Đâu là những thương hiệu thời trang workwear nổi tiếng nhất thế giới bạn cần biết?
Phong cách, tính bền bỉ và khả năng ứng dụng cao – Đó là những từ ngữ ngắn gọn nhất để miêu tả về trang phục phong cách workwear. Kể từ khi Levi Strauss phát minh ra chiếc quần jeans dành cho thợ mỏ vào những 1870, đây không chỉ là cột mốc đáng nhớ mà còn là tiêu chuẩn cho cả một phong cách.
Để phù hợp với đa số, các thương hiệu thời trang workwear hiện đại tất nhiên đã có chút biến chuyển về thiết kế nhưng tựu chung lại, trang phục workwear “phải” bền chắc, trường tồn với thời gian. Hãy nghĩ đến loại trang phục bảo hộ cho bạn tại một xưởng mộc hay cơ khí nhưng cũng rất sẵn sàng để đồng hành cùng bạn trong phong cách hàng ngày.
Workwear từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều brand. 2 năm, 5 năm, 10 năm thậm chí là còn hơn thế nữa, workwear vẫn sẽ lặng thầm ở đó chờ đợi để phục vụ bạn, tất nhiên nếu bạn đặt niềm tin vào đúng nơi. Và dưới đây là những thương hiệu thời trang chuyên đồ workwear nổi tiếng, sừng sỏ nhất bạn nên biết:
1. Red Wing
Hiếm có thương hiệu nào khác vượt mặt được Red Wing khi nhắc đến những đôi boots “chiến”. Thương hiệu thuần Mỹ này nổi tiếng với boots moc-toe mạnh mẽ, chất liệu da veg tan bền chắc đến khó tin.
David Beckham một dạo cũng chuộng phong cách workwear với đôi Red Wing xuất hiện thường trực.
Red Wing cũng là sự kết hợp yêu thích của dân chơi raw denim, khi màu xanh indigo của quần jeans hoà vào màu da veg tan trên giày cho ra nét bụi bặm và nam tính.
2. Carhartt
Một brand chẳng cần phải giới thiệu nhiều nữa, Carhartt đã và đang làm ra những món đồ workwear cực kỳ chất lượng hơn cả thế kỷ nay, nổi bật nhất phải kể đến những chiếc jacket vải dù màu nâu (duck-canvas), chỉ nhìn thoáng qua đã biết ngay của Carhartt.
Vượt ra khỏi trang phục bảo hộ lao động truyền thống, Carhartt quyết định ra mắt thêm một thương hiệu phụ mang tên Carhartt WIP – viết tắt của “Work In Progress”. Thương hiệu phụ này mang đến những thiết kế mới mẻ, có tính “casual” và dễ ứng dụng vào đời sống. Carhartt WIP mang đến làn gió mới, trẻ trung và hợp thời hơn.
3. Filson
Filson chuyên làm trang phục cho những chuyến dã ngoại, khám phá, đi câu, săn bắn ngoài trời. Thương hiệu đến từ Seattle, Mỹ này đã “thúc đít” các chàng trai lao ra ngoài hoà mình vào thiên nhiên từ tận những năm 1800.
Phần lớn sản phẩm của thương hiệu vẫn đang được sản xuất ở Mỹ (Seattle và Idaho) và Filson cũng không muốn nhân rộng số lượng một cách mù quáng, bởi thế mạnh của Filson nằm ở chất lượng, văn hoá thương hiệu mang tính di sản.
4. Taylor Stitch
Ra mắt từ năm 2007, Taylor Stitch do 3 người bạn tại California, Mỹ sáng lập sau khi đã quá buồn bã và đau khổ vì không tìm thấy kiểu áo sơ mi phù hợp. Muốn ăn thì lăn vào bếp, 3 người bạn này thậm chí còn tạo nên nguyên cả một bộ sưu tập dành cho nam giới.
Những món đồ mang tinh thần workwear đặc trưng như shirt jacket hay denim là dòng sản phẩm chủ lực của Taylor Stitch. Thực ra thì mọi thiết kế của brand này đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ văn hoá workwear.
5. Dickies
Cái tên quá đỗi quen thuộc này cũng là một ví dụ điển hình cho một thương hiệu workwear bước chân vào thế giới streetwear đầy tiềm năng. Dickies vẫn làm nên những món đồ bền chắc nhưng kết hợp thêm cả yếu tố thời trang để hướng đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi.
Dickies ra đời trong những năm 1930, ý niệm làm ra trang phục workwear giá rẻ vẫn còn cho đến ngày nay, như xương sống để hãng này tồn tại và phát triển.
6. Buck Mason
Buck Mason hướng đến nét hiện đại cho trang phục workwear. Có thể thấy ở Buck Mason là sự kết hợp giữa phong cách basic, tối giản trên nền workwear.
Sơ mi flannel, denim Nhật Bản, các loại áo khoác chất liệu bền bỉ, v.v… Buck Mason mang đến sự thoải mái và cả yếu tố vượt thời gian trong thiết kế cho trang phục hàng ngày.
7. Le Mont St Michel
Tự nhận mình là một thương hiệu trẻ, nhưng Le Mont St Michel đã có kinh nghiệm sản xuất trang phục workwear từ tận năm 1913 và đến năm 1998, hãng thay đổi hình ảnh, hướng đến sự trẻ trung và thời trang hơn. Tuy nhiên, sản phẩm cốt lõi của Le Mont St Michel là shirt jacket vẫn giữ nguyên chất lượng sau hơn 100 năm.
Shirt jacket sử dụng vải 100% cotton từ xưởng dệt lâu đời tại Pháp, chất liệu cotton moleskin được dệt sát và chặt, mang đến khả năng chống nước cực tốt. Vải moleskin vốn được ví như biểu tượng cho phong cách workwear tại Pháp, tương tự như chất liệu denim trong văn hoá workwear Mỹ.
8. OrSlow
Lấy cảm hứng từ phong cách workwear cổ điển và trang phục trong quân đội, OrSlow tạo nên những phiên bản nâng cấp cùng tư duy của người Nhật Bản. Trang phục của OrSlow có form rộng rãi, thoải mái trên nền chất liệu dày dặn.
Có quá nhiều yếu tố để OrSlow trở thành một khoản đầu tư lâu dài: “Made in Japan”, chất liệu siêu bền, thiết kế cơ bản không bao giờ lỗi mốt. Với OrSlow, bạn có thể tìm thấy chất lượng qua những sản phẩm shirt jacket, quần túi hộp và rất nhiều mẫu raw denim.
- Phối đồ với áo khoác denim jacket
- Cách chọn quần Jeans nam: kiểu quần, màu sắc, dáng người
- Phong cách thời trang Hồng Kông: vẻ đẹp hoài niệm của quá khứ