Ánh sáng của những thiên hà từ cách chúng ta hàng tỷ năm trước đến và được chụp lại, kính viễn vọng không gian Hubble trở thành một cái máy thời gian, một con mắt đặc biệt của loài người khi chúng ta tò mò muốn biết, vũ trụ thuở hồng hoang cách đây hơn 13 tỷ năm thế nào.
Bạn có thể đếm được bao nhiêu đốm sáng trong bức ảnh này? Vài trăm, vài nghìn, hay nhiều hơn thế? NASA nói rằng, trong bức ảnh mà kính viễn vọng vũ trụ Hubble chụp được vào năm 2004 này, có tới 10 nghìn thiên hà. Một con số khủng khiếp.
Và điều đáng nói hơn cả, số lượng kinh khủng các thiên hà như thế được phát hiện khi chiếc kính mang tên nhà thiên văn Edwin Hubble (người đã đưa ra bằng chứng đầu tiên cho thuyết Vụ nổ lớn (Big bang) mô tả quá trình hình thành và phát triển của vũ trụ) mới chỉ hướng ống kính của mình vào một điểm rất nhỏ hầu như trống trơn, có diện tích chỉ bằng 1/26 triệu tổng diện tích bầu trời!
Ý tưởng chụp một góc bé xíu chẳng thấy có gì trên bầu trời để nhìn thấu vào quá khứ của nó ban đầu được một nhà thiên văn có tên Bob Williams đề xuất vào năm 1995, năm năm sau khi Hubble được phóng lên quỹ đạo 500 km phía trên Trái đất, nơi mà kính thiên văn di động này có thể nhìn rõ bầu trời mà không bị cản tầm nhìn do khí quyển Trái đất như các kính viễn vọng cố định đặt trên mặt đất.
Ban đầu, người ta cho rằng ý tưởng của Williams là điên rồ, phí thời gian và không thể làm được. Nhưng Williams, cũng là giám đốc của Viện Khoa học kính viễn vọng, cơ quan chịu trách nhiệm “tìm kiếm mục tiêu” cho Hubble và sau đó xử lý các dữ liệu, tin vào điều mà ông tin.
Cùng với một nhóm cộng sự, Williams hướng Hubble đến một khoảng trống bé xíu ở nhóm sao Bắc Đẩu (Big Dipper) của chòm Đại Hùng (Ursa Major). Trong vòng 10 ngày liên tiếp của Giáng sinh 1995, Hubble chụp 342 tấm ảnh, mỗi tấm nó phơi sáng từ 25 đến 45 phút.
Và kết quả thật kì diệu: từ cái chỗ tưởng như không có gì ấy, người ta thấy xuất hiện hơn 3 nghìn thiên hà, có cái gần, có cái xa, có cái nhìn rất rõ, nhưng cũng có cái mờ hơn, và có những thiên hà có tới 12 tỷ năm tuổi (tức là khi ta có được tấm ảnh ấy, ta đã nhìn thấy nó ở thời điểm 12 tỷ năm về trước, khi vũ trụ còn trẻ sau vụ Big Bang).
Trong những năm sau đó, khả năng “nhìn” vào không gian của Hubble ngày càng được tăng cường, khi áp dụng thử nghiệm của Williams, với việc để Hubble nhìn vào một vùng không gian nào đó lâu hơn, không phải vài ngày nữa mà cả tháng trời, trong khi nó vẫn quay quanh Trái đất.
Điều đó giúp các nhà khoa học như Williams thực hiện những cuộc “đi săn” lý tưởng vào vũ trụ nhờ một loại camera mới cho phép những tấm ảnh chụp có độ nét sâu, phân giải siêu lớn, có thể nhìn xa hơn vào vũ trụ như bức ảnh trong bài viết này, được chụp liên tục trong 3 tháng từ cuối tháng 9/2003 đến giữa tháng 1/2004, khi Hubble hướng về một vùng nhỏ xíu phía chòm sao Thiên Lô (Fornax, nằm ở thiên cầu Nam và có thể quan sát rõ nhất bằng mắt thường vào tháng 12).
Khi nhìn lâu hơn, cho phép ánh sáng của những thiên hà từ cách chúng ta hàng tỷ năm trước đến với nó và được chụp lại, Hubble trở thành một cái máy thời gian, một con mắt đặc biệt của loài người khi chúng ta tò mò muốn biết, vũ trụ thuở hồng hoang cách đây hơn 13 tỷ năm thế nào.
Hơn 10 năm trước, từ những bức ảnh siêu sâu của Hubble (ultra deep field), người ta ước đoán có khoảng 200 tỷ thiên hà trong vũ trụ quan sát được. Nhưng vào năm 2016, với những bức ảnh cực kỳ sâu (eXtreme deep field) của Hubble, người ta cho con số thiên hà thực tế có thể phải 10 lần cao hơn thế.
Nhưng đó là số thiên hà trong vũ trụ quan sát được (và thiên hà Ngân hà có hệ Mặt trời với Trái đất của chúng ta là 1 thành viên bé tẹo trong đó) được ước đoán có đường kính khoảng 46 tỷ năm ánh sáng, do vũ trụ đã giãn nở không ngừng về mọi hướng từ vụ Big Bang, vụ nổ tạo ra vũ trụ. Nhưng vùng không gian mà loài người quan sát được mới chỉ chiếm 0,0001% toàn bộ vũ trụ!
Thế mới thấy vũ trụ mênh mông nhường nào, và càng đi sâu vào quá khứ của nó, người ta càng thấy nó vô tận. Hubble, được NASA đưa lên không gian như một công cụ để đo kích cỡ và tuổi của vũ trụ cũng như tìm các câu trả lời cho sự khởi nguồn của vũ trụ cũng như của loài người, đã cung cấp quá nhiều hình ảnh đẹp về không gian phía trên đầu chúng ta, mở mang kiến thức của con người về vũ trụ, một thế giới vô cùng lớn. Và nó vẫn chưa nghỉ hưu.
Nhưng sắp tới, NASA sẽ phóng thêm một kính thiên văn không gian nữa vào vũ trụ. Nó to hơn, mạnh hơn, nhìn sâu hơn cả Hubble. Nó có tên James Webb, đặt theo tên của vị giám đốc thứ 2 trong lịch sử NASA.
Vào một đêm tối đen và không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng điện xung quanh, bạn hãy nhìn lên bầu trời một cách thật chăm chú và kiên nhẫn. Sau một thời gian, bạn bỗng thấy trước mắt hiện dần những ngôi sao. Đấy là khi mắt đã quen với bóng tối và có thể đón nhận ánh sáng từ bầu trời. Có thể đếm được hàng trăm hàng nghìn ngôi sao trên bầu trời những đêm quang đãng như thế.
Nhưng bằng những đôi mắt điện tử lớn hơn, nhạy hơn, nhìn sâu hơn vào khoảng không gian vô tận trên đầu, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều điều tuyệt diệu nữa: những thiên hà ở cách xa hàng tỷ đến cả chục tỷ năm. Đấy chính là cái nhìn vào quá khứ của vũ trụ mà Hubble đã đem đến cho loài người…
Khám phá: Hình ảnh Mặt trời choáng ngợp được chụp từ Trái đất.
–
MENBACK.COM