Bạn thường nghe tôi nói “gốc của quản trị là niềm tin ở con người”, đúng không?
Google là công ty lớn, siêu siêu lớn và họ có niềm tin lớn lao vào nhân viên của mình. Mỗi khi có 1 nhân viên yếu kém, họ sẽ dồn rất nhiều sức lực, nguồn lực để giúp nhân viên đó tiến bộ (thay vì sa thải).
Ok, tôi đưa ra ví dụ về Google thì khó ai mà cãi được, cùng lắm chỉ nói là “thì họ giàu họ mưới làm được thế”.
Vậy tôi cho bạn ví dụ ngay: Amazon, họ nổi tiếng với chế độ làm việc hà khắc. Nếu tôi không nhầm, ông chủ Amazon tin rằng về cơ bản nhân viên có xu hướng lười đi.
Vậy đấy. Không phải cứ coi trọng nhân viên thì mới thành công. Ở bất kỳ quy mô nào, bạn cũng có thể tìm thấy 2 công ty đối ngược nhau như vậy.
Điều tôi muốn nói ở đây là, bạn không cần phải cố gắng bắt chước, làm theo, cố gắng tin một ai, một cách thức hay xu hướng nào cả.
Cái mà bạn cần tin là bản thân mình, sau đó hành động nhất quán với chính bản thân mình. Bạn phải thật sự nhất quán nhé, chứ không phải lúc thế này lúc thế kia.
Ví dụ: Bạn coi rằng tiền là thứ mạnh mẽ nhất tạo ra động lực làm việc của nhân viên.
– Nhất quán: bạn tạo ra cơ chế thu nhập lũy tiến, làm nhiều ăn nhiều làm ít ăn ít, làm rất ít thì ăn phạt, không làm được thì cho nghỉ ngay lập tức. Bạn đặt ra các phần thưởng kếch xù cho những người đạt hạng nhất nhì ba của công ty, để làm động lực cho nhân viên dành lấy. Bạn cắt bỏ ngay lập tức mọi bộ phận, mọi cá nhân không sinh lời, ngay lập tức. Bạn đưa ra đãi ngộ lớn gấp 2 đối thủ để kéo bằng được nhân viên giỏi về. Phải nhất quán đến mức nếu công ty gặp khó khăn, bạn lập tức cắt bỏ phân nửa nhân sự để công ty an toàn.
– Thiếu nhất quán: mỗi khi tài chính công ty suy giảm, bạn than vãn tại sao nhân viên không cùng mình nỗ lực khi khó khăn, mọi khi công ty làm ăn tốt nhân viên đã được nhiều rồi cơ mà, sao bây giờ không giúp công ty; nhân viên rời bỏ công ty vì công ty khác trả thu nhập gấp rưỡi, bạn cho rằng nhân viên thiếu trung thành, bất nhân; nhân viên tuột dốc động lực khi bạn giảm bớt phần thưởng, bạn cho rằng nhân viên đòi hỏi quá đáng và tham lam. Như thế là bạn hành động thiếu nhất quán.
Tôi không kể ra những điều trên để nói rằng quan điểm về tiền là chủ đạo thì không tốt. Người giàu nhất thế giới Rockefeller, nếu quy đổi ra thời đai này có hơn 400 tỷ usd, giàu gấp đôi người giàu nhất bây giờ. Ông ta yêu tiền đến mức không bỏ tiền ra để chuộc cháu về, và khi đã mất ông ta còn không cho con gái thừa hưởng. Ông ta cực kỳ yêu tiền và ông ta giàu nhất thế giới. Yêu tiền một cách nhất quán, hơn cả con và cháu.
Chỉ cần bạn nhất quán với niềm tin của mình, tôi tin bạn sẽ thành công và luôn vui vẻ với công việc.
Còn tôi, tôi đã từng yêu tiền và sau đó cảm thấy không ổn. Bây giờ, tôi là kiểu sếp coi trọng nhân viên. Nó chỉ là lựa chọn thôi, không phải là tốt đẹp gì đâu.
Xem thêm:
- Đừng coi thường những người sống ‘yên phận’
- Vượt qua nỗi sợ hãi để sống hạnh phúc và bình an
- Liệu bạn có xứng đáng với những gì bạn đang mong muốn?
–
MENBACK.COM