Họa sĩ người Pháp Edouard Manet đi vào lịch sử hội hoạ với bức “Olympia” và nhiều tác phẩm khác, và được gọi là “hoạ sĩ của đời sống hiện đại” với những nét vẽ đơn giản và dần thoát khỏi những chủ đề quen thuộc mang tính truyền thống hoặc ước lệ của thời đó để hướng đến những chủ đề về đời sống đương thời.
Khi bức tranh “Olympia” được trưng bày lần đầu ở salon nghệ thuật Paris năm 1865, nó đã gây ra những tranh cãi lớn và bị chỉ trích không thương tiếc. Đơn giản, bởi tác giả của bức “Olympia” này, Edouard Manet (1832-1883), một hoạ sĩ xuất sắc của trào lưu Ấn tượng, đã thách thức những phương pháp hội hoạ cũng như thị hiếu nghệ thuật thời đó bằng một cách biểu hiện hoàn toàn mới, thậm chí khiêu khích và đầy xúc cảm.
Tại sao bức “Olympia” của Edouard Manet lại gây ra những phản đối lớn như thế?
Trong bức tranh là một phụ nữ khoả thân đang nằm trên giường, có vẻ từ chối bó hoa có lẽ của một người hâm mộ mà người hầu gái da đen vừa mang tới. Nàng bình thản và có vẻ kiêu ngạo nhìn thẳng về phía chúng ta, những người đang ngắm bức tranh.
Trong cách tạo ra những mảng màu sáng tối của bức tranh khổ lớn (1m30 x 1m90), Manet đã khéo léo bố trí người hầu gái trong khoảng tối, một con mèo đen cũng trong vùng tối đó ở dưới chân nàng, người cong lên như thể nó đang muốn được vuốt ve, và vùng sáng nổi bật lên cơ thể loã lồ của nàng, khiến người xem không thể rời mắt khỏi nàng.
Phải chăng ý đồ của Manet là tạo ra một cảm giác rằng, chính chúng ta cũng là những khách hàng tiềm năng của nàng?
Bởi Olympia là tên bức tranh, nhưng cũng là tên gọi chung của các cô gái làng chơi ở Paris lúc bấy giờ. Rất nhiều chi tiết khác trong bức tranh củng cố thêm suy nghĩ về “nghề nghiệp” của nàng, như bông hoa lan cài trên tóc, chiếc vòng tay, chiếc khăn choàng với hoạ tiết phương Đông rất thịnh hành khi đó, đôi hoa tai ngọc trai, sợi dây đen trên cổ nàng và chiếc dép hững hờ ở chân nàng.
Mô tả một cô gái điếm như một nhân vật chính của bức tranh là điều gây sốc thực sự lúc đó, việc lấy những bức tranh về nàng Vệ nữ nằm trên giường như của Tiziano (bức Vệ nữ thành Urbino, 1538 hoặc 1538) làm cảm hứng cũng là điều gây tranh cãi, bởi trong khi tư thế nằm của nàng mang dáng dấp cổ điển thì thân phận của nàng lại chẳng có gì cao quý như nàng Vệ nữ, một hình mẫu đẹp đẽ kiểu nữ thần, mang tính lý tưởng về phụ nữ đương thời.
Trước “Olympia”, Manet đã từng gây tranh cãi với một bức tranh khác, “Le déjeuner sur l’herbe” (Ăn trưa trên bãi cỏ, 1863), vẽ hai người đàn ông (mặc quần áo) đang nói chuyện trên bãi cỏ, bên cạnh là một phụ nữ khoả thân đang nhìn về phía người xem.
Bức “Le déjeuner sur l’herbe” của Edouard Manet.
Nhưng “Olympia” gây sốc hơn, nên bị những người theo phong cách hội hoạ truyền thống và các nhà đạo đức coi là “thô tục”, vô đạo đức” và “nếu nó chưa bị phá huỷ thì đó là vì nó được nhà triển lãm bảo vệ”.
Người ta cũng sốc vì dễ dàng nhận ra gương mặt của người mẫu Victorine Meurent, cũng là một hoạ sĩ (Lúc làm mẫu cho Manet, Meurent mới 19 tuổi). Thời bấy giờ, người ta không quen với suy nghĩ rằng, người mẫu khoả thân cho một bức tranh lại là một gương mặt quen thuộc cũng có tác phẩm được trưng bày ở salon nghệ thuật Paris cùng với chính bức tranh này!
Manet đi vào lịch sử hội hoạ với bức “Olympia” và nhiều tác phẩm khác, và được gọi là “hoạ sĩ của đời sống hiện đại” với những nét vẽ đơn giản và dần thoát khỏi những chủ đề quen thuộc mang tính truyền thống hoặc ước lệ của thời đó để hướng đến những chủ đề về đời sống đương thời.
Chẳng hạn ở bức “Olympia”, Manet vẽ một cô gái điếm ở thời đại của ông chứ không ca ngợi một nữ thần hoặc một phụ nữ lý tưởng nào cả. Chính cách lựa chọn đề tài ấy, nhất là về phụ nữ khoả thân, đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ sau Manet.
Ông cũng thoát khỏi cách vẽ truyền thống lúc đó, sử dụng những mảng màu lớn, với những lớp màu đơn lẻ để tạo nên bức tranh, thay vì tạo ra những lớp màu chuyển tiếp giữa các mảng tương phản trong tác phẩm.
“Olympia” là một kiệt tác của hội hoạ Pháp thế kỷ 19, và cùng với “Le déjeuner sur l’herbe”, bức tranh đang được trưng bày ở bảo tàng d’Orsay ở Paris, Pháp. Một trong những lý do để tôi đến thăm bảo tàng này nhiều năm trước trong quãng thời gian lang thang ở Paris chính là bức “Oympia”…
Édouard Manet (1832 – 1883) là một họa sĩ người Pháp, một trong những họa sĩ đầu tiên vẽ các tác phẩm liên quan tới các chủ đề về cuộc sống hiện đại. Ông được con là một trong những nhân vật then chốt trong sự chuyển giao từ Trường phái hiện thực tới Trường phái ấn tượng. (Wikipedia)
Xem thêm:
- “Vệ nữ ngủ” – Tranh phụ nữ nằm khoả thân đầu tiên trong lịch sử hội hoạ phương Tây
- 11 tác phẩm của Picasso được bán với giá gần 110 triệu USD
- Mỹ thuật chân dung: Nơi lưu giữ nguồn cảm xúc vượt thời gian