Danh Võ tiếp tục khai quật quá khứ bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Triển lãm cá nhân của nghệ sỹ Đan Mạch gốc Việt tại phòng trưng bày Xavier Hufkens vừa qua, “sắp đặt” toàn những tác phẩm vô danh, “vô chủ” và xoáy vào những gốc tích ẩn dưới hào quang lịch sử vốn ít được biết đến, hoặc thừa nhận.
Sinh năm 1975, đồng thời là chứng nhân và nạn nhân của chiến tranh, nghệ sỹ gốc Đan Mạch – Danh Võ, đã theo gia đình rời khỏi đất nước bằng thuyền khi mới 4 tuổi, do đó Danh Võ hầu như không có ký ức tuổi thơ ở Việt Nam. Con thuyền đã được cứu bởi một người vận chuyển hàng hóa người Đan Mạch – một quốc tịch quyết định số phận của những người tị nạn – và các phân nhánh của những cuộc gặp gỡ tình cờ này được phản ánh một cách “tình cờ” và “trùng hợp” trong thực hành nghệ thuật của Danh Võ.
Các tác phẩm nghệ thuật và sắp đặt mang tính ý niệm của Danh Võ thường dựa trên các yếu tố tự sự và trải nghiệm tập thể để khám phá các chủ đề lịch sử, tôn giáo, xã hội hoặc chính trị phổ rộng, liên quan đến các vấn đề đại chúng như di cư, danh tính hoặc tình trạng tác giả.
Một triển lãm với hầu hết là những sáng tác vô danh và mới nhất của Danh Võ, tại phòng trưng bày Xavier Hufkens ở Brussels, kéo dài từ 28.10 đến 18.12.2021. Trong bối cảnh này, Danh Võ khai thác lịch sử của Bỉ, đặc biệt là đối chiếu vai trò của nghệ thuật và nghệ sỹ dưới chế độ thuộc địa của đất nước này.
Theo cách mà Danh Võ thường kết hợp các tài liệu, hình ảnh, đồ vật (có ý nghĩa về mặt cảm xúc hoặc lịch sử), chữ viết hoặc sự chiếm đoạt tác phẩm của các nghệ sỹ hoặc nhà thiết kế khác – những thứ có ý nghĩa tích lũy qua thời gian, thông qua việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc thay đổi bối cảnh xã hội, văn hoá…; các tác phẩm trong triển lãm ở Xavier Hufkens lần này có thể vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm với người xem.
Nổi bật ở phòng trưng bày là một tác phẩm sắp đặt vô danh, với những cây sen cạn, được nghệ sỹ bao bọc trong hộp kính và giữ cho chúng sống dưới ánh đèn. Tác phẩm của Danh Võ gợi nhớ đến “Chemiserie Niguet” – một thiết kế nhà kính ra đời vào khoảng những năm 1890 bởi kiến trúc sư người Bỉ, Paul Hankar; và được xem là một biểu tượng của phong trào Art Nouveau ở Brussels.
Tại Hội Chợ Thế Giới (World’s Fair) năm 1897, tổ chức ở Brussels, kiến trúc sư Hankar đã thiết kế “Ethnographic Hall” (tạm dịch: Hội Trường Nhân Chủng Học): một cuộc trưng bày các chiến lợi phẩm thuộc địa lấy từ các vùng Congo dưới sự cai trị của Bỉ, và được trưng bày mà không có bối cảnh chính xác.
Cũng cần lưu ý rằng phong trào Art Nouveau đã phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ thịnh vượng kinh tế nhờ sự khai thác của đế quốc Bỉ ở Congo. Danh Võ đã nhấn mạnh gốc gác lịch sử ít được biết đến (hoặc thừa nhận) này bằng cách kết hợp hoa sen cạn – một biểu tượng của lòng yêu nước, chiến thắng và chinh phục – trong tác phẩm của mình.
Nằm rải rác khắp phòng trưng bày còn có các tác phẩm điêu khắc Chúa Kitô, có niên đại từ thế kỷ XVI và đang xuống cấp. Một tác phẩm, mà chính xác đó là phần thân còn lại của một tác phẩm điêu khắc rã nát đến không còn có thể nhận ra Chúa Kitô.
Một tác phần khác là đầu của Chúa với chiếc vòng gai dễ nhận biết, nhưng khuôn mặt của Ngài đã bị bào nhẵn. Theo Harley Wong, viết trên Artsy, “không rõ những sự cắt xén báng bổ như vậy là kết quả của thời gian và mục ruỗng tự nhiên, hay là sự can thiệp của nghệ sỹ (Cha của Danh Võ đã cải sang Công Giáo vào năm 1963 để phản đối sau vụ ám sát Ngô Đình Diệm – một người theo Công Giáo và là tổng thống đầu tiên của Miền Nam Việt Nam)”.
Như một cuộc “đối chất” với lịch sử bằng những chất liệu có vị trí riêng trong lịch sử, “Danh Võ đặt câu hỏi về tính dễ đọc của quyền tác giả nghệ thuật và tái văn bản hoá quá khứ để xem xét những gì còn lại bên ngoài những câu chuyện lịch sử thống trị”, Harley Wong viết.