Flannel là chiếc áo yêu thích của rất nhiều người, nhưng bạn đã biết tới nguồn gốc và quá trình phát triển của áo Flannel trong thế giới thời trang? Hãy cùng đến với chia sẻ của blogger Trí Minh Lê về một items vô cùng tuyệt vời này.
Sản phẩm thời trang có lẽ một thời được mệnh danh là ‘Nhiều tai tiếng nhất’ làng Streetwear Việt Nam. Đúng rồi đấy, đó chính là Flannel.
Thực ra thì chiếc Flannel không có tội gì, tội là ở chúng ta mặc và phối nó như thế nào thôi. Cái danh bị châm biếm bậc nhất Việt Nam và cả thế giới (nếu ai hay theo dõi meme fashion nước ngoài đều thấy) cũng do con người mang vào – nhưng Flannel lại có 1 lịch sử vô cùng lâu cũng như tính đa dụng của nó.
Các bạn ngày nay hay thấy flannel như thế nào, hay chỉ có 1 kiểu quấn quanh quần như 1 dạng layer. Nhưng không, cội nguồn flannel lại liên quan nhiều hơn với tầng lớp lao động công nhân hơn là kiểu luxury, streetwear như ngày nay.
Có thể nói Flannel là một trong những món đồ biểu tượng thời trang nước Mỹ (Chẳng thế mà người Mỹ lại yêu thích sử dụng Flannel đến vậy) vì khả năng ứng dụng của nó. Từ những người buôn bán tiểu thương, đến những người công nhân, những gã du mục, những gã hipster, những cô em tóc vàng nóng bỏng – tất cả đều yêu thích flannel.
Nguồn gốc của Flannel
Flannel có nhiều cách gọi khác nhau. Vì xuất xứ của nó lại không phải là từ Mỹ thuần gốc – nó lại bắt nguồn từ xứ lạnh gần như quanh năm là xứ Wales.
Vào thế kỉ 16, người ta tìm ra flannel là một loại vải/fabric thay thế tốt hơn cho len khi nó giữ ấm tốt hơn và bền hơn. Flannel là kết quả của quá trình từ một loại sợi được kéo dài và trau chuốt, mịn hơn từ sợi len thô bình thường, được xử lí ở cả hai mặt làm tăng các đầu sợi lên bề mặt vải tạo ra sự mềm và nặng hơn, bền hơn với các loại len thông thường.
Do đó, người xứ Wales cực kì yêu thích và phổ biến rộng rãi ra cả nước và flannel trên những con thuyền giao thương đã tới Pháp với tên gọi là Flannelle, Đức là Flanell và cuối cùng là Mỹ Flannel.
Flannel du nhập vào đất Mỹ trong những năm thiên đường ước mơ của bao người đang trong giai đoạn khai hoang và công nghiệp hóa (1869).
Những con đường sắt được tạo ra liên tục, những hầm mỏ khai khoáng mở ra hàng loạt và người ta cần một loại chất liệu vải có thể chịu được khả năng vận động liên tục của con người.
Và đó là khởi nguồn của Flannel – Flannel mà các bạn đang mặc bây giờ thời đó người ta sẽ ưu tiên cho việc làm nệm và gối, ga giường.
Flannel – chiếc áo của dân lao động
Cho đến đầu thế kỷ thứ 20, flannel và những bộ áo liền quần trở thành hình ảnh tiêu biểu chính cho những người lao động, giai cấp thống trị nền kinh tế Mỹ lúc đó. Nhanh chóng, flannel trở thành 1 sản phẩm yêu thích và tượng trưng cho sự bền bỉ, lao động miệt mài.
Đến thời kì Đại Suy thoái (Great Depression) – Flannel lại càng trở nên được tin dùng nhiều hơn khi nó vừa rẻ, vừa bền và hợp túi tiền. Những gã công sở cũng phải bán đi những bộ vest của mình và tìm tới Flannel.
Vậy – như mình nói, tầng lớp lao động chân tay của Mỹ lúc đó chiếm đa số. Và họ toàn mặc flannel – flannel xuất hiện đầy rẫy trên các poster cổ động cũng như trên khắp đường phố nước Mỹ. Và đó là 1 lí do chính vì sao “Flannel là hình ảnh đại diện của nước Mỹ lúc đó”.
Và Flannel tiếp tục cuộc sống bình dị như những người lao động nước Mỹ cho đến khi những người con nước Mỹ cất tiếng hát về cuộc sống của họ. Đó không phải ai khác chính là thời đại của punk/rock, của những gã ngao du, của những con người xuất thân từ tầng lớp lao động.
Flannel trong văn hóa nhạc Grunge
Đầu năm 1990s, nước Mỹ chào đón các huyền thoại rock bao gồm Pearl Jam và Nirvana. À, nhắc tới Nirvana chúng ta phải nói ai nhỉ? Đúng rồi, đó là Grunge King Kurt Cobain hay Layne Staley.
Tượng trưng cho những con người thấp cổ bé họng, lao động và bị miệt thị – Tiếng Rock bay xa và các ngôi sao thời điểm đó cũng cực kì yêu thích flannel. Grunge bùng lên và càn quét khắp đất Mỹ, Flannel trở thành một trong những items được yêu thích không chỉ từ những fans cuồng nộ của Nirvana mà trở thành xu hướng, xuất hiện trên các tạp chí thời trang và runway.
Ngay sau đó, hippie – culture movement cũng đã coi flannel như 1 items đối trọng để mặc và thể hiện con người của mình, chống lại chiến tranh và sự phân chia giai cấp.
Flannel ngày nay đã trở nên nhẹ nhàng so với bản nguyên gốc. Dễ mặc hơn (Chứ flannel nguyên bản là nặng với dày lắm nha, gần như là bằng 1 con jacket bây giờ đó) và họa tiết kẻ sọc đã trở thành 1 thứ gì đó gắn liền với flannel.
Nếu các bạn yêu thích thriftshop – thì những chiếc flannel mà các bạn cop được từ Mỹ, Nhật hay bất cứ đâu mà ở tầm bình dân hoặc no-brand, các bạn đều nhận ra là nó rất dày và ấm (vì sao thì các bạn đọc bài cũng đã biết).
Còn cái kiểu bó áo ở ngang lưng lại xuất thân từ dân hippie, hay dân trượt ván. Đơn giản là họ thấy nóng, họ buộc áo quanh lưng cho mát vậy thôi chứ thời đó không có layer lay ủng gì hết. Sau này nhiều người lấy cảm hứng và ra các phối đồ dựa trên cảm hứng đó. Chứ không phải là có thực sự một quy chuẩn kép là flannel phải buộc bụng đâu. Thực ra flannel có rất nhiều cách để mix and match cùng. Các bạn tham khảo thêm bài viết Cách phối đồ với áo flannel nhé.
Đừng nhầm lẫn giữa Flannel và Plaid
Thường hay có một sự nhầm lẫn giữa “Flannel” và “Plaid”. Flannel là Flannel, Plaid là kẻ sọc. Chúng ta thường hay mặc định những chiếc áo shirt kẻ sọc caro là Flannel nhưng thực chất là không phải.
Flannel – sẽ là cái tên đề cập tới chất liệu, từ cotton hay sợi len xử lí kia. Còn Plaid chỉ là kẻ sọc, người ta thường nhầm lẫn Flannel là Plaid hay gọi những chiếc áo kẻ sọc là Flannel do mức độ sử dụng design kẻ sọc đỏ và đen quá nhiều khiến nhiều người bị lầm.
Mong qua bài viết này, các bạn sẽ có một cái nhìn mới hơn về “Chiếc áo Flannel” này.
Tổng hợp áo Flannel bán chạy nhất trên Shopee và Tiki:
- 8 thương hiệu thời trang workwear nổi tiếng nhất thế giới
- Cách chọn và phối đồ với áo polo nam
- Những đôi Giày Hot và đẹp nhất xu hướng giày 2022