấp quần áo cho toàn đội Vương quốc Anh tại Thế vận hội mùa hè 2008 ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tiếp đến, bộ sưu tập Olympic đầu tiên của Stella McCartney thu hút sự chú ý vào năm 2012. Nhà thiết kế đã làm việc với adidas để ra đời trang phục cho các đội Olympic và Paralympic của Anh cũng như loạt sản phẩm mang tính ứng dụng cao cho công chúng.
Cơn sốt thời trang tiếp tục diễn ra tại Thế vận hội mùa hè 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil. Đôi giày đế đỏ đặc trưng từ Christian Louboutin đã truyền cảm hứng cho màu sắc đồng phục của đoàn Olympic Cuba. Lacoste đã pha trộn di sản vào trang phục đội Pháp.
Đối với Thế vận hội Olympic Tokyo bắt đầu vào 23/7, Ralph Lauren trang bị cho các vận động viên những chiếc áo khoác được thiết kế để chống lại nhiệt độ nóng. Thương hiệu Skims của Kim Kardashian sản xuất đồ lót cho đội Mỹ.
Uniqlo cung cấp đồng phục cho các đội Olympic và Paralympic Thụy Điển. Đây là lần đầu tiên thương hiệu Nhật Bản khoác áo cho đội tuyển quốc gia.
“Dù lễ khai mạc năm nay không có sự chứng kiến của khán giả, nhiều người vẫn mong đợi màn trình diễn thời trang ảo cùng niềm tự hào dân tộc”, WWD kết luận.
Xem thêm:
- Suit của đội tuyển Ý và đặc sản Sprezzatura trứ danh
- Xu hướng thời trang nam Xuân/Hè 2022: đề cao ứng dụng cuộc sống
- Tips xây dựng phong cách thể thao hợp thời trang
–
MENBACK.COM