Bạn muốn làm việc ở Google nhưng chưa biết quy trình tuyển dụng của gã khổng lồ công nghệ này như thế nào. Bài viết này là chia sẻ thực tế của anh Lê Văn Thành, một người đã làm việc tại Google – sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về chính sách tuyển dụng của Google và những kinh nghiệm phỏng vấn xin việc ở đây.
“Tỷ lệ chọi để vào Google cao gấp 25 lần đại học Harvard, Yale hay Princeton. Trung bình mỗi năm Google nhận được 2 triệu đơn xin việc, trong khi chỉ tuyển vài nghìn”. – Work Rules – Laszlo Bock.
Nếu biết điều này sớm có thể tôi đã chẳng dám nộp đơn. Sau hơn 1 tháng, trải qua nhiều vòng phỏng vấn tôi may mắn nhận được job offer. Chứng tỏ một điều rằng ngoài tuyển dụng những người tài năng thì Google tuyển cả tôi – một người bình thường hay chia sẻ rất nhiều yêu thương.
I. Triết lý tuyển dụng của Google
Triết lý tuyển dụng của Google là tìm kiếm những người tử tế làm điều đúng đắn, muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn để cùng thực hiện sứ mệnh “sắp xếp thông tin của thế giới, làm cho nó trở nên hữu ích và ai cũng khai thác được”
Thế giới có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để trở nên tốt đẹp hơn, mà các vấn đề này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Vì vậy, Google đánh giá rất cao khả năng giải quyết vấn đề, xoay xở trong những tình huống mơ hồ không thực sự rõ ràng. Yếu tố này sẽ được đánh giá xuyên suốt quá trình phỏng vấn. Vòng phỏng vấn GCA để đánh giá năng lực này là 1 nét đặc trưng trong tuyển dụng của Google.
Theo Bock, phó chủ tịch cấp cao phụ trách nhân sự của Google, để theo đuổi triết lý này, Google đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng rất cao và không bao giờ thoả hiệp. Google sẵn sàng đợi rất lâu để tuyển được ứng viên thực sự phù hợp chứ không vội tuyển chỉ vì đang rất cần người.
Google cũng loại bỏ quyền tuyển nhân viên khỏi quản lý trực tiếp. Quản lý có tham gia phỏng vấn và đánh giá ứng viên như những người khác. Toàn bộ đánh giá về ứng viên trong tất cả các vòng phỏng vấn sẽ được chuyển đến Hội đồng tuyển dụng (Hiring Committee) độc lập để xem xét.
Các ứng viên được đánh giá một cách khách quan bằng các cuộc phỏng vấn được thiết kế theo một cấu trúc chặt chẽ với các tiêu chí được xác định rõ ràng. Trước mỗi vòng phỏng vấn, bạn Recuiter (nhân sự) sẽ hướng dẫn cho ứng viên chi tiết về mục đích vòng phỏng vấn tiếp theo, những ai sẽ tham gia phỏng vấn, họ đánh giá theo các tiêu chí nào và ứng viên cần chuẩn bị những gì.
II. Quy trình phỏng vấn tuyển dụng của Google
Quy trình tuyển dụng của Google sẽ có 5 vòng phỏng vấn:
1. Phỏng vấn qua điện thoại – Phone Screen (30′)
Nhân sự liên hệ trao đổi với ứng viên qua điện thoại để đánh giá sự phù hợp, kỳ vọng của hai bên, giải thích về quy trình tuyển dụng và bước tiếp theo.
2. Phỏng vấn chuyên môn – Technical Screen (45′)
Một người thuộc team sẽ phỏng vấn để đánh giá sơ bộ về chuyên môn, hiểu biết của ứng viên trong lĩnh vực đang ứng tuyển.
3. Phỏng vấn chuyên sâu – RRK (Role-Related Knowledge) (75′)
Một nhóm những người ở vị trí mà ứng viên đang ứng tuyển sẽ phỏng vấn. Họ sẽ đánh giá chi tiết, chuyên sâu về kiến thức, kinh nghiệm của ứng viên liên quan đến công việc. Điều này nhằm đảm bảo ứng viên có khả năng đáp ứng được công việc nếu được nhận vào.
4. Phỏng vấn tình huống – GCA (General Cognitive Ability, 45′)
Đây là vòng phỏng vấn đặc trưng nhất của Google. Người phỏng vấn (trường hợp của mình là Sếp trực tiếp) sẽ đưa ra những tình huống giả định để đánh giá khả năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề của ứng viên.
5. Đánh giá sự phù hợp văn hóa – Leadership và Googleyness (45′)
Giống như các cuộc phỏng vấn ở nhiều công ty khác, người phỏng vấn sẽ hỏi về các tình huống thực tế mà ứng viên đã trải qua để đánh giá năng lực, tính cách, khả năng lãnh đạo, và hoà hợp văn hoá.
Sau mỗi vòng phỏng vấn, Recruiter sẽ báo kết quả cho ứng viên trong vòng 2 ngày. Nếu vượt qua tất cả các vòng trên, một gói hồ sơ về ứng viên bao gồm CV, các câu hỏi và câu trả lời của từng vòng phỏng vấn, các đánh giá của từng người đã tham gia phỏng vấn sẽ được chuyển đến cho Hội đồng tuyển dụng xem xét.
Từ đây, ứng viên không phải làm gì nữa, chỉ việc thư giãn hoặc hồi hộp để đợi kết quả thôi. Việc còn lại là của Google.
Nội bộ Google còn thực hiện thêm các vòng sau:
- Hiring Committee
- Executive Review
- Compensation Committee
- Final Executive Review
- Offer
Diễn tả thì dài vậy thôi, chứ quá trình phỏng vấn nhanh lắm. Tháng 8 mình bắt đầu thì Tháng 9 đã có offer. Lâu nhất là việc sắp xếp thời gian phỏng vấn để phù hợp với những người tham gia.
Có người nghĩ Google to thế, chế độ tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, mới làm như vậy. Thực ra, Google áp dụng chiến lược này từ những ngày đầu startup, khi đó các chế độ đãi ngộ còn rất thấp so với các công ty lớn khác. Nhờ vậy, công ty đã tuyển được rất nhiều nhân sự quan trọng giúp Google lớn mạnh như ngày hôm nay.
Về cơ hội việc làm tại Google, các bạn có thể xem trên trang tuyển dụng của công ty tại: https://careers.google.com/.
Có một cuốn sách rất hữu ích để tìm hiểu về triết lý tuyển dụng của Google là “Work Rules!” của Laszlo Bock, phó chủ tịch cấp cao phụ trách Nhân sự của Google, các bạn nên đọc.
Work Rules! – Laszlo Bock
III. Kinh nghiệm trả lời câu hỏi phỏng vấn GCA của Google
Có 1 thời Google hay phỏng vấn bằng những câu hỏi kiểu như là: “Số nguyên tố đầu tiên có 10 chữ số trong chuỗi chữ số liên tiếp của e”. Sau khi giải được câu đố trên bạn sẽ được gợi ý truy cập vào trang có địa chỉ là dãy số đó với đuôi dotcom.
Tại đó bạn sẽ nhận được câu hỏi tiếp theo: “Chúc mừng, bạn đã vượt qua vòng 1. Hãy truy cập trang Linux .com với tên đăng nhập là B***. Mật khẩu là câu trả lời của bài toán sau…”. Nếu giải đúng được câu hỏi trên bạn sẽ nhìn thấy màn hình chúc mừng của Google kèm đường link để nộp CV.
Google đã từng thuê hẳn 1 biển quảng cáo trên đường cao tốc để đăng câu hỏi 1 nhằm tìm ra được ứng viên có tố chất tốt. Chiến dịch đó tốn kém không ít tiền và đã tuyển được chính xác là 0 người phù hợp.
Thật may, sau đó Google cũng như nhiều hãng công nghệ khác đã loại bỏ kiểu hỏi “đánh đố” như trên. Vì họ nhận ra hiệu quả của kiểu phỏng vấn đó không cao. Giả sử tìm được một ứng viên “Sherlock Homes” giải được câu đố, cũng không lấy gì đảm bảo người đó sẽ thành công trong môi trường làm việc ở công ty. Vì ngoài tư duy logic, IQ cao, còn cần EQ, các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, và nhiều kỹ năng khác.
Thay vì các câu hỏi hóc búa, Google sử dụng bài phỏng vấn GCA (General Cognitive Ability) để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xoay sở và phong cách làm việc của ứng viên.
Họ sẽ hỏi những câu hỏi về tình huống giả định kiểu như là “Giả sử bạn phụ trách mở một trung tâm đào tạo ở VN. Bạn sẽ chọn Thành phố nào và kế hoạch ra sao?”
Nếu trước đây bạn từng có kinh nghiệm mở một trung tâm đào tạo CNTT cho công ty cũ rất thành công. Thế là ngay lập tức bạn đưa ra đáp án ví dụ là “nên mở trung tâm đào tạo ở HCM”. Và đó là câu trả lời điểm thấp điển hình.
Vì sao? vì câu trả lời của bạn không giúp người phỏng vấn đánh giá được bất cứ năng lực gì.
Người phỏng vấn chấm điểm câu trả lời của ứng viên theo các tiêu chí sau:
- Hiểu câu hỏi
- Có chiến lược chuẩn bị
- Khả năng nhận định các giải pháp khả thi
- Khả năng lựa chọn 1 giải pháp tối ưu
- Khả năng giao tiếp, thuyết phục người khác về giải pháp mình đề xuất.
Đáp án đúng ít quan trọng bằng cách bạn tổng hợp, phân tích thông tin, và hướng tiếp cận để đưa ra giải pháp.
Say đây là 7 điểm lưu ý để có câu trả lời tốt trong phỏng vấn GCA của Google:
1. Sau khi nghe câu hỏi hãy dừng 1 chút
Nếu chưa thực sự hiểu câu hỏi bạn có thể hỏi lại. Đừng nôn nóng nhảy ngay vào trả lời, đưa giải pháp.
2. Đặt câu hỏi để khai thác thêm thông tin làm rõ yêu cầu
Như bạn thấy câu hỏi ví dụ ở trên quá rộng và ít thông tin. Hãy đặt câu hỏi để thu thập thêm thông tin, ví dụ như mục tiêu của việc mở trung tâm này là gì? ngân sách là bao nhiêu tiền? Đối tượng đào tạo hướng tới là ai? Học sinh tốt nghiệp cấp 3, hay SV mới tốt nghiệp ĐH, hay người đang đi làm.
Bạn có thể thoải mái sáng tạo câu hỏi, miễn là có ích cho việc đưa ra giải pháp. Tránh việc hỏi chỉ cho có.
3. Đưa ra các giả định
Bạn không thể đặt quá nhiều câu hỏi như cách mẹ vợ tương lai hỏi bạn trai của con gái trong ngày đầu ra mắt được. Chỉ nên hỏi 3-5 câu quan trọng thôi. Những thứ khác bạn có thể đưa ra giả định. Ví dụ, bạn sẽ đưa ra giả định “Tôi có 1 team hỗ trợ, ngân sách khoảng 10 triệu đô, cần phải khai trương trong năm nay, v.v”
4. Chia sẻ quá trình bạn tư duy khi đưa ra giải pháp
Hãy luôn nhớ giải pháp ít quan trọng bằng việc bạn đã tư duy thế nào? nghĩ gì trong quá trình đưa ra giải pháp.
Ví dụ: Tuần đầu tiên, tôi đề nghị nhóm A tiến hành thực hiện khảo sát online về nhu cầu đào tạo của nhóm đối tượng trên để xem họ tập trung ở đâu từ đó sẽ biết nên mở trung tâm ở thành phố nào. Sau đó, tôi đề nghị team B liên hệ với các công ty môi giới BĐS để nhận báo giá về địa điểm sẽ mở để xem ở đâu phù hợp ngân sách. Kiểu kiểu vậy. Không cần quá dài, khoảng 5 đầu việc lớn là đủ.
5. Cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu
Luôn có hơn 1 giải pháp để giải quyết 1 vấn đề. Người phỏng vấn muốn đánh giá khả năng lựa chọn, đưa ra quyết định của ứng viên. Vì thế hãy thể hiện điều này trong câu trả lời.
Ví dụ “Sau khi khảo sát tôi nhận thấy có 2 thành phố phù hợp để mở là HCM và Quy Nhơn. Tôi đề xuất chọn Quy Nhơn vì Thành phố này có chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ tốt, có làng công nghệ gần bãi biển đẹp, thu hút được nhiều SV các vùng lân cận, vân vân” Bạn có thể sáng tạo câu trả lời, nhớ là các lý do bạn đưa ra phải khớp với phần bạn đặt câu hỏi và giả định đã thực hiện ở phần trước đó.
6. Cách đo lường, đánh giá thành công
Trong tư vấn, mọi giải pháp đưa ra đều phải đi kèm với những KPI. Nên trong câu trả lời của bạn nhớ có thêm mục này. Ví dụ bạn có thể đưa KPi là dự án không bị vượt ngân sách, khai trương trước tháng 12, tuyển được 1.000 SV cho khoá đầu.
7. Nhớ liên quan tới vị trí mà bạn đang ứng tuyển
Như bài trước tôi đã nói, trong các cuộc phỏng vấn Google đều đánh giá khả năng đáp ứng công việc của bạn (RRK). Nên tốt nhất nên lồng nó vào mọi câu trả lời.
Ví dụ ở câu hỏi ví dụ trên, nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí marketing thì nên tập trung vào việc marketing ví dụ như khảo sát nhu cầu người dùng, kế hoạch truyền thông, v.v . Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí công nghệ thì có thể thiên về thể hiện khả năng quản trị dự án. Nên tránh trường hợp tự đưa mình vào thế khó.
Nếu bạn trả lời theo 7 lưu ý ở trên, tôi tin là bạn sẽ có kết quả tốt ở vòng GCA và chuyển sang vòng tiếp theo.
Có một cuốn sách rất hữu ích nếu bạn đang muốn hiểu thêm và tìm kiếm cơ hội việc làm tại Google là “Work Rules!” của Laszlo Bock, phó chủ tịch cấp cao phụ trách Nhân sự của Google, các bạn nên đọc.
Work Rules! – Laszlo Bock
IV. Kinh nghiệm phỏng vấn vòng Leadership và Googleyness ở Google
Vòng phỏng vấn thứ 5 ở Google là Leadership và Googleyness. Cũng có khi được tách thành 2 vòng phỏng vấn riêng rẽ. Mục đích của vòng phỏng vấn này là đánh giá khả năng lãnh đạo, khả năng làm việc nhóm, phong cách làm việc của ứng viên.
Google muốn đánh giá điều gì ở ứng viên?
Có thể hiểu những vòng trước (RRK, GCA) thiên về việc bạn có khả năng làm được công việc không. Vòng này thiên về việc đánh giá bạn có “vui” khi làm việc với những người khác ở Google và ngược lại hay không. Điều này khá quan trọng vì nếu bạn “vui” bạn sẽ cống hiến nhiều và lâu dài cho tổ chức hơn.
Cụ thể hơn, Google muốn tìm những ứng viên “Googleyness” là những người có khả năng phát triển và thích ứng trong môi trường hay thay đổi, nhịp độ cao, có khả năng giải quyết vấn đề trong những tình huống không rõ ràng (như đã chia sẻ ở phần 2). Những người luôn thách thức hiện trạng (challenging status quo). Ví dụ khi thế giới chấp nhận công vụ tìm kiếm của Yahoo là tốt nhất, Googler tin rằng có cách khác tìm kiếm hiệu quả hơn, và họ tìm cách thực hiện nó. Những người luôn đặt khách hàng lên trước, quan tâm tới mọi người và làm những điều đúng đắn. Google cũng đánh giá cao những người biết lắng nghe những góp ý của người khác, cả khen lẫn chê để phát triển và hoàn thiện bản thân.
Như mọi công ty khác, Google cũng mong muốn nhìn thấy tố chất lãnh đạo (leadership) ở ứng viên bất kể họ ứng tuyển ở vị trí quản lý hoặc nhân viên. Khả năng lãnh đạo khác với kỹ năng quản lý nhóm. Ví dụ dù bạn là nhân viên cấp thấp, nhưng bạn sử dụng kỹ năng giao tiếp, khả năng thuyết phục để huy động người khác trong công ty, ngoài xã hội, hoặc cấp trên của bạn tham gia cùng làm một việc gì đó ví dụ như xây trường cho trẻ vùng cao, chạy bộ quanh Hồ Tây hàng tuần, v.v . Những hành động đó thể hiện được khả năng lãnh đạo. Trong bài phỏng vấn Leadership này, Google cũng muốn thấy khả năng quản lý dự án, cách bạn hoàn thành mọi việc một mình hoặc khi phối hợp với các thành viên khác. Ngay cả khả năng phát triển bản thân thông qua việc học những điều mới và chia sẽ cho những người khác cũng là 1 biểu hiện của tố chất lãnh đạo.
Cách vượt qua câu hỏi phỏng vấn hành vi của Google
Để tìm ra những ứng viên có 2 tố chất trên, Google sử dụng các hỏi về hành vi (behavioral questions). Người phỏng vấn sẽ yêu cầu ứng viên kể một tình huống đã xảy ra trong quá khứ về một nội dung nào đó. Ví dụ “Hãy kể về 1 tình huống bạn bất đồng ý kiến với Sếp”.
Đây là 1 dạng câu hỏi phỏng vấn được nhiều hãng công nghệ sử dụng. Bạn có thể Google tìm hiểu thêm về cách thức trả lời hoặc có thể sử dụng cấu trúc S.T.A.R (Situation, Task, Action, Result). .
- Situation (Tình huống): Câu chuyện cũng giống như 1 vở kịch, sân khấu phải được thiết lập trước khi câu chuyện bắt đầu. Truyện xảy ra vào thời điểm nào, khi đó bạn làm ở công ty nào, nhiệm vụ của bạn ở công ty đó là gì.
- Task (Nhiệm vụ): Tiếp theo bạn cần đưa thêm các nhân vật vào, thiết lập bối cảnh cho câu chuyện để mọi người hiểu tình huống mà bạn sắp kể. Ví dụ bạn bất đồng ý kiến với Sếp trong hoàn cảnh nào, giữa cuộc họp toàn công ty hay khi đang trao đổi 1:1 về dự án, nguyên do của sự bất đồng đó.
- Action (Hành động): Đây là phần quan trọng nhất của một câu chuyện. Người nghe muốn nhìn thấy 1 chuỗi các hành động. Ví dụ: Dù không thực sự đồng ý với Sếp tôi vẫn cố gắng lắng nghe hết. Tôi đặt vài câu hỏi làm rõ. Tôi hẹn gặp trao đổi riêng với Sếp. Tôi thu thập thêm thông tin. Trong cuộc họp 1:1 tôi đã nêu ra những ảnh hưởng nếu chúng tôi thực thi. v.v.
- Result (Kết quả) và bài học (Learning): Cuối cùng là hạ màn kết thúc câu chuyện. Sau một chuỗi hành động giải quyết xung đột, kết quả đạt được là gì. Bạn rút ra bài học gì từ câu chuyện đó. Bài học này có giúp công ty cải tiến quy trình không. Mối quan hệ giữa bạn với Sếp sau đó thế nào. v.v
Như vậy bạn đã hiểu mục tiêu của cuộc phỏng vấn Leadership và Googleyness. Bạn đã biết Google tìm kiếm những đặc điểm nào từ ứng viên. Hiểu về câu hỏi phỏng vấn hành vi và cách thức trả lời. Giờ là lúc bạn cần thực hành và luyện tập. Hãy chuẩn bị sẵn vài câu chuyện, kể theo cấu trúc S.T.A.R để khắc hoạ những nét tính cách mà bạn muốn Google biết.
Mẹo phỏng vấn tuyển dụng vào Google
Có thể áp dụng 2 mẹo nhỏ dưới đây sẽ khiến buổi phỏng vấn hiệu quả và vui vẻ hơn.
- Mẹo 1: Là người kể chuyện chứ không chỉ là người trả lời câu hỏi.
Câu chuyện có bối cảnh, có nhân vật (là bạn) được khắc hoạ bởi một chuỗi các hành động. Nhà báo Đức Hoàng của Vnexpress đã nói rằng “Hành động hiệu quả cao nhất khi nó đặt trong bối cảnh xung đột, các xung đột dần đẩy lên cao trào, quyết định trong xung đột làm nên tính cách của nhân vật.”
- Mẹo 2: Hãy giữ câu chuyện được liền mạch, liên tục.
Thay vì mô típ 1 người hỏi 1 người trả lời như kiểu phỏng vấn, hỏi cung. Hãy đưa đẩy câu chuyện đi tiếp, bằng một câu hỏi (follow up) sau khi kết thúc phần trả lời. Để gợi mở ra hướng trao đổi tiếp theo khiến cuộc hội thoại sẽ liên tục đi từ tình huống này sang tình huống khác mà không bị đứt đoạn.
Có một cuốn sách rất hữu ích nếu bạn đang muốn hiểu thêm và tìm kiếm cơ hội việc làm tại Google là “Work Rules!” của Laszlo Bock, phó chủ tịch cấp cao phụ trách Nhân sự của Google, các bạn nên đọc.
Work Rules! – Laszlo Bock
Xem thêm:
- Trượt đại học – tôi đã tiếp tục tương lai phía trước như thế nào?
- Vì sao nhiều người giỏi nhưng vẫn nghèo?
- Bí quyết thăng tiến nhanh trong công việc
–
MENBACK.COM