Chúng ta có thể biết đến góc nhìn đạo diễn tinh tế của Lý An qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như Sắc, Giới, Ngọa Hổ Tàng Long, Brokeback Mountain hay Life Of Pi… Nhưng để biết đến khía cạnh con người và góc nhìn đời sống của vị đạo diễn này, hãy thử một lần xem Eat Drink Man Woman (1994) – Ẩm thực nam nữ – một tác phẩm dễ xem, dễ cảm, không quá “điện ảnh” nhưng vẫn rất Lý An.
Review phim Eat Drink Man Woman (1994) – Ẩm thực nam nữ
Toàn bộ nội dung của bộ phim đều được khái quát trọn vẹn trên phần tiêu đề Eat Drink Man Woman (Tạm dịch: Ẩm thực nam nữ). Chuyện ăn uống và chuyện nam nữ là hai cái lạc thú trong cuộc đời của con người. Giống như ẩm thực Trung Hoa lúc nào cũng phải hài hoà âm – dương, chuyện ăn uống và yêu đương nam nữ là sự gắn kết thường tình, là nhu cầu cơ bản trong đời sống mà thiếu đi một trong hai thì con người cũng đánh mất cái vui trọn vẹn, cuộc sống cũng trở nên mất phương hướng và thiếu cân bằng.
Cán cân đong đếm sự hài hoà giữa hai niềm lạc thú này cũng đang dần lệch đi hẳn trong gia đình ông Chu – một ông lão đầu bếp goá vợ đã đến tuổi về hưu và sống cùng ba cô con gái trưởng thành. Ông Chu thoạt ban đầu có vẻ là người đang mất đi cả hai niềm vui thú: người bạn già có thể cùng mình san sẻ cuối đời và vị giác – thứ “vũ khí” quan trọng của người làm đầu bếp. Những bữa ăn do chính tay ông nấu, dù tỉ mỉ đến từng chi tiết, dù thịnh soạn ba mâm bảy đĩa, đủ vị Trung Hoa nhưng suy cho cùng ông vẫn không cảm giác được niềm hạnh phúc trong mỗi bữa ăn do mình chuẩn bị. Ngay cả các cô con gái, trong bữa cơm tối cuối tuần của gia đình, cũng lén gọi đây là một bữa ăn “hành xác”, ai nấy nhìn nhau mặt lạnh hơn tiền!
Ba cô con gái thì mỗi người một vẻ, mười phân chẳng vẹn nỗi mười. Cô cả thì mang trong mình nỗi ám ảnh “gái lỡ thì” và áp lực về chuyện lấy chồng – sinh con đến nỗi phải cầu cứu nơi Thiên Chúa để trốn chạy xã hội. Cô út thì thoạt có vẻ ngoan ngoãn nhất nhà nhưng cũng đang tăm tia anh người yêu của bạn thân. Cô hai xuất hiện đầu phim như một chân dung phụ nữ kiểu mới hoàn hảo, có sự nghiệp, có tình yêu, có phương hướng cho cuộc sống của mình. Chính vì sắm cho cô hai “tấm áo choàng” thời đại mới như thế, Lý An đã khéo léo sắp đặt cho cô nàng là người đầu tiên đứng ra nói trong bữa ăn gia đình mình sẽ là người sớm chuyển ra khỏi nhà.
Nhưng nếu câu chuyện chỉ xoay quanh bàn ăn, sự thiếu thốn tình cảm nam nữ như thế thì chưa đủ gia vị cho bữa ăn thịnh soạn mà Lý An đã khéo léo lên khâu chuẩn bị trong suốt nửa đầu bộ phim. Bộ phim đã bóc trần một sự thật thú vị trong quan hệ gia đình Á Đông giữa thời đại chuyển giao từ cái cũ sang cái mới. Gia đình ông Chu vẫn cố gắng níu giữ nếp sống truyền thống là bữa cơm đoàn viên mỗi tuần, nhưng mỗi người trong nhà đều mang trong mình một bí mật riêng, một đời sống hiện đại với tư tưởng thoáng đến không ngờ. Mọi điều thầm kín đến đây bắt đầu được tác giả lật lên và bóc lớp lần lượt. Cô út nhỏ nhất nhà bạo dạn là người đầu tiên “ăn cơm trước kẻng”, xách vali rời khỏi nhà. Cô cả từ một người con gái truyền thống xoay ngoắt 180 độ, lột xác làm phụ nữ thành thục lôi ngay đồng nghiệp lên lễ đường. Lần lượt những người con gái, cứ ngỡ thiếu đi sự hài hoà nam nữ, bây giờ lại được lấp đầy và thay nhau rời khỏi tổ ấm. Đến phiên Ông Chu ở bữa ăn đoàn viên tề tựu đông đủ con rể, con gái, cũng mạnh dạn thông báo sẽ sống chung với cô hàng xóm tuổi xấp xỉ con mình.
Thú vị hơn cả là cô con gái hoàn hảo thứ hai trong gia đình, từ một người tưởng chừng như có tất cả lại trở về là một người “trắng tay”. Đây cũng là nhân vật được Lý An đầu tư công phu nhất về phát triển tâm lý, là “món ăn” đắt giá nhất trên bàn ăn của Lý An. Cô từ bỏ công việc hấp dẫn, cô cũng gạt đi ý định ra ở riêng để hoàn thành trách nhiệm truyền thống của mình. Dù mỗi thành viên lần lượt ra đi, cô hai vẫn lựa chọn ở lại bình thản. Tuy nhiên, trong chính khoảnh khắc này, cô lại được trở về với đam mê nấu nướng đã đánh mất bấy lâu. Dù cho ông Chu đã định hướng cô trở thành một hình mẫu phụ nữ mới, nhưng “cán cân” của riêng cô hai lại thiếu đi hương vị ẩm thực mà cô nhung nhớ. Đến đây, nhu cầu tận hưởng cuộc sống của cô mới thật sự trở nên vẹn toàn.
Cảnh đắt giá nhất với mình là khoảnh khắc cuối của bộ phim, khi ông Chu và cô hai ngồi lại với nhau trên bàn ăn gia đình. Ông Chu không tìm lại được vị giác ngay khi về sống với người mình thương mà kết quả phải đến sau đó, khi đã trải qua biết bao mâm cơm ông nấu cho người khác, lần này cuối cùng cũng đến lượt ông được thưởng thức món ăn không phải do tay mình làm. Đây là niềm vui của sự tận hưởng, là lạc thú mà ông Chu đã đánh mất bao nhiêu năm. Ông sống vì nghĩa vụ “gà trống nuôi con”, vì công việc tôi luyện nên tay nghề nhưng lại quên đi cảm giác chân thực được tận hưởng một món ăn.
Ăn uống và nam nữ là hai nhu cầu sống cơ bản của con người. Mất đi yếu tố nào cũng làm cho đời sống trở nên chệch hướng. Nhưng trên cả chuyện ăn uống và nam nữ là một nhu cầu tinh thần cao hơn cả chuyện thoả mãn thể chất, đó là cảm giác được hưởng thụ trong tình thương, điều khiến chúng ta trở thành “Người”.
Xem thêm:
- Review phim ‘5 centimet trên giây’: tình đầu khó phai
- Review phim ‘Tiếng chim hót trong bụi mận gai’: đơn giản là kinh điển
- Review phim Don Jon – Chàng sở khanh tốt số hay lý thuyết trò chơi trong tình ái
–
MENBACK.COM