Những dấu hiệu sức khỏe suy giảm được đề cập dưới đây bạn có thể dễ dàng nhận thấy trong hoạt động hàng ngày, hãy kiểm tra xem mình có gặp phải chúng hay không, và bên cạnh đó là cách khắc phục.
Chuck Palahniuk, tác giả quyển sách “The Fight Club”, từng viết: “Nothing is static. Everything is evolving. Everything is falling apart” (Tạm dịch: Không gì là bất biến. Mọi thứ đều tiến hóa. Mọi thứ cũng đều suy tàn). Và sức khỏe của bạn cũng không là ngoại lệ. Một năm 2021 nhiều khó khăn chắc chắn phần nào làm tổn hại đến sức khỏe của bạn mà không hề hay biết. Cùng nhận biết tình trạng sức khỏe suy giảm của bản thân qua 7 dấu hiệu trên cơ thể sau.
Dấu hiệu 1: Dang tay qua đầu mà cũng thấy đau nhức
Bạn cứ việc bao biện với hàng chục lý do – “Tại bữa giờ chưa giãn cơ”, “Chắc hôm qua tôi ngủ tư thế sai…” – vấn đề vẫn cứ nằm ở đó – xương khớp ở hai cánh tay đang có dấu hiệu bất ổn. Việc này có thể đến từ việc mất cân bằng trong ăn uống, sinh hoạt và gìn giữ thói quen tập thể dục. Bạn cần tìm cách khắc phục tình trạng sức khỏe suy giảm này trước khi quá muộn. Đến xếp đồ lên tủ mà còn phải nhờ người khác thì bất tiện quá.
Cách khắc phục: Áp dụng ngay các bài tập đưa tay qua đầu. Ví dụ như bài tập chống đẩy của yoga, đây là phương pháp hiệu quả và an toàn để bạn rèn luyện phần xương khớp tay, đặc biệt là vai. Vào tư thế chống đẩy, sau đó đẩy hông lên cao, giữ tay-chân cố định, tạo dáng thành hình chữ V ngược. Thực hiện động tác này mỗi sáng, lựa chọn số hiệp tùy thích, 3-5 cái/hiệp.
Dấu hiệu 2: Gót chân bị nhấc lên khi squat
Cùng vào tư thế squat và thử nha: ưỡn ngực, lưng thẳng và hạ phần hông dần cho đến khi xuống thấp hơn đầu gối. Gót chân bị nhấc khỏi mặt đất? Đầu gối thì lắc lư như đang run rẩy? Nếu có, thì xin “chúc mừng” cơ thể bạn đã bắt đầu mất đi sự linh hoạt vì ngồi ghế đệm quá nhiều! Đứng dậy vận động nhiều hơn đi, bạn đang tự “đốt” mất bao nhiêu năm tuổi trẻ của mình đó.
Cách khắc phục: Áp dụng bài tập Goblet squat theo video dưới đây. Với bài tập này, bạn sẽ vào tư thế squat, đồng thời giữ một vật nặng như cục tạ hoặc một túi sách. Độ nặng của tạ sẽ giúp kéo cơ thể, và gót chân, bạn bám vào đất hiệu quả hơn. Khi hạ người, tận dụng khuỷu tay để đẩy phần chân đi xuống. Vẫn còn bị nhấc? Hãy lót thêm một bánh tạ tròn ngay phần gót nha.
Dấu hiệu 3: Bạn cần ít nhất 2 cái gối để ngủ ngon
Việc ngủ với hai hay nhiều gối lót xung quanh giường để có cảm giác êm ái có vẻ vô thưởng vô phạt nhỉ. “Ngủ nhiều gối để êm từ đầu đến chân cũng là bình thường thôi mà, sở thích mỗi người thôi…” – nhiều người, kể cả tôi, cũng nghĩ vậy. Nhưng thực chất, việc bạn cần phải lót thật nhiều gối êm mới có thể yên giấc là dấu hiệu cơ thể rõ ràng cho thấy sức khỏe suy giảm của bản thân.
Cách khắc phục: Mất cân bằng trong việc sinh hoạt và gìn giữ sức khỏe nói chung đều rất dễ khiến cơ thể bạn suy nhược và giảm chất lượng giấc ngủ. Chính vì vậy, việc duy trì thói quen tập các bài tập tăng sự dẻo dai hay cuộn người trên ống mút rất cần thiết. Cố gắng tập cuộn phần xương sống, gân kheo và bắp chân 60 giây mỗi ngày.
Xem thêm: Hướng dẫn chọn gối ngủ đúng cách để có giấc ngủ ngon
Dấu hiệu 4: Dây thắt lưng ngày càng nới lỏng
Vòng 2 ngày càng lớn dần chắc chắn là tín hiệu đáng báo động về tình trạng sức khỏe suy giảm. Lượng năng lượng thừa do việc ăn uống không điều độ có thể khiến bạn gia tăng nguy cơ mắc phải những chứng bệnh về tim.
Cách khắc phục: Tập thể dục cũng tốt, nhưng điều chỉnh chế độ ăn uống là điều bạn cần ưu tiên. Cân bằng các hàm lượng dinh dưỡng cho những bữa ăn trong một ngày, đặc biệt chú ý dung nạp nhiều protein và rau cho bữa sáng đầu tuần. Bạn có thể tham khảo thêm cách thức giảm cân cho năm mới.
Dấu hiệu 5: Không thoải mái khi ngồi dưới sàn
Thay vì cứ ngồi ì trên ghế đệm, bạn hãy thử “đổi gió” bằng việc ngồi xuống sàn xem. Thói quen đơn giản nhưng giúp bạn không bị ì ạch, bất động ở một chỗ hoài. Tuy nhiên, nếu không thể tìm được tư thế nào dễ chịu dù chỉ trong vài phút, rất có thể cơ thể bạn không còn dẻo dai và khỏe khắn như trước rồi đó.
Cách khắc phục: Đơn giản thôi, tập ngồi bệt dưới sàn nhiều hơn. Ngồi dưới sàn sẽ giúp bạn giãn cơ phần hông hơn, lấy lại độ linh hoạt và dẻo dai của cơ thể.
Xem thêm: Bài tập 12 phút buổi sáng cho bạn body đẹp và ngày mới hứng khởi
Dấu hiệu 6: Bạn không ngừng nhậu, vì một lý do nào đó
Cuộc sống khó khăn, chỗ làm vất vả, bao nhiêu buổi hẹn hò cuối năm với đám bạn… muốn lấp đầy hết cả tuần sinh hoạt của bạn. Mở mắt ra là đi uống bia, nghỉ tay một chút là làm vài ly rượu…
Nhưng cứ liên tục “nạp cồn” vào người thế này đang ngầm gây tổn hại cực lớn đến điều kiện sức khỏe của bạn. Gan của bạn cần ít nhất 48 giờ “detox” khỏi bia rượu và thức uống có cồn để lấy lại trạng thái cân bằng ban đầu.
Cách khắc phục: Gác lại việc uống bia rượu của bạn ở bất cứ đâu, và tập cho mình các thói quen mới để thư giãn, xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng, chẳng hạn như tập thể thao. Cùng với đó là thái độ kiên quyết từ chối với mọi lời mời mọc đầy hấp dẫn của đồng nghiệp “Ê tao mới biết quán này cool lắm…”, “Thứ Sáu rồi xõa đê!”, “Tao mới thử loại mới này ngon lắm”… Đừng có ham vui!
Dấu hiệu 7: Lúc nào bạn cũng thấy uể oải
Dù bạn đã thử đủ mọi cách: ngủ nhiều hơn, cai caffeine sau 3 giờ chiều, uống bia giải sầu. Nhưng đến cuối ngày, cơn mệt mỏi trong người vẫn không thể tan biến, mà càng chất đống trong người đầy nặng nề. Đến lúc này, bạn cần xem lại sức khỏe tinh thần của mình, hơn là những triệu chứng dễ nhận thấy qua cơ thể sinh học.
Cách khắc phục: Nhiều vấn đề trong cuộc sống đang khiến bạn bị căng thẳng liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. Không có một cách thức nào riêng biệt, mà bạn cần kết hợp tất cả, từ việc tập thể dục điều độ cho đến cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn. Đặc biệt, thực hiện các thói quen nhằm vun đắp lại sức khỏe tinh thần của bản thân như viết nhật ký và thiền định.
Còn bạn không có thời gian ư? Hãy thử áp dụng bài tập thở của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ – tactical breathing (Tạm dịch: thở theo chiến thuật). Hít vào 4 giây, giữ 4 giây, và thở ra 4 giây. Như vậy, hệ thần kinh của bạn sẽ được kích thích trở lại, giúp bạn tỉnh táo và nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh. Còn nếu bạn nhận thấy mình có triệu chứng trầm cảm, hãy đến gặp bác sĩ tâm lý càng sớm càng tốt.
Xem thêm:
- Cách giảm căng thẳng, giải tỏa stress trong công việc
- Cách để dễ dàng ngủ nhanh chỉ trong vòng 1 phút
- Cách xác định thời gian ngủ phù hợp để không mệt mỏi khi thức giấc