Tin giả thời nào cũng có, nếu không muốn gánh trách nhiệm lan toả thông tin thất thiệt thì từng người trong mỗi chúng ta phải chịu khó kiểm chứng, chứ đừng có tin vào những câu chuyện đẹp như mơ.
Dưới đây là một câu chuyện như vậy về Alexander Fleming và Winston Churchill mà chúng ta vẫn nghe kể nhan nhản dù nó không có thật.
Alexander Fleming và Winston Churchill
Đầu thế kỉ 20 có một nông dân Scotland đang trên đường về nhà, khi đi qua đầm lầy ông nghe thấy tiếng kêu cứu. Người nông dân vội vã chạy đến và thấy một cậu bé đang cố gắng thoát ra khỏi vũng lày. Ông nhanh chóng chặt một cành cây, lại gần và chìa ra về phía cậu bé. Khi thoát ra, cậu bé đã khóc và run rẩy.
– Để tôi đưa cậu về nhà tôi – ông nông dân đề nghị. – Cậu cần được sưởi ấm và bình tĩnh lại.
– Dạ không, – cậu bé lắc đầu – bố cháu đang đợi ở nhà. Có lẽ ông ấy đang rất lo lắng.
Sau khi cảm ơn ân nhân của mình, cậu bé đã chạy đi… Sáng hôm sau người nông dân nhìn thấy chiếc xe ngựa đỗ trước cửa. Một quý ông ăn mặc lịch sự bước xuống và hỏi:
– Anh có phải là người đã cứu con trai tôi hôm qua không?
– Đúng rồi, thưa ông – nông dân đáp.
– Tôi nợ anh bao nhiêu?
– Đừng nói thế, thưa ông. Ông không nợ gì tôi cả. Tôi đã làm việc mà người bình thường nào cũng sẽ làm.
– Không, tôi không thể để như vậy được, bởi vì tôi rất yêu quý con trai của tôi. Hãy nói ra một số tiền bất kì – vị khách nói.
– Tôi không muốn nói về chủ đề này nữa. Tạm biệt ông. – Người nông dân quay lưng lại và chuẩn bị vào nhà. Lúc này thì con trai của ông ấy chạy ra cửa.
– Đây là con trai anh? – qúy ông hỏi.
– Đúng vậy – nông dân tự hào trả lời và xoa đầu con trai.
– Vậy thì thế này đi. Tôi sẽ đưa con trai ông đến London và chi trả toàn bộ học phí cho cậu ta. Nếu nó cũng là người tốt như bố nó thì cả tôi cả anh sẽ không hối tiếc điều gì.
Vài năm trôi qua. Con trai ông nông dân tốt nghiệp phổ thông, sau đó là đại học y, và rồi cả thế giới biết cậu ta là người tìm ra penicillin. Tên cậu ta là Alexander Fleming.
Ngay trước chiến tranh, một bệnh viện London tiếp nhận bệnh nhân bị viêm phổi nặng, đó chính là con trai của quý ông kia. Và penicillin, được phát minh bởi Alexander Fleming, đã cứu mạng cậu ta.
Quý ông đã lo toàn bộ học phí cho Fleming tên là Randolph Churchill. Còn con trai của ông là Winston Churchill, người sau đó đã trở thành thủ tướng Anh. Có lẽ đó chính là việc mà Winston nhớ đến khi nói: “Những gì bạn đã làm sẽ quay lại với bạn” – (Gieo nhân nào gặt quả ấy).
Câu chuyện này có lẽ nhiều bạn đã gặp trên cõi mạng và làm chúng ta, những người đọc vốn hay tin vào những câu chuyện đẹp thấy khá là xúc động. Nhưng cuộc đời thực nó có những kết cục khác trong cõi mạng – kiểu như thế này nhiều lắm, thậm chí còn xúc động hơn.
Sự thật và những thú vị
Không khó để xác định, việc bố của thủ tướng Winston Churchill đã trả tiền học phí cho Alexander Fleming để trả ơn cho việc bố Fleming cứu con mình chỉ là một fake news đã xuất hiện ngay từ khi các nhân vật này còn đang sống, đoạn tiếp theo của nó sẽ là “thủ tướng Churchill bị sưng phổi cực nặng, rồi được cứu sống bởi penicillin do Fleming sáng chế ra”.
Trên thực tế Churchill bị bệnh nặng thật vào năm 1943, rồi được cứu bởi thuốc kháng sinh Prontozil (dưới tên “M&B 693”) do tập đoàn Bayer của Đức sản xuất ra. Nhưng khi đó Đức đang là kẻ thù không đội trời chung của Anh nên để cổ vũ tinh thần của binh sĩ người Anh đã bịa ra chuyện Churchill được cứu sống bởi penicillin nội địa.
Nhưng penicillin do Fleming ngẫu nhiên tìm ra lại chấm dứt danh tiếng của một nhân vật lịch sử khác – người ấy đã nhận giải Nobel y học bởi đã đề ra phương án chữa bệnh giang mai khá hữu hiệu: cho bệnh nhân giang mai lây sốt rét! “Thiên tài” đó là Julius Wagner-Jauregg, dòng dõi quý tộc Áo, 1857-1940. Một kẻ ủng hộ cuồng nhiệt chủ nghĩa phát xít, đã từng nộp đơn xin gia nhập Đảng Quốc xã nhưng bị loại (vì người vợ đầu của ông này là Do Thái).
Julius Wagner-Jauregg vốn là tiến sĩ, giáo sư về thần kinh học. Rồi ông nghĩ ra “shock therapy” nhưng áp dụng bằng cách tiêm chủng các ký sinh trùng bệnh sốt rét cho bệnh nhân – tức là “liệu pháp sốt rét”!
Đầu tiên ông áp dụng nó để chữa cho những bệnh nhân giang mai dẫn tới “mất trí phân liệt” – khi bị sốt rét họ sẽ bị sốt cao liên tục, rồi ông cho chữa sốt rét cho người bệnh! Thời đó giang mai chưa có thuốc chữa và bị coi là bệnh cực kỳ nguy hiểm, chứ sốt rét đã có thuốc rồi…
Ông áp dụng “liệu pháp sốt rét” tiếp tục chữa cho các căn bệnh khác: giang mai thần kinh, đa xơ cứng, tâm thần phân liệt. Ông cũng là tác giả của các tác phẩm về tâm thần truyền nhiễm, các vấn đề về di truyền và tâm thần học pháp y. Phải công nhận rằng bây giờ nghe thấy cách chữa bệnh này thô thiển và tức cười, nhưng thời của ông (cách đây đúng 100 năm đấy) nó cho kết quả khá khả quan!
“Thiên tài” này nhận giải Nobel y học năm 1927. Cách chữa bệnh của ông chỉ thôi áp dụng sau khi nhân loại có kháng sinh – năm 1928 người Anh là Fleming ngẫu nhiên phát minh ra penicillin, rồi năm 1945 ông Fleming này nhận được Nobel chung với hai nhà khoa học nữa. Rất tích cực chống phát xít, nhưng Fleming cũng là một nhân vật cao cấp của Hội Tam điểm.
Fake news thời nào cũng có, nếu không muốn gánh trách nhiệm lan toả thông tin thất thiệt từng người trong chúng ta phải chịu khó kiểm chứng thôi, chứ đừng có tin vào những câu chuyện đẹp như mơ.