Làm thế nào để giúp con phát huy toàn diện bản thân mình để có thể tự lập?
Làm cha làm mẹ, đôi khi chúng ta phải biết chọn lựa đúng đắn giữa hai con cách nuôi dạy con cái và lựa chọn đó phụ thuộc vào cách nhìn của chúng ta về lợi ích lâu dài của con cái, đó là sự trưởng thành toàn diện của chúng hay lợi ích cá nhân của mình muốn biến con thành một vật sở hữu riêng của gia đình và dòng họ mình. Nếu bạn vì sự trưởng thành toàn diện của con cái thì hãy đọc kỹ bài viết này và thực hiện những điều đúng đắn để dạy con tự lập.
Cha mẹ cần thương con đúng cách
Một trong những vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh Việt Nam thường hay than phiền về những đứa con cái tuổi thành niên của mình là: “Con tôi tới từng tuổi này mà còn chưa biết tự lo cho bản thân, cái gì cũng phải có cha mẹ lo cho mới được!” Tuy là than phiền nhưng bên trong lời than phiền ấy vẫn ẩn chứa sự tự hào rằng mình đã làm tốt bổn phận bảo bọc con của một đấng sinh thành. Và mặc dù kết quả là con tôi không chịu trưởng thành nhưng đổi ngược lại là nó rất ngoan ngoãn và không dám cãi lời.
Chính sự mâu thuẫn trong tư tưởng đó đã khiến cho nhiều người không dám để cho con tự lập mà luôn tìm cách biện minh cho sai lầm này rằng đó là thương con. Việc thương con bằng cách bảo bọc quá đáng không cho con được tự do phát triển và trưởng thành vô tình lấy đi tinh thần độc lập và bản lĩnh của con bạn và thay vào đó bằng tính vị kỷ và dựa dẫm khiến con bạn luôn là những đứa trẻ không bao giờ lớn.
Một mâu thuẫn nội tại lớn nữa mà cha mẹ Việt Nam hay hình thành trong sự kỳ vọng đối với con cái: chúng ta vừa muốn những đứa con của mình được độc lập và tự tin như trẻ con phương Tây nhưng không cam lòng khi con cái không chấp nhận sự sắp đặt của mình trên mọi phương diện mà đòi được sự độc lập đối với cha mẹ.
Để dạy con tự lập thì bạn cần phải thấu hiểu rằng hai điều này không thể tồn tại song song với nhau: không có đứa trẻ nào vừa có thể tự tin độc lập ở ngoài đời nhưng về nhà lại răm rắp nghe lời cha mẹ được. Hay nói một cách khác, con cái không thể tự lập nếu chúng không được tôn trọng và bị kìm hãm cái tôi chính đáng. Bạn hãy đọc bài viết chủ nghĩa cá nhân là gì để thực sự hiểu rõ vấn đề này.
Dạy con tự lập và trưởng thành toàn diện
Làm cha làm mẹ, đôi khi chúng ta phải biết chọn lựa đúng đắn giữa hai con cách nuôi dạy con cái và lựa chọn đó phụ thuộc vào cách nhìn của chúng ta về lợi ích lâu dài của con cái đó là sự trưởng thành toàn diện của chúng hay lợi ích cá nhân của mình muốn biến con thành một vật sở hữu riêng của gia đình và dòng họ mình. Nếu bạn vì sự trưởng thành toàn diện của con cái thì hãy thực hiện những điều sau với con:
1. Cho phép con được quyền nói lên ý kiến, suy nghĩ và lựa chọn của mình đối với những vấn đề của bản thân tùy theo từng độ tuổi và trình độ nhận thức. Nếu bạn cảm thấy rằng lựa chọn của mình tốt hơn của con bạn, hãy giải thích rõ ràng với con. Đừng ép buộc con cái tất cả đều phải theo ý mình chỉ vì mình là cha mẹ chúng.
2. Cho phép con đóng góp ý kiến vào những quyết định lớn của gia đình nếu những quyết định đó có liên quan tới con cái (chuyển nhà, chuyển trường, có em…). Bạn có quyền không đồng ý với ý kiến của con nhưng bạn phải tỏ ra tôn trọng lắng nghe và giải thích rõ ràng vì sao ý kiến của con không được chấp nhận. Việc tập cho con có ý kiến đối với những quyết định trong gia đình không chỉ là tôn trọng con mà còn tập cho con tinh thần trách nhiệm đối với việc chung.
3. Chịu khó lắng nghe những tâm sự của con cái và đưa cho con những chọn lựa thay vì quyết định giùm chúng hoặc bỏ mặc con tự quyết định. Sự tự lập của con cái nếu muốn đi đúng hướng phải có sự chia sẻ và hướng dẫn của cha mẹ qua từng giai đoạn chứ không phải là bỏ mặc để tự chúng phát triển theo ý của mình.
4. Cho phép con có không gian riêng tư và tôn trọng sự riêng tư của con cái theo từng độ tuổi. Các bé ở tuổi dậy thì đặc biệt cực kỳ nhạy cảm khi sự riêng tư của mình bị người khác xâm phạm và có thể phản ứng một cách khá tiêu cực nếu điều đó xảy ra. Đồng thời tập cho con những kỹ năng tự chăm sóc cho bản thân mình tùy theo lứa tuổi.
5. Quan sát và lưu ý những năng khiếu hoặc sở thích đặc biệt của con để khuyến khích bé phát huy. Đồng thời cũng chú ý đến những sở đoản của bé để từ đó giúp bé khắc phục nhưng không ép buộc bé phải giỏi tất cả mọi thứ cho bằng bạn bằng bè. Đừng so sánh con bạn với con nhà người ta.
6. Hãy dạy cho con bạn lòng trắc ẩn, sự cảm thông và chia sẻ nếu chúng có điều kiện hơn người khác. Nếu con bạn giỏi hơn người khác, hãy dạy con cách khiêm tốn và sự nhẫn nại. Đừng tập cho con mình tính ích kỷ, tự cao và coi thường người khác.
7. Điểm số và thành tích trong trường là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bên cạnh thành tích học tập, con bạn cần có những kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc cho bản thân mình, kỹ năng giao tiếp…Đừng bắt con tập trung hết thời gian vào việc học để lấy thành tích mà bỏ quên những kỹ năng thiết yếu đó.
8. Hãy làm gương tốt cho con bằng cách sống văn minh, lịch sự, tôn trọng quyền tự do của người khác và tôn trọng những nguyên tắc ứng xử cộng đồng. Cách cư xử của con cái chịu ảnh hưởng rất lớn từ cách cư xử hằng ngày của cha mẹ chúng.
9. Đừng đặt cho con những bổn phận đã lỗi thời về chữ hiếu với cha mẹ hoặc với dòng họ. Con bạn sinh ra không phải là để gánh vác những điều mà người lớn đặt sẵn cho nó mà hãy để con bạn lựa chọn con đường của riêng mình miễn là con đường đó không trái với pháp luật và đạo đức của con người.
10. Đừng quên dạy con rằng cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta biết cho đi bằng cách góp phần cống hiến cho xã hội và cộng đồng, giúp đỡ những người khác chứ không phải là sống ích kỷ giành hết mọi thứ tốt đẹp về cho mình.
Để dạy con tự lập, các bậc cha mẹ cần phải thay đổi từ chính bản thân mình.
Xem thêm:
- Cách rèn luyện sự nam tính cho con trai của bạn
- Thư gửi con trai của ba, người đàn ông trong tương lai
- 12 điều cha dạy con về tinh thần quý tộc
- Dạy con như vua sư tử Mufasa
- Cách để trở thành một người bố hoàn hảo