Ai cũng yêu thương con cái, nhưng chúng ta nên dạy con như thế nào?
Đây là bài viết tôi dành tặng những học trò nam của tôi, dành tặng các ông bố tôi quen biết, và đặc biệt, tôi dành tặng các ông bố có con trai. Nếu xem như đây là một bức thư, thì điều đầu tiên tôi muốn nói là: bức thư nổi tiếng được gán cho Abraham Lincoln gửi thầy giáo của con trai ông, là một bức thư giả mạo! Khi tôi đưa bản viết thử lên FB, thì sau đó một vài người bạn hỏi tôi rằng dụng ý của tôi là gì khi mở đầu bằng bức thư được cho là của Abraham Lincoln?
Bởi vì, điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ với những ông bố, những người bạn của tôi, rằng các anh hãy dạy cho con trai mình cách đặt câu hỏi và truy vấn mọi kiến thức, bất chấp đó là lời do ai nói ra! Những đứa con trai của chúng ta cần biết nghi vấn ngay cả lời được cho là của Abraham Lincoln nổi tiếng! Và vì, bức thư mạo danh Lincoln này có nội dung hay, và văn phong phù hợp với bài viết tôi đang viết này, nên tôi sẽ dùng văn phong đó để chia sẻ với các anh, những ông bố và là những người bạn của tôi, về những điều chúng ta cần dạy con trai mình.
Cho cả con gái lẫn con trai
Khi đọc bản viết thử bài này, một số người bạn của tôi đề nghị rằng có thể viết cho cả con gái lẫn con trai hay không! Bằng kinh nghiệm hướng dẫn nhiều năm cho các nam sinh tại Việt Nam, tôi khẳng định nam sinh ngày nay gặp nhiều vấn nạn hơn so với nữ sinh, nên tôi muốn viết bài này bàn về những vấn nạn đó. Nhưng trước hết, tôi cũng muốn nói đến câu chuyện chung dành cho cả con gái lẫn con trai, của chúng ta.
Nhiều năm nay, bất cứ khi nào nhận học trò mới, tôi đều hỏi các em, cả gái lẫn trai, 3 câu hỏi sau đây:
- Em có đọc sách không?
- Em có chơi một môn thể thao nào không?
- Em có chơi nhạc cụ nào không?
Số học trò trả lời “Có” cho cả ba câu hỏi trên có thể đếm được trên đầu ngón tay! Đặc biệt, số lượng trả lời “Có đọc sách” ít ỏi một cách thảm hại! Học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng không hề đọc sách, với tôi, là cái tệ hại nhất mà cái gọi là nền giáo dục của xứ này đã đẻ ra! Vậy nên, tôi mong quý anh chị, những bậc cha mẹ, hãy dạy cho con mình biết trả lời “Có” cho cả ba câu hỏi trên!
Cách tập cho con thói quen đọc sách
Con bạn không chịu đọc sách? Đây sẽ là cách tập cho con thói quen đọc sách từ nhỏ. Nhiều...
Dạy con kỹ năng ứng xử nền tảng
Quyển sách “Đắc nhân tâm” do cụ Nguyễn Hiến Lê dịch cách đây mấy chục năm từ tác giả Dale Carnegie là quyển sách thuộc loại bán chạy nhất và nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Với cá nhân tôi, khi lần đầu tiên đọc sơ qua nó hồi học cấp ba, tôi đã bỏ qua nó rất nhanh và không bao giờ đọc trở lại!
Một người bạn của tôi hồi đó lấy quyển này làm sách gối đầu, sau này khi anh ra trường và đi làm, anh đã vứt bỏ nó và anh chia sẻ với tôi, anh vứt bỏ nó vì nó dạy người ta cách sống cách ứng xử giả tạo! Tôi hoàn toàn đồng ý với anh!
Có một câu nói của ai đó mà tôi rất thích, rằng “Tôi không biết làm cách nào để thành công, nhưng tôi biết một cách chắc chắn dẫn đến thất bại, đó là muốn làm vừa lòng tất cả mọi người!” Vậy, tôi mong các anh dạy cho con trai chúng ta biết nói “hay” lẫn nói “không”, nghĩa là biết khen ngợi và biết từ chối, là điều thứ tư và thứ năm trong kỹ năng ứng xử nền tảng.
Vậy ba kỹ năng ứng xử nền tảng khác là gì?
- Thứ nhất, biết nói “Dạ”.
- Thứ hai, biết nói “Cảm ơn”.
- Thứ ba, biết nói “Xin lỗi”.
Tôi mong các anh hãy dạy cho con trai mình đầy đủ năm kỹ năng ứng xử này.
10 điều cần làm để rèn luyện EQ – chỉ số thông minh cảm xúc cho con trẻ
Để nâng cao trí thông minh cảm xúc (EQ) của con cái các bậc làm cha làm mẹ nên kiên...
Dạy con những việc mọi đàn ông con trai phải biết làm
Quan điểm của cá nhân tôi, sự thất bại dễ thấy nhất của hầu hết mọi phương pháp giáo dục đã biết tới hiện nay, đó là: nói quá nhiều và làm quá ít!
Ngày càng có nhiều nam sinh nói rất hay rất kêu về, chẳng hạn, làm thế nào để thay đổi thế giới, nhưng chưa từng cầm máy khoan tường, chưa từng cầm búa đóng đinh, chưa từng cầm bút thử điện, đối với tôi chỉ là những đứa trẻ to xác, và cha mẹ chắc chắn sẽ vất vả để nuôi đứa con trai to xác này trong rất nhiều năm nữa, kể cả khi nó đã lập gia đình!
Những gì mà một đứa con trai cần biết? Đầu tiên, ta cần phân định con trai và con gái căn bản khác nhau ở hai điều: sức mạnh cơ bắp và tư duy lý tính.
Vậy thì, tôi mong các anh dạy cho con trai mình biết làm những thứ sau đây:
- Làm điện, như mắc một đường dây bóng đèn.
- Làm nước, như thay một vòi nước bị rò rỉ.
- Làm mộc, như đóng một giá để đựng sách vở.
- Làm sắt thép, như loại bỏ lớp rỉ sét bám trên bề mặt một thanh thép bị ăn mòn.
- …
Những việc này đòi hỏi nhiều sức mạnh cơ bắp và tư duy lý tính, là việc mà mọi đàn ông con trai nên biết làm.
Thực ra, phần lớn các kiến thức nền tảng nhất thấy có trong mọi sách giáo khoa về toán lý hóa đều có mặt trong những việc làm này, và con đường hiệu quả nhất để học hỏi và thành thạo những khối kiến thức đó, rất đơn giản, là làm, là thực hành, là nói một làm mười! Là giải bài tập! Nhưng không phải bằng cách cầm bút! Mà hãy cầm khoan, cầm búa, cầm vít, cầm cưa… nhiều hơn là cầm bút!
Có lần, tôi đọc được một bài viết của một kỹ sư gốc Việt sống tại Mỹ, và tôi rất ấn tượng! Nội dung bài đó nói rằng do nhiều cơ duyên khác nhau khiến gần đây anh bắt đầu chú tâm tới kỹ thuật hàn, và ngay lập tức anh thán phục độ lành nghề của những thợ hàn giỏi, và anh hối tiếc rằng anh đã coi nhẹ kỹ thuật hàn khi còn trẻ. Và bây giờ ở tuổi xấp xỉ 50, anh bắt tay học về kỹ thuật hàn một cách căn bản!
Một thất bại khác của lối giáo dục nói nhiều làm ít là, người ta cho rằng nghề nghiệp là chuyên môn hóa và rằng, tất cả những công việc tôi kể trên là dành cho thợ điện, thợ mộc, thợ sắt vv. chứ không phải là cho, ví dụ, những đàn ông dân làm văn phòng! Tất nhiên, chuyên môn hóa là một thực tế không có gì tranh cãi! Vậy thì, việc nấu ăn là nghề của người đầu bếp và do đó, quý ông chồng không có bất cứ quyền nào kỳ vọng những người vợ của các ông phải nấu ăn cho ông ăn mỗi ngày! Xin mời các ông đi ra tiệm!
Hẳn nhiên, tôi biết những ông bố và những bà mẹ đang đọc bài này, tất cả chúng ta không ai muốn con trai mình sau khi lấy vợ thì chính thức làm bạn với tiệm cơm! Vậy thì, tôi mong các anh hãy dạy cho con trai mình những việc mà đàn ông phải biết làm, như tôi đã liệt kê một số ở trên.
Dạy con tự lập
Làm thế nào để giúp con phát huy toàn diện bản thân mình để có thể tự lập? Làm cha...
Dạy con về vẻ đẹp nam tính
Loài người ngày càng trở nên lộn giống, đây là một vấn nạn! Mỗi lần tôi tình cờ nhìn thấy những khuôn mặt giống nam giới bôi đầy son môi và phấn trắng như đám ca sĩ Hàn Quốc bây giờ, tôi không khỏi phì cười! Phì cười trong lúc ấy, nhưng tôi cực kỳ lo ngại về vấn nạn lộn giống, giống lẫn lộn, ngày càng tràn lan!
Người Việt mình có cách gọi tên rất ý nghĩa, là “thằng X” là “con Y”. Nghĩa là, trong ngôn ngữ người Việt, giới tính còn quan trọng hơn cả tên gọi, nên những từ chỉ giới tính luôn luôn được dùng trước tiên để giao tiếp! Khi nền tảng quan trọng nhất của một con người là giới tính trở nên hỗn loạn, lộn giống giống lẫn lộn, không còn một giá trị con người nào là quan trọng nữa!
Bản thân tôi đã trực tiếp giúp đỡ một số học trò tháo gỡ những khúc mắc liên quan đến chuyện này, tôi hiểu rõ những xáo trộn rất lớn mà các em đã gặp khi tuổi đời còn rất trẻ! Vậy thì, những ông bố, các anh hãy dạy cho con trai mình những đặc điểm những nét đẹp của nam tính.
Các anh hãy dạy cho con trai chúng ta biết rằng, vẻ đẹp nam tính nằm ở lao động thực sự, bằng khối óc và chân tay. Các anh hãy dạy cho con trai chúng ta hiểu rằng con gái, rằng phụ nữ họ yêu họ bị hấp dẫn bởi những giọt mồ hôi ướt áo của chúng ta rơi trên mũi khoan, trên tay búa, trên sân thể thao, trên sân khấu với micro và nhạc cụ. Họ yêu nét đăm chiêu, họ yêu phút suy tư của chúng ta khi ngồi trước màn hình đầy những dòng code, những báo cáo tài chính, những bản vẽ xây dựng bản vẽ chi tiết máy, họ yêu cách chúng ta ngồi trầm ngâm cùng trang sách. Tôi mong các anh dạy cho con trai của tất cả chúng ta hiểu rõ điều này!
Cách rèn luyện sự nam tính cho con trai của bạn
Có mẹ alo hỏi tớ: Em nhìn mấy bạn con trai ẹo ẹo thấy ức chế chị ạ. Giờ có...
Dạy con về tình yêu và tình dục
Những nam sinh học trò tôi, nhiều em đã từng hỏi tôi tương tự như vầy: “Em có nên yêu bây giờ, hay để sau này ra trường đi làm rồi hãy yêu và kết hôn luôn với một cô gái?”
Câu trả lời của tôi cho các cậu ấy căn bản có cùng nội dung như vầy: “Em thích ăn món nào nhất? Làm sao em biết em thích món đó nhất? Sở dĩ em biết là do em đã ăn nhiều món khác nhau, phải không? Nếu em hồi giờ chỉ ăn đúng một món, làm sao em biết món đó là ngon nhất, phải không?
Tình yêu cũng tương tự vậy! Nếu trước giờ em chỉ mới yêu một cô gái và quyết định đó là người vợ tương lai của mình, nhiều khả năng là sẽ đến ngày em nhận ra mình thất bại, do hai em đã chọn nhầm nhau!
Bản chất của tuổi trẻ là sự thay đổi, và tình yêu của tuổi trẻ cũng như thế! Nó sẽ thay đổi! Hôm nay em yêu người này nhưng hôm sau em yêu người khác; người yêu em hôm nay yêu em nhưng hôm sau yêu người khác; những chuyện này hoàn toàn tự nhiên! Đừng tự ràng buộc mình khi chưa ai có quyền ràng buộc em!
Hãy yêu, ngay bây giờ, nếu em đang để ý một cô gái nào đó! Hãy yêu nhau, hãy nắm tay nhau, hãy hôn nhau, hãy đặt tay lên ngực nhau…Và hãy thay đổi nếu cần phải thay đổi, cho đến ngày em tìm ra được một nửa trọn vẹn của cuộc đời mình!”
Cách đây mấy hôm, tôi tình cờ đọc qua phần lời giải của những bài toán thi olympic quốc tế 2019 vừa rồi tại Anh Quốc. Tôi vừa đọc vừa không khỏi mỉm cười khi tôi tự mình so sánh những khối kiến thức mà các nam sinh 17 18 tuổi này phải nuốt để có thể tiếp cận và giải các bài toán này, với một khối kiến thức cực kỳ quan trọng khác mà hệ thống “giáo dục” gần như bỏ trắng, đó là khối kiến thức về tình dục!
Tôi có khá nhiều kinh nghiệm với những học trò rất giỏi những kiến thức kiểu này, nhưng hoàn toàn sợ các cô gái như sợ ma! Sợ mở lời câu chuyện, sợ tán tỉnh, sợ bị từ chối, sợ mình kém này yếu kia vân vân và vân vân. Tôi gọi đây là sản phẩm của một nền giáo dục có đạo đức, nhưng là đạo đức giả!
Trong khi hầu hết đàn ông trưởng thành khi ngồi với nhau, trong câu chuyện thế nào cũng có đề tài tình dục, khi trực tiếp khi hàm ý, thì đây là chủ đề cấm kỵ trong cái nền giáo dục đạo đức giả này! Vậy nên, tôi mong các anh, những ông bố cũng là những người bạn của tôi, hãy vứt bỏ thẳng tay cái nền giáo dục đạo đức giả này!
Hãy dạy cho con trai mình hiểu biết về sinh lý nam nữ, về tâm lý nữ giới, về cách tán tỉnh cách tỏ tình… Hãy dạy cho con trai các anh những điều các anh đã từng làm rất giỏi, khi các anh yêu mẹ các cháu, để sinh ra những chàng trai này!
Cách giáo dục giới tính cho con trẻ ở tuổi dậy thì
Giáo dục giới tính luôn là một vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm, đặc biệt là khi...
Ai là thần tượng của con?
Có một câu tôi rất hay nói với học trò mình: “Nếu phải thần tượng ai đó trong đời, sẽ là may mắn và hạnh phúc nhất khi các em thần tượng chính bố mẹ mình!”
Những nam sinh học trò tôi từng chia sẻ với tôi rằng em thần tượng bố mình, tất cả các em ấy đều có những đặc điểm chung: thể chất khỏe mạnh, vui vẻ dễ mến, sáng dạ, được nhiều bạn gái yêu mến. Vậy thì, tôi mong các anh, những người bạn của tôi và là những người cha, mong các anh trở thành thần tượng trong lòng con trai mình!
Sẽ thế nào nếu, lỡ như, thần tượng sụp đổ? Nó chỉ xảy ra trong một trường hợp duy nhất, khi các anh cố tỏ ra hoàn hảo trong mắt con cái mình! Tôi cho rằng chúng ta không cần, và chẳng cần phải cố tỏ ra hoàn hảo! Lý do rất đơn giản, không ai hoàn hảo!
Ví dụ, tôi có thể nói không chút ngại ngần rằng tôi thương yêu và chăm lo cho các con tôi không thua bất cứ một ông bố nào ở Việt Nam này! Nhưng tôi không cố hoàn hảo trong mắt các con mình! Có những khi tôi nóng giận, tôi sẽ hét rất lớn tiếng, và các con tôi đều biết tính xấu này của bố mình!
4 kiểu cha mẹ đặc trưng và các kiểu con cái tương ứng
Các nhà tâm lý giáo dục học đã chia ra 4 kiểu cha mẹ đặc trưng đồng thời cũng chỉ...
Câu chuyện của hai người
Tôi thích cái tựa một văn phẩm của Charles Dickens, “Câu chuyện của hai phố thị/A Tale of Two Cities”. Nên tôi sẽ mượn cái tựa này để viết về câu chuyện của hai người có ảnh hưởng sâu nặng nhất lên cuộc đời của tôi. Đó là Bố Mẹ tôi!
Cách đây chưa lâu, khi ngồi nói chuyện với Bố, tôi có chia sẻ với ông rằng, càng lớn tôi càng nhận ra cực kỳ rõ ràng tôi chịu ảnh hưởng lớn từ ông như thế nào, theo nghĩa tích cực. Và đây là nội dung của những lời chia sẻ ấy mà tôi muốn nói cho Bố biết.
Tôi hay đọc sách, vì Bố tôi là người hay đọc sách. Tôi không bao giờ quên tủ sách của Bố tôi ngày tôi còn nhỏ, mà tôi hay thò tay qua song tủ để rút sách của ông ra đọc. Tôi không bao giờ quên những tờ báo ông đều đặn hàng tuần mua về cho tôi, ông tỉ mỉ khâu thành tập 10 số bằng những sợi chỉ to bản màu nâu rất chắc chắn. Rồi khi ông đi làm xa nhà, tôi hay lân la ra sạp báo gần nhà đọc ké. Rồi một buổi sáng, khi tôi đang ngồi chồm hổm đọc ké sách từ một người bán sách cũ trải bạt trên mặt đường đất trước nhà, chợt tôi nghe tiếng một người lớn: “Kiên! Nhìn xem ai về kìa!”
Tôi quay lại và nhận ra Bố đang ngồi trên xích lô, tôi quẳng cuốn sách nhảy chồm vào lòng Bố, và tôi òa khóc.
Bố làm thơ hay, nên tôi chịu ảnh hưởng từ thi ca của ông trong những bài tôi viết. Bố yêu âm nhạc. Ông chơi guitar và ông hát rất hay. Nên tôi yêu âm nhạc. Và tôi nhớ như in những bản mà ông đã hát mỗi lần cúp điện, trước hiên nhà, ngày tôi còn bé, để bây giờ những bài hát ấy trở thành một phần tâm hồn tôi. Chiều trên phá Tam Giang, Trần Thiện Thanh. Còn chút gì để nhớ, Phạm Duy. Kỷ vật cho em, Phạm Duy…
Bố tôi cực kỳ khéo tay và tháo vát. Trước khi đi làm xa nhà, ông tự tay làm cho anh em tôi một cánh diều rất lớn. Ngay buổi chiều đầu tiên ra bãi đất trống sau nhà thả, diều nặng quá làm đứt luôn dây cước và bay mất, làm tôi tiếc ngẩn ngơ, cảm giác tiếc nuối ấy tôi vẫn nhớ như in đến tận bây giờ.
Ngày ông nghỉ làm công, ông về nhà, bằng sức dài vai rộng của một người đàn ông, Bố tôi tự mình dựng nên nguyên một cái quán, ông đóng cột, làm nền, lợp mái, bao tường, một mình ông làm tất cả, để bắt đầu một sự nghiệp mới. Gần đây, tôi có chia sẻ với Bố rằng, dự án tương lai của tôi là học hỏi để có thể tự tay mình dựng lên một ngôi nhà, giống như ông đã từng làm bằng đôi tay của mình.
Điều mà tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất từ Bố là, tính cương trực! Ông luôn sống theo đúng con người ông, cương trực, thẳng thắn, có khi ngang tàng. Một câu ông rất hay nói là “Bố phù suy không phù thịnh”, nghĩa là ông không bao giờ tỏ ra e ngại trước bất cứ địa vị nào. Ông kể cho tôi nghe, ngày tôi còn bé xíu, mỗi buổi chiều tan sở ông hay nán lại cơ quan để chơi cờ tướng với bác D. là giám đốc của xí nghiệp thuộc loại to nhất của tỉnh này. Và hai người đàn ông thống nhất với nhau rằng đây là chỗ chơi, không có chuyện nhường nhau vì là sếp hay là lính gì cả!
Và tính cách ấy của Bố, tôi chính là bản sao không sai lệch một phân một ly nào!
Mẹ tôi có một điều mà tôi luôn tự hào và may mắn khi là con của Mẹ. Mẹ chăm sóc cho anh em tôi nổi tiếng là kỹ càng nhất trong tất cả những bạn bè họ hàng bên nội bên ngoại. Một kỷ vật của Mẹ mà tôi mang theo suốt đời, đó là cà mèn cơm Mẹ nấu ngày bé, trước khi đi làm Mẹ nấu cơm sớm, để cà mèn này quấn vào trong chăn để giữ cơm cho ấm, để khi Mẹ đi làm về chúng tôi vẫn có cơm ấm để ăn.
Mẹ luôn giữ nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, từng đồ vật dù nhỏ như cây kim, cuộn chỉ, cái bấm móng tay luôn luôn được cất đúng một nơi cố định, khi cần dùng là có. Vì tính cách Mẹ chi tiết như vậy nên tôi sau này, mặc dù tính tôi lười, nhưng khi tôi đã chú tâm vào việc gì thì tôi sẽ làm nó cực kỳ chi tiết. Và, không có gì ngạc nhiên khi sau này, tôi nhận ra rất nhanh một cô gái cũng kỹ tính, cũng chi tiết như Mẹ vậy!
Thư gửi con trai của ba, người đàn ông trong tương lai
Cuộc đời của con là do chính con quyết định. Ba và mẹ tin rằng con sẽ quyết định đúng,...
Khi trường học là nhà
Thời gian vừa qua, rất nhiều quý anh chị quan tâm rất lớn đến dự án hướng dẫn homeschool tôi dự định mở nhưng chưa thực hiện được. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với quý anh chị rằng: homeschool không phải là dời cái ghế ngồi từ trường về nhà! Homeschool là học từ chính trong đời sống hằng ngày, trong những sinh hoạt thường ngày! Và hai người thầy người cô quan trọng bậc nhất, anh chị đã biết, chính là anh, người cha, và là chị, người mẹ!
Nếu anh chị muốn các con mình trở thành người như thế nào, hãy sống giống như vậy, giản dị vậy thôi! Anh chị không cần hoàn hảo, và, không cần phải đóng vai ai khác ngoài mình, anh chị chỉ cần sống chính xác với suy nghĩ với phong cách của mình. Hãy là mình!
Cho phép tôi gửi đôi lời tới những bậc cha mẹ vì vô số nhân duyên đang tề tựu chốn này:
Các anh! Đàn ông cho ra đàn ông!
Các chị! Ngưng biến con trai mình thành nữ giới!
Cách để trở thành một người bố hoàn hảo
Nếu bạn là một người bố, hoặc chuẩn bị là một người bố trong tương lai và bạn đang đọc...