Ardbeg là một nhà chưng cất single malt whisky nằm bên bờ biển phía nam của hòn đảo Islay, Scotland. Cái tên Ardbeg chính là viết tắt của cụm từ “An Àird Bheag” trong tiếng Gaelic cổ xưa có nghĩa “mũi đất nhỏ”.
Thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Louis Vuitton Moët Hennessy từ cuối năm 2004, hiện nay với 1 cặp tĩnh đồng chưng cất Ardbeg sản xuất được khoảng không quá 10.000 thùng mỗi năm (1,4 triệu lít), ít hơn so với các nhà chưng cất láng giềng Lagavulin (2,6 triệu lít với bốn tĩnh đồng) và Laphroaig (3,3 triệu lít với bảy tĩnh đồng). Theo kế hoạch mở rộng đã được công bố vào năm 2018, Ardbeg sẽ lắp đặt thêm 1 cặp tĩnh đồng nữa (đưa tổng số lên bốn) cũng như xây dựng thêm kho ủ để sớm nâng cao sản lượng.
Lịch sử thăng trầm của nhà chưng cất Ardbeg
Là một trong những nhà chưng cất single malt hàng đầu Scotland và loại rượu khói được Thế Giới biết đến nhiều nhất nhưng không phải ai cũng biết nó gần như đã bị xoá sổ hoàn toàn trong khoảng 20 – 30 năm trước đây.
Sau Thế Chiến II, Ardbeg hoạt động khá ổn định cho đến 1978, đúng thời điểm Allied-Domecq (chủ sở hữu Laphroaig) mua lại thì thị trường rượu bắt đầu bão hoà, đẩy Ardbeg vào vòng nguy hiểm. Nhà chưng cất này tưởng như đã gia nhập hội với Port Ellen từ năm 1981, khi nó bị đóng cửa cho đến 1989.
Từ 1989 đến 1996, dù được mở cửa lại, số phận Ardbeg cũng không khá khẩm hơn khi lò chưng cất chỉ được vận hành 2 tháng mỗi năm và tất cả công việc đều do nhân viên của Laphroaig đảm nhận. Có lẽ việc làm này chỉ để giữ lò chưng cất không hư hỏng cho đến lúc nó bị đóng cửa hẳn vào năm 1996.
Bước ngoặt thật sự của Ardbeg tới vào năm 1997 là khi được Glenmorangie mua lại và điều hành dưới bàn tay của Bill Lumsden cho đến nay.
Lịch sử thăng trầm là thế, chúng ta cũng không nên quá ngạc nhiên nếu loại Ardbeg đang uống hiện nay có không còn giống với 30 năm trước. Như các nhà Islay khác, Ardbeg từng có một sàn malt nhưng từ 1989 đã chuyển sang dùng malt của Port Ellen.
Kỹ thuật sử dụng malt cũng thay đổi và là lý do chính dẫn đến Ardbeg ngày nay có PPM (Parts Per Million / chỉ số đo nồng độ khói than bùn) khá cao trong các nhà Islay. Với nhiều người Việt từng sống qua thời bao cấp, khi ngửi Ardbeg người ta hay liên tưởng đến mùi của một nồi cám heo quá lửa.
Trước thời Bill Lumsden, dù chỉ số PPM của ‘malted barley’ Ardbeg cũng khá cao (ở mức 50 -54 PPM) nhưng sau chưng cất chỉ còn khoảng 18 PPM, tức là cũng không khác nhiều thậm chí còn thấp hơn so với Laphroaig hay Lagavulin.
Tuy nhiên sau khi Bill Lumsden tiếp quản, một ống bơm đẩy áp lực đã được sử dụng trong quá trình nghiền malt (băm nát hơn nữa vỏ trấu của malt) để ép ra thêm chất than bùn trong đáy khiến PPM tăng lên 23 – 24 PPM, tạo nên đặc trưng ngày nay của Ardbeg so với các nhà Islay khác.
Cặp tĩnh đồng chưng cất của Ardbeg cũng được thay mới hoàn toàn vào năm 2001, và dù thiết kế của nó gần như là một bản sao chính xác tĩnh cái cũ, nhưng nhiều người cho rằng cái hồn cốt của Ardbeg đã bị mất đi cùng các khiếm khuyết (móp méo, rò rỉ…) của tĩnh đồng cũ.
Ardbeg rất ít dùng thùng ‘ex-sherry’, họ sử dụng hầu hết là thùng ‘ex-bourbon’ từ Jack Daniels để ủ rượu từ 1997. Các thùng này được mô tả có chất lượng ‘từ tốt đến rất tốt’ và chủ yếu là ‘1st fill’ và ‘2nd fill’, gần như không có ‘3rd fill’.
Ngày nay, có thể nói Ardbeg đã chuyển sang chưng cất một loại rượu khác trước rất nhiều. Do đó, dân sành rượu khi đánh giá nhà này hay phê bình và cho rằng chất lượng rượu càng ngày càng đi xuống. Chưa kể thời gian hoạt động cầm chừng vào những năm 1980 Ardbeg có một số ‘stock’ nhỏ không biết nên gọi là Ardbeg hay Laphroaig.
Hơn 10 năm trước Ardbeg vẫn sử dụng lượng rượu cũ trước năm 1980 để phối trộn hay đóng ‘single cask’. Tuy nhiên kể từ đầu những năm 2010 tới nay, họ đã thay thế gần như hoàn toàn bằng rượu mới chưng cất sau 2001, nên tính chất của Ardbeg đã có rất nhiều thay đổi ngay cả trong cùng một line sản phẩm.
Vài năm gần đây, khi mọi người quen dần với loại rượu Ardbeg mới này, người ta đã bắt đầu chấp nhận và nhìn nhận nó như một loại rượu khác và không còn so sánh với Ardbeg trong hồi ức xưa nữa.
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: Nguyễn Minh Khánh