Các nhà thiên văn học chắc chắn rất lãng mạn. Khi nhìn lên bầu trời qua các kính thiên văn, họ không chỉ ghi kí hiệu cho các thiên thể như những ngôi sao, các chòm sao, các thiên hà hay những tinh vân, họ còn đặt những cái tên rất hay cho chúng nữa.
Chẳng hạn, tấm ảnh lớn này của nhiếp ảnh gia thiên văn Terry Hancock chụp hai tinh vân có kí hiệu IC 1848 (bên trái) và IC 1805 (bên phải ảnh). Nhưng nó còn có tên chung, gộp lại làm một, là tinh vân “Tâm hồn và Trái tim”, do hình dáng của nó. Tâm hồn hình dáng thế nào chúng ta chưa từng thấy, dù khoa học đã nghiên cứu về các hình thái sinh học của con người khoảnh khắc sau cái chết, nhưng trái tim thì chúng ta đã biết, và tinh vân IC 1805 được coi là một trong những tinh vân đẹp nhất trong vũ trụ quan sát được của chúng ta.
Tinh vân Tâm hồn và Trái tim là những tinh vân phát xạ (emission nebula, được hình thành từ các khí ion hóa phát ra ánh sáng có bước sóng khác nhau). Chúng là những đám mây bụi, được tạo thành từ hỗn hợp bụi, khí hydro, khí heli và plasma. Chúng tạo thành những dải rất nhiều màu trên một khoảng không gian rất lớn trên bầu trời. Chính ở đó, các ngôi sao ra đời, từ quá trình tương tác do lực hấp dẫn của các thành phần trong đám mây bụi ấy với nhau. Không hề sai khi nói rằng, các tinh vân là những “nhà trẻ sao” hoặc các “nhà máy sao”.
Tinh vân Trái tim nằm trong chòm sao Cassiopeia (hoặc Tiên Hậu). Chòm sao này có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong những đêm trời quang, ngay gần nhóm sao Bắc Đẩu của chòm Đại Hùng. Trái tim này cách Trái đất 7.500 năm ánh sáng (1 năm ánh sáng = 9.460 tỷ km). Nó được nhà thiên văn William Herschel phát hiện lần đầu trong một lần quan sát vào năm 1787. Trong tâm của IC 1805 có một quần tinh (một cụm gồm rất nhiều ngôi sao tập hợp cạnh nhau), trong đó có những ngôi sao có độ sáng gấp 50 lần Mặt trời của chúng ta.
Tinh vân Tâm hồn, hay IC 1848, cũng nằm trong chòm sao Cassiopeia, ở cách chúng ta 6.500 năm ánh sáng. Tinh vân này là một đám mây khí và bụi lớn có kích thước 150 năm ánh sáng và được chiếu sáng rực rỡ bởi các ngôi sao trong đó.
Tinh vân Tâm hồn và Trái tim nằm ở một cánh tay của dải Ngân hà (trong đó có hệ Mặt trời của chúng ta đang sống). Chúng từ lâu đã trở thành đích ngắm của rất nhiều nhiếp ảnh gia thiên văn thích ngắm bầu trời đêm, trong một niềm đam mê lớn lao đối với không gian vô tận trên đầu mình.
Có bao nhiêu tinh vân trên đầu chúng ta? Có gần 20 nghìn tinh vân được phân thành nhiều loại khác nhau (phát xạ, phản xạ, tối, tinh vân hành tinh, tàn tích siêu tân tinh-tức là những gì còn lại của một ngôi sao đã nổ và chết) trong dải Ngân hà, nhưng cho đến nay, người ta mới chỉ đánh số và đặt tên cho khoảng 2 nghìn trong đó. Rất nhiều tinh vân được đặt tên theo hình dạng của chúng, chẳng hạn “Con cua”, “Mắt mèo”, “Mắt Thượng đế”, “Đại bàng”, “Đầu ngựa”, “Người chạy”, “Cột trụ của Tạo hoá” hay “Phù thuỷ”.
Trong những tinh vân ấy, đẹp bậc nhất là Tâm hồn và Trái tim…
Xem thêm: Tại sao Sao Hỏa lại có màu đỏ?
–
MENBACK.COM