Năm 2021 kết thúc với nhiều biến động, trong đó, đại dịch COVID-19 để lại dấu ấn trên hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, bức tranh ngành ngân hàng Việt Nam cũng đã dần định hình qua những con số lần lượt được công bố.
12,97% là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến cuối năm 2021, với tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng.
1,9% là tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống cập nhật đến cuối tháng 12/2021. Con số này đã tăng khá mạnh so với mức 1,69% vào cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 3,79%.
Trong khi đó, trong trường hợp thận trọng hơn, nếu xét đến cả tác động của đại dịch, với các khoản nợ đang được cơ cấu lại theo Thông 01 có nguy cơ nữa thì tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 8,2%.
Như vậy, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và đưa tổng nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ mà ngành ngân hàng đặt ra đã không thể thực hiện khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nền bởi đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, áp lực nợ xấu còn được dự báo sẽ được thể hiện rõ hơn trong năm tới, khi lượng nợ được cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm theo Thông tư 14, sửa đổi Thông tư 01 dần đáo hạn.
12,5 tỷ USD là lượng kiều hối ước tính đã về Việt Nam trong năm 2021.
607 nghìn tỷ đồng là tổng số dư nợ đã được các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.
34.900 tỷ đồng là tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hang. Tín dụng cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.
18.095 tỷ đồng là tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 của 16 ngân hàng thương mại lớn, đạt 87,78% so với cam kết.
105 tỷ USD là mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước tính đến cuối tháng 11/2021. Đây cũng là mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay.
7,53% là mức tăng của tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tính đến 30/9/2021 so với cuối năm 2021, tổng quy mô theo đó đã vượt 15 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tổng tài sản có của khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, với việc tăng 9,07% so với cuối năm trước, lên 6,6 triệu tỷ đồng, chiếm tới 43,79% tổng tài sản của toàn hệ thống.
Tổng tài sản của khối NHTM nhà nước (gồm AgriBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, ngân hàng Đại Dương) tăng 7,22% trong 9 tháng, đạt 6,2 triệu tỷ đồng, chiếm 41,18% tổng tài sản toàn hệ thống.
11,37% là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41 tính đến 30/9/2021, trong đó, CAR của nhóm NHTMNN là 9,17% và của NHTMCP là 11,38%.
25,09% là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9/2021. Trong đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 27,91% và ngân hàng thương mại cổ phần là 28,39%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính là 37,25%.
Liên quan đến tỷ lệ này, lãnh đạo NHNN mới đây cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu, xem xét việc tiếp tục lùi tỷ lệ áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 1 năm để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch.
Xem thêm:
- Những điểm nhấn đáng chú ý của thị trường bất động sản năm 2021
- Hiểu về lãi suất kép và sự phát triển tích lũy
- Việt Nam 2045: hãy là một phần của sự thay đổi kỳ diệu