Tôi tin vào câu nói: “Không có những đứa con hư mà chỉ có những người không làm tròn trách nhiệm của cha mẹ. Không có những học trò dở mà chỉ có những giáo viên chưa đủ tận tâm với việc giảng dạy học sinh của mình.” Là một người thầy và một người cha, tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Đừng nghĩ rằng sinh con ra đời là tự động sẽ trở thành cha mẹ mà không cần phải học. Làm cha làm mẹ chính là luôn phải ý thức sửa đổi và học hỏi để làm gương tốt cho con noi theo.
Trên đời này sách dạy chữ hiếu và bổn phận làm con thì nhiều nhưng có mấy ai dạy cách làm cha làm mẹ? Rất nhiều người nghĩ đơn giản là sinh ra đứa con và kiếm tiền lo cho nó ăn học là đã làm đầy đủ trách nhiệm làm cha làm mẹ rồi. Cách nuôi dạy con truyền thống của người Việt Nam vốn có quá nhiều khuyết điểm nhưng hầu hết chúng ta cứ lặp lại lối mòn này để dạy con cái mình mà hiếm khi dừng lại để suy nghĩ rằng mình đã sai chỗ nào. Muốn nuôi dạy những đứa con tốt, trước hết hãy là những bậc cha mẹ tốt.
Loạt bài viết về cách làm cha làm mẹ được tác giả Huỳnh Chí Viễn biên dịch từ cuốn “Dad to Dad: Parenting Like a Pro” (Tựa tiếng Việt: Làm bố kiểu Mỹ) của tiến sĩ nhi khoa David L. Hill. Menback xin chia sẻ tới các độc giả.
I. Có phải cưới nhau thì nhất thiết phải sinh con?
Chuyện con cái gần như là một trong những điều quan tâm hàng đầu đối với những cặp vợ chồng mới cưới. Đối với người Việt Nam chúng ta, vấn đề này vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn và bất cập. Những người lớn tuổi hoặc sống ở nông thôn thường sẽ vẫn còn giữ những quan niệm truyền thống và lạc hậu về con cái như: cưới xong thì phải có con, trời sinh voi sinh cỏ hoặc phải có con trai để nối dõi tông đường. Trong khi đó có rất nhiều bạn trẻ vì lý do sự nghiệp hay điều kiện kinh tế chưa cho phép nên chưa muốn có con sớm. Cũng có một số không ít người chịu ảnh hưởng của lối sống phương Tây hiện đại lại có những quan niệm gây tranh cãi như có con rồi mới cưới hoặc làm mẹ đơn thân để chứng tỏ mình là người phụ nữ bản lĩnh. Và cũng không hiếm những cặp vợ chồng quyết định không có con để có thể tận hưởng cuộc sống mà không vướng bận gì.
Tôi nhớ cách đây vài năm có một nữ ca sĩ hoặc diễn viên nào đó đã phát biểu đại ý rằng “có con là một sự vô minh” rất nhiều cư dân mạng đã lên tiếng ném đá chửi rủa cô này không thương tiếc rằng cô khuyến khích thanh niên sống ích kỷ và thích hưởng thụ không muốn gánh vác thiên chức làm cha mẹ. Nhưng sau khi đọc hết bài phỏng vấn của cô trên báo, tôi cảm thấy rằng những gì cô nói là rất đáng suy nghĩ, nếu không muốn nói là rất có lý. Điều đáng buồn là những người xúm vào ném đá cô chưa hề đọc và hiểu trọn vẹn bài phỏng vấn mà chỉ dựa vào cái tiêu đề mà lên án không thương tiếc. Trong đó dĩ nhiên có rất nhiều người sinh con ra nhưng chưa hề hiểu thế nào là trách nhiệm của người làm cha làm mẹ.
Hãy nhìn những đứa trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng hoặc những trẻ em đường phố không được đi học mà phải bươn chải mưu sinh ngoài đường chịu đựng biết bao nhiêu sóng gió cuộc đời. Bạn có thấy đó là sự vô minh và ích kỷ của những người làm cha mẹ hay không? Lớn lên tương lai chúng sẽ ra sao? Hãy nhìn những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình cha mẹ nghèo khó, bệnh tật hoặc luôn luôn cãi vã bất hòa? Chúng sẽ trưởng thành như thế nào khi chúng không nhận được sự chăm sóc và thương yêu đúng nghĩa của cha mẹ. Hãy nhìn những gia đình con cái nheo nhóc khổ sở trong khi cha mẹ sống không có trách nhiệm mà suốt ngày rượu chè cờ bạc hoặc nghiện ngập bê tha, ai đảm bảo được chúng sẽ có một tương lai tốt đẹp khi lớn lên?
Có những đứa trẻ được sinh ra và nuôi lớn bằng sự thù hận của mẹ dành cho người cha bội bạc và những đứa trẻ tội nghiệp này trở thành những chiếc thùng rác để cho mẹ chúng trút hết những uất hận vào. Lại còn có những đứa trẻ khi vừa mới chào đời là đã mang trên người bao nhiêu trọng trách đối với cha mẹ, ông bà và gia đình dòng họ. Chúng được nuôi dạy để báo hiếu và sống một cuộc đời được sắp đặt sẵn chứ không hề được sống cho bản thân. Nếu bình tâm nghĩ lại một phút, bạn sẽ thấy rằng đó là một sự bất công vô cùng của những người lớn vô minh và vô trách nhiệm gây ra cho những đứa trẻ khi mang chúng vào đời nhưng không cho chúng được một sự nuôi nấng và chăm sóc đúng đắn mà chúng xứng đáng được nhận.
II. Khi nào không nên có con?
Tôi biết có người sẽ cực lực phản đối nếu có ai đó khuyên họ không nên có con. Nhưng nếu suy nghĩ một cách lý trí và có trách nhiệm, sinh ra một đứa con mà không có khả năng nuôi nấng dạy dỗ nó trở thành một người có ích cho cuộc sống mà ngược lại khiến nó trở thành một gánh nặng xã hội thì đó là một tội lỗi. Nếu bạn rơi vào những trường hợp sau, hãy cân nhắc cẩn thận việc quyết định có con:
1. Khi chưa muốn kết hôn
Trong thời đại ngày nay, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân không còn là một vấn đề cấm kỵ. Nhưng nếu bạn và người yêu của mình vẫn chưa có dự định hoặc chưa đủ điều kiện để kết hôn thì việc có con là một sai lầm lớn mà bạn sẽ phải trả giá bằng cuộc đời và hạnh phúc của mình. Ngay cả khi bạn và người yêu bạn đang sống chung với nhau, việc có con trong giai đoạn này cũng là không nên. Nếu hai người chia tay, đứa con sẽ như thế nào? Và dĩ nhiên, nếu bạn là phụ nữ, việc bắt đầu một mối quan hệ mới với một đứa con riêng không phải là một chuyện dễ dàng. Còn phá thai hoặc bỏ con mới sinh ra ư? Đó không những là một tội ác về mặt đạo đức mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản sau này. Vì thế hãy dùng các biện pháp tránh thai khi chưa có ý định kết hôn.
2. Có con làm áp lực kết hôn hoặc níu kéo tình cảm
Nếu bạn muốn có con để ép người yêu kết hôn với mình hoặc để níu kéo một cuộc hôn nhân đang đứng trên bờ vực thẳm thì bạn hãy suy nghĩ lại. Tình yêu và hôn nhân của bạn có vấn đề là do những nguyên nhân khác và việc một đứa con ra đời không đúng lúc chỉ khoét sâu thêm mâu thuẫn hiện có chứ không thể là giải pháp để cứu rỗi. Cho dù đứa bé có níu kéo được cuộc hôn nhân thì điều này cũng không có nghĩa là mâu thuẫn giữa bạn và người kia được giải quyết mà ngược lại càng thêm nghiêm trọng. Cả hai sẽ càng thêm chán ghét nhau và đứa con sẽ là nạn nhân bất đắc dĩ của cha mẹ chúng. Nếu người kia vẫn quyết tâm dứt áo ra đi, đứa trẻ sẽ khổ vì phải sống thiếu cha hoặc thiếu mẹ.
3. Dưới áp lực của gia đình hai bên
Do chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm về chữ hiếu của Nho giáo, có rất nhiều cặp đôi vừa kết hôn thì lập tức chuẩn bị có con vì những áp lực từ gia đình hai phía về việc nối dõi tông đường hoặc để ông bà nội ngoại sớm có cháu bồng. Những điều này tạo nên một sự ức chế không nhỏ đối với những cặp đôi trẻ tuổi, đặc biệt là đối với người vợ nếu người chồng cũng có những suy nghĩ cổ hủ về việc nối dõi. Có rất nhiều cách để báo hiếu, nhưng sinh con để trả hiếu trong khi bản thân mình chưa sẵn sàng làm cha mẹ là một sự báo hiếu mù quáng và sai lạc.
4. Không có tiền lo cho con
Tôi nói câu này hơi “lời thật mất lòng” một tí nhưng nếu đã là người trưởng thành và có trách nhiệm, chúng ta phải hiểu: “Nếu không có tiền thì đừng sinh con”. Mỗi lần nhìn những đứa trẻ cỡ tuổi con tôi nheo nhóc đói khổ tôi lại trách những người đã đưa chúng vào cuộc đời này với quan niệm “sinh con ra để mai mốt già có người lo cho mình”. Thật nực cười khi nghĩ rằng những đứa trẻ được sinh ra trong sự thiếu thốn đói khổ phải có trách nhiệm phụng dưỡng những kẻ đã cố tình mang nó vào đời.
Đừng giữ quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” vì con bạn không phải là voi và những thứ con bạn cần cũng không phải là cỏ mà là những điều kiện tốt nhất để có thể sống và lớn lên. Hãy cứ nghĩ tới viễn cảnh khi con bệnh mà nhà không có tiền lo cho con phải đi chạy vạy mượn đầu này đầu kia hoặc cầm bán những thứ có giá trị trong nhà hoặc kêu gọi lòng hảo tâm của người khác, bạn mới hiểu được sự ổn định về tài chính khi có một đứa con quan trọng tới mức nào. Hãy quên đi quan niệm “con nhà nghèo học giỏi” vì trên thực tế, việc thiếu thốn về vật chất sẽ khiến con bạn khó có điều kiện học hành tử tế. Trong hàng triệu trẻ em nghèo thất học phải mưu sinh khi còn rất nhỏ bị xã hội chà đạp, chỉ có được vài gương học hành nên người mà báo chí ca ngợi.
5. Cả hai chưa sẵn sàng có con
Có rất nhiều lý do chính đáng để hoãn lại việc có con nếu một trong hai người vẫn chưa sẵn sàng: hai vợ chồng vẫn còn trẻ muốn có thêm thời gian hưởng thụ cuộc sống tân hôn hoặc phát triển sự nghiệp riêng, công việc hiện tại chưa thuận lợi để có thời gian chăm sóc con cái hoặc điều kiện tài chính vẫn còn chưa thoải mái để có thể lo cho con. Có thể người ngoài sẽ cho rằng bạn ích kỷ chỉ muốn sống cho bản thân của mình. Đừng quan tâm tới những điều họ nói vì chỉ có bạn mới hiểu rõ được hoàn cảnh hiện tại của bản thân mình. Hãy nhớ rằng dư luận không chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì mà họ rao giảng và dư luận cũng không nuôi con bạn được bữa nào. Sinh con ra nhưng không chăm sóc tốt cho con mới là ích kỷ.
6. Làm mẹ đơn thân
Nhiều bạn nữ ngày nay có tư tưởng độc lập không cần có chồng nhưng vẫn muốn có một đứa con của riêng mình. Tôi không trách những người mẹ đơn thân vì hoàn cảnh vì có hàng trăm lý do để một người phụ nữ trở thành “single mom”. Nhưng ý nghĩ sinh ra một đứa trẻ không có cha để chứng minh rằng mình mạnh mẽ không cần đàn ông là một điều trái với tự nhiên và khá ích kỷ. Bạn có thể không cần một người chồng nhưng bạn không thể tước đoạt quyền có cha của con bạn. Và cho dù người mẹ cho dù có thương con cách mấy cũng khó có thể đóng tốt vai trò của cả cha lẫn mẹ khiến đứa con phát triển mất cân bằng về tâm lý đồng thời chịu nhiều thiệt thòi ngoài xã hội. Hơn nữa, có thể một ngày nào đó bạn không muốn làm mẹ đơn thân nữa mà lại muốn có một gia đình hạnh phúc với một người đàn ông mà bạn yêu thương. Bạn sẽ làm gì với đứa con hiện tại của mình nếu người đàn ông kia không đủ bao dung để chấp nhận và thương yêu nó như con ruột của mình?
7. Bản thân mắc bệnh hiểm nghèo
Hàng ngày trên mạng xã hội hoặc báo chí đều có rất nhiều tin tức về những trường hợp thương tâm của những đứa trẻ cha hoặc mẹ nghèo khổ lại mắc bệnh hiểm nghèo kêu gọi lòng hảo tâm của các Mạnh Thường Quân đóng góp. Nếu tạm gác qua một bên những vấn đề về lương tâm và lòng nhân ái, vấn đề đặt ra là tại sao những cha mẹ này bản thân biết mình có bệnh nan y mà vẫn muốn sinh con ra đời? Liệu đứa con của mình khi ra đời có được mạnh khỏe bình thường như những đứa trẻ khác hay vừa mới chào đời đã phải mang bệnh tật? Liệu mình có đủ sức để nuôi con đến khi con trưởng thành? Nếu mình qua đời, con minh sẽ ra sao? Việc sinh con trong khi bản thân mình mắc bệnh hiểm nghèo chẳng những là vô trách nhiệm với con cái mà còn là vô trách nhiệm đối với xã hội vì mình tạo ra những gánh nặng tương lai cho xã hội.
8. Tuổi tác cao
Cũng tương tự như trường hợp bản thân mắc bệnh nan y, những người tuổi tác từ 40 trở lên đặc biệt là phụ nữ nên cân nhắc việc có con nếu bác sĩ của bạn cho rằng điều kiện sức khỏe và tuổi tác của bạn không thích hợp với việc mang thai và sinh nở. Tôi biết nhiều cặp vợ chồng có tuổi vì cố sinh thêm một đứa con trai nối dõi hoặc đã có một đứa con nhưng vẫn muốn “có nếp có tẻ” như người ta đã sinh ra những đứa con bị hội chứng Down hoặc tự kỷ để rồi cả quãng đời còn lại ân hận và lo lắng ai sẽ là người chăm sóc cho đứa con khuyết tật của mình khi họ qua đời.
III. Khi nào là thời điểm để thích hợp có con?
Để trả lời cho câu hỏi “Khi nào nên có con?” một cách chính xác nhất không hề dễ dàng vì điều này liên quan tới nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nhưng có một điều bạn phải nhớ thật kỹ trước khi quyết định sinh con: Đứa con tương lai không đòi hỏi bạn mang nó vào đời mà chính bạn là người quyết định mang bé đến thế giới này. Vì thế, bạn phải có trách nhiệm đem lại những gì tốt đẹp nhất có thể cho con mình chứ không để cho bé chịu những thiệt thòi cả về vật chất lẫn tình thương. Để biết được rằng bạn đã thích hợp trở thành cha mẹ của một thiên thần nhỏ hay không, hãy cân nhắc những yếu tố sau đây:
1. Chuẩn bị tốt về mặt tâm lý
Có con là một thay đổi lớn trong cuộc sống của hai vợ chồng và vì thế điều này cần một sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là từ trước đến giờ việc có con đối với phần lớn các cặp vợ chồng ở Việt Nam dường như là một nghĩa vụ phải thực hiện chứ không phải là một quyết định xuất phát từ nhận thức đúng đắn về trách nhiệm làm cha mẹ. Rất nhiều cặp vợ chồng phải có con ngay sau khi cưới dưới áp lực của gia đình hai bên hoặc những lời đàm tiếu của của người ngoài rằng sao cưới nhau lâu rồi mà không có con để rồi cảm thấy đứa con ra đời như một gánh nặng vì mình chưa thực sự sẵn sàng để nhận trọng trách làm cha mẹ.
Nếu bạn vẫn còn một số dự định về sự nghiệp hoặc cần thêm thời gian để ổn định cuộc sống, hãy cân nhắc chuyện có con. Nếu gia đình hai bên làm áp lực muốn bạn sinh con nhưng bạn cảm thấy chưa đúng thời điểm, hãy nói chuyện nghiêm túc với gia đình và giải thích lý do tại sao bạn chưa muốn có con tại thời điểm đó.
2. Chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe
Không ai muốn con mình khi sinh ra ốm yếu hoặc bị dị tật bẩm sinh vì điều đó chẳng những khổ cho con mình mà còn sẽ là gánh nặng sau này cho hai vợ chồng. Nếu muốn có con, hai vợ chồng bạn nên kiểm tra sức khỏe toàn diện để xem mình có thích hợp với việc mang thai và sinh con hay không. Các ông bố tương lai nên từ bỏ hoặc hạn chế những thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc, nhậu nhẹt, thức khuya… cũng như thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học. Không chỉ có sức khỏe về mặt thể chất mà cả sức khỏe về mặt tinh thần cũng hết sức quan trọng. Nếu công việc của bạn có quá nhiều áp lực hoặc giữa hai vợ chồng vẫn còn những bất hòa mâu thuẫn, hãy tạm gác lại chuyện có con để giải quyết những gánh nặng về tâm lý trước đã.
3. Chuẩn bị tốt về mặt tài chính
Hãy lập một kế hoạch tài chính tốt trước khi có con vì bạn không được quyền bắt con mình sinh ra trong sự thiếu thốn và thiệt thòi. Nên nhớ rằng bạn phải có trách nhiệm lo lắng cho con cái từ khi ra đời cho tới tròn 18 tuổi và đó là một trách nhiệm không hề đơn giản. Nếu hai vợ chồng có thu nhập tài chính không ổn định hoặc vẫn còn những gánh nặng kinh tế khác phải lo, hãy nghĩ tới việc ổn định tài chính trước khi có con. Quần áo, thức ăn, học phí, tiền thuốc men đều là những nhu cầu không thể tiết kiệm ở một đứa trẻ. Đó là chưa kể đến những chi phí phát sinh ngoài ý muốn khác. Một đứa trẻ ra đời trong hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ gây ra nhiều mâu thuẫn giữa hai vợ chồng thậm chí có thể khiến cho gia đình tan vỡ.
Sinh một đứa con ra đời vốn không phải là một điều dễ dàng. Nuôi dưỡng và dạy dỗ một đứa trẻ từ khi mới chào đời cho tới khi trưởng thành lại càng khó hơn gấp bội. Hãy cân nhắc kỹ việc sinh con nếu bạn chưa sẵn sàng. Hãy nhớ rằng bạn chọn việc sinh con vì bất cứ lý do gì thì trách nhiệm đỏ cũng đều thuộc về bạn chứ không phải của ai khác. Hãy có con khi bạn đã có thể chắc chắn rằng mình có thể làm tốt trách nhiệm của cha mẹ chứ đừng vì bất cứ điều gì khác!
Phần tiếp theo: 4 kiểu cha mẹ đặc trưng và các kiểu con cái tương ứng
Xem thêm:
- Thư gửi con trai của ba, người đàn ông trong tương lai
- Những câu nói hay cha mẹ dạy con trai về tình yêu và phụ nữ
- Đừng dạy con trên sự giới hạn của chúng ta
- Lời bố dặn con trai: “đừng bao giờ coi vợ là người nhà”
- Có nên sống thử trước hôn nhân?