Hôm nay tản mạn tý về ‘đạo đức’, vì sẵn vừa coi xong phim hình sự Việt Nam cùng với Mẫu Thân tối qua. Trong đấy thì có 1 tình huống rất thú vị mà liên quan đến 2 chữ đạo đức này nên tôi đem ra biên luôn để chúng ta cùng suy ngẫm.
Ngữ cảnh là, có anh chị cảnh sát chìm, chung 1 đội, rất thân thiết, gọi tắt là anh Thảo và chị Linh đi; 2 người được gài vào một đường dây buôn mai-thúy để bắt ông trùm. Sau một thời gian trà trộn thành công, tự nhiên gần đến cuối phim thì chị Linh bị phát hiện là nội gián và cả anh Thảo cũng vào diện tình nghi (mặc dù trước đó anh Thảo lập rất nhiều công trạng cho ông trùm).
Thế là chị Linh bị cả đám mang ra tra tấn, ông trùm kêu anh Thảo ra trước mặt chị Linh rồi bảo chỉ “mày khai ra đồng đội của mày là ai trong đám này thì tao tha cho mày sống”, nôm na thế, chị Linh vẫn cương quyết “tao đi một mình, dell có đồng đội”.
Ông Trùm kiểu bán tín bán nghi về anh Thảo, nên đưa súng cho anh Thảo rồi kêu mày bắn con nội gián này ngay. Đây là khoảnh khắc vàng để tôi bóc tách về chủ đề ‘đạo đức’ hôm nay, còn việc anh Thảo quyết định thế nào thì tôi sẽ kể sau.
Có 2 loại đạo đức mà anh em sẽ phải chọn để sống trong cuộc đời này:
1. Đạo đức tương đối (hay gọi là đạo đức duy lợi)
Ví dụ 1.1, lấy luôn tình huống anh Thảo trong phim, nếu chọn đạo đức duy lợi thì anh Thảo sẽ chấp chận giết chị Linh để vì đại cuộc, triệt phá tập đoàn mai-thúy. Theo đạo đức duy lợi, thì người ta chấp nhận làm sai cái A để đạt được cái B. Theo tư duy ấy thì anh Thảo tin rằng, sự hy sinh của chị Linh sẽ giúp được rất nhiều người không bị nghiện mai-thúy và không có nhiều người chết do nhóm này gây ra nữa.
Ví dụ 1.2, tình huống đời thường hơn, cô giáo Toán mở lớp học bồi dưỡng tại nhà, cháu nào học thêm lớp tối của cô thì đa phần được luyện đề thi trước, nên đa phần điểm khá tốt. Bạn có đứa con, học mãi điểm Toán cứ bị khống chế, bạn biết nếu cho con đi học thêm thì sẽ được điểm cao nhưng lại bất công với mấy bạn khác không học thêm. Bạn thương con nên đành chấp nhận theo dòng chảy.
2 tình huống trên chính là đạo đức duy lợi, chấp nhận hy sinh cái A (dù trái lương tâm) để đạt được cái B.
2. Đạo đức tuyệt đối (của bác Kant)
Rất đơn giản, cái gì đúng là đúng, cái gì sai là sai. Trái nhân-quả và không đúng lương tâm thì tôi không làm, đó chính là đạo đức tuyệt đối.
Lại quay lại tình huống Anh Thảo ở trên, nếu chọn đạo đức tuyệt đối thì anh sẽ không bắn chị Linh; không thể vì cứu nhiều người mà hy sinh 1 người. Mạng ai cũng đáng giá như nhau, không thể nói 10 mạng quan trọng hơn 1 mạng. Kết quả tất yếu, Anh Thảo không bắn thì cả hai cùng chết.
Còn chuyện con của bạn đi học thêm để có điểm cao, cũng tương tự với rất nhiều tình huống khác trong gia đình, trong doanh nghiệp, trong xã hội hiện nay, mà chúng ta hay tự an ủi nhau “đời nó thế” hay “xã hội nó thế rồi”, không theo dòng chảy thì chết.
Đến đây, anh em có thể thấy rõ, một người theo ‘đạo đức tuyệt đối’ khi sống trong một tập thể hay một xã hội có phần đông theo ‘đạo đức duy lợi’ thì chắc chắn người đó sẽ vô cùng chật vật, vì bản chất thế gian này đã rất tương đối rồi.
Giờ anh em đã hườm hườm được việc Anh Thảo quyết định thế nào rồi đấy, ảnh đã bắn chị Linh, rồi tiếp tục nội gián và triệt phá thành công ông trùm và đường dây đấy. Tất nhiên, phim cũng không muốn anh Thảo cắn rứt cả đời về việc bắn chị Linh nên đã cho chị Linh sống do bắn trúng cái thẻ bài trong áo của chị (may mắn vkl).
Chúng ta chọn Đạo đức tương đối hay tuyệt đối để sống?
‘Đạo Đức’ gồm 2 chữ, ‘Đạo’ + ‘Đức’. Trong sách cụ Nguyễn Hiến Lê dịch, có nói 1 điểm mà tôi tâm đắc: “Hiểu được đạo, rồi sẽ tự có đức”, không rõ trích dẫn của ai, nhưng tôi hườm hườm là từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
Mở đầu đạo đức kinh thì Lão tử cũng phán ngay, ‘đạo’ nói ra được thì không còn là ‘đạo’. Rất nhiều cách diễn giải về câu này, nhưng theo riêng tôi, thì do sự giới hạn của ngôn ngữ và nhận thức của mỗi người, nên rất khó để diễn tả ‘đạo là gì’ cho đối phương.
Nó giống như, tôi diễn tả trái cam Mỹ, nó chua hoặc ngọt ra sao bằng câu chữ, ghi ra gần 1 trang A4. Anh em đọc chữ cũng nắm sơ sơ đấy nhưng chỉ khi anh em cắn tận miệng trái cam Mỹ thì mới thực sự hiểu cái vị cam ấy thế nào. Đạo cũng thế, mỗi người cũng phải tự trải nghiệm trên chính hành trình của mình.
Đạo, dịch thô là ‘con đường’, dịch sâu hơn là ‘luật Trời’, hiểu rộng hơn nữa chính là “luật vận hành của trời đất hay vũ trụ”.
Vậy luật vận hành hay cơ chế vận hành của trời đất gồm những luật nào?
Cơ bản nhất là ‘luật của một’, tất cả mọi thứ trong vũ trụ là một, từ ‘một’ rồi tách ra thành ‘hai’ – nhị nguyên (âm/dương).
Có âm/dương nên sinh ra ‘luật cân bằng’ và ‘luật hấp dẫn’, để âm dương cân bằng nhau và hút nhau. Kế tiếp là ‘luật nhân quả’, gieo gì gặt đó, không sai khác một ly.
Những luật trên luôn vận hành liên tục đến vô tận, không có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, rồi chúng ta thấy được ‘luật vô thường’ mà nhà Phật hay nói, mọi thứ đều có chu kỳ, sinh-trụ-hoại-diệt. Cứ sinh rồi diệt, rồi lại sinh.
Một người thấu hiểu sâu sắc luật vô thường, luật nhân quả, luật cân bằng và luật của một (tánh Không của vạn pháp) thì cơ bản đã chạm gần được đến ‘đạo’. Còn sống trong ‘đạo’ luôn thì không còn khái niệm, không diễn giải nào nữa, sống thôi. Cứ diễn giải là sai.
Tôi hay bảo vui, để thấy đạo thì cần rất nhiều sự thông minh của lý trí, nhưng để sống trong đạo thì không cần bất kỳ sự thông minh nào nữa.
Thân người vốn là tương đối, cũng sinh lão bệnh tử. Dù dùng sự thông minh để hiểu các luật đấy trên mặt lý trí thôi, thì cũng giúp anh em thanh thản và an lạc khá nhiều trong cuộc đời này rồi.
Sống đúng theo luật vận hành thì tạo ra nhận thức đúng (chánh kiến), có nhận thức đúng thì hành động đúng luật trời đất. Chữ ‘Đức’ chính là thói quen đúng tốt từ nhận thức đến hành động. Đó là tại sao, “Hiểu được đạo, rồi sẽ tự có đức”.
Bát chánh đạo bắt đầu từ ‘chánh kiến’, đó là hiểu đạo, không có chánh kiến thì 7 cái chánh kia vô tác dụng. Mà để có chánh kiến thì phải có ‘giới-định-tuệ’, nói ngôn ngữ đời thường là ‘thận trọng-chú tâm-quan sát’.
Đạo, còn có thể hiểu là GOD bên Thiên chúa giáo, trong tờ tiền Mỹ có ghi “in god we trust”, trên trải nghiệm của chính tôi thì tạm dịch, chữ Đạo = GOD = ‘Sự thật’. In god we trust, chính là chúng tôi tin vào ‘sự thật’, aka Đạo, sự thật về chúng ta là một, chúng ta từ 1 nguồn ra, chúng ta không khác nhau.
Con người tái sinh khác nhau với nghiệp lực khác nhau, trải qua cả sung sướng và khổ đau để học những bài học về ‘sự thật’. Càng thấy rõ sự thật thì càng tiến gần đến đạo. Vậy ‘đạo đức tuyệt đối’ và ‘đạo đức duy lợi’ ở trên, cái nào đúng với chữ Đạo tự nhiên ?!
Theo Nghệ
Xem thêm
4 điều tuyệt vời đàn ông nên học hỏi từ Don Draper
Các khái niệm như ‘Alpha’ hay ‘Beta’ thường là chủ đề được bàn tán khá nhiều, nên hôm nay, tôi...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK