Chiếc quần jeans là một sản phẩm thời trang không thể thiếu, chưa bao giờ lỗi mốt trong tủ quần áo của bất kỳ ai bởi sự tiện dụng của nó. Chúng ta có thể mặc khi đi chơi, đi dự tiệc, đi du lịch và thậm chí là các buổi gặp mặt quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết quần jeans đã có tuổi đời hơn 100 năm và bối cảnh ra đời thực sự của chúng.
Nguồn gốc hình thành chiếc Quần Jeans của chúng ta ngày nay.
Những chiếc quần jeans đầu tiên bắt nguồn từ thành phố Genoa nước Ý, nơi nổi tiếng với loại vải bông có sợi dày, nổi, vẫn được gọi là jean hoặc jeane. Từ loại sợi này, người ta dệt ra vải và nhuộm với màu chiết xuất từ cây chàm, tạo cho quần jeans có màu xanh thẫm đặc trưng, và được xuất khẩu đến các quốc gia khác thuộc châu Âu bằng đường biển. Trong suốt nhiều năm của thế kỷ 18, những chiếc quần được làm từ chất liệu jeans đã được ra đời, nhưng chủ yếu để phục vụ các đối tượng thuộc tầng lớp lao động, như công nhân và nô lệ.
Vào năm 1848, công cuộc đào vàng bùng nổ ở California kéo theo rất nhiều người tới đây tìm vận may. Năm 1853, một thương nhân người Đức gốc Do Thái thuộc sắc tộc Ashkenaz tên Leob Strauss đã rời New York để đến San Francisco, một địa phương gần với các mỏ vàng ở California để tìm kiếm vận may. Tuy nhiên Leob Strauss không tìm thấy vàng, nhưng nơi đây đã thay đổi cuộc đời của ông và của cả lịch sử thời trang thế giới.
Trước nhu cầu về những chiếc quần vừa bền, nhưng cũng phù hợp với thời tiết và điều kiện làm việc khắc nghiệt của người công nhân đào vàng, Leob Strauss đã nghĩ đến thứ vải bông sợi chéo ở quê hương châu Âu của mình, giờ đang được sử dụng để làm lều bạt ở châu Mỹ. Và ngay lập tức, Leob Strauss đã đưa chiếc quần jeans đầu tiên đến với nước Mỹ cho các công nhân làm trong vùng mỏ. Chỉ trong vòng 1 ngày, Strauss đã bán hết toàn bộ trang phục làm ra, cũng như kiếm được nhiều tiền hơn nhờ sự nhạy bén của mình.
Sau đó ông cải tiến quần jeans bằng cách dùng một thứ vải có tên là “serge de Nimes” có nguồn gốc từ Pháp, bởi loại vải này mềm hơn nhưng có độ bền tương tự với vải jeans. Những người thợ mỏ đã vô cùng yêu thích loại vải này và họ gọi nó là “denim”. Leob sau này đã đổi tên mình thành Levi, và được coi là cha đẻ của quần jeans.
Do tính chất lao động nặng nhọc của những người mặc quần jeans, những chiếc túi quần jeans dễ bị rách. Nhận thấy vấn đề này, Jacob Davis – một thợ may đến từ Reno, Neveda và cũng là khách hàng của Leob Strauss đã có ý tưởng đóng đinh tán để cố định những chiếc túi này và nhờ đó chiếc quần được bền hơn. Davis muốn được cấp bằng cho sáng chế của mình nhưng ông không có đủ tiền cũng như không có pháp nhân. Do vậy, năm 1872, ông đã viết thư cho Strauss đề nghị Strauss trả tiền để được cấp bằng sáng chế và Strauss đã đồng ý. Ngày 20 tháng 5 năm 1873, Strauss và Davis được nhận bằng sáng chế cho quần và đinh tán của họ, và đây là ngày ra đời chính thức, ngày sinh nhật của quần jeans. Levi Strauss đặt tên cho quần của ông là “waist overalls” và sau này chiếc quần này được gọi là quần jeans.
>> Xem thêm: 5 món phụ kiện thời trang nam giới phải có
Các mốc lịch sử phát triển quan trọng của Quần Jeans
- Thế kỷ 15 – Một loại vải thô được dệt trơn tại Genoa (thành phố Genoa, Italy), đó một loại vải bông thô được dệt bằng sợi trên và dưới mỗi sợi dọc, luân phiên liên tiếp nhau.
- Cuối thế kỷ 16 – Serge Serge de Nîmes nước Pháp, có một loại vải được dệt bằng một sợi warp nhuộm màu (sợi dọc) và sợi weft màu trắng (sợi ngang).
- Đầu thế kỷ 19 – Chất liệu vải Canvas thô rất bền được dệt ở Mỹ. Mỹ lúc này cũng đã phát triển ngành dệt thoi vải denim tạo điều kiện cho sự phát triển quần jeans sau này.
- 1872 – Levi Strauss và John Davis đã hợp tác để sản xuất quần để đào vàng với đinh tán kim loại ở các đường may giúp quần tăng độ bền trong môi trường làm việc khắc nghiệt.
- 1873 – Chiếc quần jeans đầu tiên được gọi là XX đã ra đời. Quần jeans lúc đó được gọi là Waist Overalls – nó trở thành quần được giới công nhân được sử dụng rộng rãi nhất ở Mỹ.
- 1880’s – Những đặc điểm để nhận biết chiếc quần jeans đã được Levis hoàn thành vào khoảng thời gian này – như miếng da logo hình 2 con ngựa, túi nhỏ chứa đồng hồ quả cam, túi trước, túi sau….
- 1890’s – Quần jeans XX được tặng số 501 mang tính biểu tượng cho chất lượng và độ bền của nó.
- 1920’s – Quần jeans Levis may bằng vải denim bắt đầu được bán trên khắp nước Mỹ.
- 1930’s – Quần jeans vải denim đầu tiên cho phụ nữ được sản xuất.
- 1950’s – Levi’s Jeans 505 với giấy kéo quần (zipper fly) được ra mắt.
- 1960’s – Các thương hiệu Jeans khác như Lee Cooper và Wranglers đã bắt đầu xuất hiện cạnh tranh với Levi’s Jeans. Các nước châu Âu cũng bắt đầu sử dụng quần jeans.
- 1970’s – Quần jeans bắt đầu trở nên phổ biến trong giới trẻ, nhiều người nổi tiếng trong giới thể thao/nghệ sĩ bắt đầu mặc quần jeans.
- 1980 – Các nhà thiết kế thời trang lớn của Mỹ sử dụng vải Denim để may các loại sản phẩm khác. Điều này khiến quần jeans ngày càng nổi tiếng.
- 2000 – Các sản phẩm quần jeans hiện đại chất lượng cao đã trở nên phổ biến khắp thế giới. Quần jeans vẫn là Hot trend trên toàn thế giới.
Quá trình phát triển của Quần Jeans
Kiểu dáng ban đầu của những chiếc quần jeans không giống những chiếc quần sành điệu và hiện đại bây giờ. Bắt đầu từ những năm 1900, quần jeans được biết đến như là trang phục thường thấy của công nhân và nông dân với lưng quần cao, được may rộng rãi, thoải mái, gần giống như một chiếc quần yếm mà không có yếm, để người mặc cảm thấy thoải mái và tiện dụng trong quá trình làm việc. Vào thời điểm này, quần jeans dành cho đàn ông có khóa ở đằng trước, trong khi quần jeans dành cho phụ nữ có khóa ở bên phải. Quần cũng được thiết kế thêm những chiếc túi to bản để có thể dễ dàng đựng công cụ dụng cụ khi làm việc.
>> Xem thêm: Cách chọn áo thun nam đẹp cho đàn ông Việt
Vào những năm 30 của thế kỷ 20, Hollywood làm rất nhiều phim có đề tài cao bồi miền Tây, và quần jeans trở thành trang phục phổ biến trên màn ảnh, cũng như ở miền Tây nước Mỹ. Rất nhiều người sống ở bờ Đông của quốc gia này đã đích thân đến miền Tây để mua, hoặc đặt hàng những chiếc quần nổi tiếng này. Quần jeans lúc này vẫn giữ được kiểu dáng rộng và mang lại sự dễ chịu cho người mặc.
Những năm 1940, “Chiếc quần đi mượn – borrowed jeans” cực kỳ phổ biến thời kỳ này. Cái tên đã nói lên tất cả, vì trong chiến tranh thế giới thứ 2 nên sự tiện dụng được đặt lên hàng đầu, các chị em rất chuộng kiểu quần của bạn trai mình. Chiếc quần jeans này nổi tiếng hơn sau khi được Rosie the Riveter mặc để chụp poster chiến tranh thời đó.
Vào những năm 1950, phong cách Capri – phong cách quần lưng cao và xắn gấu là biểu tượng của sự sành điệu và phong cách, trở thành một phần không thể thiếu của những cô gái trẻ thời đó. Và nó càng nổi tiếng hơn sau khi Audrey Hepburn và Jackie Kennedy mặc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho là loại quần này thiếu đi sự nghiêm túc, đặc biệt là tại các trường học. Một số trường học ở Mỹ cấm học sinh, sinh viên mặc quần jeans đến trường và thậm chí còn có những hình phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm.
Những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, khi các điều lệ về thương mại quốc tế được nới lỏng, quần jeans bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tại các quốc gia trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành và mức lương của người công nhân giảm xuống, là những yếu tố khiến giá của sản phẩm này trở nên rất rẻ. Lúc này, ở nhiều quốc gia, “người người mặc quần jeans, nhà nhà dùng quần jeans”. Chiếc quần màu xanh thẫm, vải cứng, dày… trở thành một trong những vật dụng phổ biến nhất trong cuộc sống của người dân trong thập niên 70. Và như vậy, jeans vẫn chỉ là thứ hàng bình dân được bày bán một cách rộng rãi ở khắp nơi. Những chiếc quần kiểu cách và nhiều biến tấu hơn cũng được ra đời, như quần ống loe, quần côn, quần thêu, quần được mài… Đồng thời, quần shorts jeans siêu ngắn đã xuất hiện và được xem là biểu tượng của sự giải phóng nữ quyền. Kiểu quần này được đặt theo tên nhân vật Daisy của bộ phim The Dukes Of Hazzard.
Phải đợi đến những năm 80, khi mà các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng tìm đến với jeans và thiết kế quần jeans cho nhãn hiệu của riêng mình, thì thời trang đồ jean nói chung và quần jeans nói riêng mới thực sự bước vào thế giới của thời trang cao cấp và giá thành cũng vì thế mà tăng lên. Váy denim bắt đầu được ra đời và sử dụng vào thời kỳ này, nó đã trở thành trào lưu sau khi được các ca sĩ nhạc pop lăng xê.
Những năm 90, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Giới trẻ không còn cuồng quần jeans như thế hệ cha mẹ chúng trong những năm 50. Theo một số chuyên gia nhận định xu thế thời trang, lý do là thế hệ đi trước vẫn mặc quần jeans như một thói quen, và thế hệ trẻ của những năm 90 – nổi loạn, cá tính, không muốn sự lặp lại, càng không muốn “già nua” vì mặc những chiếc quần giống như cha mẹ mình, nên đã lựa chọn những phong cách thời trang khác. Những chiếc quần màu xanh vẫn được sử dụng, nhưng không còn phổ biến như trước. Mức tiêu thụ của sản phẩm thời trang này không còn tăng trưởng mạnh mẽ, dù vậy, vẫn đảm bảo ở mức đem lại lợi nhuận cho hầu hết các nhà sản xuất thời trang đồ jeans. Tuy nhiên, Jennifer Aniston từ series phim truyền hình Friends đã mang mốt quần yếm quay trở lại, nhưng quần yếm lúc này được thiết kế với nhiều mẫu mới hơn như váy yếm, quần shorts yếm chứ không chỉ đơn thuần là quần dài có lưng cao tạo thành yếm như đầu thế kỷ 20 nữa.
Đế chế quần skinny jeans được bắt đầu vào những năm 2000. Cạp quần thấp, bó chặt vào chân, những chiếc quần skinny jeans đã thống lĩnh thời trang thời gian này. Hơn nữa, skinny jeans đã được Paris Hilton và Britney Spears sử dụng rất nhiều lần.
Sang thế kỷ 21, jeans bước sang một hướng để có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng hơn. Những sản phẩm truyền thống dành cho thế hệ 5X, 6X, trong khi những chiếc quần jeans rách hoặc vá là những thiết kế mới và được ưa chuộng hơn, hướng đến đối tượng trẻ. Màu xanh vẫn là sắc màu truyền thống, nhưng những gam màu khác như nâu, đen, hồng hay vàng vẫn được sản xuất để chiều lòng những khách hàng thích sự mới lạ.
>> Xem thêm: Cách chọn áo thun nam cho người béo mập
Những thông tin thú vị về quần jeans
- Trước đây quần jeans có tên gọi là Waist Overall và sau này mới được gọi là quần jeans;
- Quần jeans được nhuộm màu chàm với mục đích chủ yếu là để che các vết bẩn và bụi;
- Quần jeans nữ trước đây có khóa khéo nằm ở phía bên phải của quần chứ không phải ở phía trước như hiện nay;
- Mỗi kiện bông nặng 500 pound (226kg) có thể sản xuất trung bình khoảng 225 chiếc quần jeans, như vậy để sản xuất 1 chiếc quần jeans trung bình mất 1kg bông thô;
- Châu Á sản xuất hơn một nửa toàn bộ số quần jeans được bán ra trên toàn thế giới;
- Ngày 20-5 được coi là ngày sinh nhật của quần jeans vì đây là ngày mà Levi Strauss và Jacob Davis nhận bằng sáng chế cho quần jeans;
- Trung bình mỗi một người Mỹ sở hữu 7 chiếc quần jeans và mỗi năm có khoảng 450 triệu chiếc quần jeans được bán ở Mỹ;
- Tại Nhật Bản, bạn có thể thậm chí mua quần jeans từ máy bán hàng tự động;
- Hàng năm có khoảng 20.000 tấn chàm được sản xuất với mục đích nhuộm màu cho quần jeans;
- Vào năm 2009, quần jeans xanh bị cấm tại Triều Tiên và chỉ được mặc quần jeans màu đen. Chính phủ Triều Tiên cho rằng quần jeans xanh là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc;
- Để tạo những chiếc quần jeans rách, một hãng quần jeans ở Nhật Bản là Zoo Jeans đã cho sư tử, hổ, gấu cắn và cào quần jeans. Để làm điều này, họ quấn quần jeans vào lốp cao su rồi thả vào chuồng gấu, sư tử hay chuồng hổ.
>> Xem thêm: Những điểm cần lưu ý khi chọn mua quần jeans nam
—
Menback.com (tổng hợp)