Cuốn sách Napoléon Bonaparte của tác giả Adam Zamoyski đi sâu vào diễn giải cách điều hành, quản lý đất nước, sử dụng nhân tài, đưa ra các phát kiến lớn lao nhằm nâng tầm nước Pháp, lãnh đạo quân đội… qua đó giúp độc giả hiểu hơn về cách mà tại sao Napoleon lại vĩ đại đến thế.
Cuốn sách được đánh giá bởi nhà báo Trương Anh Ngọc, Menback gửi tới các độc giả cùng theo dõi.
Chưa có con số thống kê cụ thể nào về việc đã có bao nhiêu cuốn sách viết về cá nhân Napoleon, về những người quan trọng trong cuộc đời ông, về thời đại của ông, về những cuộc chiến tranh có liên quan đến ông. Nhưng theo nhà nghiên cứu Napoleon người Mỹ David Markham, con số vào khoảng 300 nghìn.
Vâng, 300 nghìn, bằng đủ các thứ tiếng và góc nhìn khác nhau! Và mình, một người cũng rất thích đọc đủ thứ liên quan đến Napoleon và thời đại của ông mới chỉ đọc được chừng 40-50 cuốn trong số đó, chủ yếu bằng 3 thứ tiếng Ý, Anh và tiếng Pháp. Và được dịch ra tiếng Việt, mới chỉ có 3 cuốn tiểu sử trong số đó, cuốn của sử gia Nga Yevgeny Tarle (1874-1955), Andrew Roberts (người Anh, sinh 1963) và Adam Zamoyski (người Anh gốc Ba Lan, sinh 1949). Quả là quá ít so với nguồn sách cực kỳ phong phú nói trên.
Cuốn sách trong bức hình này là cuốn tiểu sử Napoleon mới nhất được dịch ra tiếng Việt. Bạn sẽ hỏi, nó có gì hay không, tiểu sử Napoleon kiểu gì lại chẳng bám vào các dữ liệu lịch sử để viết và toàn đánh nhau? Nhiều cuốn như thế, hai cuốn của Tarle và Roberts cũng thế, chỉ khác nhau ở cách tiếp cận chủ đề (Tarle là một sử gia cộng sản, nhìn chiến tranh Napoleon theo quan điểm Marx-Lenin, Roberts thì khác, tự do hơn, hiện đại hơn, và chân thực, khách quan hơn), nhưng của Zamoyski thì khác, ông chú trọng đến chính nhân vật lịch sử Napoleon.
Sử gia nổi tiếng này nhìn Napoleon với tư cách của một con người, lý giải tại sao Napoleon lại đi trên con đường từ một viên tướng Cộng hoà thành một Hoàng đế chuyên chế, từ một người có tư tưởng giải phóng con người của Cách mạng Pháp thành một người đô hộ các dân tộc, từ một người dùng chiến tranh để phòng ngự thành người biến chiến tranh thành công cụ xâm lược. Zamoyski không đánh giá, không phán xét Napoleon theo các chuẩn của thế kỷ 21 mà đặt Napoleon vào thời đại cuối thế kỷ 18, đầu 19 để lý giải hình tượng ấy, qua đó cho thấy tầm vóc vĩ đại của ông so với tầm thế kỷ.
Chiến tranh thể hiện ra trong cuốn sách in rất đẹp này không nhiều (cuốn Andrew Roberts thì rất chi tiết), vì Zamoyski chủ yếu nói đến cách điều hành, quản lý đất nước, sử dụng nhân tài, đưa ra các phát kiến lớn lao nhằm nâng tầm nước Pháp, lãnh đạo quân đội… qua đó giúp độc giả hiểu hơn về cách mà tại sao Napoleon lại vĩ đại đến thế. Cuốn này mình đã đọc bản gốc tiếng Anh từ mấy năm trước, đã rất thích, nay còn thích hơn khi được dịch ra tiếng Việt. Sách viết như kể chuyện, đúng hơn là một bộ phim, chân thực và sống động.
Hy vọng một công trình nghiên cứu rất sâu sắc nữa của Zamoyski, cuốn “1812-Napoleon’s fatal march on Moscow” (mình đang có ở nhà) cũng sẽ sớm được dịch ra tiếng Việt để độc giả có thể hình dung ra quy mô của chiến dịch 1812, sự tàn khốc của nó, cũng như những bi kịch con người và của các dân tộc trong cuộc xâm lược nước Nga này. Đó chính là hành trình đi đến sự diệt vong của Napoleon.
Sách do Đông A làm, nên rất đẹp, với bìa và các minh hoạ của danh hoạ Horace Vernet, một bậc thầy về vẽ tranh chiến trận và hâm mộ Napoleon. Vernet ra đời đúng 2 tuần trước cuộc phá ngục Bastille 14/7/1789…
Đối với các độc giả quan tâm, cuốn sách đang được bán với giá rất ưu đãi:
–
MENBACK.COM