Âm nhạc chữa lành xoa dịu các tâm hồn tổn thương trước những mất mát, giúp họ vực dậy tinh thần lạc quan, mạnh mẽ vượt qua những ngày khó khăn.
- 6 bước chữa lành bản thân bằng liệu pháp tự nhiên
- Đi “tắm rừng” để chữa lành những tâm hồn tổn thương
Không chỉ đơn thuần để giải trí, âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần. Một bản nhạc hòa tấu có thể khiến tâm trạng người đang căng thẳng trở nên dễ chịu, ôn hòa.
Từ nghìn năm trước, con người đã sử dụng âm nhạc như một liệu pháp để cải thiện các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Vào thời Ai Cập cổ đại, Hy Lạp cổ đại và văn minh cổ Babylon, âm nhạc được sử dụng phổ biến để động viên và gắn kết xã hội giữa dịch bệnh nguy hiểm. Khi dịch hạch hoành hành ở thành Sparta (Hy Lạp) vào thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, nhà thơ Thaletas được yêu cầu hát những bài thánh ca nhằm xoa dịu, khích lệ người dân.
Ngày nay, “âm nhạc chữa lành” không còn là một thuật ngữ xa lạ, mà được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong trị liệu sức khỏe tinh thần. Nhiều nghiên cứu chỉ ra sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc trong việc giảm căng thẳng, cải thiện triệu chứng bệnh trầm cảm, bệnh tự kỷ ở trẻ hay alzheimer ở người cao tuổi.
Tác dụng kỳ diệu của âm nhạc
Tác dụng của âm nhạc đối với việc giảm mức độ lo lắng và căng thẳng đã được chứng minh qua nhiều dự án, công trình khoa học.
Theo nghiên cứu của Đại học khoa học Sussex (Vương quốc Anh), trong 6 phút nghe nhạc, căng thẳng có thể giảm đến 61%. Nghiên cứu kết luận, lắng nghe những giai điệu du dương làm tâm trí được thư giãn, hạn chế tăng nhịp tim, hạ huyết áp và giảm lượng hormone gây stress.
Trong khi đó, bác sĩ tâm lý Dawn Kuhn tại Đại học Willamette từng thực hiện nghiên cứu cho thấy nghe nhạc giúp giảm lượng cortisol trong cơ thể. Đây là một trong những chất hóa học liên quan đến trạng thái căng thẳng của não bộ.
Còn nhà tâm lý học Laura Ferreri, Đại học Lyon (Pháp) chia sẻ trên tạp chí khoa học PsyPost rằng âm nhạc giúp não bộ sản sinh dopamine tự nhiên. Chúng giúp cơ thể cải thiện tâm trạng, thoát khỏi sự mệt mỏi, trì trệ.
Không chỉ dừng lại ở việc cải thiện tình trạng căng thẳng, âm nhạc cũng tạo ra nhiều tác động tích cực đối với người mắc bệnh trầm cảm.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí British Journal of Psychiatrist (Vương quốc Anh) với sự tham gia của 79 người trong độ tuổi từ 18 đến 50 bị trầm cảm. Số bệnh nhân này đều điều trị trầm cảm theo liệu trình tiêu chuẩn, nhưng có 33 người kết hợp điều trị thêm bằng âm nhạc. Kết quả, nhóm tham gia các buổi trị liệu âm nhạc có cải thiện đáng kể hơn trong các triệu chứng trầm cảm.
Thực tế, âm nhạc đã trở thành nguồn cảm hứng đưa nhiều người vượt khỏi những giai đoạn tăm tối của cuộc sống. Vào năm 1997, Darryl McDaniels – trưởng nhóm hip-hop huyền thoại Run-DMC – từng bỏ ý định tự sát sau khi nghe ca khúc Angel của Sarah McLachlan. Ca khúc đã cho nam ca sĩ động lực vượt qua căn bệnh trầm cảm và sự bế tắc đằng sau sự hào nhoáng của ánh đèn sân khấu.
Không phân biệt tuổi tác, âm nhạc có thể “chữa lành tâm hồn” cho cả người trưởng thành, người cao tuổi, trẻ vị thành niên và trẻ em. Tổ chức phi lợi nhuận Music & Memory đã cho những người cao tuổi mắc bệnh Alzheimer nghe những bản nhạc mà họ yêu thích. Những giai điệu thân quen giúp họ nhớ lại những ký ức trong quãng thời gian liên quan đến bản nhạc.
Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Wisconsin La Crosse kết luận nhạc cổ điển với những nhịp điệu đều đặn có thể giúp trẻ tự kỷ giảm lo lắng, bất an và bình tâm trở lại. Nghiên cứu Quỹ Khoa học Tự kỷ Autism Science Foundation cũng cho kết quả tương tự. Sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc có thể làm thức tỉnh trẻ tự kỷ, gia tăng nhu cầu giao tiếp, phát triển ngôn ngữ và tăng khả năng tập trung.
Âm nhạc chữa lành – liều thuốc tinh thần giữa đại dịch
Trong hơn 2 năm qua, khi đại dịch Covid-19 chi phối mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội của người dân toàn cầu, sức mạnh diệu kỳ của âm nhạc đối với sức khỏe tinh thần được lan tỏa mạnh mẽ hơn cả.
Giống những gì đã diễn ra cách đây hàng nghìn năm, những giai điệu êm ái lại được vang lên thay cho lời khích lệ, động viên giữa lúc mọi người bị cầm chân giữa bốn bức tường.
Trong những ngày căng thẳng, trên những con phố vắng lặng ở Italy, tiếng nhạc, lời ca vang lên từ khắp các ban công. Bằng những bài ca đầy lạc quan, người dân tại đây tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho hàng xóm của mình và những y bác sĩ tuyến đầu.
Tại Việt Nam, điều tương tự cũng diễn ra. Hình ảnh các nghệ sĩ mặc đồ bảo hộ say sưa hát hay thổi kèn saxophone tại bệnh viện dã chiến đã làm lay động hàng triệu trái tim.
Âm nhạc xoa dịu các tâm hồn tổn thương trước những mất mát từ đại dịch, giúp họ vực dậy tinh thần lạc quan, mạnh mẽ vượt qua những ngày khó khăn. Không chỉ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, các buổi hòa nhạc được tổ chức ở nhiều nơi với mục đích cổ vũ mọi người vững tin chiến thắng đại dịch.
Khi dịch bệnh được kiểm soát ở nhiều nơi trên thế giới, các buổi hòa nhạc vẫn tiếp tục là cầu nối gắn kết, tạo động lực để mọi người thích ứng với cuộc sống mới, hướng đến tương lai tươi sáng.
Tiến sĩ Chris Macklin – cựu giáo sư âm nhạc tại Đại học Mercer – từng viết:
“Âm nhạc không phải là thứ xa xỉ trong thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh. Nó là một điều thiết yếu”.
Hãy cảm nhận những giai điệu du dương của âm nhạc, đặc biệt là nhạc thính phòng, từ đó tìm thấy niềm vui và hy vọng trong giai đoạn bình thường mới.