Gian Lorenzo Bernini (1598-1680) là nhà điêu khắc vĩ đại bậc nhất thế kỷ XVII.
Có những bức tượng mà khi ngắm chúng, có thể bạn sẽ thấy rùng mình. Không phải vì sợ hãi, mà vì ngưỡng mộ và khâm phục người nghệ sĩ. Những khối đá rất cứng, không mềm như lụa, vậy mà dưới đôi tay của người nghệ sĩ điêu khắc, bỗng trở nên mềm mại, có hồn, có sức sống và cả cảm xúc.
Nhà điêu khắc vĩ đại bậc nhất ở thế kỷ 17, thời kỳ mà phong cách Baroque nhấn mạnh đến sự sự hào nhoáng, choáng ngợp và ấn tượng sâu sắc đang thịnh hành, là Gian Lorenzo Bernini (1598-1680), người đã để lại cho hậu thế những bức tượng như thế.
Ở nhà thờ Santa Maria della Vittoria (Đức mẹ chiến thắng) ở trung tâm Roma, Italia, có một quần thể tượng đã ghi dấu ấn của Bernini và được coi là một trong những tác phẩm để đời của ông.
Được thực hiện trong 5 năm, từ 1647 đến 1652 theo đơn đặt hàng của đức Hồng y Federico Cornaro để đặt bên ban thờ mộ của ông, “Sự ngất ngây của thánh Teresa” đã thể hiện một cách rất sinh động sự đê mê trên khuôn mặt của nữ thánh, trong tư thế đang hơi ngả người về phía sau, những nếp gấp của tấm áo choàng bằng đá mượt mà như vải, và Cupid, vị thần của tình yêu trong hình dáng của một đứa trẻ (đúng theo cách diễn giải của thần thoại La Mã), tay cầm một mũi tên, đang trìu mến nhìn bà mỉm cười.
Năm 1740, trong chuyến sang thăm Roma, học giả người Pháp Charles des Brosses đã thăm nhà thờ, và sau đó có một câu bình luận nổi tiếng về bức tượng:
“Nếu đây là tình yêu thần thánh thì tôi biết đó là cái gì rồi”.
Gần 3 thế kỷ sau, trong cuốn “Mật mã Da Vinci”, nhà văn best seller Dan Brown cũng lý giải theo cách của ông, rằng vì bức tượng này thể hiện một cảm giác đê mê mang tính nhục dục và đầy gợi cảm, nên nó không được đưa vào một nhà thờ nào đó gần Toà thánh.
Nhưng trên thực tế, không phải như Dan Brown đã suy diễn. Bức tượng ở đây bởi nhà thờ Santa Maria della Vittoria là của Carmel đi chân đất (hay Cát Minh Teresa), chính là dòng tu do thánh nữ Teresa d’Avila (1515-1582) người Tây Ban Nha lập nên, và Bernini, thấm nhuần cảm xúc tôn giáo, đã mô tả những gì mà bà đã viết trong cuốn tự truyện nổi tiếng của bà bằng những nét khắc đậm tính tâm linh.
Là người theo chủ nghĩa thần bí, tin rằng, cá nhân có thể hoà hợp với Chúa trời thông qua trực giác và sự xuất thần, thánh nữ Teresa d’Avila đã mô tả việc gặp một thiên thần “cầm cây giáo dài bằng vàng, mũi giáo rực lửa”.
Thiên thần đã đâm mũi tên đó vào trái tim bà và xuyên thấu cơ thể bà, “và khi mũi giáo được rút ra, tôi cảm thấy toàn thân rực lửa tình yêu với Thiên Chúa. Cơn đau ấy khiến tôi rên rỉ, nhưng cũng thật ngọt ngào khiến tôi không muốn từ bỏ”.

Đây chính là khoảnh khắc mà Bernini đã thể hiện trong bức tượng của mình, trong một câu chuyện mang tính thần thánh mà không nghệ sĩ lớn nào ở thời đại đó làm được.
Khối đá cẩm thạch rắn vô tri vô giác bỗng nhiên có tâm hồn, trong một bối cảnh đẩy kịch tính của cảm xúc, khi Cupid thì hân hoan, còn nữ thánh thì ngất ngây xuất thần, lớp vải áo chùng cũng như tha thướt.
Trong cuốn “Cuộc đời Bernini” xuất bản 2 năm sau khi Bernini mất, Filippo Baldinucci viết, “người ta ngỡ như chiếc đục của ông đẽo vào sáp chứ không phải vào đá cẩm thạch”.
Nếu bạn đã từng một lần nào đó bước vào nhà thờ này vào ban ngày, bạn sẽ thấy bức tượng được đặt ở một vị trí trung tâm và dưới ánh sáng tự nhiên soi rọi cho nó qua cửa sổ ở phía trên nhà nguyện. Và ở một bên, người nghệ sĩ thiết kế một nhóm 4 tượng, trong đó có tượng Hồng y Cornaro.
Họ đang tựa vào một bao lơn như thể đấy là một cái lô riêng của sân khấu, và họ đang vừa nói chuyện vừa ngắm bức tượng. Mình đã vào nhà thờ này mấy lần sau khi biết trong đó có một nhóm tượng của Bernini, mà Bernini lại là một trong số những nghệ sĩ Ý mà mình yêu thích nhất.

Tác phẩm của Bernini ở nhiều nơi trong thành phố Roma, là nơi ông mất. Một khu phố nơi ông từng sống ở gần ga Termini bây giờ vẫn có những tấm biển nhắc đến người con cũ vĩ đại của họ. Không quá lời khi nói, Bernini là người tô điểm cho Roma.
Các công trình của ông hiện có ở rất nhiều nơi ở Roma, từ đài phun nước 4 dòng sông ở quảng trường Navona, cái lọng bằng đồng đen che ban thờ thánh Peter ở Vương cung thánh đường Peter của Vatican, những hàng cột đá cao như hai cánh tay ôm lấy Quảng trường thánh Peter cùng hàng chục công trình điêu khắc, hội hoạ và kiến trúc khác, cho thấy ông là một con người toàn tài hiếm có. Ông là nhân vật chói sáng nhất của nghệ thuật Baroque.
Nhân nói đến sự ngất ngây của thánh Teresa, mình nhớ ngay đến một bức tượng khác của Bernini, bức “Chân phước Ludovica Albertoni” (thực hiện từ 1671 đến 1674). Đó mới thực sự là đỉnh cao trong việc khắc hoạ cảm xúc của nhân vật trên đá.

Khi bắt đầu dự án, Bernini đã 71 tuổi, nhưng những nét khắc của ông còn tinh xảo hơn bức tượng “Sự ngất ngây của thánh nữ Teresa”.
Khắc hoạ Ludovica Albertoni, người được Giáo hoàng Clement ban chân phước (hay còn gọi là á thánh) sau những năm tháng hoạt động không mệt mỏi vì người nghèo, Bernini mô tả bà đang nằm trên giường trong một trạng thái cực lạc, khi bà tìm thấy tình yêu với Thiên Chúa.
Bức tượng được đặt trên chiếc quách bằng đá có đặt thi hài bà, trong nhà thờ San Francesco a Ripa, Roma…