Những chiếc áo Trench-coat mang giá trị vượt thời gian mà chúng ta biết đến ngày nay, đếm chừng đã tồn tại được hơn 1 thế kỷ. Đây hẳn nhiên không phải là một mẫu thời trang mang tính “bản quyền” được ra đời từ sự “nảy sinh ý tưởng” và sáng tạo bởi riêng một nhà thiết kế hay nhãn hiệu nào. Lịch sử Trench-coat về cơ bản là những câu chuyện trứ danh, với sự tiến hoá và được công nhận qua nhiều thời đại của loại trang phục này.
Nguồn gốc của áo Trench-coat
Tiền đề:
Những chiếc Trench-coat có thể được xem là một trong những phát kiến có giá trị cao trong lịch sử thời trang. Trong việc ăn mặc thường thức, giữ cho mình khô ráo là một điều rất đỗi quan trọng. Chính vì lẽ đó mà từ thế kỷ XIV, các nhà phát minh đã tích cực sáng chế và cải tiến ra các loại vải chống thấm nước, bằng cách bôi sáp hoặc trộn cao su lên bề mặt vải, khiến những chiếc áo khoác đi mưa nặng trịch và dày cộm.
Những thử nghiệm “cao su bọc vải” đầu tiên được thực hiện bởi Thomas Hancock (1819) và Charles Mackintosh (1824). Đến năm 1879, nhà sáng lập Thomas Burberry đã cho ra đời chất vải Gabardine siêu nhẹ và chống thấm tốt, được dệt từ cotton Ai Cập. Đây là chất liệu mang giá trị di sản đã làm nên tên tuổi của dòng Trench-coat mang tính biểu tượng của thương hiệu, chính thức ra đời vào năm 1895.
Bối cảnh lịch sử:
Trong Thế chiến thứ I, các chiến hào chạy ngang dọc khắp Châu Âu cũng là nơi binh lính ăn ngủ, ẩn náu và chống chọi với quân địch trong tiết trời mùa đông khắc nghiệt. Do đó, những chiếc áo choàng được sử dụng trong quân đội Anh quốc đòi hỏi vừa có tác dụng giữ ấm, vừa chống ẩm và bám bẩn.
Cuối thế kỷ XIX, khi các loại vũ khí với cự ly tấn công chuẩn xác từ xa xuất hiện, trang phục quân lính thời Trung cổ với màu sắc nổi bật giúp nhận dạng địch – ta bỗng trở nên dễ dàng lọt vào “tầm ngắm lý tưởng”. Do đó, trang phục được làm bằng chất liệu chống thấm nước, bền, nhẹ với các màu sắc trung tính trở thành tiêu chí nhằm khắc phục những yếu điểm về mặt quân sự.
Ra đời trong những nguyên nhân và bối cảnh lịch sử đó, từ “chiến hào” trong tiếng Anh được gọi là “trench” đã khai sinh ra thuật ngữ thời trang quốc tế mang tên Trench-coat của chúng ta ngày nay.
Đặc trưng của áo khoác Trench-coat
Được sử dụng như quân phục trong chiến tranh, những chiếc Trench-coat không chỉ có tác dụng như một chiếc áo khoác chống thấm thông thường, mà còn bao gồm những chức năng phục vụ cho công tác quân sự. Những thiết kế sơ khai của mẫu trench coat ngày nay là kiểu áo được buộc bằng dây đai lưng và không có khuy cài, cùng với các chi tiết quân dụng như Epaulette (cầu vai), Gun flap, D-ring,…
Quân phục Trench-coat trong thời chiến luôn sử dụng vải màu khaki, trong tiếng Hindi (Ấn Độ) có nghĩa là “bụi”. Từ này được vay mượn trong tiếng Anh từ những năm 1850, trở thành tính từ chỉ màu sắc của chính nó.
Những chiếc Trench-coat ngày nay có thiết kế điển hình với 10 cúc áo được phân thành 2 hàng, tay áo raglan, dây thắt lưng, vạt đệm bả vai (Gun flap) và thường có thiết kế đai thắt ở cổ tay (Sleeve strap). Màu sắc mang tính truyền thống của Trench-coat là các tone màu lạc đà, khaki, màu be hoặc cát, xanh hải quân, xám và đen.
Để đáp ứng xu hướng và những yêu cầu mang thẩm mỹ, Trench-coat ngày nay thường được ứng dụng trên nhiều loại chất liệu như da lộn, lụa, dệt kim hay phối với lông thú và các loại phụ kiện trang trí như sequin, ren, lưới,v.v….Không khó để các tín đồ thời trang tìm thấy những mẫu Trench-coat thời thượng với bảng màu rực rỡ và đa dạng kiểu dáng. Dù vậy, những chiếc Trench-coat mang giá trị cổ điển, phong cách tối giản và kiểu dáng cơ bản vẫn là sự lựa chọn phổ biến của các tín đồ thời trang.
Tính phổ biến của Trench-coat
Trở về sau giai đoạn Thế chiến khốc liệt, Trench-coat ngay lập tức trở thành trào lưu thời trang trong nhiều thập kỷ sau đó. Được thúc đẩy bởi các “chiến dịch quảng cáo” của thương hiệu Burberry, những chiếc Trench-coat được đón nhận bởi nam giới lẫn phụ nữ.
Những chiếc Trench-coat xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật từ thời trang, phim ảnh cho đến tiểu thuyết văn chương và để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ. “Thanh tra Clouseau” do Peter Sellers thủ vai trong chiếc Trench-coat chỉ xuất hiện chóng vánh trong Casablanca, lại trở thành biểu tượng thời trang của bộ phim và các tuyến nhân vật. Chiếc Trench-coat xuất hiện cùng nụ hôn của Andrey Hepburn và George Peppard giữa cơn mưa New York trong bộ phim “Breakfast at Tiffany’s” đã chinh phục giới mộ điệu Hollywood cho đến tận những năm của thập niên 60.
Những chiếc Trench-coat phổ biến trong giới trí thức cấp tiến từ thập niên 60, bao gồm Preppy, BCBG hay Sloane Ranger. Trong khi đó, các nhóm văn hoá Mods, Heavy Metal hay Goth cũng lựa chọn Trench-coat để thay thế cho các items được cho là “lỗi thời” như Parka hay Crombie. Những nhóm thanh niên theo đuổi văn hoá Punks 1970 – 1980 cũng “tiếp nhận” Trench-coat như một trào lưu thời trang mới, góp phần tạo nên tính đa diện và độ thu hút cao của thể loại áo khoác vốn có xuất thân từ trên chiến trường này.
Các thương hiệu áo Trench-coat
Những chiếc Trench-coat cho đến nay vẫn nằm trong vòng tranh chấp quyền sáng chế giữa 2 thương hiệu Burberry và Aquascutum, khi Aquascutum tuyên bố những chiếc Trench-coat đầu tiên bằng chất liệu len chống thấm thuộc quyền phát minh của thương hiệu này kể từ 1850.Tuy nhiên, trong chiến tranh thế giới thứ I, có rất nhiều thương hiệu thời trang Anh tự do may đo và bày bán các thiết kế trench coat của chính họ như Thresher & Glenny, Gerrish Ames & Simpkins, Kenneth Durward và David Moseley & Sons.
>> Xem thêm: Họa tiết Houndstooth: nét cổ điển hoàn hảo của nanh sói
Ngày nay, những chiếc Trench-coat có thể được thiết kế và sản xuất bởi bất kỳ ai, từ Zara, H&M, Nasty Gal, Loewe, Gap, Mango,… Ngoài ra, các tên tuổi lớn khác trong làng thời trang thế giới như Commes des Garcons, Bottega Veneta, Givenchy, Ralph Lauren,v.v…cũng không ngại tỏ ra hứng thú với biểu tượng thời trang bất diệt này.
Gương mặt đại diện
Lịch sử Trench-coat luôn đầy những câu chuyện trứ danh của chính nó. Không chỉ gắn liền với lịch sử, những câu chuyện đó còn gắn liền với những tên tuổi lớn của làng thời trang quốc tế như: Audrey Hepburn, Humphrey Bogart, Peter Sellers, Miranda Kerr, Kate Moss, Anna Wintour, Keri Russell, Russell Brand, Michelle Williams, Victoria Beckham, David Beckham, Olivia Palermo, Emma Watson, Humphrey Bogart,v.v…
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: Internet.