Bài viết này sẽ giải thích một số thuật ngữ căn bản về bệnh, triệu chứng và hội chứng, giúp độc giả phần nào hiểu hơn về cơ thể mình đang sở hữu, cách nó đối phó với bệnh tật cũng như vì sao chúng ta không nên tự chẩn đoán bằng Google.
Ví dụ: bệnh cúm
Cúm là loại bệnh phổ biến mà rất có thể bạn đã mắc phải ở một thời điểm nào đó trong quá khứ (và rất có thể sẽ lại gặp nó trong tương lai), phổ biến đến mức mọi người xem giai đoạn cảm cúm là một kiểu sự kiện bình thường trong năm.
Trong diễn ngôn đại chúng, người ta đôi lúc vẫn dùng từ “bị sốt” như một tên gọi thay cho cúm và cách chữa trị là dùng thuốc hạ sốt. Trên thực tế, bản thân từ “bệnh cúm” vốn đã được dùng để chỉ một loại bệnh gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau và mỗi khi bạn mắc phải cúm, nhiều khả năng là đang gặp một loại virus khác nhau. Còn “bị sốt” chỉ là một triệu chứng có thể xảy ra khi mắc phải cúm, hay nói đúng hơn là phản ứng của cơ thể như một nỗ lực để tự chữa trị.
Việc dùng thuốc hạ sốt không phải chữa bệnh, do không trực tiếp nhắm vào nguyên nhân gây bệnh, chỉ đơn giản là hướng đến điều trị triệu chứng. Trong đa số các trường hợp, việc điều trị triệu chứng khá vô nghĩa, thậm chí nguy hiểm.
Chẳng hạn, nếu bạn bị bệnh đau bao tử và xuất hiện triệu chứng đau bụng, việc dùng dầu gió có thể giảm đau bụng tạm thời, nhưng không giúp gì trong việc điều trị bệnh bao tử và cơn đau sẽ sớm quay trở lại.
Nguy hiểm hơn, sau khi đã giảm cơn đau, bạn đang gián tiếp tạo ra một lớp sương mù che mờ nhận thức bản thân và tạo điều kiện cho căn bệnh thực sự có thời gian để ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn mà không bị chú ý đến.
Tuy nhiên, dù không phải cách hiệu quả nhất cũng như phổ biến nhất trong chữa bệnh, đó cũng là một cách.
Trong nhiều trường hợp, việc điều trị triệu chứng vẫn là một cách được lựa chọn, bên cạnh việc chữa bệnh, nhằm giúp tạo ra sự thoải mái và trạng thái tinh thần tốt cho bệnh nhân, đôi lúc việc này còn giúp giảm hậu quả và di chứng.
Chẳng hạn, sốt ở trẻ em và người già thường rất nguy hiểm, cần được theo dõi cẩn thận. Thậm chí, với một số loại bệnh, thường là các loại cúm, việc điều trị triệu chứng còn được dùng như phương án điều trị duy nhất (dùng thuốc hạ sốt mỗi khi bị cúm chẳng hạn).
Sở dĩ một số bệnh cúm thông thường hay được đề xuất điều trị triệu chứng vì không có cách cụ thể và chính xác để điều trị nguyên nhân gốc, và việc này cũng không quá cần thiết.
Với các loại cảm cúm thông thường, cơ chế tự nhiên của một người khỏe mạnh đã đủ để tự điều trị, chúng ta chỉ cần dùng thuốc hỗ trợ để giúp quá trình này diễn ra hiệu quả và ít để lại các di chứng hơn.
Cơn sốt là một phản ứng tự nhiên, một nỗ lực gia tăng thân nhiệt để chống lại các tác nhân gây bệnh, thường không cần điều trị triệu chứng này vì nó sẽ ngưng sau khi hết chu kỳ. Nhưng việc dùng thuốc giảm đau và giảm viêm (như paracetamol) có thể giúp điều hòa cơ chế này tốt hơn và giảm khả năng mắc các di chứng xấu (nếu có).
Tuy vậy, đôi lúc các triệu chứng cũng được khuyến khích không can thiệp, đặc biệt là sốt. Tùy vào trường hợp, các bác sĩ sẽ đề xuất để cơn sốt diễn ra một cách tự nhiên thay vì điều trị ngay lập tức, nhằm giảm rủi ro. Vì việc điều trị sốt không phải lúc nào cũng cần thiết, nhưng một số căn bệnh khác nhau tạo ra phản ứng sốt khác nhau.
Bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn tụ cầu chẳng hạn, triệu chứng duy nhất của nó là sốt nhẹ trên 15 ngày. Việc điều trị sốt sẽ khiến cơn sốt chấm dứt sớm hơn, và vì vậy dẫn đến chẩn đoán nhầm, khiến căn bệnh có thời gian để trở nên nguy hiểm, dù việc chữa trị chúng rất dễ nếu chẩn đoán đúng ngay từ đầu.
Sự phức tạp của việc quan sát triệu chứng là nguyên nhân quan trọng khiến lời khuyên “Gia đình mang bệnh nhân về nhà theo dõi thêm một thời gian rồi quay trở lại” xuất hiện tương đối phổ biến và có lẽ bạn đã từng nghe qua trong lần đi đến bệnh viện nào đó.
Vì các triệu chứng thông thường thường đi kèm với những căn bệnh không quá nguy hiểm, trong khi vẫn là triệu chứng ấy nhưng khác một chút có thể là dấu hiệu để chẩn đoán nhiều bệnh nghiêm trọng.
Tất nhiên chúng ta vẫn có thể tỏ ra quyết liệt với cả những căn bệnh thông thường, nhưng việc này có thực sự cần thiết và hiệu quả, hay thực ra còn phản tác dụng và rất nguy hiểm?
Trong khi cơ thể khỏe mạnh có thể tự xử lý nhiều căn bệnh thông thường, quá sốt sắng trong việc điều trị triệu chứng từ sớm dù có thể tạo ra cảm giác thuyên giảm cho bệnh nhân, thực ra lại khiến tăng khả năng chẩn đoán sai về những bệnh nguy hiểm.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề giảm tải bệnh viện, tiết kiệm cho bệnh nhân hay sâu sắc hơn tránh tạo ra một xã hội quá phụ thuộc vào hệ thống y tế – những vấn đề rất quan trọng khi nhìn ở góc độ vĩ mô.
Vì nếu bất kỳ ai bị sốt hay đau bụng cũng nhập viện ngay lập tức, theo xác suất thống kê, số lượng lớn giường bệnh sẽ dành cho những người mắc bệnh bình thường, và những người mắc bệnh nghiêm trọng khả năng cao hơn sẽ mất cơ hội được điều trị – một nghịch lý.
Triệu chứng và dấu hiệu bệnh tật.
Trên thực tế, cũng giống như “cảm cúm” là một từ khái quát hóa căn bệnh gây ra bởi nhiều loại virus, bản thân “sốt” cũng là một từ khái quát để chỉ hiện tượng cơ thể tăng nhiệt.
Sốt là một triệu chứng phức tạp, bản thân nó không có đặc điểm cố định mà phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cốt lõi.
Mức nhiệt tăng, thời gian, chu kỳ… và nhiều tính chất khác của sốt đã được giới y tế quan sát và liệt kê đầy đủ, nhằm khoanh vùng xem cơn sốt như thế nào phản ánh căn bệnh nào.
Sốt là một triệu chứng phổ biến, bạn có thể bị sốt vì bệnh truyền nhiễm, bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hóa hay thậm chí ung thư.
Trong trường hợp bệnh truyền nhiễm, sốt có thể giúp tiêu diệt hoặc kiểm soát quá trình sinh sản của tác nhân gây bệnh vì mầm bệnh cần một mức nhiệt độ nghiêm ngặt để sinh sôi.
Bản thân cơ chế sốt cũng giúp tăng tốc độ của những phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Trong một số trường hợp khác, sốt xuất hiện vì cơ chế này bị lỗi do các rối loạn.
Về cơ bản, sốt là một sự kiện bất thường của cơ thể, và bất kể rằng nó xuất hiện như một cơ chế tự phản ứng hợp lý hay rối loạn, đều là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy cơ thể đang không khỏe. Đây cũng là định nghĩa căn bản nhất về “triệu chứng”: một trải nghiệm mà sẽ không xảy ra khi cơ thể trong trạng thái bình thường.
Sự bất thường này là nền tảng căn bản quan trọng để chẩn đoán bệnh, hay còn gọi là “triệu chứng” và “dấu hiệu”. Hai từ này thường đi chung, nhưng cần chú ý kỹ về mặt thuật ngữ.
“Dấu hiệu” là những phản ứng khác thường tuy có thể quan sát bởi người khác hoặc bởi kiểm tra y tế, nhưng người bệnh có thể hoặc không thể cảm nhận được, như huyết áp tăng, xuất hiện vết phát ban, dáng đi khác thường, tốc độ phản xạ… Trong khi đó, “triệu chứng” là một thứ mà người bệnh trải qua và có thể báo cáo được, như đau bụng, sốt, nhức đầu, mệt mỏi…
Các nhóm triệu chứng:
Toàn bộ “triệu chứng” đều được cơ thể tạo ra, vì vậy, nó có tính phổ quát ở tất cả mọi người, cũng như chỉ bao gồm một số kiểu nhất định, gồm 3 nhóm chính:
- Đau: đau bụng, đau lưng, đau tai, đau đầu, đau răng… (cơ thể phát tín hiệu để gây chú ý, kêu gọi rời khỏi các tình huống nguy hiểm, bảo vệ cơ thể đang bị tổn thương và hạn chế chuyển động ở đó để tăng tốc độ phục hồi).
- Cảm thấy: sốt, mệt mỏi, khô miệng, buồn ngủ, khát, yếu ớt… (cơ thể kêu gọi sự đáp ứng các thiếu hụt để trở lại trạng thái bình thường, như cảm giác buồn ngủ để kêu gọi việc nghỉ ngơi hay khát nước để kêu gọi cung cấp nước).
- Không thể làm gì đó một cách bình thường: không thể thở bình thường, không thể nghe bình thường, không thể ngủ bình thường, không thể nói bình thường… (các cơ chế bị lỗi).
Các triệu chứng nằm trong nhóm “đau” và “cảm thấy” có thể là những cơ chế kêu gọi thông thường của cơ thể trong điều kiện đặc biệt, nhưng cũng có thể xuất hiện do “lỗi hệ thống” bên trong cơ thể.
Bản thân một triệu chứng phản ánh cho hư hại nào cũng không hề đơn giản. Như đau bụng không nhất thiết do vấn đề từ hệ tiêu hóa, và đau lưng thậm chí có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm không liên quan gì đến xương khớp hay cơ.
Chẳng hạn, phần lớn các cơn đau lưng không thực sự mang theo những đặc điểm cho thấy nó có liên quan tới nguyên nhân nào, thậm chí không thể xác định nguyên nhân.
Chúng có thể là vấn đề xương khớp, hoặc bệnh về túi mật, tụy hay thận; đôi lúc còn do các khối u; cũng có thể chỉ là dấu hiệu cho thấy cơ thể cần nghỉ ngơi để phục hồi.
Từ căn bệnh cụ thể và triệu chứng có thể nhanh chóng kết luận mối quan hệ nhân quả giữa chúng, nhưng khi bắt gặp triệu chứng, liệu có thể kết luận nguyên nhân hay không lại là một câu chuyện phức tạp khác. Đặc biệt khi ta nói về “đau lưng”, thực chất cũng chỉ là một cách nói khái quát của một hiện tượng phức tạp.
Vì vậy, bản thân các triệu chứng đơn lẻ rất khó để nắm bắt, chỉ được dùng hiệu quả bởi người có chuyên môn và đôi lúc chỉ để nhằm mục đích khoanh vùng trong chẩn đoán, hay gợi ý cho những quyết định y tế tiếp theo. Để tăng độ chính xác, người ta cũng lập ra các danh mục triệu chứng đi cùng nhau bởi các bệnh khác nhau, còn gọi là hội chứng.
Chẳng hạn, triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, nhức đầu xuất hiện ở nhiều loại cúm, nhưng sẽ có một danh mục gồm các triệu chứng (với mức độ và đặc tính cụ thể) để xác định khi nào thì nhiễm cúm A-H1N1, khi nào là cúm mùa và khi nào là COVID. Khi và chỉ khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của hội chứng, các can thiệp y tế tiếp theo mới được đưa ra.
Cũng cần lưu ý, rất nhiều bệnh không có triệu chứng, hoặc triệu chứng xuất hiện rất muộn, nên việc phụ thuộc vào các yếu tố bất thường có thể quan sát được thực chất lại tiềm ẩn nguy cơ cản trở việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Các loại bệnh ung thư là một ví dụ. Sẽ cần đến những xét nghiệm phức tạp để tìm kiếm những dấu hiệu bất thường ẩn sâu bên trong cơ thể ngay từ sớm, trước cả khi chúng ta có thể bắt gặp các triệu chứng.
Đừng đoán bệnh bằng Google.
Với tất cả các thông tin trên thì việc dùng Google để tự chẩn đoán bệnh là một hành vi khá vô nghĩa.
Có một khoảng cách lớn giữa triệu chứng bạn cảm thấy và triệu chứng được đề cập, một khoảng cách lớn hơn nữa giữa những gì được đề cập và những gì thực sự được định nghĩa chính xác, và một khoảng cách cực lớn giữa việc xác định đúng triệu chứng với việc chẩn đoán đúng bệnh.
Nhập một vài mô tả như “đau đầu chóng mặt”, “đau bụng”, “đau vùng thắt lưng”, “đau vùng lưng dưới”… khả năng cao sẽ trả ra kết quả là “bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư”.
Về lý thuyết thì kết quả trả ra không sai, vì quả thực các triệu chứng ấy có xuất hiện khi bạn mắc bệnh ung thư nào đó, chúng chỉ không đúng, vì những triệu chứng này cũng xuất hiện ở hàng loạt bệnh cơ bản khác.
Việc mô tả rằng “đau đầu” cũng không thực sự có giá trị trong chẩn đoán, mà cần cụ thể đau như thế nào, ra sao và có đi kèm những biểu hiện nào khác hay không…
Ngoài không giúp gì trong việc tự chẩn đoán, hành vi tự tra cứu này còn tạo ra tâm lý và suy đoán sai lệch, khiến chúng ta quá bi quan hay quá lạc quan về tình trạng sức khỏe của bản thân.
Nghịch lý là, nếu bạn càng lo lắng đến sức khỏe bản thân, thì càng nên tìm kiếm sự chắc chắn, thay vì chỉ tìm kiếm một câu trả lời bất kỳ nào đó trên Google. Bản thân việc dùng công cụ này để tự chẩn đoán vốn có thể đã vô tình nhằm tìm kiếm một câu trả lời không đáng tin cậy, để có thể hoài nghi nếu thấy kết quả bi quan và đồng tình khi kết quả như ý muốn.
*Bài viết này chỉ đề cập các thông tin căn bản, không phải lời khuyên y tế, không có tác dụng thay thế ý kiến chuyên môn của các bác sĩ.
Bài viết hữu ích
Hiểu về Đông Y và Tây Y
Đông Y và Tây Y đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Do tác động của lịch sử...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK