Tôi luôn nói, chỉ cần có triết lý bán hàng nhân bản, nhân văn, doanh nghiệp đã có cơ hội thành công rất cao.
Những triết lý bán hàng mà tôi đề cao, thường xuyên chia sẻ cho mọi người có thể trái ngược với những điều các bạn từng học, từng đọc, từng nghe, và từng áp dụng.
Tuy vậy, nhiều người từng thất bại vì áp dụng các triết lý bán hàng được nhồi nhét bởi các chuyên gia theo trường phái thực dụng, ăn xổi, ở thì, có lối tư duy “chạy số”, sau khi áp dụng các triết lý bán hàng được tôi chia sẻ đã có được thành công, và thành công vượt bậc.
Kinh doanh tưởng lãi nhưng tính ra lại lỗ, hãy đọc bài viết này: Cách tính lợi nhuận bán hàng của bạn liệu đã đúng?
Những triết lý bán hàng ngược đời đó là gì? Hãy đọc và suy nghĩ thật kỹ, đừng vì thấy lạ mà nghi ngờ nhé!
9 triết lý bán hàng ngược đời:
1. Bán hàng không phải là bán sản phẩm, bán lợi ích hay bán giải pháp. Bán hàng là ‘trao giá trị’. Giá trị đó phải ‘dương’ (lớn hơn không) và ‘cao hơn’ đối thủ.
2. Đừng dùng chiêu trò để lấy cho được một đơn hàng hay ký cho bằng được một hợp đồng. Hãy hướng đến khách hàng trọn đời, hãy để cho khách hàng là bạn đồng hàng suốt đời.
3. Đừng cố bán; hãy giúp khách hàng mua!
4. Đừng bán thứ tốt nhất; hãy bán thứ phù hợp!
5. Hãy đưa khách hàng làm nhân vật chính trong câu chuyện thương hiệu. Hãy giúp họ nhìn thấy hình ảnh, tâm tư, câu chuyện của chính họ trong câu chuyện của thương hiệu.
6. Chốt sales không phải là đóng mà là mở – mở ra một mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Chốt sales không phải là chốt bán; mà là làm sao cho khách hàng tự nguyện chốt mua!
7. Hãy từ chối bán hàng cho khách hàng, hãy chấp nhận mất một đơn hàng nếu biết rằng món hàng của mình không đáp ứng đúng nhu cầu của họ. Hãy dám chỉ cho họ đi mua nơi khác!
8. Hãy lấy hết rủi ro của khách hàng về mình. Hãy làm cho rủi ro của khách hàng bằng không khi mua hàng của mình. Đừng đẩy rủi ro của mình cho họ.
9. Hãy giáo dục cho nhân viên hiểu, bất kỳ ai trong công ty cũng là người bán hàng, cũng có đóng góp quan trọng trong quá trình bán hàng. Hãy ghi nhận công lao của họ vào kết quả bán hàng và làm cho họ ý thức được trách nhiệm của mình trong bán hàng và xây dựng thương hiệu.
Hãy luôn nhớ rằng, phải “chốt sales” bằng cách “chốt tình cảm”, “chốt cảm xúc” tích cực trong lòng khách hàng ‘ngay từ khâu đầu tiên’ (khi khách hàng tiếp xúc đầu tiên với bất kỳ ai (bảo vệ, tiếp tân…), chứ không phải chỉ chằm chằm chốt ở khâu cuối cùng!
Còn rất nhiều triết lý bán hàng “đi vào lòng người” khác mà bạn có thể chưa nghe ở đâu, nhưng tôi sẽ luôn chia sẻ. Những triết lý này không phải “từ trên trời” hay từ lý thuyết (chẳng có sách vở, trường lớp nào dạy cả), mà được đúc kết từ thực tiễn, nên hãy trân trọng chúng, đừng coi thường!
Ở một bài viết khác trên Menback hướng dẫn cách chọn quà tặng khách hàng: Nên tặng khách hàng quà gì ý nghĩa, hiệu quả mà không tốn kém
–
MENBACK.COM
Theo: chuyên gia Nguyễn Hữu Long
Ảnh: Engelvoelkers.