Trong công việc, các lãnh đạo và quản lý nên theo đuổi hình mẫu thương hiệu cá nhân nào?
Theo ông Nguyễn Đức Sơn, chuyên gia chiến lược thương hiệu, chủ tịch Học viện Thương hiệu Plato, sẽ có 4 hình mẫu thương hiệu cá nhân lý tưởng đối với lãnh đạo & quản lý như sau đây.
Hình mẫu thương hiệu cá nhân
Xây dựng thương hiệu cá nhân (personal brand) có nhiều điểm tương đồng về nguyên lý & phương pháp luận với thương hiệu doanh nghiệp (corporate brand) và thương hiệu sản phẩm (product brand). Với quản trị thương hiệu nói chung, tìm kiếm một hình mẫu (archetype) để theo đuổi là công việc quan trọng.
Trong một dự án tư vấn chiến lược thương hiệu, hình mẫu & tính cách thương hiệu là nội dung hay nhưng khó, trừu tượng nhưng lại hiển diện rất thường xuyên ở khâu triển khai về truyền thông, dịch vụ bán hàng, và thiết kế brand identity.
Bản chất trong mỗi con người chúng ta đã manh nha có một hình mẫu nào đó. Ban đầu là một hình mẫu con người tự nhiên sinh ra đã vậy rồi. Người có bản năng sáng tạo, người thích khám phá, người có năng lực quan sát, người bản tính vui nhộn hay người từ bé đã có tư chất lãnh đạo. Lớn lên, hình mẫu những con người này có thể thay đổi theo môi trường gia đình, xã hội và nơi chúng ta làm việc, quốc gia chúng ta sống. Và đối với lãnh đạo & quản lý, hình mẫu hình thành không chỉ vì yếu tố khách quan tự nhiên. Hình mẫu còn được phát triển có chủ đích vì mục tiêu công việc, vì sứ mệnh của tổ chức mỗi cá nhân gánh trên vai.
Các nhà tâm lý học đã dành thời gian để viết hẳn những bộ sách đồ sộ, dày công nghiên cứu về hình mẫu thương hiệu. Có lẽ nổi tiếng nhất là “The Hero & the Outlaw – Building extraordinary brands through the power of archetypes” với 12 hình mẫu mô tả rất chi tiết. Thực ra việc lựa chọn hình mẫu cụ thể, theo tôi chỉ mang tính chất tương đối. Việc một người nhìn thấy mình ở một vài hình mẫu là chuyện bình thường. Một doanh nghiệp ẩn chứa một vài hình mẫu cũng không có gì lạ. Nhưng một người, một thương hiệu, cuối cùng nên chỉ đại diện cho một hình mẫu mà thôi.
Vậy trong công việc các lãnh đạo & quản lý nên theo đuổi hình mẫu nào? Theo tôi có 4 hình mẫu lý tưởng đối với lãnh đạo & quản lý như sau đây.
4 hình mẫu lãnh đạo lý tưởng
Đây là những hình mẫu tôi phát triển dựa vào thực tế quan sát và làm việc với nhiều nhóm lãnh đạo & quản lý doanh nghiệp khác nhau. Mỗi hình mẫu đều có các hình mẫu tương tự phổ biến trong các tài liệu tâm lý học & marketing phổ biến của nước ngoài.
The KINGSMAN – Hình mẫu Quý Ông
– Lý tưởng sống: Đam mê chinh phục thử thách
– Năng lực cá nhân: Giỏi giao tiếp, thích ứng nhanh
– Tính cách thể hiện: Lịch lãm, Tinh tế, Sáng tạo.
– Tính cách né tránh: Nhạt nhẽo, Nông cạn, Hèn nhát
– Hình mẫu cùng nhóm: Creator, Lover, Explorer
– Ví dụ: Harrison Ford (Diễn viên), Bill Clinton (Tổng thống Mỹ), David Beckham (Cầu thủ bóng đá).
The MASTER – Hình mẫu Nghệ Nhân
– Lý tưởng sống: Trí tuệ cứu rỗi thế giới;
– Năng lực cá nhân: Làm chủ tình huống;
– Tính cách thể hiện: Kiêu hãnh, Quảng giao, Hài hước ngầm;
– Tính cách né tránh: Tụt hậu và dốt nát;
– Hình mẫu cùng nhóm: Expert, Thinker, Scholar;
– Ví dụ: Thomas Edison (nhà khoa học), Plato (Triết gia Hy Lạp), Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT).
The GAME-CHANGER – Hình mẫu Lãnh đạo tiên phong
– Lý tưởng sống: Sinh là để làm chủ cuộc chơi;
– Năng lực cá nhân: Tầm nhìn xa & sức mạnh dẫn dắt đội ngũ;
– Tính cách thể hiện: Quyết đoán, Mạnh mẽ, Năng động;
– Tính cách né tránh: Yếu đuối, Ba phải, Thiếu hiểu biết;
– Hình mẫu cùng nhóm: Ruler, Pioneer, Executive;
– Ví dụ: Julius Caesar (Roma), Elon Musk (Tesla), Phạm Nhật Vượng (Vingroup).
The COUNTRYMAN – Hình mẫu Người Phục vụ
– Lý tưởng sống: Hạnh phúc khi được cống hiến;
– Năng lực cá nhân: Kết nối & thích nghi với mọi hoàn cảnh;
– Tính cách thể hiện: Chân thành, Hiểu biết, Tự tin;
– Tính cách né tránh: Xô bồ, khoe mẽ, cơ hội;
– Hình mẫu cùng nhóm: The Servant;
– Ví dụ: Howard Schultz (Starbucks), Hecto (trường ca Ilias), Carlo Ancelotti (HLV bóng đá).
Dù có ý thức hay trong vô thức, cuối cùng nhà lãnh đạo đứng đầu sẽ giống nhất một kiểu người nào đó. Không có kiểu người nào tốt hơn kiểu người nào. Không có hình mẫu nào ưu việt hơn hình mẫu nào.
Lựa chọn hình mẫu thương hiệu cá nhân
Có 3 câu hỏi quan trọng để mỗi người lãnh đạo có lựa chọn phù hợp hình mẫu cho riêng mình:
- Hình mẫu lựa chọn có khiến lãnh đạo thoải mái? Nếu không thoải mái, sẽ không được lâu.
- Hình mẫu vì mục tiêu gì? Nếu không có mục tiêu, dù là mục tiêu phát triển cá nhân hay mục tiêu công việc, lựa chọn hình mẫu sẽ không mấy ý nghĩa.
- Hình mẫu theo đuổi có khả thi? Không có gì tự nhiên đến nếu không nỗ lực, nhưng lựa chọn gần với năng lực cá nhân sẽ khả thi hơn nhiều.
Tôi cũng theo đuổi một trong 4 hình mẫu trên. Không phải để chứng tỏ điều gì. Đơn giản thấy phù hợp và có cảm hứng.
I am a Countryman by all means.
Tìm hiểu 3 phẩm chất lãnh đạo giúp Lưu Bang có được thiên hạ.
–
MENBACK.COM