Tại sao chúng ta không còn cảm thấy một bức tranh đẹp có giá trị gì nữa, khi nó bị phát hiện là giả mạo, sao chép, cho dù bản chất vật lý của bức tranh không thay đổi? Điều gì đã xảy ra với tâm lý của người xem bức tranh đó?
Ellen Winner là giáo sư tâm lý của Đại học Boston College, nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình Project Zero ở Đại học Harvard, và là tác giả quyển How Art Works: A Psychological Exploration (Nghệ thuật tác dụng như thế nào: Một khám phá về tâm lý).
Trong một bài viết cho tạp chí trực tuyến về nghệ thuật và khoa học Aeon vào tháng 4-2021, bà đã đưa ra những lý giải thú vị cho những băn khoăn bấy lâu của không ít người yêu nghệ thuật.
Kết nối với họa sĩ
Kịch bản thứ nhất: Bạn đang chăm chú xem bức Tự họa 1659 của Rembrandt trong phòng triển lãm Nghệ thuật quốc gia ở Washington, DC thì lại được bảo rằng nó thực chất được tạo ra từ một cỗ máy deep-learning đã tiếp thu phong cách của Rembrandt thông qua việc xem các tác phẩm của họa sĩ này. Bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy có gì đó mất đi. Thứ đó là cái gì?
Kịch bản thứ hai: Hàng ngàn hình vẽ phủ trên gần tám dặm vách đá vừa được tìm thấy sâu trong vùng rừng Amazon, ước tính có niên đại cách đây khoảng 12.500 năm. Những hình vẽ này mô tả cảnh con người nắm tay nhau nhảy múa và nhiều loại thú nay đã tuyệt chủng đã gây chú ý đặc biệt cho dư luận. Ngắm nhìn trực tiếp những hình vẽ ấy trên đá sẽ rất thú vị, nhưng nếu đó hóa ra lại là một trò bịp, chúng ta sẽ không còn thấy ly kỳ gì nữa, khi nghĩ rằng những người đã tạo ra mấy cái hình đó chỉ là những kẻ như chúng ta.
Đưa ra hai kịch bản trên, nhà tâm lý học Ellen Winner, trong bài viết Changed by art (Bị nghệ thuật làm thay đổi) trên tạp chí Aeon, đặt ra vấn đề cơ bản về niềm đam mê nghệ thuật của chúng ta: Tại sao ta lại bị cuốn hút vào các tác phẩm nghệ thuật? Vì vẻ đẹp của chúng, hẳn là thế, nhưng đó không phải là tất cả, như đã thấy qua các kịch bản về tư duy nêu trên.
Là một nhà tâm lý học có niềm đam mê và sự am hiểu nghệ thuật, Winner đã đưa ra những phân tích khoa học đầy thú vị: “Tôi cho rằng chúng ta bị thu hút vào các tác phẩm nghệ thuật vì chúng kết nối chúng ta khá trực tiếp với tâm trí tưởng tượng của họa sĩ. Chúng ta tin rằng người nghệ sĩ đã gửi gắm ý nghĩa nào đó vào trong những gì họ tạo ra. Và vì thế, mỗi khi chúng ta xem thứ gì đó là nghệ thuật, chúng ta tự động tìm hiểu mục đích và ý nghĩa của nó”.
Trong trường hợp những tác phẩm của Rembrandt, nhà tâm lý học cho rằng người xem tranh của ông sẽ cảm thấy như đang đọc thông điệp mà họa sĩ thiên tài từ thời xa xưa này gửi đến mình.
Những nét cọ cho thấy cánh tay họa sĩ đã chuyển động thế nào và cách cánh tay ông chuyển động cho thấy tâm trạng của ông khi đang tạo ra những hình ảnh đó.
Các bức tự họa của Rembrandt thể hiện một tâm trạng tự xét và việc họa sĩ đã nhận ra mình thay đổi thế nào qua năm tháng.
Với những hình vẽ trên đá ở Amazon, ta cũng có những phản ứng tương tự. Chúng ta cố gắng hình dung các họa sĩ thời tiền sử nghĩ gì, cảm thấy gì và có ý gì khi vẽ.
Vấn đề của tranh giả
Năm 1994, một nhà sưu tập giàu có ẩn danh đã đưa đến phòng tranh Knoedler uy tín ở New York ít nhất 40 bức của những họa sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ 20: Mark Rothko, Jackson Pollock, Robert Motherwell, Franz Kline, Clyfford Still và nhiều người khác.
Choáng ngợp trước các tác phẩm và việc nhà sưu tập nọ nói rằng bà không quan tâm đến tiền mà chỉ muốn bán số tranh đó đi, phòng tranh Knoedler đã mua tất cả với chỉ vài triệu USD, cho dù thiếu các giấy tờ trong hồ sơ tranh. Knoedler sau đó đã bán đấu giá số tranh này và thu về 70 triệu USD.
Nhưng trong khi một vài chuyên gia nghệ thuật đánh giá rằng những tác phẩm này trông có vẻ rất thật, những người khác thì không nghĩ vậy. Từng chút sự thật dần lộ ra, khi một số chuyên gia nhận thấy vài chất màu thời sau lại xuất hiện trên một số bức tranh thời trước.
Cuối cùng, người đã bán số tranh kia cho Knoedler là Glafira Rosales, vào năm 2013 đã tự thú trước tòa rằng những bức tranh này do một họa sĩ Trung Quốc tên là Pei-Shen Quian ở thành phố New York, vẽ ra rồi làm cũ bằng nước trà và máy hút bụi, bán với giá 9.000 USD/bức…
Câu hỏi là nếu ban đầu những người mua số tranh nọ cảm thấy các bức tranh kia là đẹp mê hồn thì sao lại phải để tâm đến việc chúng là đồ giả chứ? Một lý do hiển nhiên là việc bức tranh mất đi giá trị: Thứ từng có giá triệu đô chẳng còn đáng giá gì khi bị phát hiện là giả.
Một khả năng khác, theo Winner, là bức tranh không còn được xem là đẹp khi người ta thấy màu tiêu cực của sự gian lận và vô đạo đức tràn lấp hết vẻ đẹp mỹ thuật của bức tranh.
Nó ngược với trường hợp làm sang mà nhà văn Arthur Koestler từng phân tích vào năm 1964, về cách mà một người bạn của ông, sau khi biết rằng mình đang có một bức vẽ xịn chứ không phải là một bản in hàng loạt, đã treo bức tranh lên tường nhà ở nơi dễ gây chú ý nhất như thế nào, cho dù bức tranh về mặt vật lý chẳng có gì thay đổi cả.
Nhưng chúng ta cũng không thích đụng phải tranh giả trên tường bảo tàng, thứ ta chẳng sở hữu và chắc chắn việc này cũng chẳng liên quan gì đến chuyện làm sang. Vậy tại sao chúng ta không thích tranh giả?
“Nếu các tác phẩm nghệ thuật thực sự có mối liên hệ mật thiết với những gì chúng ta hình dung là cái tâm trí đã thực sự tạo ra chúng, vậy việc sao chép hay làm giả những bức tranh, dù chất lượng có cao đến thế nào, cũng không có ấn tượng mạnh với chúng ta như tranh thật. Các bản tranh chép do người khác, chứ không phải Rembrandt thực hiện, không cho chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đang tương tác trực tiếp với tâm trí của Rembrandt”, Winner phân tích.
Một thí nghiệm tâm lý
Ellen Winner từng thực hiện một thí nghiệm: Một bức tranh được chép lại hai bản, một bản do chính họa sĩ – tác giả bức tranh tạo ra, một bản do trợ lý của họa sĩ tạo ra, họa sĩ chỉ ký tên lên.
Những người tham gia thí nghiệm được cho xem hai bản tranh chép và được nói rõ đâu là bản do họa sĩ thực hiện và đâu là bản do trợ lý thực hiện. Họ cũng được thuyết phục rằng việc có các trợ lý làm ra tác phẩm cho họa sĩ nổi tiếng là rất phổ biến trong thế giới nghệ thuật và được yêu cầu đánh giá đạo đức của người sao chép để đảm bảo rằng người tham gia không đánh giá thấp về đạo đức của việc sao chép.
Bằng cách này thí nghiệm đảm bảo rằng cả hai bức tranh chép có giá trị ngang nhau cả về giá trị và đạo đức. Kết quả, “những người tham gia thí nghiệm đã đánh giá bản chép của họa sĩ sáng tạo hơn, nguyên bản hơn và ấn tượng hơn so với bản chép của trợ lý”, Winner kể.
Cả hai bức đều là bản sao, vậy dựa trên cơ sở nào bản sao hoàn hảo của trợ lý vẫn xấu hơn bản sao hoàn hảo của họa sĩ? Lời giải thích của nhà tâm lý học là mọi người luôn tin rằng – cho dù khá vô lý – họa sĩ đã “nhuộm” tác phẩm bằng “bản chất” của mình trong lúc sáng tác, ngay cả trên bản chép lại, và bản chất này không có trên bản chép của trợ lý.
Nhà tâm lý học Paul Bloom đã từng viết về loại niềm tin vô căn này trong mối quan hệ với cái mà ông gọi là bản chất luận, một lý thuyết giải thích sự ưu ái của chúng ta với các đối tượng có lịch sử đặc biệt.
Niềm tin rằng một số vật thể có bản chất nội tại giải thích cho sự ưu ái của chúng ta đối với các vật thể có giá trị tình cảm: Nếu tôi mất nhẫn cưới của mình, tôi sẽ không hoàn toàn hài lòng với việc thay thế bằng một cái y chang vậy; nếu một đứa trẻ mất con gấu bông cũ rách, nó sẽ chẳng thấy nguôi ngoai khi được tặng một con gấu bông mới.
“Trong trường hợp một tác phẩm nghệ thuật, niềm tin vào bản chất của họa sĩ là thứ cho chúng ta cảm thấy chúng ta đang kết nối với tâm trí của họa sĩ”, Winner luận giải.
Nhà khoa học cũng bình luận: “Sự tôn sùng của chúng ta dành cho các nguyên bản đã hình thành một dạng cực đoan đầy ngớ ngẩn trong cơn cuồng mới đây dành cho NFT, khi các nhà sưu tập và các nhà giao dịch chi hàng đống tiền cho việc sở hữu độc quyền một tác phẩm nghệ thuật số mà bất cứ ai cũng có thể tải về miễn phí”.
Tập tin kỹ thuật số thì không có bản gốc nên các họa sĩ giờ có thể xác nhận bất cứ tập tin nào là bảo sao gốc duy nhất và kiếm bộn tiền. Liệu đây là một thú chơi chóng tàn hay là một cách mới để hình thành cảm giác có kết nối với tâm trí của nghệ sĩ digital? Giáo sư Elle Winner nhận xét rằng: “Thời gian sẽ trả lời”.
Theo Mai Mai Hương / Tuổi trẻ cuối tuần
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK