Quan niệm nào đúng, quan niệm nào sai trong cách nuôi dạy con của cha mẹ Việt và cha mẹ Mỹ? Hãy cùng nhau so sánh sự khác nhau và phân tích để tự rút ra cho mình kết luận thích hợp nhé.
Lúc chưa sang Mỹ, tôi thường nghe người lớn nói về sự băng hoại của xã hội tư bản Mỹ và cách dạy con không giống ai của cha mẹ Mỹ. Nào là con nít Mỹ cãi lời cha mẹ xoen xoét, cha mẹ đánh nó là a lê hấp nó gọi phone cho cảnh sát bắt cha mẹ đi tù ngay. Đến trường học cũng vậy, thầy cô không dám đụng tới học sinh mặc cho chúng muốn mặc gì thì mặc, làm gì thì làm trong lớp. Tới tuổi dậy thì, lũ choai choai mất dạy bắt đầu cặp bồ rồi chờ đủ 18 tuổi dọn ra sống riêng mà khỏi cần cưới xin. Mà nếu có cưới nhau thì cha mẹ chỉ đến dự lễ cưới thôi, chả có quyền gì cho phép với chả cấm đoán. Cha mẹ già rồi thì lo biết thân mà vào viện dưỡng lão để sống, con cái Mỹ không có chuyện báo hiếu đâu nhé.
Nhưng khi có cơ hội đến học và sống ở Mỹ, tôi mới cảm thấy bọn Mỹ đâu có tệ như mình được dạy lúc nhỏ. Người Mỹ văn minh lịch sự, cư xử đàng hoàng hơn dân mình nhiều. Họ không hề đối xử tệ bạc hay bất hiếu bỏ rơi cha mẹ lúc đau yếu già nua. Anh em họ không có chuyện vì gia tài mà giành giật đâm chém nhau. Hơn nữa, xã hội Mỹ phát triển hơn Việt Nam nhiều về tất cả mọi mặt. Dân Mỹ sống không có phép tắc đạo đức, không phân trên dưới sao đất nước người ta thịnh vượng thế? Người Việt Nam ta đi đâu cũng tự hào truyền thống lễ nghĩa bốn ngàn năm văn hiến nhưng sao lại nghèo nàn lạc hậu thế? Từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến sự khác biệt trong lối giáo dục Mỹ và lối giáo dục truyền thống Việt Nam và rút ra nhiều điều thú vị. Tôi muốn chia sẻ với các bạn ở đây để mọi người có thể tự rút ra kết luận cho bản thân mình.
Sự khác biệt trong việc nuôi dạy con cái của cha mẹ Việt Nam và cha mẹ Mỹ bắt nguồn từ sự khác biệt về những quan niệm mang tính chất truyền thống của văn hóa phương Đông và phương Tây. Nếu quan niệm của phương Đông về mối quan hệ cha mẹ và con cái là con cái phải biết ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ vì đó là công ơn lớn nhất của đời người thì đối với quan niệm phương Tây, cha mẹ khi sinh ra con cái phải có bổn phận và trách nhiệm nuôi dạy con cái tử tế mà không được đòi hỏi sự báo đáp vì con cái không đòi cha mẹ cho chúng ra đời. Quan niệm nào đúng, quan niệm nào sai? Hãy cùng nhau so sánh và phân tích và tự rút ra cho mình kết luận thích hợp nhé.
1. Quan niệm về quyền làm cha mẹ và bổn phận của con cái
Cha mẹ Việt Nam do chịu ảnh hưởng nặng nề của truyền thống Nho giáo quan niệm rằng con cái do cha mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra, cực khổ nuôi nấng nên người. Không có cha mẹ thì không có con cái. Vì vậy ơn sinh thành dưỡng dục là ơn lớn nhất khiến cho đứa con phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ và phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Ngay cả khi con cái có gia đình riêng, cha mẹ vẫn có quyền can thiệp thậm chí quyết định chuyện riêng của con mình. Khi cha mẹ qua đời thì phải làm tang ma cho thật lớn, xây mộ thật to để xứng danh con hiếu.
Người Mỹ thì có quan niệm hoàn toàn ngược lại. Không có đứa trẻ nào đòi ra đời và bắt cha mẹ nuôi nấng chăm sóc nó cả mà tất cả đều là do cha mẹ vô tình hay chủ động tạo ra chúng mà đã tạo ra thì phải có trách nhiệm chăm sóc yêu thương nuôi dạy con cho đàng hoàng. Việc cha mẹ kể công nuôi dưỡng với con cái và bắt chúng phải nhớ ơn là điều trái với logic và đạo lý làm người. Con cái có trách nhiệm và thương yêu cha mẹ mình vì đó là trách nhiệm của những người trong một gia đình với nhau, không phải để trả ơn. Khi con mình lớn, chúng phải toàn tâm toàn ý lo cho con cái nên cha mẹ không bắt con cái báo hiếu cho mình để bớt đi gánh nặng cho con để chúng có thể dồn toàn lực lo cho thế hệ sau và cũng sẽ không can thiệp vào gia đình riêng của con cái.
2. Quan niệm về sự ngoan ngoãn của con cái
Cha mẹ Việt Nam cho rằng con do mình sinh ra nó phải nghe lời mình, không được cãi. Cãi lại đấng sinh thành là bất hiếu. Cha mẹ người Mỹ nghĩ rằng con mình là một thực thể tách biệt và độc lập về cả ngoại hình lẫn tư duy nên con mình suy nghĩ khác mình là đương nhiên và phải được tôn trọng. Nếu cha mẹ Việt Nam rất tự hào khi con mình khôn lớn rồi vẫn phục tùng cha mẹ vô điều kiện và cho rằng đó là một biểu hiện của gia giáo và đạo đức thì người Mỹ trái lại sẽ rất lo lắng khi đứa con trưởng thành được ăn học đầy đủ không dám hoặc không thể phản biện tranh luận với cha mẹ nó khi có mâu thuẫn phát sinh. Họ sợ con mình ra đời không đủ bản lĩnh đối phó với cuộc sống.
3. Quan niệm về việc học ở trường
Cha mẹ Việt Nam vẫn giữ quan niệm học chữ là quan trọng nhất theo thứ bậc “sĩ nông công thương” của Nho giáo. Con cái học giỏi đỗ đạt vinh hiển chẳng những ấm thân nó sau này mà cha mẹ cũng được hãnh diện, dòng họ thơm lây. Vì thế con cái cứ học giỏi ở trường, mang về nhiều giấy khen và danh hiệu là cha mẹ an tâm và nở mặt nở mày với người ngoài. Kiến thức và kỹ năng sống không quan trọng bằng điểm số.
Cha mẹ Mỹ quan niệm việc học văn hoá là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Nhà trường không thể dạy hết cho con cái những thứ nó cần để bước vào đời. Hơn nữa, mỗi đứa trẻ đều có sở trường sở đoản khác nhau. Nếu nó không giỏi chữ nghĩa thì nó làm nghề gì tự nuôi sống bản thân mà không trái lương tâm hoặc phạm pháp là được rồi, không nhất thiết phải ông này bà nọ mới được. Điều quan trọng nhất của một người trong cuộc sống là tự nuôi thân mình bằng một cái nghề lương thiện và đóng góp cho xã hội chứ không phải là phải thành đạt bằng mọi giá để lo vun vén cho gia đình riêng của mình.
4. Quan niệm về việc tự lập của con cái
Cha mẹ Việt Nam cho rằng bổn phận của cha mẹ là bảo vệ con cái suốt đời, “mẹ già chín mươi còn lo cho con bảy chục.” Trong mắt cha mẹ, con mình không bao giờ gọi là đủ trưởng thành, mình còn lo cho nó được lúc nào thì hay lúc ấy. Có nhiều người mẹ vẫn chăm chút cho đứa con trai đã có gia đình của mình từng bữa ăn giấc ngủ vì sợ rằng vợ của con mình không chăm sóc cho chồng tốt bằng mình.
Cha mẹ Mỹ thì nghĩ mình đâu thể bảo bọc nó suốt đời nên cách yêu thương tốt nhất là dạy con tự chăm sóc bản thân mình. Hơn nữa, bỏ ra 18 năm nuôi con là đủ rồi, pháp luật cũng quy định thế, để con ra ngoài tự lập là đúng với tự nhiên và pháp luật, không có gì phải áy náy hoặc lo lắng cả nếu mình đã trang bị cho con đầy đủ hành trang vào đời. Con trưởng thành và tự biết lo càng sớm thì cha mẹ càng có nhiều thời gian để nghỉ ngơi lúc tuổi già.
5. Quan niệm về tình dục và tình yêu trước hôn nhân
Cha mẹ truyền thống Việt Nam luôn xem những thắc mắc về giới tính và tình dục của con cái ở độ tuổi dậy thì là hư đốn và sai trái nên luôn tìm cách cấm đoán hoặc lảng tránh đồng thời tỏ rất tức giận khi con cái lén mình tìm hiểu. Khi con mình có người yêu, cha mẹ Việt Nam luôn dối lòng rằng con mình nó ngoan lắm, đi chơi với người yêu chỉ nắm tay và cùng lắm là hôn nhau thôi. Nếu tình cờ phát hiện trong cặp của con mình thuốc tránh thai hay bao cao su thì coi như đất trời sụp đổ. Đứa con ngoan của tôi học bạn học bè xấu hoặc bị người khác dụ dỗ nên mới hư thân mất nết như thế này. Việc con cái quan hệ tình dục trước hôn nhân, đặc biệt là con gái, là điều bại hoại gia phong đáng xấu hổ.
Cha mẹ Mỹ hiểu tình dục là mối quan tâm hàng đầu của con cái tuổi dậy thì và đó là một sự phát triển tâm sinh lý hết sức tự nhiên, càng cấm thì chúng càng tò mò. Chi bằng dạy cho nó cách bảo vệ bản thân để nó có thể khám phá về tình dục một cách an toàn nhất. Nếu hai đứa đủ tuổi 18 và có thể lo được cho nhau thì cứ dọn ra sống chung với nhau, coi như một giai đoạn bắt buộc để trưởng thành và lập gia đình sau này. Cha mẹ sẽ hỗ trợ kinh nghiệm sống để việc sống chung của hai đứa trẻ ít xảy ra rủi ro. Nếu lỡ chúng có chia tay thì đó cũng là chuyện bình thường vì rồi chúng sẽ gặp được người khác thích hợp hơn.
6. Quan niệm về hôn nhân của con cái
Cha mẹ Việt Nam xem việc kết hôn của con cái là trọng trách đối với dòng họ. Làm cha làm mẹ mà không lo cho con cái yên bề gia thất thì coi như chưa làm tròn bổn phận vì thế nếu con cái đến tuổi trưởng thành mà chưa có ý lập gia đình thì cha mẹ sẽ đứng ngồi không yên và tìm đủ cách để mai mối. Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ Việt không chấp nhận chuyện con cái sống chung trước hôn nhân hoặc sống với nhau mà không cần cưới hỏi. Nếu biết con gái đã ngủ với bạn trai rồi thì hối cưới vì con gái mất trinh khó được đàn ông tử tế cưới làm vợ. Còn đối với con trai thì cha mẹ luôn mong muốn kiếm được đưa con dâu vừa còn trinh trắng vừa phải biết lo chăm sóc quán xuyến hết gia đình bên chồng mới gọi là vợ hiền dâu thảo.
Cha mẹ Mỹ xem chuyện hôn nhân là quyết định riêng tư của con mình, mình không thể quyết định thay chúng. Con cái có quyền kết hôn hoặc sống độc thân tới cuối đời hoặc sống với người chúng yêu mà không cần kết hôn miễn sao chúng cảm thấy hạnh phúc. Trái với cha mẹ Việt Nam, cha mẹ Mỹ sẽ cảm thấy bất an nếu con mình quyết định kết hôn với một người mà chúng chưa từng sống chung một thời gian để tìm hiểu kỹ rồi hãy quyết định cưới vì nếu không sống chung với nhau, làm sao chúng biết có hợp nhau không để ràng buộc nhau cả đời.
7. Quan niệm về con cái
Cha mẹ Việt Nam mong có con trai để nối đường hương hỏa cho dù dòng giống có ra gì hay không cũng phải có người nối dõi cái đã. Đẻ con gái là đẻ cho dòng họ người khác vì nữ sinh ngoại tộc, gái lấy chồng theo chồng. Vì vậy, gia đình nào có con trai coi như cầm chắc sẽ được hưởng thừa tự của ông bà nhất là cháu đích tôn. Còn nếu không có được thằng cháu trai thì lỗi ấy đích thị là của đứa con dâu không biết đẻ. Khi đứa con ra đời thì ông bà sẽ luôn can thiệp vào chuyện nuôi dạy con của cha mẹ.
Cha mẹ Mỹ thì con trai con gái gì cũng là con mình sinh ra. Sau này mình già, tiền dành dụm sẽ dùng để dưỡng già, đi du lịch hay làm những gì mà mình chưa có cơ hội làm lúc trẻ. Cho dù có một đứa hoặc nhiều đứa con, việc làm di chúc chia gia tài cho con cái được hoàn toàn bảo mật và không liên quan tới việc thừa tự hương hỏa. Khi cha mẹ nhắm mắt, luật sư cứ căn cứ di chúc mà thực hiện đúng di nguyện,con cái đứa nào được bao nhiêu cứ theo đó mà nhận, không có chuyện anh em vì tí tài sản cha mẹ để lại mà trở mặt oán thù nhau. Thậm chí khi cha mẹ quyết định không để lại gì cho con cái cũng không sao. Người Mỹ không bao giờ nghĩ tới chuyện chia chác gia tài của cha mẹ.
8. Quan niệm về sĩ diện gia đình
Cha mẹ Việt Nam coi trọng sĩ diện gia đình hơn hạnh phúc của con cái. Con cái không muốn học đại học, vượt rào sống thử hoặc là người đồng tính sẽ khó được gia đình chấp nhận vì xấu hổ với bà con lối xóm và thân tộc họ hàng mặc dù những người ấy không hề có công nuôi dạy con mình ngày nào. Cha mẹ Mỹ chỉ xấu hổ khi con làm điều trái pháp luật hoặc đạo đức. Còn lại họ sẽ bảo vệ con họ trước miệng lưỡi thế gian công kích và động viên con mình sống thật miễn sao là chúng được là chính mình và cảm thấy hạnh phúc.
Cha mẹ Việt Nam có thể mắt lấp tai ngơ thậm chí còn hãnh diện khi con mình mua quan bán tước dùng bằng giả để thăng tiến hoặc tham ô hối lộ miễn sao là mang thật nhiều tiền về để lo cho gia đình và tộc họ, xây từ đường thật lớn, làm mồ mả thật to để báo hiếu. Đối với cha mẹ Mỹ, điều đáng xấu hổ nhất chính là con cái mình sử dụng bằng giả hoặc lợi dụng chức quyền để trục lợi cho cá nhân làm trái với lương tâm và trách nhiệm của mình cho dù nó có đem bao nhiêu tiền về đi chăng nữa.
9. Quan niệm về chính trị xã hội
Cha mẹ Việt Nam muốn con mình tránh xa những vấn đề chính trị xã hội nhạy cảm, đừng nghe, đừng thấy. Mà có nghe có thấy cũng cứ giả câm giả điếc đừng nói, đừng bàn, cứ vun vén thật tốt cho bản thân và dòng họ là được. Cha mẹ Mỹ dạy con biết rõ quyền và nghĩa vụ công dân được hiến pháp quy định, khuyến khích con tìm hiểu về chính trị và những vấn đề xã hội. Sẽ rất bình thường nếu con cái và cha mẹ có khuynh hướng chính trị trái ngược nhau hoặc bầu cho hai ứng cử viên tổng thống, thống đốc hoặc thị trưởng khác nhau.
Vậy cha mẹ Việt có thể tham khảo những mặt tích cực nào từ cha mẹ Mỹ để nuôi dạy con cái tốt hơn. Bạn hãy tìm hiểu ngay trong bài viết: 12 điều cha mẹ Việt Nam nên học từ cha mẹ Mỹ về cách dạy con.
Xem thêm:
- Cách rèn luyện sự nam tính cho con trai của bạn
- 12 điều cha dạy con về tinh thần quý tộc
- Đừng để tuổi thơ con mơ hồ hình ảnh bố