Hồi mới ra trường, gặp mấy ông hay lý luận phản đối lại mình là nghĩ ngay, ông này với mình không hợp nhau. Gặp số khác thì chuyện vui như tết, thằng này nói thằng kia khen hay, mình quả quyết, đó là sự phù hợp, chắn chắn rồi!
Đến khi, một đứa khá thân, trong số phù hợp, rủ start up, thế là góp tiền, thành lập công ty, mình chỉ trong HĐQT không điều hành hàng ngày, vẫn đi làm thuê cho Mỹ. Bạn ấy điều hành công ty. Gần hai thập kỷ nay, với cổ đông, công ty luôn báo cáo lỗ hoặc không có lãi bao giờ, dù quân số tăng lên hàng trăm người.
Định nghĩa ngây thơ của mình về sự phù hợp sai cmn mất.
Ngày bình thường bạn chỉ nhìn thấy tính cách, ngày bất thường bạn mới biết được phẩm chất của một người.
Khi đi học ở Bắc Mỹ, lớp 30 người, đến từ 14 nước khác nhau. Học cả ngày với nhau từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7 hội thảo và Chủ Nhật họp nhóm hoặc tiệc tùng.
Lúc đầu không thoải mái vì khác nhau nhiều thứ. Dần dần, lại nhận ra, môi trường mỗi đứa một kiểu là môi trường rất sáng tạo, thể hiện qua các bài tập nhóm, dự án nhóm và cả đi chơi. Sau này làm việc cho các công ty nước ngoài càng cảm nhận được điều này.
Vậy phù hợp để làm việc là phải khác nhau!
Sáng tạo cần sự va đập của những ý tưởng khác nhau để ra ý tưởng mới. Nôm na là phải có cãi nhau, chứ hai thằng nghĩ giống nhau, thằng này nói, thằng kia gật đầu vỗ tay thì đi ra khỏi phòng họp vẫn chỉ có những ý tưởng giống như trước lúc đi vào phòng họp.
Phù hợp là phải khác nhau. Nghĩ thế, khi mấy ông chơi tennis thấy vui, rủ làm ăn, kinh doanh mình lại cười bảo, thôi nhậu và tennis với nhau là vui rồi… đụng vào chuyện kinh doanh lại mất bạn.
Sau này mình gặp một Sếp. Sếp là CEO, mình làm chiến lược. Họp hôm đầu tiên, thấy suy nghĩ rất khác nhau, chắc thú vị đấy, vì chuẩn luôn quan niệm về sự phù của mình lúc đó hihi…
Chỉ sau hai tháng, tổng kết được 6 chương trình kinh doanh, thì cả sáu Sếp và mình nghĩ khác hẳn nhau.
“Hợp quá” thế này thì căng.
Mình cũng muốn Sếp vui, nhưng oái oăm là không hứng thú gì với ý tưởng của ổng, có gì đó nuốt không trôi, nên không muốn nói ngược mà vẫn phải nói. Mình tôn trọng Sếp nhưng tôn trọng niềm tin của mình hơn, vì niềm tin là sự thật, thật với mình. Đếch chỉnh được!
Sau đó là tình trạng “tan chảy”, tức là gặp nhau không có gì để nói!. Nó không phải là sự tranh luận không có thống nhất, mà nó là sự không muốn cất lời. Nhưng cũng chính thời gian đó, mình ngộ được một số điều thú vị, rất thú vị.
Định nghĩa về người phù hợp là phải khác của mình sai cmn lần nữa.
Vậy như thế nào mới là phù hợp đây? Ngẫm lại hồi học với bạn bè từ 14 quốc tịch khác nhau kia, gặp nhiều người rất khác nhưng rồi sau lại thành ekip tốt. Hồi đầu, có thằng nó nói mình nghe hết mà đếch hiểu mấy, có thằng nó nói mình không nghe được nhiều mà vẫn hiểu, ngôn ngữ có vẻ không phải thứ quan trọng nhất để hiểu nhau, có cái gì khác hơn, mình nghĩ đó là văn hóa, là “gu” là how your mind speaks, how your heart beats.
Đúng vậy, mình cũng từng tranh cãi với các Sếp ở các công ty cũ như đã viết trong bài “cách cãi Sếp”. Nhưng đều dẫn đến thống nhất và tốt đẹp hơn. Lần này sao khác quá!?
Cuối cùng mình tìm ra điều khác biệt giữa hai tình huống trên, đó là điều bao trùm lớn hơn nhiều những thứ cụ thể về sản phẩm, dự án hay chính sách. Đó là niềm tin và giá trị!
Chung niềm tin và giá trị thì mọi sự cãi nhau chỉ là nhỏ, cuối cùng cũng sẽ đi đến một điểm thống nhất.
Do đó, người phù hợp để đồng hành là người nên khác mình nhiều thứ nhưng phải có cùng niềm tin, giá trị và tầm nhìn.
Người phù hợp của bạn thì sao?
Xem thêm:
- Trưởng thành đích thực là khi biết dọn sh*t trong hoan hỉ
- Lắng nghe: Hơn cả kỹ năng, đó là tôn trọng và yêu thương
- Khổ thật, khổ ảo, khổ khổ, nhưng chắc gì bạn đã khổ