Đêm qua, ngồi xem Slovakia chiến thắng mà lại nhớ những ngày lang thang qua đất nước này, với mấy đêm ngủ ở Bratislava, một trong những thành phố rất đẹp và đáng yêu của Trung Âu.
Bratislava không nằm trong những hành trình lớn xuyên qua châu Âu, khi với nhiều người, đã đến châu Âu là phải đặt chân đến những nơi có “số má” như Paris, London, Roma, Berlin hay Praha, nhưng nếu có thời gian và có nhiều cơ hội để đến châu Âu, đừng bỏ qua những điểm đẹp như thủ đô của Slovakia.
Bratislava, Slovakia
Thành phố nằm bên con sông Danube và lấy nó làm biên giới với Áo và Hungary này là thủ đô châu Âu duy nhất có chung biên giới với 2 quốc gia.
Chỉ cần đi qua cây Cầu mới (tên của cây cầu được xây xong năm 1972, bắc qua sông Danube, với một quán ăn rất nổi phía bên trên, có tên UFO-đĩa bay, nơi có thể nhìn rất xa sang các nước xung quanh) là sẽ sang tới biên giới với Áo.
Và chạy thêm 60 km nữa, trên một con đường cao tốc rất đẹp với hàng chục cột điện gió nhìn lừng lững trên nền trời là sẽ tới Vienna, thủ đô của nước Áo xinh đẹp.
Ở vị trí địa lý nằm giữa châu Âu của mình, Bratislava và vùng Moravia, vùng đất tạo nên Slovakia hiện tại, là nơi chịu ảnh hưởng rõ nét nhất của lịch sử nơi này, với những đường biên giới xê dịch sau những cuộc chiến, những cộng đồng người chung sống hoặc gây chiến với nhau.
Chính vì thế, những dấu ấn về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, xã hội của những thời kỳ ấy vẫn đan xen lẫn nhau và tạo ra một Bratislava đặc sắc của ngày nay.
Slovakia đã từng là một quốc gia riêng với tên Moravia, rồi trở thành một phần của vương quốc Hungary trong gần 1 nghìn năm (từ năm 1000 đến 1918), sau đó nhập với xứ Bohemia (phần lãnh thổ Czech ngày nay nằm một phần trong đó), Silesia (thuộc Ba Lan ngày nay), Thượng Hungary (nay thuộc Slovakia) và Carpathian Ruthenia (thuộc Ukraine ngày nay) để tạo thành Tiệp Khắc từ 1918 đến 1939.
Trong Thế chiến II, với những cuộc chia tách đất đai, phần thuộc Slovakia bây giờ tách ra độc lập dưới áp lực của phát xít Đức.
Sau Thế chiến II, dưới ảnh hưởng của Liên Xô, một Tiệp Khắc nhỏ hơn ra đời, cho đến khi Slovakia và Czech chính thức tách ra độc lập vào năm 1993 trong cái gọi là “Cuộc li dị nhung”.
Bratislava, từng có rất nhiều tên như Pressburg, Pozsony, Prešporok, Posonium, tuỳ thuộc vào những triều đại của dòng họ Habsburg hay người Hungary đã đô hộ nó, trở nên phát triển và giàu có sau cuộc li dị ấy.
Thành phố giàu có
Nhưng ở đây chúng ta không nói đến tiền, mà là sự giàu có về văn hoá, lịch sử và kiến trúc, với những gì đẹp nhất mà các cộng đồng sắc tộc Trung Âu, từ những người nói tiếng Đức, tiếng Hungary, tiếng Slovak hay Ba Lan đã tạo nên.
Dễ thấy nhất lâu đài Bratislava, rất đẹp, nằm trên một ngọn đồi cao và có thể nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố, thậm chí từ bên kia sông Danube. Nó đã từng là nơi đặt triều đình của các vua Hungary.
Chỉ cần đứng ở lâu đài nhìn ra phía sông Danube là sẽ thấy nước Áo và Hungary ngay trước mắt. Bây giờ, lâu đài trở thành bảo tàng quốc gia Slovakia.
Nói đến các vua Hungary ở đây, cần phải nhắc đến nhà thờ Saint Martin. Nhà thờ xây theo phong cách Gothic ở thế kỷ 15 này đã trở thành nơi đăng quang của các vua Hungary từ năm 1563. Từ đó đến năm 1830, nó đã chứng kiến lễ đăng quang của 11 vua Hungary.
Khu phố cổ của Bratislava rất đẹp, thanh bình, với những toà nhà nhiều màu sắc và theo nhiều kiểu kiến trúc khác nhau.
Nhà thờ Saint Martin nằm trong đó, cùng với toà thị chính, một phần tường thành cổ đến bây giờ vẫn còn, và những khu phố đi bộ rất trang nhã, với những quán cafe khá lãng mạn. Những dấu tích của ngày xưa vẫn còn hầu như nguyên vẹn, dù đã có rất nhiều cuộc chiến tranh tràn qua nơi đây.
Bratislava có Michalska Brana (cổng Michael), một cái cổng chạy qua tháp của tường thành, xây từ thế kỷ 14; có đài phun nước Maximilian, được ông vua Hungary cùng tên xây vào thế kỷ 16; nhưng cũng có những công trình mới khá đặc sắc, như tượng Cumil, người công nhân vệ sinh môi trường, mô tả một người công nhân đang thò người lên khỏi miệng cống (một trong những bức tượng được chụp nhiều nhất ở trung tâm thành phố).
Kỷ niệm
Hơn chục năm trước, mình và một đồng nghiệp đã lang thang ở đây, trên tuyến đường này. Hồi đó, EURO 2008 đang đá, các khách sạn và nhà nghỉ đều hoặc hết phòng hoặc quá đắt, bọn mình phi sang đây để thuê chỗ ngủ.
Hồi ấy, việc đặt phòng qua mạng chưa đơn giản như bây giờ, nhưng mình cũng đặt được một căn hộ lớn. Đến khi sang gặp bà chủ nhà để lấy chìa khoá thì bà ấy không nói tiếng Anh, mình không hề nói tiếng Slovak, thế mà cả hai ba hoa linh tinh thế nào cũng hiểu cả (!).
Trả xong tiền phòng rồi, bọn mình quay trở về Vienna thì đã nửa đêm, đầy sương mù, và máy chỉ đường Tom Tom ngày ấy của bọn mình chỉ có bản đồ Tây, Nam và Bắc Âu, không có bản đồ Trung Âu, nên không biết làm cách nào để mò ra cây Cầu mới để trở về Áo, mà bản đồ giấy thì quên chưa mua.
Đúng lúc bí thì một xe cảnh sát đi qua, thế là bọn mình trình bày cho họ lý do. Hai anh cảnh sát trẻ cười rất tươi, vẫy tay bảo, vào xe thôi, đi theo sau bọn tớ, bọn tớ dắt ra tận biên giới. Thế là một chiếc xe biển Ý, do người Việt lái, theo sau một xe cảnh sát Slovakia dẫn đường chạy ra tận biên giới Slovakia-Áo, vừa vưi vừa hài không thể tả. Đấy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của mình trong những năm tháng lang thang khắp trời Âu…
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc
Ảnh: CondeNast Traveller
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK