Một buổi chiều thứ 6 mùa hè 2002, những người làm việc ở Văn phòng Google bắt gặp trên bảng tin khu vui chơi những tờ giấy in kết quả tìm kiếm và quảng cáo hiển thị. Trên những tờ giấy đó có 1 dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng mực đỏ “Vớ Vẩn”.
Kỹ sư Jeff tình cờ có mặt ở văn phòng buổi chiều hôm đó. Trong khi nhâm nhi tách cafe Jeff nhìn thấy những tờ giấy trên bảng tin. Ông quan sát và cũng nhận thấy “sự vớ vẩn” nào đó. Có 1 sự không liên quan giữa kết quả tìm kiếm và quảng cáo hiển thị.
Cạnh đó có mấy kỹ sư khác đang reo hò trong 1 trận cầu bi lắc sôi động. Jeff hỏi họ xem có thấy tờ giấy đính trên bảng thật sự vớ vẩn không. Rất nhanh chóng cả nhóm bỏ lại cuộc đấu dang dở và lao vào 1 trò chơi mới hấp dẫn hơn “truy tìm căn nguyên của sự vớ vẩn”. Mấy cái đầu chụm lại thảo luận sôi nổi, hý hoáy phác hoạ lên bảng, rồi phân công nhau công việc trước khi rời văn phòng cho kỳ nghỉ cuối tuần.
5 giờ sáng thứ 2, Jeff Dean thay mặt nhóm kỹ sư (gồm Georges, Ben, Noam, và Olcan) gửi thư cho Larry mô tả về “sự vớ vẩn” trên bảng tin kèm theo bảng phân tích căn nguyên dẫn đến sự “vớ vẩn” đó, miêu tả giải pháp để giải quyết, kèm theo 1 bản demo mà 5 người đã thực hiện trong kỳ nghỉ cuối tuần.
Khỏi phải nói, Larry Page đã mừng thế nào khi nhận email đó. Bởi vì mấy tờ giấy ghi chữ vớ vẩn trên bảng tin do chính ông dán lên vào thứ 6 tuần trước.
Sớm thứ 6 đó, Larry Page lang thang vào Google tìm kiếm mẫu xe máy cổ bằng cách gõ cụm từ “Kawasaki H1B”. Trong khi 1 vài kết quả tự nhiên (organic) hiển thị khá đúng với mong muốn của người tìm thì các kết quả trả phí (paid) lại hiện ra khá nhiều quảng cáo từ các hãng luật hoặc luật sư cho dịch vụ tư vấn cho người nhập cư (diện H1B).
Khỏi phải nói Larry Page đã hốt hoảng thế nào. Nếu ở 1 công ty khác, với cương vị là CEO hẳn Larry sẽ gọi người đứng đầu bộ phận đó đến và sau đó là hàng tá cuộc họp diễn ra trong nhiều tuần để phân tích, mổ xẻ vấn đề và phân công công việc. Nhưng Larry chỉ lẳng lặng in kết quả hiển thị ra giấy rồi dán lên tường và ghi chữ “Vớ vẩn” vào.
Trong email Larry nhận được sáng thứ 2, Jeff đã mô tả căn nguyên và đưa ra đề xuất kết quả hiển thị nên được dựa trên mức độ phù hợp với nội dung tìm kiếm chứ không theo số tiền 1 lượt click mà nhà quảng cáo sẵn sàng móc hầu bao. Sau này trở thành kim chỉ nam cho Google AdWorlds cũng như nhiều bộ phận khác của Google sau này.
Tôi thích câu chuyện này, vì cả hành động của Larry Page lẫn Jeff và cộng sự đều thể hiện rõ văn hoá của Google. Jeff không thuộc ban quảng cáo, việc hiển thị QC vớ vẩn cơ bản là không liên quan tới bộ phận của Jeff. Dù chỉ tình cờ nhìn thấy bản ghi chú của Larry, là một kỹ sư Jeff hiểu rằng sứ mệnh của mình là “sắp xếp thông tin của thế giới, khiến nó hữu dụng và có thể truy cập toàn cầu”. Vì vậy anh và các kỹ sư khác cảm thấy cần phải sửa lại thuật toán hiển thị quảng cáo (sắp xếp thông tin) để không gây khó chịu (làm nó hữu dụng).
Thứ thôi thúc Jeff và 4 kỹ sư khác có thể dành cả kỳ nghỉ cuối tuần để sửa lại sai sót của ai đó dù không bị ai thúc ép chính là văn hoá doanh nghiệp. Nói cho đúng hơn Văn hoá Doanh nghiệp đã thu hút những “hiệp sỹ” như Jeff, Georges, Ben, Noam và Olcan tới làm việc cho Google nơi họ được trao quyền tự do giải quyết bất kỳ vấn đề nào có thể cản trở thành công của doanh nghiệp.
Thứ văn hoá này sẽ có ích hơn nhiều lần những bản tuyên ngôn sáo rỗng được viết chỉn chu, đóng khung kính và treo khắp các phòng họp của công ty.
Bạn nên đọc: Kinh nghiệm phỏng vấn tuyển dụng ở Google
–
MENBACK.COM