Những bài học đầy ý nghĩa của vua sư tử Mufasa dạy Simba mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng cần phải tham khảo và ứng dụng trong cách nuôi dạy con của mình.
Trong bộ phim hoạt hình kinh điển “Lion King” của Walt Disney năm 1995, nhân vật tôi yêu thích nhất chính là sư tử cha Mufasa. Tuy chỉ xuất hiện ở phần đầu bộ phim nhưng với hình dáng dũng mãnh, thần thái nghiêm nghị và giọng nói trầm ấm đầy uy lực, Mufasa đã gây ấn tượng mạnh cho người xem như một người lãnh đạo, người chồng và người cha lý tưởng. Đặc biệt là ở vai trò một người cha, cách dạy con của Mufasa rất đáng được những người làm cha làm mẹ học hỏi để nuôi dạy con mình.
Bạn nên đọc: Cách để trở thành một người bố hoàn hảo
Để chuẩn bị cho sư tử con Simba trở thành vua sư tử cai trị muôn loài, Mufasa không đơn thuần là giao lại vương quốc và quyền uy cho con mà đã trao cho con những bài học cực kỳ sâu sắc và quý báu để đảm bảo con mình khi lớn lên sẽ trở thành một người lãnh đạo có trách nhiệm.
Sau đây là những bài học đầy ý nghĩa của Mufasa dạy Simba mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng cần phải tham khảo và ứng dụng trong cách nuôi dạy con của mình.
1. “Thời gian cai trị của một vị vua cũng như mặt trời lặn và mọc. Một ngày nào đó, Simba, mặt trời của cha sẽ lặn và mặt trời của con sẽ mọc với cương vị là một tân vương.” (A King’s time as ruler rises and falls like the sun. One day, Simba, the sun will set on my time here and will rise with you as the new king.)
Đó là bài học đầu tiên mà Mufasa đã dạy cho Simba về giới hạn của thời gian trong cuộc đời hoặc sự nghiệp của một người. Không có gì tồn tại mãi mãi trên cuộc đời này. Mặt trời mang lại ánh sáng cho thế giới cũng tuân theo quy luật mọc và lặn vào những thời điểm nhất định trong ngày. Một vị vua quyền lực đến mấy cũng sẽ có lúc già yếu và chết đi. Cho dù yêu thương con cách mấy, cha mẹ cũng không thể ở bên con và bảo bọc con suốt đời. Điều mà cha mẹ có thể làm cho con cái là chăm sóc và dạy dỗ con thật tốt khi con còn nhỏ và chuẩn bị cho con những thứ cần thiết để con cái có thể tự lập và gánh vác trách nhiệm khi trưởng thành.”
2. “Làm vua không có nghĩa là lúc nào cũng có thể làm theo ý mình” (Oh, there’s more to being king than getting your way all the time).
Là hoàng tử kế vị ngôi vua, dĩ nhiên chú sư tử con Simba ngây thơ nghĩ rằng mình có toàn quyền làm những gì mình thích. Rất may là Mufasa là một đấng minh quân và một người cha có trách nhiệm. Sư tử cha đã dạy cho con mình hiểu rằng quyền lực chỉ có giá trị và ý nghĩa khi được sử dụng đúng chừng mực chứ không phải là lạm dụng và thao túng theo ý mình. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của Mufasa và người em ác độc Scar trong cách sử dụng quyền lực của mình. Dưới thời Mufasa, muông thú có một cuộc sống ấm no và an toàn trong vương quốc Pride Rocks còn khi Scar cướp ngôi thì Pride Rocks trở thành một vùng đất chết hoang tàn.
Trên thực tế, những tỷ phú hoặc người nổi tiếng ở phương Tây đều dạy con tự lập mà không được cậy vào quyền thế hay danh tiếng của cha mình. Hoàng tử Anh Harry và William vẫn phải tham gia quân đội và ra chiến trường Afghanistan xông pha lửa đạn như một người lính bình thường. Bill Gates không để lại tài sản của mình cho con cái còn vua bếp lừng danh thế giới Gordon Ramsey không bao giờ mua vé máy bay hạng thương gia cho con của mình mà luôn để con đi hạng bình dân vì chúng chưa làm gì để xứng đáng với những tiện nghi vật chất đó. Một đứa trẻ nếu được quá nhiều ưu đãi mà không dạy dỗ đúng cách sẽ trở nên một người hư hỏng sau này.
3. “Simba, tất cả những gì con nhìn thấy cùng tồn tại với nhau dựa trên một sự cân bằng rất tinh tế. Là vua con phải hiểu sự cân bằng này và trân trọng vạn vật từ con kiến bé nhỏ tới những con linh dương” (Simba, everything you see exists together in a delicate balance. As king, you need to understand that balance and respect all the creatures from the crawling ant to leaping antelope).
Đây là một điều mà rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay đã quên dạy con cái mình: biết trân trọng và biết ơn người khác vì cuộc sống và những tiện nghi mà chúng ta có được đều có công sức của những người khác. Không có những người nông dân một nắng hai sương ngoài đồng, chúng ta sẽ không có những hạt gạo để ăn. Không có những người công nhân vệ sinh chịu làm những công việc nặng nhọc và dơ bẩn, chúng ta sẽ không có đường phố sạch sẽ không rác bẩn.
Mở rộng ra một chút, loài người chúng ta đang bóc lột thậm tệ môi trường sống chúng ta đang sống thay vì biết ơn và tìm cách bảo vệ mẹ tự nhiên. Với những vấn đề như sự nóng lên toàn cầu khiến băng ở hai cực tan chảy nhanh chóng, chỉ trong hai ba mươi năm nữa, rất nhiều thành phố lớn trên thế giới có nguy cơ chìm dưới đáy biển. Đó là cái giá phải trả của việc hủy hoại hệ sinh thái bằng cách phá rừng, xả chất thải công nghiệp và rác thải tiêu dùng ngày càng tăng của con người.
4. “Khi chúng ta qua đời, thân xác của chúng ta sẽ trở thành cỏ làm thức ăn cho linh dương. Và thế là chúng ta đều có trách nhiệm liên đới với nhau trong vòng tròn sinh mệnh vĩ đại” (When we die, our bodies become the grass, and the antelope eat the grass. And so we are all connected in the great circle of life.)
Khi Simba ngây thơ hỏi cha rằng chẳng phải linh dương là thức ăn của sư tử hay sao, Mufasa đã dạy con rằng sự cân bằng trong cuộc sống chỉ có thể được duy trì khi chúng ta cống hiến lại chứ không chỉ biết lấy đi phần tốt nhất cho mình. Dù linh dương là con mồi của sư tử, khi sư tử chết đi, thân xác chúng cũng sẽ trở thành phân bón để nuôi cây cỏ, nguồn thức ăn của linh dương.
Là cha mẹ, đừng dạy con cái mình ích kỷ giành hết tất cả những gì tốt nhất cho riêng mình mà phải biết đóng góp và cống hiến cho cuộc sống và giúp đỡ những người khác. Nếu ai cũng sống vơ vét giành giật những thứ cho riêng mình mà không biết đóng góp những giá trị cho cuộc sống, thế giới của loài người sẽ chìm trong những cuộc chiến tàn khốc liên miên và nhanh chóng diệt vong.
5. “Hãy dẫn Nala về trước, ta cần dạy cho con ta một bài học” (Take Nala home. I’ve got to teach my son a lesson.)
Khi Simba phạm lỗi không nghe lời dặn của mình, mặc dù rất tức giận nhưng Mufasa vẫn chứng tỏ mình là một người cha hết sức tâm lý khi ông đã chọn cách trách phạt con riêng tư chứ không phải trước mặt của bạn con mình. Điều này thể hiện sự quan tâm và tôn trọng cảm xúc của con cái ngay cả khi chúng phạm lỗi.
Cha mẹ Việt Nam thường có khuynh hướng không kiềm chế được cơn nóng giận của mình mà đánh chửi con rất nặng trước mặt người khác. Cũng có người chọn cách phạt con trước mặt nhiều người để chứng tỏ là mình biết dạy con mà quên rằng con mình sẽ cảm thấy lòng tự trọng và danh dự bị tổn thương trầm trọng.
Những chấn thương về mặt tâm lý này sẽ khiến con bạn trở nên tự ti mặc cảm khi lớn lên hoặc trở nên chai lì và khó dạy hơn. Cho dù con bạn phạm lỗi như thế nào đi nữa thì bạn phải hiểu rằng, việc kỷ luật con cái là để chúng biết sai mà sửa chữa chứ không phải là làm chúng bị tổn thương.
6. “Con đã cố tình cãi lời cha, và tệ hơn nữa là con đã khiến cho Nala gặp nguy hiểm” (You deliberately disobeyed me. And what’s worse, you put Nala in danger).
Khi con mình cãi lời mình, dĩ nhiên Mufasa tức giận, nhưng điều đó không đáng giận bằng việc Simba vì sự háo thắng thiếu suy nghĩ của mình mà vô tình kéo cả Nala vào vòng nguy hiểm. Sư tử con Simba còn quá yếu đuối và non nớt để tự bảo vệ bản thân mình, việc không nghe lời cha đã là sai, nhưng cái sai lớn hơn là cậu không đủ sức để có thể chịu trách nhiệm cho sự an nguy của Nala.
Để có thể gánh vác những trách nhiệm lớn hơn, chúng ta phải biết chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Không hiểu được điều này, chúng ta chẳng những có thể làm hại bản thân mà còn làm liên đới tới những người khác. Để con cái có thể gánh vác những trách nhiệm lớn lao với gia đình và xã hội, cha mẹ phải dạy con cái sống có trách nhiệm với bản thân bằng cách làm gương cho con mình.
7. “Cha chỉ dũng cảm khi cần thiết. Dũng cảm không có nghĩa là đi gây sự” (I’m only brave when I have to be. Simba, being brave doesn’t mean you go looking for trouble.)
Khi hiểu được lỗi lầm của Simba mắc phải bắt nguồn từ ước muốn chứng tỏ cho cha mình thấy rằng mình cũng dũng cảm như cha, Mufasa đã dạy cho con hiểu đúng ý nghĩa của lòng dũng cảm. Thật vậy, dũng cảm không có nghĩa là liều lĩnh làm những chuyện dại dột hoặc nguy hiểm bất chấp sự an toàn để chứng tỏ bản thân mình.
Dũng cảm cũng không có nghĩa là đi gây sự với người khác hoặc đánh nhau xem ai là kẻ mạnh hơn. Lòng dũng cảm nếu bị hiểu sai và làm sai sẽ trở thành sự hung hăng và bạo lực, ỷ mạnh hiếp yếu hoặc chỉ để chứng tỏ bản thân mình một cách ngu xuẩn.
8. “Con phải nhớ mình là ai. Con phải làm tròn trách nhiệm của mình trong cuộc đời” (Remember who you are.You must take your place in the circle of life.)
Khi Simba lớn lên trong sự vô lo và chạy trốn trách nhiệm, hồn ma của Mufasa đã hiện về và nhắc nhớ con trai về trọng trách mà Simba phải gánh vác. Để thực sự trưởng thành, con người phải biết gánh vác những trách nhiệm lớn lao với bản thân, với gia đình và với xã hội. Một người càng có năng lực và quyền hạn thì trách nhiệm mà người đó phải gánh vác càng lớn lao và quan trọng. Ý nghĩa của sự dũng cảm được hiểu một cách đúng đắn nhất là khi con người dám can đảm bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình và đương đầu với thử thách để từ đó trở nên một người có bản lĩnh thật sự.
Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình khôn lớn nên người và sống có ích. Tuy nhiên một đứa trẻ không tự nhiên sinh ra và lớn lên đã có sẵn những điều cần thiết để trở thành một người tử tế mà đều là do sự nuôi nấng và dạy dỗ của chúng ta, những người mang trọng trách của đấng sinh thành.
Cái chúng ta để lại cho con cái không phải là tiền bạc vật chất mà là nhân cách và giá trị sống đúng đắn tích cực. Đó là điều mà Mufasa đã dạy cho con mình trước khi trao cho con quyền cai trị vương quốc.
Xem thêm:
- 4 kiểu cha mẹ đặc trưng và các kiểu con cái tương ứng
- Những điều cha mẹ nên và không nên làm với con cái
- 4 lý do không nên giao con cho ông bà nuôi dạy