Mục đích học tập UNESCO gồm nhiều thứ lắm: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học tập để làm người”. Vậy hãy dạy những kỹ năng rất quan trọng khác đang bị nhà trường bỏ trống, như thể thao, nghệ thuật, giao tiếp, cư xử, hiểu và định giá đúng bản thân,…
Con nghĩ đi, mẹ không biết
Tối hôm kia mình hỏi Xu Sim: “Con đã thi chưa?” Xu trả lời: “Con thi xong từ mấy hôm rồi. Cả lớp con, chỉ có duy nhất mình mẹ là hỏi kiểu như thế thôi đấy”.
“Nghĩa là sao?”
“Nghĩa là ba mẹ các bạn ấy toàn kèm các bạn học bài. Các cô các bác ấy biết rõ thi thử ngày nào, thi thật ngày nào, đề dạng làm sao. Có mỗi mình mẹ là không quan tâm thôi… Nhưng mà con thích mẹ như thế”.
Đó, được con thích là tốt rồi!
Đúng là tôi không biết con tôi học tới bài nào thật. Vở báo bài cuả Xu và Sim thường dồn vào cả tuần ký “sỉ” 1 lần. Bài tập về nhà con tự làm, thời khoá biểu tự soạn. Tôi không phải kiểm tra bài, không kiểm tra vở, không phải xét cặp của 2 đứa.
Bởi vì, ngay từ mẫu giáo, tôi đã quán triệt rằng, việc học là của con, việc kiếm tiền là của mẹ. Mẹ không yêu cầu con phải kiếm tiền phụ mẹ, thì con cũng không được yêu cầu mẹ học với con. Thế là cộng trừ, nhân chia, viết hoa viết thường, tập làm văn, tập đọc… chỉ học ở trường.
Vậy thì tôi dạy con cái gì?
Tôi quan niệm rằng, mỗi ngày của tôi chỉ có 24 giờ, năng lượng chỉ có vài ngàn calo, tôi sẽ chỉ tập trung vào dạy những thứ mà nhà trường không dạy.
Nhớ hồi con vào lớp 1, tôi không dạy con học chữ trước. Duy nhất toàn khối 1 của trường năm đó, chỉ có riêng con tôi là chưa biết chữ, chưa biết làm toán. Để “giảm chấn” nếu đối phbị cô giáo đì, tôi dạy con cách hợp tác với giáo viên, cách đặt câu hỏi mà không làm cô cáu. Nếu làm chậm, xin thêm thời gian, nếu làm sai, thì xin lỗi. Nếu cô phạt đau thì con cứ khóc, nước mắt nước mũi cứ lã chã. Nếu cô đánh vào tay thì cứ mềm tay ra, và sau đó xoa dầu vào chỗ đánh cho nhanh khỏi.
Và vậy là vào năm học, 2 tuần đầu khi con bắt đầu tập nét hất, nét móc thì các bạn đã đọc và viết ầm ầm. Con kể con mới viết được 2 chữ thì bạn đã xong nửa trang rồi. Giờ ra chơi con phải ngồi lại viết bài.
Thế nhưng, bù lại, con vô cùng háo hức vì mỗi ngày lại được cô dạy vô số thứ mới. Con vào vạch xuất phát bét lớp, nên mỗi ngày một tiến bộ. Xuất phát chậm hơn, nên con lại càng tập trung học hơn. Trong khi nhiều bạn được học chữ học toán trước rồi thì nghe lại thấy chán nên nghịch phá và bị cô phạt khá nhiều. Cả Xu và Sim đều làm theo cô rất nhanh. Tới tháng thứ 2 là bé đã không phải làm bài trong giờ ra chơi nữa, và bắt đầu học ngang hàng với bạn. Cả 2 nàng đều rất thích đi học, rất kính nể, nghe lời cô giáo… Và thế là được cô quý!
Tôi cũng không xem sách giáo khoa, không xem vở bài tập, không dạy lại những bài cô giáo dạy. Tôi chỉ phụ cô theo cách khác.
Ví dụ mẫu giáo tôi cho con đi học vẽ, tô màu, để luyện cách cầm bút. Chơi ghép hình để rèn kiên nhẫn, cho con cầm dao thái rau củ, cho con rửa chén, quét nhà, nấu ăn, khâu vá… để luyện tay. Tiểu học, muốn viết chính tả tốt thì đọc sách thật nhiều. Để học toán tốt thì cứ làm việc nhà luôn tay, đi chợ nhiều vào. Để làm văn thì đi du lịch, khuyến khích kể chuyện…
Thậm chí tôi cũng không giảng bài cho con. Hôm rồi con mang một bài toán ra hỏi, mẹ ơi con không hiểu. Tôi bảo, “con gấp sách đi rồi đọc đề lại cho mẹ nghe”. Xu nói: “Con không thuộc đề”. “Ồ, nếu con chưa thuộc đề thì con đọc đề chưa kỹ. Con về bàn đọc lại đề. Khi nào suy nghĩ nhiều tới mức mà thuộc lòng cả đề bài rồi mà vẫn chưa giải được thì ra đây mẹ giảng”. “Mẹ khó tính vậy thì thà tự giải còn hơn!”. Và quả nhiên sau khi đọc lại đề vài lần thì Xu tìm ra cách giải.
Tôi công khai không ủng hộ giao nhiều bài tập về nhà. Tôi chỉ cho phép làm bài tập về nhà tối đa 30phút/tối. Xu Sim sợ cô giáo nên hôm nào có nhiều bài tập là phải cố gắng làm thật nhanh. Hết 30 phút chưa xong tôi cũng yêu cầu cất sách vở để đi ngủ đúng giờ. Vì đi ngủ đúng giờ quan trọng hơn!
Chúng ta kêu ca nhiều nhất về việc quá tải. Nào là chương trình quá tải, nào là giáo viên giao bài tập quá nhiều. Tôi nghĩ quá tải một phần rất lớn do chính phụ huynh ủng hộ nó. Nếu cô giao 3 bài, bé làm đủ 3 bài thì hôm sau cô sẽ giao 4 bài. Bé lại thức tới 11h đêm để hoàn thành đủ 4 bài, theo luật cung cầu và luật vừa sức, giáo viên sẽ giao lên 5 bài tập về nhà. Còn nếu cô giao 3 bài, mà sức bé không làm được, một lần, hai lần, nhiều học sinh cùng như thế, thì dần dần, cô sẽ phải giao ít bài lại.
Vì vậy, hãy để con học đúng với thực lực của mình, ba mẹ đừng có “ủn mông” con. Con không làm hết bài tập, thì con lên lớp trình bày với cô là con không làm hết được. Con làm sai thì để cô phạt. Mẹ không nên nhúng tay vào. Trong việc học, mẹ chỉ đóng vai người hiền!
Kiểm tra cuối kỳ, kiểm tra cuối năm cũng không được học thêm giờ. Tôi không thích tăng tốc, không thích dồn ép. Kiên quyết không gồng, không rướn. Sức học thế nào thì thi đúng như thế.
Đường học còn dài, hơn thua nhau vài cái điểm số, vài cái giải thưởng ở tiểu học VN thì làm cái gì?
Mục đích học tập UNESCO gồm nhiều thứ lắm: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học tập để làm người”. Vậy hãy dạy những kỹ năng rất quan trọng khác đang bị nhà trường bỏ trống, như thể thao, nghệ thuật, giao tiếp, cư xử, hiểu và định giá đúng bản thân, …
Hãy dành thật nhiều năng lượng, thời gian và tiền của bạn để mà bù đắp vào đó.
“Khi chúng ta lạc đường, càng tiến tới, chúng ta càng xa đích đến!” – Thế nên là, các bố mẹ ơi, thả lỏng đi!
Mua sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết”: Tại Đây
Tác giả: Trần Thu Hà
Trích trong cuốn “Con nghĩ đi, mẹ không biết!”
Về cuốn sách: Con Nghĩ Đi, Mẹ Không Biết!
Con nghĩ đi, mẹ không biết là tập hợp những bài viết được đón nhận nhiệt thành trên Facebook của Thu Hà (Mẹ Xu-Sim), rất nhiều bài viết trong số đó đã từng được đăng trên các báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Vnexpress, Dântrí, V Nhưng khác với những dòng chia sẻ trên mạng xã hội, nội dung các bài được chọn lọc hơn, có chủ đích hơn với giải pháp để con tự lập và mẹ tự do. Những bài viết của Thu Hà sinh động, thiết thực vì đó là những trải nghiệm thật, hoàn toàn là sự thật của một bà mẹ có hai con đang trong tuổi ăn, tuổi học, cuả một ngưuời làm việc với trẻ em liên tục suốt 20 năm, trong đó có 3 năm dạy học và 17 năm làm báo tuổi teen.
Hành trình lớn lên cùng con của bà mẹ này có thể chạm tới trái tim của các ông bố bà mẹ khác có lẽ là bởi sự chân thành và những chiêm nghiệm thật như được rút ra từ tim của người mẹ. Nhiều người yêu mến chị bởi những triết lý giáo dục hàn lâm được viết bằng lối kể chuyện giản dị, thực tế và sống động. Đối tượng độc giả chính của cuốn sách là các ông bố- bà mẹ, nhưng các bạn trẻ vẫn có thể đọc sách để hiểu hơn về phụ huynh mình, cũng là một món quà ý nhị khi muốn “nhắc khéo” bố mẹ rằng: “con muốn tự lập”.
Đây là một quyển sách của các giá trị tình thân mà ở đó giá trị gia đình là quan trọng hơn cả, các thế hệ trong gia đình sẽ hiểu nhau hơn và nâng đỡ nhau để tạo ra sự dung hòa, truyền cảm hứng cho nhau sống tích cực mỗi ngày.
Con nghĩ đi, mẹ không biết! và những thông điệp:
– Quyển sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết!” như một giải pháp để con tự lập và mẹ tự do. Tinh thần của quyển sách là nói không với một thế hệ ù lì khi mà cha mẹ “ủ” con cái quá kỹ. Một quyển sách truyền cảm hứng cho các bà mẹ để con tự lập, và tạo không gian cũng như tinh thần thoải mái nhất cho các bà mẹ khi nuôi con, vì “nuôi con cũng là một nghệ thuật”.
– Quyển sách là tiếng nói đồng cảm với những bà mẹ đang gặp những vấn đề khi nuôi con bao gồm 3 phần:
- Phần 1: Khi con chúng ta ăn – “Hãy quẳng cái cân đi mà vui sống”
- Phần 2: Khi con chúng ta học – “Con nghĩ đi, mẹ không biết!”
- Phần 3: Vui sống cùng con – “Sạc pin cho chính mình”
– Quyển sách cũng là quà tặng của con cái dành cho phụ huynh khi có những tâm tư muốn bày tỏ, để nói với cha mẹ rằng: “Con đã trưởng thành, con đã tự lập không có nghĩa là con không cần bố mẹ, không ngừng yêu bố mẹ như thời ấu thơ, chỉ là con thể hiện khác hơn”.
Các bạn có thể mua sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết”: Tại Đây