Sự trở lại của nhân tính, dù mới là những chỉ dấu đầu tiên, nhưng nó đủ để chúng ta có thể tự tin về một năm mới đáng sống hơn, đặc biệt là sau khi đã có những trải nghiệm đau buồn để nhận ra những giá trị thực sự của cuộc sống.
Những ngày cuối cùng của năm 2021, dù số người mắc covid vẫn tiếp tục tăng, nhưng tâm trạng âu lo dường như không còn nữa. Bộ Y tế điều chỉnh định nghĩa ca bệnh theo hướng cởi mở hơn để không còn cảnh truy vết, cách ly hàng loạt mỗi khi có ca nhiễm.
Không còn những khu phố chăng dây, những hàng rào ngăn làng, bịt xóm. Trên đường, đôi khi người ta vẫn gặp một ngôi nhà có biển báo màu đỏ để nhận biết có người mắc bệnh. Nhưng, chỉ thế thôi, hàng xóm vẫn sinh sống bình thường. Những chỉ dấu thay đổi tưởng chừng nho nhỏ ấy, thực ra mang một ý nghĩa rất lớn lao. Đó là chúng ta đã quen với sự hiện diện của bệnh dịch, và không còn quá sợ hãi. Thay vì đóng cửa, rào làng, xua đuổi nhau vì sợ hãi, thì giờ đây, tâm trạng xã hội đang dần bình hoà hơn, thân ái với nhau hơn.
Netflix mới có một bộ phim tên là “2021 không hẹn gặp lại”. Đó là một bộ phim được làm để giễu nhại những điều ngớ ngẩn bộc lộ ra ở xã hội Mỹ trong năm vừa qua, một năm đáng để quên đi. Tôi tin rằng, không chỉ riêng nước Mỹ, bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng muốn quên đi năm 2021. Đó là một năm mà nỗi sợ hãi dịch bệnh đã lấn át nhân tính của con người, không nhiều thì ít, với các mức độ khác nhau.
Vì sợ hãi mà lập chiến luỹ giữa các khu phố, xây bịt nhà hàng xóm của mình, phá cửa để cưỡng chế láng giềng mang ra ngoáy mũi.
Vì sợ hãi mà ngăn sông cấm chợ, mà lùng bắt, đè người già đi tập thể dục ra mà xử phạt, mà đấu tố trên các phương tiện truyền thông.
Vì sợ hãi mà những hành động vô pháp đã xảy ra khắp nơi và đôi khi còn được cổ vũ.
Sự ích kỷ, độc ác, giả dối đã trỗi dậy trong nhiều thời điểm khi nhân tính bị lấn át bởi nỗi sợ khiến chúng ta đã đi qua một năm 2021 vơi một cuộc sống không giống như đang sống. Một cuộc sống mà mọi điều đều đình trệ trong trạng thái bất định về tương lai.
Covid không giết nhiều người hơn các bệnh thông thường khác. Độc lực của nó thậm chí không nguy hiểm như hàng loạt bệnh tật mà chúng ta vẫn thường mắc phải. Nhưng cái cách mà chúng ta nhìn nhận covid bằng nỗi sợ hãi đã khiến nó trở thành dịch bệnh tồi tệ và có sức tàn phá nhất trong lịch sử nhân loại.
Không có loại vaccine nào đủ khả năng khiến covid hoàn toàn biến mất. Chỉ có sự mạnh mẽ của chính con người, mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần mới giúp chúng ta vượt qua bệnh dịch mà thôi. Trải qua một năm tồi tệ, hy sinh kinh tế, và cả niềm vui sống chỉ vì sợ covid, dường như đã đến lúc chúng ta nhận ra rằng cuộc sống chỉ bình thường trở lại khi chúng ta không còn quá sợ hãi, khi chúng ta có thể bình tĩnh sống cuộc sống của con người, bình tĩnh đương đầu với những rủi ro khi mắc dịch.
Sự điều chỉnh định nghĩa ca bệnh của Bộ Y tế mới đây là một chỉ dấu, dù nhỏ, nhưng đủ để chúng ta có thể nhận ra trạng thái bình thường cũ đang dần trở lại trước thềm năm mới. Cùng với sự điều chỉnh ấy, con người được nhìn nhận trở lại đúng với khái niệm về con người. Người bệnh sẽ là người bệnh chứ không còn phải là F0, và người tiếp xúc với người bệnh là người có nguy cơ nhiễm bệnh chứ không bị định danh là F1, F2.
Sự trở lại của nhân tính, dù mới là những chỉ dấu đầu tiên, nhưng nó đủ để chúng ta có thể tự tin về một năm mới đáng sống hơn, đặc biệt là sau khi đã có những trải nghiệm đau buồn để nhận ra những giá trị thực sự của cuộc sống.
Xem thêm:
- La Hán mặt tươi
- Giá trị văn hoá đang vỡ vụn bởi sự xung đột liên tục trong mỗi chúng ta
- Tờ biên lai bị kẹt, hành trình của F0 và vaccine cho trái tim nền kinh tế