Lời khuyên này dành cho các bạn sinh viên đang đi thực tập hay mới ra trường.
Theo như mình quan sát, các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm khi mới đi làm thường hay phải nghe những kiểu là phải biết cách “lấy lòng” các sếp thì mới thực sự được trọng dụng. Bởi lẽ môi trường công sở luôn dành sự ưu ái cho những người với tính cách hướng ngoại, nhiệt tình và sôi nổi hơn.
Cá nhân mình là một người hướng nội, đã có kinh nghiệm đi làm từ part-time đến full-time đến nay được khoảng 4 năm. Tuy quãng thời gian đó chưa phải là nhiều, nhưng dựa trên nhiều trải nghiệm thực tế ở các môi trường khác nhau, mình nghĩ ý kiến trên không đúng.
Và mình muốn chia sẻ quan điểm của mình để phần nào giúp các bạn trẻ cũng đồng trang lứa với mình, cũng như các em bé đang băn khoăn, lo sợ, có thể sẵn sàng và tự tin hơn cho những công việc đầu tiên của mình.
“Khéo nịnh” khác với “Khéo ăn nói”.
Trước tiên, phải phân biệt được rõ một người “nịnh hót” và một người có kỹ năng giao tiếp tốt.
Một người giỏi “nịnh hót” có thể sẽ có được thăng tiến trong công việc bởi những người sếp ưa nịnh, nhưng một người có kỹ năng giao tiếp tốt chắc chắn sẽ được trọng dụng – bởi bất kỳ người sếp nào.
Quy tắc của mình khi giao tiếp với cấp trên chỉ bao gồm lễ phép và thành thực mà thôi. Cộng thêm việc khả năng chuyên môn đáp ứng được yêu cầu, mình luôn có những mối quan hệ tốt với sếp mà không cần phải nói quá nhiều chuyện bên ngoài chuyện công việc.
Chính vì vậy trong một số trường hợp, trước khi thật sự để tâm đến việc sếp hình như có phải đang “bê đỡ” ai đó vì người kia khéo miệng hay không, bạn hãy phân biệt rõ ràng được hai khái niệm trên. Và sau đó, nhìn lại khả năng của mình.
Nếu bạn là một người có năng lực, khéo ăn nói.
Nếu như bạn nhận ra bản thân có thừa sức để đáp ứng được tiêu chuẩn giao tiếp tốt cơ bản, đồng thời có năng lực chuyên môn đủ tốt, thì mình nghĩ bạn có thể bỏ ngoài tai mọi lời “đe dọa” của những người đi trước để tập trung phát triển cả hai thế mạnh của mình, trong bất kỳ môi trường nào bạn muốn thử sức.
Nếu bạn là một người có năng lực nhưng trầm tính.
Cá nhân mình nghĩ không sao cả. Bạn không cần phải thay đổi bản thân để sếp thích mình hơn. Chỉ cần, như mình đã nói ở trên, thực hiện tốt kỹ năng giao tiếp ở mức độ cơ bản. Đồng thời, bạn hãy biến năng lực thành tiếng nói của mình.
Bởi hiện tại đó là điểm mạnh duy nhất bạn có. Hãy cố gắng khẳng định năng lực chuyên môn của bản thân cho đến một ngày ai cũng nghe thấy và công nhận vai trò của bạn, mà không cần phải bù đắp bằng những lời hoa mỹ khác.
Nếu sếp của bạn thực sự ưa nịnh – theo đúng nghĩa đen của nó.
Nếu sếp hiện tại của bạn để những lời bệ đỡ ngọt tai lấn át tất cả những cố gắng, thành quả mà bạn xứng đáng được nhận, thì mình nghĩ dù bạn có khả năng giao tiếp tuyệt vời đi chăng nữa, cũng đừng ở lại môi trường làm việc đó.
Vì mình tin chắc ngoài kia còn nhiều vị sếp có tâm có tầm hơn xứng đáng để chúng ta học hỏi, bằng năng lực và sự cống hiện thực sự của mình.
Xem thêm: Bằng cấp có thực sự quan trọng hay không?
–
MENBACK.COM