Sapiosexual là một thuật ngữ mới xuất hiện lần đầu tiên được cho là vào khoảng năm 1998, bởi một người dùng của LiveJournal (một mạng xã hội ở Nga). Bản thân sự tồn tại của sapiosexual cũng gây nhiều tranh cãi trong thế hệ internet. Vậy Sapiosexual là gì?
Sapiosexual là gì?
Sapiosexual nghĩa là bị hấp dẫn về mặt tình dục và lãng mạn bởi trí thông minh, theo từ điển Merriam-Webster. Sapiosexual được ghép bởi tiền tố sapio- đại diện cho “sự thông tuệ”, và hậu tố -sexual đại diện cho “hấp dẫn về mặt tình dục”.
Chúng tôi sẽ làm rõ về Sapiosexual trong bài viết này dưới góc độ khoa học. Việc tuyên bố rằng bản thân chỉ hấp dẫn bởi những người thông minh thì hoặc là vô nghĩa, hoặc là cách lươn lẹo để gián tiếp thể hiện sự vượt trội (vốn không tồn tại) của bản thân.
Sapiosexual: sản phẩm từ văn hóa truyền miệng trên internet
Sapiosexual là một thuật ngữ mới, mốc đầu tiên xuất hiện được cho là vào khoảng năm 1998, bởi một người dùng của LiveJournal (một mạng xã hội ở Nga). Thuật ngữ này bắt đầu phổ biến kể từ sau khi OkCupid (một nền tảng hẹn hò trực tuyến) đặt sapiosexual như một lựa chọn về xu hướng tính dục, bên cạnh các lựa chọn đồng tính và dị tính. Ngày nay, bạn có thể bắt gặp nó được dùng bởi thế hệ internet, trong các dòng mô tả trên Tinder, Instagram… và tồn tại vô số bài test có thể tìm được trên Google để kiểm tra xem liệu bản thân có phải một sapiosexual hay không.
Như vậy, giống loài homo sapiens (với “sapiens” đại diện cho “tinh khôn”), đã trải qua hàng trăm nghìn năm nhưng cho đến ngày nay một số cá thể mới nhận ra mình có xu hướng tính dục hướng về sự thông tuệ và có thuật ngữ để tự gọi bản thân. Từ sapiosexual không tồn tại trong lịch sử, thậm chí không tồn tại bất kỳ từ ngữ tương đương nào bất kể nền văn minh đã có tuổi đời khoảng 10.000 năm. Ở thời hiện đại, sapiosexual cũng không được ghi nhận bởi APA (Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ) hay bất kỳ tổ chức chính thống nào dù nó có liên quan mật thiết đến tâm lý/tâm thần học. Kết quả từ Google Scholar về các nghiên cứu/bài báo có đề cập đến thuật ngữ cũng chỉ trả về khoảng hơn 200 kết quả, nhiều trong số đó là các bài báo giới thiệu về những thuật ngữ gắn liền với thời đại số và số còn lại là giải ảo về bản chất của thứ gọi là “xu hướng bị hấp dẫn về mặt tình dục bởi trí thông minh”.
Vì vậy, tạm kết luận, nhiều khả năng sapiosexual không phải một hiện tượng có thật hay xuất phát từ nền tảng sinh học vững chắc gắn với con người. Giá trị và ý nghĩa của nó chỉ dừng lại ở mức ngang bằng với những thuật ngữ internet khác như “soy boy” (ám chỉ những anh chàng không nam tính – “soy” đại diện cho đậu nành, vốn xuất phát từ một huyền thoại về việc uống sữa đậu nành khiến giảm nam tính), “simp” (ám chỉ những anh chàng sẵn sàng làm mọi thứ vì phụ nữ)… tuy hay ho và được dùng bởi nhiều người nhưng không nhất thiết sẽ tồn tại lâu dài, phổ quát hay có cơ sở vững chắc.
Sự hấp dẫn của trí thông minh
Sapiosexual là một thuật ngữ gắn liền với tình dục của con người, bất kỳ cách dùng nào khác không có yếu tố tình dục đều là cách dùng sai so với thuật ngữ vốn đã hiện rõ hậu tố “-sexual”. Vì vậy, chúng ta sẽ cần tìm hiểu về xu hướng tính dục ở người (human sexuality).
Tình dục là một bản năng sinh học phổ quát, nhưng tình dục ở người là một bản năng đã được gắn chặt với yếu tố văn hóa. Cũng như ăn uống ở động vật vốn là bản năng sinh học thuần túy, ăn uống ở người là một bản năng sinh học đi kèm văn hóa*.
Về mặt sinh học, dựa trên Thuyết Tiến hóa, động vật có vú nói riêng hay các loài sinh sản hữu tính nói chung, tiến hóa để giao phối và giao phối để tiến hóa, hướng đến sinh sản nhằm truyền lại vật liệu di truyền cho thế hệ sau (sexual selection). Do đó, cơ thể sẽ phát triển các hệ cơ quan, cơ chế tâm lý, tâm thần học… để phục vụ mục đích này. Sự hấp dẫn về mặt tình dục là một cơ chế trong số đó. Các cá thể sinh vật sẽ hướng đến những người bạn tình có biểu hiện cho thấy sự vượt trội về mặt di truyền (thường là hình thể bên ngoài và sức mạnh thể chất), nhằm đảm bảo cho chất lượng cho thế hệ sau. Tiêu biểu có thể quan sát đến tập tính sinh sản của loài chim, nơi bộ lông hay giọng hót được đầu tư mạnh để hấp dẫn bạn tình, hay một số loài thú có vú phải cạnh tranh bằng sức mạnh để có được quyền giao phối.
Con người, vì là một loài động vật, nhìn chung cũng có xu hướng bị hấp dẫn bởi những ưu thế sinh sản về mặt hình thế, như độ lớn của ngực, độ nở của hông, vóc dáng, cấu trúc mặt… hay độ cân đối của cơ thể.
Ở khía cạnh văn hóa, mọi thứ sẽ phức tạp hơn, nhưng nhìn chung vẫn lộ ra một vài xu hướng phổ biến: địa vị xã hội (quyền lực), tiềm năng về của cải, sự cam kết và sự cho phép. Ở nhiều nền văn hóa khác nhau, quan niệm về những cá nhân nổi bật sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung số đông bên trong đó sẽ hướng đến hình mẫu ấy, sự nổi bật thường gắn với quyền lực trong cấu trúc xã hội. Sự cam kết để đảm bảo rằng quá trình nuôi con sẽ bớt rủi ro, trong khi sự cho phép thường liên quan mật thiết đến các quan điểm truyền thống, đạo đức và tôn giáo (các hệ thống lý luận này thường tạo ra các giới hạn và thu hẹp số lựa chọn, vì vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến hành vi của các cá nhân chịu ảnh hưởng).
Nhìn chung, kể cả người hay những chú chim đều không thể biết rõ tiềm năng thực sự về mã gien của bạn tình, nhưng sẽ dùng những dấu hiệu về mặt kiểu hình và hành vi (vóc dáng, màu sắc lông vũ, điệu nhảy, tiếng hót…) để gián tiếp tăng khả năng tìm được nguồn gien tốt. Ở khía cạnh văn hóa cũng tương tự, sự giàu có hay địa vị xã hội đôi lúc được phỏng đoán dựa trên trang sức, quần áo, cách ăn nói (hay rộng hơn là trình độ học thức)… gián tiếp tăng khả năng tìm được nguồn lực tốt. Đến mức việc mặc đồ hiệu từ lâu đã được xem là một chiến thuật gọi là “tự quảng bá” để tăng khả năng cạnh tranh bạn tình. Tất cả những dấu vết hành vi này đã được nghiên cứu trong nhiều năm, ở nhiều nền văn hóa. Dựa trên trực giác, chúng ta cũng biết rằng khi tiếp xúc, quan sát, nói chuyện… với người khác, cũng như việc bị thuyết phục, bị hấp dẫn sau đó, thực chất có liên quan mật thiết đến những tiềm năng này.
Việc thuật ngữ sapiosexual kể từ sau khi xuất hiện liền được hưởng ứng bởi đại chúng (dựa trên Google Trends) khá dễ hiểu, vì việc bị thu hút bởi các đối tượng bạn tình tiềm năng trí tuệ (như một dấu hiệu của sức khỏe về mặt tài chính và địa vị xã hội) vốn đã tồn tại xuyên suốt trong nền văn minh. Do vậy, việc mô tả bản thân là một “sapiosexual” không khác gì việc ai đó tự mô tả bản thân rằng “tôi chỉ thích người giàu”, “tôi chỉ thích gái đẹp” ngoại trừ việc “sapiosexual” là một thuật ngữ bắt tai có tiền tố gốc latin mới mẻ, và ngoại trừ việc tự mô tả rằng bản thân ưa thích sự giàu có rất dễ khiến bạn nhận được ánh mắt giễu cợt từ xã hội. Dù rằng về bản chất, cả hai đều thể hiện xu hướng thiên vị trong lựa chọn bạn tình tiềm năng, đảm bảo cho thế hệ sau.
Nhưng hãy đào sâu hơn một chút về riêng sapiosexual trước, nó vẫn còn nhiều vấn đề, chúng ta sẽ làm rõ trước lý do vì sao bảo rằng “sapiosexual” không khác gì việc tự nhận “tôi chỉ thích người giàu” hay “tôi chỉ thích gái đẹp”; sau đó sẽ quay trở lại với lý do vì sao xã hội chấp nhận việc treo dòng mô tả “tôi thích người thông minh” hơn là “tôi thích người giàu”.
Đầu tiên, định nghĩa về sự thông minh không hề rõ ràng, tồn tại độc lập hay hiện rõ ra như một yếu tố sinh học đơn lẻ. Đo một cách hệ thống, người ta dùng hệ thống IQ hoặc bằng cấp. Hàng loạt nghiên cứu đều cho thấy chỉ số IQ hay trình độ học vấn (bằng cấp) của một người đều có liên quan mật thiết đến sức khỏe tài chính của bố mẹ họ và của họ trong tương lai (và sức khỏe tài chính của họ trong tương lai cũng có liên quan mật thiết đến của bố mẹ họ).
Tiếp đến, trí thông minh khi đứng đơn lẻ cũng không thực sự hấp dẫn. Trong một khảo sát về xu hướng lựa chọn bạn tình dựa trên IQ, phần lớn chọn ở mức khoảng 120, đây cũng chỉ là mức IQ trung bình cao (high average) [mức trung bình dao động từ 90-109], chưa thể xếp vào nhóm “thông minh vượt trội”. Đặc biệt, qua mốc 120, người càng có IQ cao càng kém hấp dẫn để trở thành bạn tình tiềm năng và có rất ít người chọn những người có IQ vượt trội (135+). Tác giả cũng đề cập rằng những yếu tố không liên quan đến trí tuệ cũng tác động đến lựa chọn của các tình nguyện viên.
Cuối cùng, trí thông minh cũng là một biểu hiện có liên quan mật thiết đến vẻ bề ngoài, tức yếu tố hình thể – đặc điểm hấp dẫn về mặt sinh học. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người xinh đẹp hơn có trí thông minh cao hơn. Vì vậy, việc có xu hướng thích người thông minh có thể bắt đầu từ nền tảng từ vẻ ngoài ưa nhìn, thay vì bản thân trí tuệ**.
Có thể thấy, yếu tố IQ khi đứng độc lập chưa thể hiện rõ sự hấp dẫn về mặt tình dục, theo như định nghĩa chuẩn xác của sapiosexual (“giá sách của một người quan trọng hơn bóp tiền của họ”). Nếu vậy, việc tạo ra định nghĩa này như một hiện tượng đặc thù, mới mẻ tương đối vô nghĩa, vì vốn nó đã luôn nằm trong xu hướng của đa số.
Nhưng tất nhiên tôi không viết bài viết này để chỉ ra một hiện tượng vô nghĩa là vô nghĩa.
Thuật ngữ Sapiosexual được dùng bởi những người… không thông minh lắm.
Thực vậy, số đông những người được gọi là thông minh theo thước đo xã hội, như các học giả, nhà khoa học, người có học vị cao… đều không dùng “sapiosexual” như một cách tự mô tả bản thân trước và sau khi thuật ngữ này ra đời. Họ thậm chí cũng ít khi nhắc đến trí thông minh hay đánh giá của mình về trí thông minh. Trái lại, thuật ngữ “sapiosexual” hiện nay chủ yếu được dùng trong giới trẻ và xuất hiện phổ biến trên các nền tảng hẹn hò trực tuyến, mạng xã hội đông đúc người dùng trẻ tuổi. Về logic, tỷ lệ học giả, nhà khoa học và học vị cao càng thấp ở nhóm tuổi càng thấp. Và về logic, nếu tìm kiếm người thông minh, bạn nên vào các khu vực nặng tính chuyên môn, học thuật hơn là các nền tảng hẹn hò trực tuyến dành cho đại chúng.
Trừ khi định nghĩa về sự thông minh của đại chúng quá lỏng lẻo.
Hoặc trừ khi định nghĩa về sự thông minh từ trước đến nay chưa từng vững chắc.
Hoặc trừ khi, điều này quan trọng, định nghĩa về trí thông minh của xã hội trước nay vẫn luôn lỏng lẻo, và mọi người đưa ra tuyên bố mình là một “sapiosexual” dựa trên chính bối cảnh xã hội nơi người ta vẫn luôn đề cao các đánh giá về trí thông minh vô cùng lỏng lẻo.
Trong bài luận “Intelligence: a history” trên AEON, tác giả Stephen Cave*** đã thể hiện góc nhìn tương đối gay gắt về lịch sử hình thành văn hóa đề cao trí tuệ.
“Khi tôi lớn lên ở Anh vào nửa sau của thế kỷ 20, khái niệm về trí thông minh đã trở nên phổ biến. Nó được khao khát, được tranh luận và – quan trọng nhất – được đo lường. Ở tuổi 11, hàng chục nghìn người trên khắp đất nước của chúng tôi đã được dẫn vào làm bài kiểm tra ở các hội trường, được gọi là 11-Plus. Kết quả của vài giờ ngắn ngủi đó sẽ xác định ai sẽ đến các trường học thuật, chuẩn bị cho đại học và các ngành chuyên môn; ai sẽ đến các trường kỹ thuật và sau đó là công việc lành nghề; và ai sẽ đi học ở những trường trung học hiện đại, học các kiến thức cơ bản rồi sau đó là đến một cuộc sống lao động chân tay ở địa vị thấp”, Stephen mở đầu bài luận của mình về một sự kiện có thật ông từng tham gia, cách đây khoảng nửa thế kỷ.
Nhưng sự tôn sùng trí thông minh, và ý tưởng cho rằng trí thông minh của một người là thứ quyết định vị trí của họ trong xã hội vốn đã tồn tại lâu hơn, mà theo Stephen, nó đã là sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt tư tưởng phương Tây kể từ thời Plato cho đến các chính sách của Vương quốc Anh dưới thời Thủ tướng Theresa May. Đề cao trí tuệ trong một xã hội tất nhiên có nhiều mặt tốt, nhưng không có nghĩa rằng nó không tồn tại những mặt tối.
Xuyên suốt trong lịch sử các quốc gia phương Tây, những người bị coi là kém thông minh hơn (dựa trên các thước đo ở từng thời kỳ) đã bị đô hộ, bắt làm nô lệ, triệt sản hoặc sát hại hay thậm chí bị làm thức ăn cho động vật. Động cơ hợp lý của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc ở các quốc gia phương Tây ở thời hiện đại (nơi mà họ luôn tôn thờ và đặt nặng tính chính nghĩa), chính là sứ mệnh “khai minh cho các dân tộc ngu muội khác” hay “đem đến ánh sáng của nền văn minh cho những quốc gia thấp kém”.
Dưới thời Plato, ông đã tuyên bố (qua miệng của Socrates) rằng trí tuệ, sự lý trí là thứ nên được đề cao, trong cả tình yêu, chính trị lẫn đạo đức, rằng người thông minh nhất nên cai trị những người còn lại và đó là trật tự tự nhiên, hợp lý (trong The Republic). Kết quả là, Athens thực sự đã thử nghiệm nền dân chủ, các công dân nam trong thành được thừa hưởng đặc quyền hơn hẳn những người khác và sự ưu ái này giúp họ ngày càng trở nên vượt trội trong xã hội, gián tiếp tăng tính hợp lý cho vị thế của họ. Plato thậm chí còn khuyên rằng những giới tinh hoa nên dùng “lời nói dối cao quý” (noble lie) để cai trị vì số đông không đủ thông minh để nhìn ra sự thật, chỉ giới quý tộc mới có thể nhìn thấy sự thật hoàn chỉnh.
Trong buổi bình minh của triết học phương Tây, trí thông minh đồng nhất với hình tượng nam giới, có học thức, da trắng và được thừa hưởng đặc quyền về sự thống trị, trong khi số khác sinh ra là để bị trị, như một lẽ tự nhiên.
Hệ tư tưởng của Plato, về sau được củng cố thêm về “lẽ tự nhiên” bởi Aristotle, từ đó đã trở thành một đoàn tàu dẫn dắt sự phát triển tư duy của hệ thống triết học Âu châu, và bây giờ đã bắt đầu lan ra toàn thế giới. Về sau, Descartes và Kant tiếp tục phát triển những khái niệm khác, mặc dù không mật thiết liên quan trực tiếp đến trí tuệ, nhưng đặt cho trí tuệ một vai trò lớn và toàn năng hơn bao giờ hết, phù hợp với cả đạo đức. Với Kant, đạo đức được gắn chặt với lý trí, số còn lại không có lý trí được xem là “vật” và không cần cũng như không thể đáp ứng được đạo đức. Ý tưởng về “chủ nhân tự nhiên” và “nô lệ tự nhiên”, dù được diễn tả khác nhau ở những người khác nhau, nhưng đều hiện rõ và đều gắn chặt với sự lý trí, hay còn gọi là trí thông minh.
Tư tưởng, quan niệm này, kết hợp với sự ưu ái lâu đời dành cho nhóm nam giới da trắng, về sau đã trở thành một dạng thực tại tối thượng không thể phá vỡ khi nói về đặc quyền hiển nhiên của họ. Bài test 11-Plus, mặc dù dành cho toàn bộ người thuộc các tầng lớp, tôn giáo, sắc tộc, giới tính, nhìn chung là bình đẳng, nhưng kết quả của nó vốn đã ưu ái cho một nhóm thiểu số vì những nhóm còn lại rất khó để cạnh tranh với nhóm thiểu số vốn từ trước đến nay đã thừa hưởng nhiều lợi thế để phát triển trí thông minh. Kết quả của chúng không những không phản ánh thực tế, còn gián tiếp nói rằng “thực tế là nam giới da trắng gia đình học thức có trí tuệ cao và họ xứng đáng nhận được nhiều đặc quyền hơn những người khác trong xã hội, không tin thì hãy nhìn vào kết quả của những bài thi”.
Ở xã hội châu Á, tương đồng có thể kể đến tư tưởng của phong kiến, nơi đặt tầng lớp sĩ lên hàng đầu và học vấn là một con đường để bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhóm đặc quyền trong xã hội. Và mặc dù cuộc thi này được mở ra dành cho tất cả mọi người, nhưng như một lẽ hiển nhiên về mặt thống kê, con của người nông dân có ít lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với con của một gia đình quan lại hay các gia đình trong kinh thành, và vì vậy, đại diện thắng cuộc của cả hai bên luôn có một tỷ lệ rất chênh lệch. Ở thời hiện đại, thống kê cũng cho thấy các chỉ số cao về thành tích học tập đều tập trung cao độ ở các thành phố lớn; trên quy mô thế giới, điểm tập trung sẽ nằm ở các quốc gia phát triển và có nền học thuật lâu đời. Vậy có phải số còn lại ít thông minh hơn, như một lẽ tự nhiên và thuộc về bản chất?
Nhưng bài luận của Stephen có một ý tưởng quan trọng khiến nó trở nên giá trị và mới mẻ hơn hẳn những luận điểm đấu tranh giai cấp khác, đó là, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo đang khiến nhân loại dần nhận ra lý lẽ của mình bị mâu thuẫn. Ông cho rằng, nhân loại (cụ thể hơn là các xã hội phương Tây) vốn trước nay luôn xem lý trí, tư duy lý tính là trí thông minh và người thông minh xứng đáng được hưởng các đặc quyền của tầng lớp thống trị, vậy liệu con người có nên chịu sự cai trị bởi AI, vì chúng lý trí nhất và (do đó) thông minh nhất? Vì sao người ta bây giờ lại e sợ trí tuệ nhân tạo?
Stephen nói rằng, như lời của học giả và chuyên gia công nghệ Kate Crawford, nỗi lo về sự thống trị của AI và xu hướng cưỡng cầu lại sự phát triển của khoa học – công nghệ chủ yếu xuất phát từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là từ tầng lớp nam giới da trắng học vấn cao và bảo thủ. Vì nhóm này đang cảm thấy vị thế độc tôn của bản thân bị đe dọa, khi tất cả những gì họ có là sự lý trí, cũng là những gì đang bị trí tuệ nhân tạo vượt mặt. Phần còn lại, vốn đã chịu sự áp bức về mặt trí tuệ trong thời gian dài, dường như không có cảm xúc nhiều với ý tưởng cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ khiến mọi thứ tệ hơn.
Thực vậy, trong xã hội nơi trí tuệ luôn được đề cao, nhóm không thực sự nằm bên trong ấy ít khi phàn nàn, thay vào đó còn thường xuyên hướng về nó và tìm mọi cách để thể hiện rằng mình cũng mang theo những phẩm chất được xã hội đề cao. Khoe sách vở, học vị, bằng cấp, mối quan hệ… về cơ bản không khác biệt nhiều so với việc khoe tiền bạc, của cải. Và dòng mô tả “sapiosexual” cũng là một trong những cách để gián tiếp thể hiện rằng mình có dính dáng đến một hình thái mà xã hội cho là vượt trội.
Vì sao các “sapiosexual” đang cản trở nhiều phong trào cấp tiến.
Bản thân sự tồn tại của sapiosexual cũng gây nhiều tranh cãi trong thế hệ internet. Trong một bài viết trên Medium, blogger Joe Duncan đã có phép so sánh rằng việc tự mô tả “Tôi là một sapiosexual” về cơ bản không khác gì bảo rằng “Tôi không hẹn hò với những kẻ ngu ngốc”. Nhưng bạn không thể ghi dòng phía sau mà không gặp phải sự chỉ trích, trong khi dòng phía trước lại đem đến sự thời thượng và tinh hoa.
Cho đến khi được định nghĩa bởi APA như một hiện tượng sinh học, có thể tạm đồng ý rằng sapiosexual, nếu có tồn tại, cũng chỉ là một dấu vết văn hóa như đã phân tích ở trên. Nó hiện lên trong xã hội theo đuổi và đề cao trí tuệ, vì vậy, vẫn thường bị chỉ trích và mỉa mai là biểu hiện của chủ nghĩa thờ phụng tinh hoa (ableist/elitist), chủ nghĩa đề cao châu Âu (Eurocentrism). Những người dùng thuật ngữ này nhiều khả năng không biết hay nhận ra bản thân có gắn với các chủ nghĩa này.
Nhưng quan trọng hơn, việc OkCupid đặt sapiosexual như một xu hướng tính dục, bên cạnh đồng tính và dị tính, đang ảnh hưởng đến những thắng lợi của cộng đồng LGBT. Các nhóm đồng tính đang phải đấu tranh để chứng minh rằng xu hướng tính dục của họ là một sự thật sinh học, không thể thay đổi hay ảnh hưởng bởi môi trường xã hội. Nếu đồng tính không phải một sự thật sinh học, gần như họ sẽ mất đi nền tảng vững chắc nhất để đấu tranh cho bản thân, lựa chọn “đồng tính” cũng sẽ bị xóa bỏ khỏi các lựa chọn về xu hướng tính dục và các nhóm khác sẽ ra sức để thay đổi và “chữa trị” nhằm xóa bỏ hiện tượng đồng tính thay vì chấp nhận nó. Việc được thừa nhận là một thuật ngữ gắn với yếu tố sinh học là một trong những thắng lợi lớn của cộng đồng LGBT tính đến thời điểm này. Nhưng sự xuất hiện của hàng loạt thuật ngữ lung tung về xu hướng tính dục không gắn liền với sinh học, như sapiosexual, sẽ khiến dư luận bắt đầu hoài nghi, khó chịu và giễu cợt toàn bộ những thuật ngữ về xu hướng tính dục khác, bao gồm cả gay, lesbian, bisexual…
Sự tồn tại của sapiosexual, nếu có, cũng chỉ được xếp trong nhóm “hấp dẫn về mặt tình dục” (tức cùng nhóm với bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp, bị hấp dẫn bởi tài chính…) thay vì xu hướng tính dục. Nhưng nếu chỉ thế, thuật ngữ sapiosexual khá… vô nghĩa, như tôi đã phân tích ở trên, và ta sẽ phải sẵn sàng để đón nhận hàng loạt thuật ngữ khác tương đương, như weedsexual (chỉ bị hấp dẫn bởi những người hút cần), tattoosexual (chỉ bị hấp dẫn bởi những người có hình xăm) hay nuôi mèo-sexual (chỉ bị hấp dẫn bởi những người nuôi mèo)… Vì thật vô lý khi chúng ta chấp nhận sapiosexual mà không chấp nhận những thuật ngữ còn lại, trong khi chúng tương đương nhau. Đến một lúc nào đó, sự khó chịu với các thuật ngữ cũng sẽ lại xuất hiện.
Bài viết cố gắng giúp các bạn hiểu rõ sapiosexual là gì, nguồn gốc cũng như những ngộ nhận. Hy vọng các sapiosexual có thể đọc hết và hiểu được bài viết này, như họ vốn vẫn luôn bảo rằng bản thân bị hấp dẫn bởi trí tuệ.
Theo: Monster Box.
FWB và ONS: nên hay không nên để có được hạnh phúc?
FWB và ONS về bản chất là những mối quan hệ tình dục không ràng buộc. Đây là một trào...