“Vệ nữ thành Urbino” là một trong những bức tranh đẹp nhất, nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng lớn nhất, truyền cảm hứng nhiều nhất, nhưng cũng tạo ra khá nhiều tranh cãi của Tiziano Vecellio (hay còn gọi là Titian, theo cách viết bằng tiếng Anh), hoạ sĩ tài ba nhất của nghệ thuật Phục hưng trường phái Venezia (Venice).
Cũng chính vì thế, “Vệ nữ thành Urbino” (khoảng 1534) của ông đang trưng bày ở phòng 82, bảo tàng Uffizi, Firenze (Florence, Ý), một trong những kho tàng nghệ thuật lớn nhất nhân loại về nghệ thuật Phục hưng Italia, luôn thu hút rất nhiều người viếng thăm mỗi năm. Tôi đã đọc khá nhiều điều liên quan đến tác phẩm, đã đọc cả những phân tích về phong cách của Tiziano, nhưng khi đến thăm Uffizi mấy năm trước, cũng đứng ngây người trước tác phẩm này.
Không phải bởi nó quá gợi dục (đó là một bức vẽ khoả thân), mà vì màu sắc, bố cục, vẻ đẹp của người phụ nữ trong tranh, và tự khẳng định thêm một điều nữa về nghệ thuật Phục hưng: các hoạ sĩ và nhà điêu khắc mô tả con người ở vẻ đẹp trần trụi thật đẹp, người phụ nữ luôn đầy đặn theo quan điểm vẻ đẹp của thời ấy, còn người đàn ông, dù ẩn dụ bất cứ hình ảnh nào trong đó-một vị thần, một người anh hùng, hoặc Chúa, đều có vẻ đẹp cơ bắp và trí tuệ.
Đó cũng là cách mà nghệ thuật của thời đại cách đây 5 thế kỉ ấy tôn vinh vẻ đẹp con người, sau khi thoát khỏi tính ước lệ gắn nhiều với chủ đề tôn giáo của nghệ thuật thời Trung cổ, và nêu bật trở lại những giá trị mỹ học của thời Hy Lạp cách đó gần 2 nghìn năm.
Trở lại với bức “Vệ nữ thành Urbino” (nó có tên như thế sau khi được mua lại bởi Guidobaldo II della Rovere, công tước thành Urbino, xứ Marche, Tây Bắc Italia), Tiziano đã thể hiện một người phụ nữ trẻ ngả người trên trường kỉ, trong một căn phòng kiến trúc theo kiểu ngày ấy.
Tư thế trễ nải của nàng được cho là vay mượn từ Giorgione, người thầy của Tiziano, người đã vẽ một bức tranh Vệ nữ rất đẹp (“Vệ nữ Dresden”, hay “Vệ nữ ngủ”) gần 30 năm trước đó, nhưng hậu cảnh của bức tranh cho thấy đó là cảnh ngoài trời, một cách thể hiện phối cảnh rất phổ biến trong nhiều tác phẩm của các hoạ sĩ thời Phục hưng. Nhưng Tiziano đưa nàng vào nhà, cho nàng nằm trên giường, và đang nhìn ra phía người xem, tay đang nắm hờ một chùm hoa nho nhỏ, môi như gọi mời ái tình.
Chính tư thế ấy của nàng Vệ nữ, được nhiều nhà sử học cho là Tiziano đã lấy nguyên mẫu từ Angela Zaffetta, một trong những nàng kĩ nữ nổi tiếng nhất Venezia đầu thế kỉ 16 và từng ngủ với chính Tiziano, đã dẫn đến rất nhiều sự suy diễn.
Có nhà phê bình nghệ thuật cho rằng, đây là một tác phẩm dục tình. Nhà văn Mỹ Mark Twain thậm chí đã gọi đây là một bức tranh được “vẽ cho một nhà thổ”. Nhưng cũng có không ít người nhìn thấy trong bức tranh khá nhiều tầng ý nghĩa khác, mang tính tượng trưng nhiều hơn là chuyện tình dục.
Họ chỉ ra chi tiết con chó đang ngủ ở trên giường, phía chân nàng có lẽ tượng trưng cho sự chung thuỷ. Chi tiết chiếc rương lớn đựng quần áo mà 2 tì nữ đang mở để lấy y phục cho nàng cũng đáng chú ý, vì nó được trạm trổ rất công phu, cho thấy chủ nhân của chiếc rương không chỉ giàu có, mà còn có vị thế trong xã hội.
Do đó, lập luận được nhất trí nhiều nhất là, đây là món quà của công tước Guidobaldo cho người vợ trẻ Giulia Varano của mình.
Nó là một hình tượng thể hiện hôn nhân, mang ý nghĩa cả về tình dục, lòng chung thủy và sự sẵn sàng để làm mẹ.
Vệ nữ, nữ thần của tình yêu, chính là người mang thông điệp này. Ánh sáng và vẻ ấm áp của cơ thể nàng được Tiziano vẽ hoàn toàn tương phản với phông đen, do đó làm toát lên vẻ đẹp nhục dục của nàng.
Tiziano là vậy, rất giỏi trong việc đặt các màu sắc và ánh sáng bên cạnh những đường thẳng và đường cong tối màu, xen kẽ cùng với những chi tiết mềm mại và thô cứng trên bề mặt tranh, do đó làm cho tất cả trộn lẫn với nhau một cách hài hoà.
Tiziano (khoảng 1488-1576) được người đương thời gọi là “Mặt trời bên cạnh những ngôi sao nhỏ” là như thế. Bức “Vệ nữ thành Urbino” có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách vẽ phụ nữ khoả thân của nhiều thời đại khác, và là một trong những nguồn cảm hứng lớn cho bức “Olympia (1863) của hoạ sĩ hàng đầu của trào lưu Ấn tượng Eduard Manet…
Xem thêm:
- Chuyện về bà Lê Thị Ẩn – Nữ hoạ sĩ đầu tiên của Nam Kỳ
- ‘Diana sau khi tắm’ của Francois Boucher – Kiệt tác nghệ thuật Rococo
- Graffiti – Từ mỹ thuật tội lỗi đến hội họa hiện đại