“Khi làm việc mình thích thì anh có đỡ stress hơn không?”, bạn gái tôi quay sang hỏi, khi tôi đang ngồi tranh thủ đọc thêm một vài tài liệu cho bài viết sắp tới. Cô là sinh viên mới ra trường, đang làm ở công ty đa quốc gia, một trong những tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới, ở một vị trí đáng mơ ước vốn không dành cho sinh viên mới ra trường.
“Không”, tôi bảo, “chỉ là em sẽ chấp nhận nó một cách tốt hơn”.
“Không thoải mái”.
Tôi, hay nói đúng hơn là chúng tôi, những người làm ở MB, đã được nghe câu hỏi này khá nhiều lần. Phần lớn bạn bè tôi đều là những người giỏi, du học sinh, nghiên cứu sinh, quản lý ở nhiều công ty/tập đoàn lớn… Cứ dăm bữa nửa tháng lại nghe tin ai đó vừa được nhận vào thực tập ở Morgan Stanley, ai đó vừa kết thúc kỳ thực tập của mình ở Google, ai đó vừa hoàn thành luận án tiến sĩ, ai đó vừa được lên cấp quản lý ở VTV.
Tuy vậy, bất kể rằng họ đã hoàn thành trọn vẹn giấc mơ điển hình nhiều người ao ước, một số người vẫn không thực sự tìm thấy cái kết tốt đẹp “từ đó sống hạnh phúc mãi về sau”, hay ít nhất là cảm giác thoải mái, như họ đã luôn kỳ vọng sẽ tìm thấy chúng từ khi bắt đầu. Thế nên cứ có dịp gặp lại, sau khi biết rằng tôi vẫn bám trụ ở MB, họ lại hỏi:
“Thế khi được làm công việc yêu thích, có cảm thấy thoải mái hơn không?”.
Tôi không thực sự hiểu rõ thứ cảm giác “không thoải mái” mà bạn mình vẫn đề cập trông ra sao, để có thể xác nhận xem liệu làm việc ở MB có “thoải mái hơn” hay không. Nhưng nếu sự thoải mái nghĩa là ít áp lực, ít âu lo, ít bận tâm, việc nhẹ, lương cao, hạnh phúc, sung sướng… thì chắc chắn là không. Nhưng đúng là có một lý do đặc biệt nào đó khiến tôi vẫn cảm thấy thư giãn với việc ngồi đọc những thứ đại loại “Điều gì khiến một số người luôn hoài nghi nền y học” lúc 9h tối, thay vì xem Netflix. Và đúng là có một lý do nào đó khiến tôi chưa bao giờ chán việc nghĩ về công việc, cũng như chưa bao giờ cảm thấy lười biếng vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm.
Còn về chuyện áp lực, tôi nghĩ theo đuổi công việc mình yêu thích sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn, vì chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến những gì mình tạo ra, và chịu trách nhiệm nhiều hơn với những người mình làm cùng. Lúc nào cũng vậy, thứ gì ta càng quan tâm, sẽ càng gợi nhiều cảm xúc và thu hút nhiều sự chú ý, và vì vậy, càng ảnh hưởng mạnh hơn.
Có lẽ những người đã tạo nên MB hiểu rõ về thứ cảm giác “không thoải mái” mà bạn tôi vẫn thường đề cập. Như anh L đã quyết định từ bỏ vị trí giám đốc, lương tháng ổn định vài chục củ, để cùng anh M, cũng ở vị trí leader, lương tháng vài chục củ, bắt đầu hành trình đốt tiền, lên voi xuống chó cùng team. Họ đã chấp nhận từ bỏ sự ổn định tài chính, gom góp tiền tiết kiệm trong nhiều năm đi làm, cầm cố nhà cửa đất đai… để làm những gì mình ưa thích và theo đuổi những giá trị mình đề cao. Tất nhiên toàn bộ rủi ro này đi kèm với kỳ vọng về thành công trong tương lai, đây không phải trò trẻ con. Nhưng tôi nghĩ có thể cảm giác “không thoải mái” trong quá khứ cũng giữ một vai trò nào đó.
Cuối năm ngoái, chúng tôi có viết bài thông báo sẽ ngừng làm dịch vụ, vốn là hoạt động kiếm tiền chính nuôi sống MB từ trước đến nay, lý do chính cũng vì cảm giác “không thoải mái” bắt đầu xuất hiện, và chúng tôi không tạo ra MB chỉ để bắt đầu một công việc “không thoải mái” như thế. Vì nếu vấn đề chỉ là tiền, vậy anh L anh M chẳng cần phải đánh đổi nhiều đến thế ngay từ đầu, cũng như tôi chỉ cần theo đuổi một sự nghiệp bằng bạn bằng bè nào đó là xong.
Dấn thân theo đuổi lý tưởng là điều quan trọng, tôi cảm thấy thế, quan trọng không chỉ với bản thân, còn nhằm trở thành nguồn cảm hứng cho những người khác.
Cho đến hôm nay, có lẽ MB luôn được kỳ vọng là một nơi “thoải mái”, vì thỉnh thoảng tại khu uống trà, chúng tôi vẫn đón tiếp những người bạn cả lạ lẫn quen, vốn đang có sự nghiệp thành công, đến để than phiền về “cuộc sống tư bản mệt mỏi”. Quan sát những người vốn thường xuyên than phiền dù họ đang có sự nghiệp đáng mơ ước, và việc MB quyết định dừng hoạt động dịch vụ dù đó là hoạt động kiếm tiền chính và đang ăn nên làm ra, tôi thấy rằng có khoảng cách rất lớn giữa công việc gợi niềm cảm hứng và những việc “làm cho xong”. Một khoảng cách đủ lớn để khi công việc không còn ảnh hưởng đến nhu cầu sống còn căn bản nữa, tiền bạc sẽ chẳng thể lấp đầy nổi.
Để tiện hình dung, với tôi nó giống với sự cách biệt giữa việc nấu ăn và việc phải rửa bát đũa lúc sau đó vậy. Rời khỏi cơ quan và đối mặt với sự thật rằng mình còn phải làm rất nhiều việc mới đến đoạn có cái bỏ bụng ắt hẳn chẳng phải điều dễ dàng gì, nhưng ít ra sự giải trí trong việc suy nghĩ xem hôm nay sẽ nấu gì, và vậy thì cần mua những gì; niềm cảm hứng khi đi loanh quanh trong siêu thị, cảm giác mát lạnh lúc cắt từng thớ thịt, mùi thơm từ các loại gia vị khi tiếp xúc với nhiệt; yêu cầu về việc phải tập trung vạch ra kế hoạch sao cho có thể nấu 3 món với ít thời gian nhất có thể và sự kiên nhẫn chờ đợi đến đúng thời điểm; cảm giác kỳ vọng và mong chờ đến lúc ngồi xuống thưởng thức thành quả của mình… vẫn tốt hơn chuyện rửa bát, ở tất cả mọi mặt.
(Tốt hơn đến mức tôi dành cả đoạn cho việc nấu ăn còn rửa bát còn chưa đến một câu, như bạn vừa thấy đấy).
Khi còn bé, tôi thực sự đã đổi tất cả mọi thứ có thể với anh trai của mình để đổi lấy từng buổi rửa bát (vốn đã được bố mẹ xếp lịch), đôi lúc là vài món đồ chơi, đôi lúc là một tuần quét nhà hay đôi lúc khác là một món đồ quý hiếm nào đấy trong game. Tất cả mọi thứ, ngoại trừ việc rửa bát. Cảm giác tuyệt vọng khi nhìn vào đống bát đĩa trước khi bắt đầu, hàng loạt câu hỏi hiện sinh chán chường dạng “what am I doing with my life” nảy ra trong lúc vô thức làm đi làm lại những thao tác nhàm chán quen thuộc hay khoảnh khắc thở phào nhẹ nhõm sau khi xong việc và sự đau khổ khi nhận ra rằng mình lại phải tiếp tục lặp lại nó vào hôm sau, hôm sau rồi hôm sau nữa… đôi lúc còn lớn đến mức khiến tôi phải từ bỏ công việc mình ưa thích là nấu ăn.
Tôi chưa bao giờ đánh giá cao bất kỳ công việc bắt buộc, lặp đi lặp lại nào mà cảm xúc tích cực duy nhất nó đem lại cảm giác “thở phào nhẹ nhõm” mỗi khi xong việc, và cho đến nay việc duy nhất khiến tôi cảm thấy như vậy là rửa bát.
Sẽ thật tệ nếu sự nhẹ nhõm là tất cả những gì tích cực nhất chúng ta có được với những việc bắt buộc như đi học hay đi làm, tôi nghĩ. Cảm thấy nhẹ nhõm mỗi khi xong việc, cũng đồng nghĩa rằng ta phải đối mặt sự đau khổ khi gặp lại việc ấy vào hôm sau. Sống chung với chúng từ ngày này qua ngày khác có lẽ chẳng phải trải nghiệm dễ dàng gì.
Tha hóa lao động.
Tất nhiên sẽ có người thích rửa bát, không như tôi, cũng như có người sẽ thích những công việc mà bạn bè tôi vẫn thường than vãn. Thứ tôi muốn nhấn mạnh là mặc dù chúng ta có thể làm được nhiều thứ, nhưng luôn tồn tại một số việc đem đến sự hài lòng, hứng thú và những việc khác ta chỉ làm vì bắt buộc, để cảm thấy nhẹ nhõm. Nếu phần lớn hoạt động trong ngày, như đi làm hay đi học, chỉ vì bắt buộc phải làm và phần thưởng tích cực duy nhất là cảm giác nhẹ nhõm, vậy sẽ khó có thể tiếp tục học, làm, hay thậm chí, sẽ khó có thể cảm thấy ưa thích việc tồn tại được.
Mặc dù đúng là một số người vẫn thích rửa bát, một số người khác vẫn thích những công việc dạng lặp đi lặp lại, nhưng phần lớn chúng ta không thích rửa bát, và có một số kiểu nghề nghiệp sẽ tạo ra cảm giác chán ghét thăng tiến theo thời gian, khó có thể cảm thấy hạnh phúc nếu phải gắn bó cả đời với chúng. Theo Karl Marx, đó là những nghề đã bị tha hóa.
“Tha hóa”, nghĩa là một sự xa rời trong một mối quan hệ mà lẽ ra phải là gắn kết. Như bố mẹ phải gắn kết với con cái của mình, Marx cho rằng người lao động phải gắn bó với những sản phẩm họ đã tạo ra, cũng như gắn bó với trạng thái “bản thân đang làm việc” vốn chiếm phần lớn thời gian chúng ta đối mặt với chính mình khi tỉnh táo.
Theo lý thuyết về tha hóa lao động, cấu trúc xã hội phân tầng đã tạo ra nhiều nghề nghiệp xa lạ với bản chất con người, và vì vậy, con người sẽ dần cảm thấy bản thân tách rời khỏi công việc của mình. Sự tha hóa này chính là nguyên nhân chính khiến người lao động chán ghét công việc của mình. Marx cho rằng, trong xã hội tư bản, con người thường được kỳ vọng và nhìn nhận như một cỗ máy xử lý công việc, thay vì là một “người”. Do vậy, người lao động sẽ không thể nhìn thấy bản thân đang làm việc và tận hưởng niềm vui từ việc đó, mà chỉ nhìn thấy một bản ngã xa lạ đang thực hiện những tác vụ lặp đi lặp lại trong một quy trình. Vì vậy, họ sẽ dần cảm thấy bớt gắn bó với “bản thân đang làm việc”, và thích tận hưởng lúc “bản thân đang không làm việc” hơn.
Sự tha hóa lao động có liên quan mật thiết đến việc mối quan hệ giữa người lao động và công việc ngày càng xa cách. Người lao động không được quyền quyết định sản phẩm mình làm ra trông như thế nào, quy trình làm việc ra sao, họ cũng chẳng giữ bất kỳ mối quan hệ gắn kết nào với những gì mình đã tạo ra. Vì sản phẩm cuối cùng và quy trình làm việc đã được đặt ra ngay từ đầu, cách người lao động tư duy khi làm việc, cũng như những thao tác vật lý họ sẽ triển khai, về cơ bản đã được quy định bởi người chủ lao động.
Chẳng hạn, nhân viên tiếp thị qua điện thoại dường như học thuộc lòng các kịch bản khi nói chuyện với khách hàng, và họ không thực sự cảm thấy bản thân đang nói trong lúc làm việc. Hay nhân viên ngân hàng cũng nắm rõ quy trình khi khách giao dịch, các thao tác của họ cũng nằm trong một khuôn khổ nhất định, không có quá nhiều biến cố hay tình huống ngoại lệ yêu cầu họ phải tư duy. Hàng loạt những nghề khác cũng tương tự, điều này cũng đúng ngay cả khi bạn đã ở cấp quản lý. Sự lặp đi lặp lại các hoạt động nghèo nàn này, kết hợp với việc thành quả lao động biến mất dường như ngay lập tức sau khi quá trình lao động diễn ra, phần lớn người lao động chọn cách quên đi “bản thân trong lúc làm việc”, đồng thời gắn bó hơn với “bản thân trong lúc nghỉ ngơi” vốn gắn liền với những hoạt động cơ bản như ăn uống, giải trí – nhưng đem lại cảm giác tự do và thỏa mãn hơn.
Sự tha hóa lao động đôi lúc còn lớn đến mức người ta đã quá quen với hình ảnh bản thân như một công cụ thực hiện các tác vụ được giao bởi người khác, không còn hướng đến sự tự chủ trong công việc, dần trở nên lệ thuộc vào quy trình và mệnh lệnh của cấp trên.
Marx cho rằng xã hội trước khi đạt đến trạng thái lý tưởng, tình trạng tha hóa lao động sẽ luôn diễn ra, đặc biệt trong thời kỳ tư bản.
Những cỗ máy chất lượng cao.
Tôi mặc dù không kỳ vọng quá nhiều vào “xã hội lý tưởng”, cũng như không hoàn toàn đồng ý với Marx, tuy vậy, dựa trên những gì cảm nhận và quan sát, lý thuyết tha hóa lao động của ông phần nào đó đáng để suy ngẫm.
Quả thực, một trong những lý do khiến MB quyết định dừng dịch vụ làm video cho khách hàng vì chúng tôi không được phép quyết định sản phẩm cuối cùng trông ra sao, quy trình hợp tác như thế nào, cũng như mối quan hệ với những gì mình tạo ra quá mờ nhạt. Với những khách hàng phổ biến, tức không phải những khách hàng chuyên nghiệp tốt tính hiếm có khó tìm, mọi thứ nhìn chung khá tệ. Trật tự của tư bản về cơ bản là nghiêng về phía những người bỏ tiền ra. Vì vậy, dù chúng tôi mới là người hiểu sản phẩm của mình nhất, cũng như những yếu tố chuyên môn khác, hay quan trọng hơn cả là người trực tiếp trải qua hàng loạt cảm xúc trong quá trình làm sản phẩm, về sau cùng luôn phải làm theo ý khách hàng. Các đợt chỉnh sửa liên tục ngày càng khiến sản phẩm cuối cùng khác xa khỏi những gì chúng tôi kỳ vọng, và sự chú tâm với chúng cũng giảm dần, dẫn đến việc chúng tôi chỉ còn muốn làm cho xong, và tất cả những gì nhận được sau mỗi dự án chỉ là sự nhẹ nhõm.
Tôi vẫn thường nghe các bạn sinh viên nhiệt huyết nói rằng rất mong sớm được ra trường, làm việc, học hỏi kinh nghiệm, để ứng dụng vào cuộc sống và thay đổi xã hội. Nhưng thật tiếc, phần lớn những kinh nghiệm làm việc chỉ hữu ích cho bản thân công việc ấy và không thực sự giúp ích cho đời sống cá nhân. Nếu như công nhân phải làm đi làm lại các tác vụ đơn giản, như may áo, sắp xếp hàng hóa – và dần bị thay thế bởi máy móc; thì sinh viên tốt nghiệp đại học (đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ) cũng được kỳ vọng sẽ làm những công việc y vậy, chỉ là có mức độ phức tạp khác.
Tôi đã chứng kiến nhiều người tài giỏi, sau khi tốt nghiệp, rốt cuộc chỉ trở thành một kiểu điều phối dữ liệu chất lượng cao, lo việc sắp xếp dữ liệu lên các phần mềm đồ sộ, trong lúc vẫn chưa có công cụ nào khác tiến bộ hơn thay thế. Như nhân viên ngân hàng vốn là người quyết định thông tin nào sẽ được nhập vào đâu trong hệ thống tài chính thế giới, đảm bảo tối thiểu sai lệch. Hay tham gia vào chuỗi logistics, vẫn chỉ là tư duy để sắp xếp dữ liệu vào đúng chỗ vào những phần mềm lớn ghi lại các chứng từ cần thiết cho từng giao dịch bên trong hệ thống giao thương quốc tế. Rất nhiều nghề nghiệp yêu cầu trình độ đại học có tính chất tương tự, rất khó để tránh khỏi sự tha hóa. Theo đuổi chúng, chỉ có thể phấn đấu lên cấp quản lý để bắt đầu tự chủ và sáng tạo hơn, nhưng số vị trí quản lý so với số người muốn được leo lên đó lại dẫn đến một bài toán bất cân xứng phức tạp khác.
Tất nhiên, có nhiều người thích những công việc dạng quy trình như thế này, nhưng chắc chắn không phải tất cả mọi người đều phù hợp với chúng, ngay cả khi có thể sẽ kiếm được thu nhập khá ổn định. Vì tôi đã gặp nhiều người bạn bè liên tục than vãn dù đã đạt mức “thành công” của xã hội, và vì MB đã được lập nên từ 2 người có công việc ổn định thu nhập cao, có thể tạm kết luận rằng tiền chưa bao giờ là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho sự hài lòng.
Việc có cảm thấy thoải mái khi nhìn nhận bản thân trong công việc hiện tại không mới là yếu tố quan trọng, tôi nghĩ thế. Vì vậy, bất kể rằng nhiều người chọn cho mình chiến lược kiếm tiền và xây dựng cuộc sống riêng phong phú, cảm giác “không thoải mái” mỗi khi đi làm vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm sống.
Như Marx đã nói, trước khi xã hội tiến đến trạng thái lý tưởng (mà vốn chẳng ai biết liệu có tồn tại một trạng thái như vậy hay không), những hoạt động sản xuất bên trong nó đều bị tha hóa ở nhiều mức độ. MB tất nhiên cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Tuy vậy, được tạo dựng nên với kỳ vọng trở thành nơi làm việc đáng mơ ước, chúng tôi cũng hạn chế tối đa những yếu tố khiến mọi người dần cảm thấy xa lánh với công việc. Chẳng hạn, dù vẫn làm việc theo quy trình và các tiêu chuẩn nhất định, chúng tôi luôn hướng tới việc mọi người vẫn có một vùng rộng để tự do sáng tạo, tự do đề xuất ý tưởng và cảm thấy gắn kết với những sản phẩm mình đã tạo ra – từ viết, vẽ, dịch cho đến dựng video. Tất nhiên vẫn còn nhiều thứ cần phải làm, nhiều vấn đề cần giải quyết, để hướng tới “trạng thái lý tưởng” của riêng MB; tuy vậy, việc biết rằng có những thứ chưa ổn cần cải thiện vẫn tốt hơn chấp nhận hàng loạt thứ tiêu cực với lý lẽ “đời là thế”.
Khi làm việc ở MB, tôi cảm thấy như mình đang nấu ăn, hơn là rửa bát, và có lẽ việc chưa bao giờ tự hỏi “liệu có tồn tại một công việc thoải mái hơn và đỡ mệt mỏi hơn không” đã là một tín hiệu tốt.
Nếu được chọn, tôi mong bạn cũng chọn loại công việc mà về sau cùng, thứ tích cực nhất nhận được không chỉ là tiền và những cú thở phào nhẹ nhõm mỗi khi xong việc. Bạn sẽ cần một công việc mà mỗi khi hình dung đến bản thân trong lúc đang làm việc, lại thấy một hình ảnh gần gũi, quen thuộc, sống động, đáng ngưỡng mộ và thú vị; hơn là một hình ảnh xa lạ, trống rỗng và thiếu vắng bản sắc, một hình ảnh mà bạn luôn muốn từ chối tin rằng đó là mình.
Nhưng liệu chúng ta có được quyền chọn?
Bài viết hữu ích
Làm điều mình thích: cái bẫy lớn của một cuộc đời bất hạnh
Cách huỷ hoại 1 đứa trẻ nhanh nhất là để chúng làm những gì chúng thích. Liệu chúng ta có...
Read moreDetailsDe Rossi và cái kết đẹp cùng AS Roma
De Rossi và cái kết đẹp cùng AS Roma, một bài viết ngắn đầy ý nghĩa của tác giả Vũ Trung...
Read moreDetailsReview phim Man On Fire: “Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải làm bạn với cháu”
"Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải làm bạn với cháu" - Vệ sỹ John Creasy nói với...
Read moreDetailsReview phim Định mệnh (The Poanist 2002): có những số phận được quyết định bởi sự tình cờ ngoài mọi toan tính
Bài viết review nội dung bộ phim The Pianist (2002). Phim được giải Oscar về đạo diễn xuất sắc nhất...
Read moreDetails–
TẠP CHÍ MENBACK