Dự án vẽ minh họa tập truyện ‘Vang Bóng Một Thời’ của nhà văn Nguyễn Tuân do Võ Thành Trung thực hiện đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.
Võ Thành Trung (hay còn được gọi là Same hoặc Harusame) hiện là sinh viên năm 3 ngành kiến trúc của trường Đại học kiến trúc TP.HCM. Ngoài ngành học thì Trung có vẽ và nhận job tự do về vẽ minh họa, graphic từ hồi cấp 3. Mới đây, Trung đã chia sẻ dự án vẽ minh họa cho tập truyện ngắn/tùy bút ‘Vang Bóng Một Thời’ của nhà văn Nguyễn Tuân; và nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ độc giả.
‘Vang Bóng Một Thời’ cũng đánh dấu là lần đầu tiên Trung tự đề ra cho mình vẽ 1 dự án liền mạch. Trung cũng coi đó như một bước tiến trong quá trình vẽ/thực hành vẽ của mình.
Võ Thành Trung bắt đầu nghĩ về việc minh họa quyển ‘Vang Bóng Một Thời’ từ Tết vừa rồi. Trong quá trình đọc, Trung gặp phải khó khăn về việc hình dung một vài sự vật mà Nguyễn Tuân miêu tả trong sách; phần lớn là do ở thời này mình không biết đến những thứ đó nữa. Vậy nên Trung quyết định tra cứu tư liệu để minh hoạ lại cho sách.
Theo Trung, phần khó khăn nhất khi thực hiện dự án này là tìm kiếm tư liệu xác thực. Có nhiều chương sách mà ban đầu đọc thấy nội dung chính lạ lẫm, tìm tư liệu hình ảnh rất ít hoặc chung chung.
Có một chương trong sách viết về quy trình chế tạo “đèn xẻ rãnh” (theo bác Nguyễn Tuân thì nó lại một loại đèn lồng chơi trung thu, phức tạp hơn đèn kéo quân) mà Trung hoàn toàn không tìm được thông tin gì thêm ngoài phạm vi truyện, nên cuối cùng Trung phải bỏ không vẽ chương này.
Dự án vẽ minh họa truyện ‘Vang Bóng Một Thời’ được hoàn thiện trong khoảng 1 tháng rưỡi. Do phải vừa vẽ, vừa cân đối bài tập, đồ án sinh viên trên trường (mà đồ án kiến trúc thì không bao giờ là nhẹ cả) nên Trung đã phải lên kế hoạch, thời gian hợp lý nhất để có thể hoàn thành dự án nhanh chóng mà vẫn đảm bảo chất lượng.
“Mình yêu việc mình có thể vẽ cái gì đó, mình còn yêu hơn khi cái mình vẽ mang được thêm thông tin, văn hoá, kiến thức để lan rộng tới nhiều người.”
– Võ Thành Trung chia sẻ.
Dưới đây là các bức vẽ của Võ Thành Trung minh họa cho tập truyện ‘Vang Bóng Một Thời’ của nhà văn Nguyễn Tuân:
Chém Treo Ngành
Chém treo ngành là một kĩ nghệ tử hình thời phong kiến tại Việt Nam. Ở đây, đao phủ rèn được ngón nghề sao cho khi vung đao, nhát chém cắt ngọt đầu của tội nhân nhưng không rơi xuống đất, mà phải còn dính vào thân người bởi một lần da cổ thật mỏng.
Truyện ngắn ‘Chém Treo Ngành’ theo chân cuộc chém cuối cùng của ông Bát Lê – người mà (giả định) được cho là đao phủ cuối cùng còn thông thạo món kĩ nghệ này.
Note: những dòng thơ trong tranh minh họa là một phần trong bài tế của đao phủ ngâm trong lúc hành nghề, nhằm phủ định ân oán của 2 bên, và rằng họ cũng chỉ làm công việc được giao.
Những Chiếc Ấm Đất
‘Những Chiếc Ấm Đất’ là câu chuyện dưới góc nhìn của một nhà sư già về vị khách cúng dường thân quen mà sư coi là tri kỉ – cụ Sáu. Ông cụ Sáu với niềm đam mê bất tận với thú vui thưởng trà tàu, trà độc ẩm. Đi song song với cái thú đó là bộ sưu tập những ấm đất độc ẩm mà cụ coi là của báu cả đời.
Có thể thấy rằng uống trà tàu không chỉ là một thói quen, mà còn là cả một nghệ thuật thưởng thức, và với mỗi chiếc ấm đất là công cụ không thể thiếu trong công cuộc chinh phục đỉnh cao của bộ môn thanh đạm này.
Thả Thơ
Thả thơ cũng là một trò chơi khá thú vị mà Trung được biết qua tuyển tập truyện. Cách chơi trò thả thơ rất đơn giản nhưng đòi hỏi vốn am hiểu sâu và rộng về cổ thi (kho tàng thơ cổ đại), nhất là thi tập vào thời Đường, Tống.
Để quản một cuộc thả thơ, nhà cái trước tiên tìm hiểu và ghi chép nhiều câu thơ cổ vào những mảnh giấy kích thước một đôi đũa. Trong câu thơ thất ngôn, nhà cái thay 1 chữ bất kì bằng 1 vòng tròn, gọi là “chữ vòng”. Ngay phía dưới câu thơ, rải 5 chữ đều hợp ngữ cảnh khi thay vào chữ vòng, bao gồm cả đáp án, gọi là các “chữ thả”. Sau khi tất cả người chơi đều đặt cược đoán chữ xong, nhà cái thổi cho đầu giấy cuộn lật ra hết để lộ đáp án đúng ở cuối, gọi là “chữ giải”.
Có thể nói thả thơ là một canh bạc giữa những học sĩ tài phú. Sau cuộc thả thơ chẳng có ai thắng ai thua rõ ràng, mà mọi người tham gia đều thỏa mãn vì được ghé chân vào khoảng kiến thức thi ca cao thâm của cổ nhân.
Đánh Thơ
Đi đôi với truyện ngắn ‘Thả Thơ’ là chương truyện ‘Đánh Thơ’, cùng lấy chủ đề cuộc chơi bạc bằng thi ca văn phú. Ở ‘Đánh Thơ’, Nguyễn Tuân lại khắc họa trò chơi này ở góc nhìn thực tế hơn: là một nghề kiếm sống hẳn hoi, được hệ thống hóa (dù thô sơ) thành các khâu lọc thơ cổ, viết và cuộn giấy, quản trò theo từng kì… với mục đích kinh doanh.
Câu chuyện chính xoay quanh những cuộc quản trò đánh thơ hàng đêm dọc các tỉnh của 2 vợ chồng “con buôn” Mộng Liên và ông Phó Sứ. Đặt 1 ăn 3, cái danh của họ nức tiếng mọi nơi họ đặt chân đến.
Thật thì truyện này cũng không đặc biệt lắm so sánh với các truyện cùng tập. Được có 1 điều nó gây ghi nhớ cho mình là cái kết 2 vợ chồng trong 1 cuộc hoan lạc ở vách núi, ông Phó Sứ trúng gió nên chết yểu, minh chứng rõ cho chủ đề câu chuyện: những nhà nghệ sĩ sống và chết đều bằng những cách khác thường.
Ngôi Mả Cũ
Truyện viết về quá trình đi xem phong thủy để cải táng mộ bởi một thầy địa lý già cho 2 đứa con của một người bạn cũ. Trong câu chuyện này người đọc có thể nghiệm ra được cái tình, cái nghĩa giữa người trên và lớp dưới, giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Cả 2 đều dành cho nhau những sự trân trọng và cung kính nhất định bởi nhiều ràng buộc Nho giáo, mà đúng hơn là cái nghĩa dành cho nhau.
Truyện này thật ra có nhiều hướng để minh họa hay, do giới thiệu nhiều nếp văn hóa, nhưng Trung chọn hướng minh họa lại trận cờ tưởng của 2 người trẻ-già trên đường đi xem mộ.
“Cờ tưởng” là lối chơi cờ tướng mà không cần bàn cờ và quân cờ. Mọi nước đi thế cờ đều được dàn trong trí tưởng tượng của người chơi. Trung chọn vẽ lại nó vì chiếu theo diễn giải ban đầu của Nguyễn Tuân, mỗi câu chuyện trong tập văn này đều gửi gắm lại một thú chơi trên đà mất tích. Với Trung, cờ tưởng là thứ như vậy, ẩn trong vỏ bọc câu chuyện này.
Hương Cuội
Mọi việc dù nhỏ nhặt nhất nếu được thực hành bày bản và chỉn chu, đều có thể được coi là một cái kĩ nghệ. Trong trường hợp này, các sĩ phu Bắc Hà đã khéo léo nâng tầm thú vui ăn kẹo, nhấp rượu dù chẳng hề liên quan nhưng lại kết hợp nhẹ nhàng và nhuần nhuyễn trong một mâm thức gọi là tiệc rượu “Thạch Lan Hương”.
Để bày một bữa tiệc “Thạch Lan Hương”, người ta bọc những hòn đá cuội đẹp nhất, tròn trĩnh nhất bởi lớp kẹo mạch nha được nấu bằng mẻ lúa mới nhất. Sau đó, ướp mâm kẹo viên này bằng hương thơm của một giò hoa Mặc Lan mới chớm nở, qua một buổi đêm. Bữa tiệc được phục vụ vào những ngày đầu năm, khi hoa Lan đua nở trong ánh xế chiều, để tạo được khung cảnh nên thơ, lãng mạn, đủ sức lấp đầy khoảng tâm hồn háu cái đẹp của nhóm sĩ phu ngày ấy.
Chữ Người Tử Tù
“Chữ người tử tù” kể về Huấn Cao – lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa thất bại, bị triều đình bắt và kết án tử hình.
Trước khi được giải đến kinh thành để hành hình, bị đưa đến trại giam ở tỉnh Sơn. Viên quản ngục tỉnh Sơn nghe danh Huấn Cao là một người nổi tiếng là người có tài viết chữ đẹp nên ngưỡng mộ đã lâu. Khi kẻ tử tù đến trại giam, viên quản ngục đã đối xử biệt đãi, nhưng chỉ nhận được sự khinh bạc của Huấn Cao. Đến khi nhận ra được tấm lòng của viên quản ngục, Huấn Cao đã quyết định cho chữ.
Cảnh cho chữ diễn ra trong phòng giam chật hẹp và tối tăm, nhưng những nét chữ “rồng bay phượng múa” lại thể hiện cái chí lớn của một con người. Sau khi cho chữ, Huấn Cao khuyên viên quản ngục thoát khỏi nơi nhà lao, về quê để giữ lấy “thiên lương trong sáng”. Viên quản lục nghe xong lời khuyên của Huấn Cao cảm động, chắp tay vái lạy rồi nói: “Kẻ mê muội này xin lĩnh ý”.
Ném Bút Chì
“Bút chì” nhưng thật ra thứ được ném trong truyện là cái mai (xẻng) cuốc đất. Truyện viết về món kĩ nghệ ném mai trong khi cán mai còn được cột nối liền với 1 bên tay của người ném. Khi được ném đến đích cuối, người khiển mai có thể giật ngược mai lại để chuẩn bị cho lần ném tiếp theo.
Ném bút chì trong truyện ngắn cùng tên kể về cái tài ba, điêu luyện của những tên cướp khi sử dụng thành thạo kĩ thuật này cho việc tổ chức đánh cướp một nhà giàu. Truyện cho rằng đây là kĩ thuật chiến đấu tầm xa bình dân hiệu quả ở thời này, chỉ sau súng ngắn Tây.
Chén Trà Trong Sương Sớm
Một truyện ngắn nữa viết về thú vui thưởng trà tàu (chè tàu) của bậc sĩ lâm. Cùng với truyện ‘Những Chiếc Ấm Đất’, truyện ‘Chén Trà Trong Sương Sớm’ góp phần khẳng định tầm quan trọng của việc biết và tận hưởng cái thanh đạm của mỗi cử trà sáng đối với người có học.
Báo Oán
Chương truyện tái hiện lại cảnh thi cử, sĩ tử, quan trường cuối đời nhà Nguyễn – cụ thể là khoa thi Trạng cuối cùng ở đời nhà Nguyễn. ‘Báo Oán’ đặc biệt tập trung đọc giả vào 1 tục lệ/ quy trình đặc biệt khi tổ chức 1 khoa thi: đọc sớ báo oán. Quan coi thi ở mỗi trường thi, trước khi học trò tiến trường, sẽ đọc một bài tấu sớ để thỉnh các vong ma cô hồn có oán thù với bất kì sĩ tử nào có mặt trong danh sách thi, cốt để quấy phá không cho họ thi cử được đàng hoàng. Đây được coi là một phép sàng lọc cơ sở, để đảm bảo không có quan Trạng nào đỗ đạc mà thừa tài, thiếu đức.
Trong truyện ngắn, người học trò – nhân vật chính – tiến trường với nghiệp oán từ đời người cha truyền lại, nên đã bị một vong hồn bồng con hiện về phá lều, mọi cách không cho tham gia việc thi cử suôn sẻ.
Trên Đỉnh Non Tản
Truyện cuối cùng trong quyển sách, cũng là truyện có yếu tố kì ảo nhất.
‘Trên Đỉnh Non Tản’ kể về một làng nghề thợ mộc sống ngay dưới chân núi Tản Viên, nơi mà mỗi 5 10 năm, thánh thần non Tản – người dân quen gọi với tên là Sơn thần, Sơn Tinh – sẽ hạ sơn một lần, nhằm tìm cho mình một toán thợ mộc, thợ đẽo đá tài tình nhất để trùng tu lại gia trang của mình nơi đền Thượng ở tít trên đỉnh cao nhất ngọn núi. Câu chuyện là chuyến hành trình của 1 nhóm thợ mộc được chọn để tu sửa và thăm thú cái thần kì của nơi chốn tiên cảnh, nhưng mãi mãi không được hé môi về những gì mình thấy, vì nếu không sẽ phạm lời thề với Sơn thần và nhận cái chết đau đớn.
Xét tổng thể mục đích của truyện, cá nhân Trung đánh giá chương truyện được viết để giới thiệu về ngón nghề chàng đục gỗ nhà rường, nhà gian ngày xưa. Vì đã từng được học qua về kiến trúc và kết cấu nhà rường dân gian, Trung hiểu được giá trị nghệ thuật của công việc này, và Trung tin đó cũng là những gì Nguyễn Tuân muốn kể lại thông qua một câu chuyện giả tưởng kì ảo.
Sắp tới đây, Võ Thành Trung dự định sẽ vẽ thêm các dự án về văn hoá, con người Việt Nam, hoặc cũng có khi là về pop culture, chúng ta hãy còn đón xem những tác phẩm của họa sĩ trẻ này nhé.
Tạ Huy Long và giá trị mỹ thuật truyền thống trong dòng chảy đương đại
Các giá trị xưa, văn hoá xưa được Tạ Huy Long đưa vào cuộc sống hiện đại một cách tự...